TIN TỨC
icon bar

Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-07-17 01:46:10
mail facebook google pos stwis
970 lượt xem

Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam)

NGUYÊN HÙNG

Những dòng sông – khởi nguồn sáng tạo thi ca

Các dòng sông luôn là nơi khởi nguồn cho những áng thơ bất hủ, những giai điệu sống mãi với thời gian. Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.300 con sông lớn nhỏ, là nguồn cảm hứng thường trực và phong phú cho những lời ca, điệu hát không ngừng được cất lên:

Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà…
        (Trở về dòng sông tuổi thơ – Hoàng Hiệp)


Những dòng sông – khởi nguồn sáng tạo thi ca. Ảnh: Hà An

Quả vậy, trong tim mỗi người Việt đều có một dòng sông riêng mình. Con sông ấy luôn chảy trong ta, gắn bó với ta qua mọi khúc thăng trầm từ tình yêu cho đến sự nghiệp, kể cả những phận người vì mưu sinh, vì học hành mà phải tha phương đến những miền đất xa xôi:

Đời hai ta gắn bó với hai sông
Em Vàm Cỏ Tây anh Vàm Cỏ Đông
Mỗi tối chiều lên chao sóng nước
Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng
        (Thì thầm với dòng sông – Hoài Vũ và Thuận Yến).

Dòng sông của người nghệ sĩ có thể mềm mại như sông Đáy hoặc nhiều thác ghềnh như sông Đà. Đó có thể là dòng sông từng làm say bao mặc khách tao nhân như dòng Hương giang thơ mộng: “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say” (Nguyễn Trọng Tạo); cũng có thể là dòng Lam giang “dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn/… nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” (Khúc hát sông quê – Lê Huy Mậu và Nguyễn Trọng Tạo).
 

Sông Lam – hồn quê xứ Nghệ


Có rất nhiều bài thơ, bài hát về sông Lam làm say đắm lòng người. Ảnh: Hà An

Chỉ riêng về sông Lam, đã có rất nhiều bài thơ, bài hát làm say đắm lòng người. Có lẽ, vì sông Lam là dòng sông di sản; là dòng chảy của lịch sử, của nền văn hóa xứ Nghệ từ bao đời nay; là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những câu hò, điệu ví; là nơi đã sinh ra những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh…  Sông Lam không trong xanh thơ mộng suốt bốn mùa mà khi trong khi đục, khi hiền hòa, khi dữ dội như chính con người xứ Nghệ, chân chất, mộc mạc nhưng chung thủy, kiên cường. Viết về sông Lam, có lẽ khó tìm ai viết hay hơn Trần Mạnh Hảo, một người thơ quê Nam Định:

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi
Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời.

Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…
        (Sông Lam – Trần Mạnh Hảo)

Bài thơ “Sông Lam” có nhiều câu thơ xuất sắc và được không ít người làm thơ và yêu thơ đánh giá là bài thơ hay nhất về xứ Nghệ. Khi được hỏi vì sao một người quê Nam Định lại có thể viết về xứ Nghệ hay đến thế, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã bộc bạch rằng, ông viết thơ về xứ Nghệ nhằm trả món nợ với hai người Nghệ An là thầy giáo hiệu trưởng trường cấp 3 Nghĩa Hưng, Nam Định kiêm dạy văn Lê Văn Trạm (quê Thanh Chương) và nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh (tức Nguyễn Thành Vân, quê Nghi Lộc). Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh là người đã đưa Trần Mạnh Hảo từ đơn vị chiến đấu trong rừng về làm báo Văn nghệ quân giải phóng. Và năm 1964, khi đi bè luồng trên Sông La huyện Đức Thọ, Trần Mạnh Hảo suýt chết đuối vì bè chìm. May quá, khi Trần Mạnh Hảo rơi xuống đáy sông, và hình như đám mây xanh dưới sông xưa đã vớt ông lên bờ, sống sót. Món nợ ân tình với những người sinh ra bên dòng sông Lam, với chính dòng sông hộ mệnh nơi xứ Nghệ đã thôi thúc Trần Mạnh Hảo viết nên “Sông Lam” và “Gió Ngàn Hống”, những áng thơ đỉnh cao về sông Lam và xứ Nghệ.

