- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
Nhà văn KAO SƠN
Nhà văn Kao Sơn
Năm 2017 Nguyên Hùng đã nhặt nhạnh, tìm kiếm tới hàng ngàn mảnh rời rạc rồi sàng lọc, sắp xếp chúng lại cho khả dĩ có thể qua đó phần nào lột tả được dù chỉ một phần nhỏ gương mặt 102 người văn. Và anh gọi đó là những mảnh ghép văn nhân. Lần này là “81 ký họa thơ”. Nghĩa là cũng như lần trước, Nguyên Hùng dùng thơ để vẽ chân dung bạn văn. Mục đích vẫn là để tri ân, tri âm, tri tình với những người mà anh yêu mến.
“Đây chưa phải là tập hợp những nhân vật tiêu biểu