Chính sông Lam đã hình thành nên phong tục tập quán, cách ứng xử; tạo nên bản sắc văn hóa xứ Nghệ độc đáo không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Dòng sông đã từng chảy qua bao cuộc đời, chuyên chở biết bao số phận với nỗi nhọc nhằn, cay đắng gian truân. Và đây là ký ức về người mẹ trong ca khúc Chấp chới sông Lam của Nguyễn Lê Trung và Minh Quang:

Hai triền sông Lam… mòn vẹt
Hai triền sông Lam… gió
Một chuyến đò nan
chênh chênh
đẩy đưa thân mẹ,
tóc xanh tận bạc mái đầu…
Một đời mẹ lận đận,
lận đận nuôi con
Một đời
đồng sâu,
sương muối…

Nhà giáo Đường Văn (Hà Nội), coi đây là một trong 2 bài hát hay nhất về mẹ (cùng Mẹ tôi của Trần Tiến). Ông viết: “Lời thơ và câu hát chơi vơi, chênh chao gợi lên hình ảnh bảng lảng, thực hư, ảo huyền, như có, như không của một vong linh, hương hồn mẹ đang mải miết vân du, thích thảng, thênh thênh khắp cõi không màu cùng thế giới các đấng – bậc Tiên Hiền…”


Sông Lam buổi hoàng hôn. Ảnh: Hà An

Với ca khúc “Hồn sông”, cũng là đứa con tinh thần chung của Nguyễn Lê Trung và Minh Quang, người đọc thơ và người nghe nhạc sẽ gặp một sông Lam “ngầu nắng đỏ trời” dưới cái nắng cháy da cháy thịt và “ngầu lũ đỏ đồng” khi lũ từ đầu nguồn đổ về:

Sông Lam trong
Sông Lam đục
Sông Lam ngầu nắng đỏ trời
Sông Lam trong
Sông Lam đục
Sông Lam ngầu lũ đỏ đồng

Dòng đục trong,
mưa nắng lại đi, mưa nắng lại về.
Giọt phù sa,
phù sa trôi nổi,
ngàn năm bồi đắp,
hồn quê.

 Sông Lam ơi,
áo tơi trên đồng, áo tơi che lòng,
người đi.
Sông Lam ơi,
nắng mưa đội đầu,
dẫu trong dẫu đục,
sông ơi.

Cảm nhận về ca khúc “Hồn sông”, nhà báo Bích Thảo, một người yêu nhạc đã viết: “Sự đắc địa, tinh tuý của ngôn từ như những phát súng liên thanh tác động trực tiếp vào tim và não người nghe, tạo ra hàng loạt đối ngẫu về ý thơ, điệu nhạc. Việc vận dụng liên tục các cặp từ đối nhau: trong – đục, mưa – nắng, đầy – vơi, đi – ở… trong kết cấu liên hoàn và biền ngẫu đã làm hiện lên sống động hồn sông Lam toàn vẹn, nhiều chiều kích trong hàng nghìn năm lịch sử. Tất cả tinh hoa, giá trị văn hóa nghệ thuật, truyền thống đánh giặc anh hùng, những cơ cực lầm than trong mỗi kiếp người… đều ôm hết trong Hồn sông!”. Và đây là lời bình của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu: “Nhờ ca từ chắt lọc, súc tích, đầy hình tượng mà mỗi khi giai điệu cất lên, người nghe lại thảng thốt. Sự lặp lại hai lần Sông Lam trong, Sông Lam đục với ngầu nắng đỏ trờingầu lũ đỏ đồng càng làm cho người nghe thêm day dứt, xúc động. Cách lặp lại này làm cho giai điệu và ca từ có thêm sức cuốn hút người nghe”.

Những đặc điểm tự nhiên của dòng Lam và miền đất nơi đây đã góp phần hình thành phong cách và tố chất văn chương nghệ thuật để sáng tạo nên những giá trị tinh thần của người xứ Nghệ, mà tiến sĩ Nguyễn Lê Trung là một ví dụ. Anh là người con của vùng đất Cửa Hội, nơi sông Lam đổ ra biển, lớn lên và trưởng thành từ hồn sông – hồn quê như thế. Dù đi đâu, làm gì thì trong anh vẫn luôn cất lên tiếng thơ, điệu nhạc của sóng nước Lam giang. Anh không chỉ viết ca từ rất thơ cho các bài hát mà còn có giọng hát trầm ấm, lôi cuốn bởi sự sâu lắng và da diết, đặc biệt với những ca khúc do anh trực tiếp cùng nhạc sĩ Minh Quang sáng tác. Các bài hát về quê hương qua chất giọng Nguyễn Lê Trung giúp người nghe có thể thấu cảm đến tận cùng hồn sông, hồn quê xứ Nghệ.


Nhạc sĩ Minh Quang (trái) và Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung, tác giả của chùm ca khúc về các dòng sông. Ảnh: NVCC.

Sinh ra bên dòng Sông Mã và sông Chu, nhạc sĩ nghệ sĩ ưu tú Minh Quang cùng tiến sĩ Nguyễn Lê Trung, người con của sông Lam, đã viết nên ca khúc “Quê tôi” có nhiều hình ảnh chắt lọc quyện vào giai điệu đầy tình tứ và tự hào:

Quê tôi bên bờ sông Mã
Nước gương trong khỏa tím Vọng Phu
Quê tôi bên bờ sông Chu
Bãi dâu bờ lau gọi lời Trống Mái.

Người yêu nhạc có thể nhận thấy, nhạc sĩ Minh Quang rất có duyên với những dòng sông. Trước “Chấp chới sông Lam”, “Hồn sông”, “Quê tôi”, ông đã nổi tiếng với bài hát Sông Lô chiều cuối năm” từng mê hoặc bao thế hệ người nghe nhạc bởi giai điệu và lời ca:

Ai bỏ quên giữa dòng
Câu thơ nói về một người con gái
Bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về
Sông Lô chiều cuối năm ai tìm về bên ai
Ta tìm về bên em…

Cây đào ngày Tết sắp ra hoa
Sao người con gái ấy nơi đâu
Để lại bến sông kia bâng khuâng một con đò.

Ngoài chùm ca khúc về những dòng sông, những miền quê cụ thể, cặp đôi Nguyễn Lê Trung – Minh Quang còn có ca khúc “Dòng sông nhân từ” tinh tế và thấm đẫm triết lý nhân sinh:

Sóng vỗ, đại dương bốn mùa sóng vỗ
Núi cao ôm ấp dòng sông
Dòng sông bao dung,
dòng sông nhân từ
Núi cao lại khuất núi cao.
        (Dòng sông nhân từNguyễn Lê Trung và Minh Quang)

Trên mảnh đất hình chữ S, những dòng sông là những mạch nguồn quý giá, đem lại dòng nước mát, tắm xanh cây trái, ruộng đồng. Sông gắn với những vùng đất, những nét văn hóa, những chiến công dựng nước và giữ nước. Sông đi vào thơ, vào nhạc, để lại cho đời những giá trị tinh thần vô giá, làm nên hồn quê không thể phai mờ trong mỗi tâm hồn người Việt. Nhiều thế hệ mai sau sẽ còn ngỡ ngàng trước một “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, còn lắng lòng “nghe gió sông Hồng thổi” (“Mong về Hà Nội”) của Dương Thụ, còn xao xuyến khi nghe “Thì thầm với dòng sông” của Thuận Yến – Hoài Vũ…

Riêng với người xứ Nghệ, tôi tin rằng, người yêu thơ yêu nhạc sẽ còn nhớ mãi những thi ảnh “Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát” (Trần Mạnh Hảo), sẽ còn xúc động trước những hồi ức “vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” (Nguyễn Trọng Tạo – Lê Huy Mậu) và sẽ còn chênh chao, day dứt, bâng khuâng cùng “hai triền sông Lam mòn vẹt” hay “Sông Lam ngầu nắng đỏ trời” (Minh Quang – Nguyễn Lê Trung)…

Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.

Trích đoạn 2 ca khúc về sông Lam của Nguyễn Lê Trung và Minh Quang


 

Dựng clip: Nguyên Hùng

N.H.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm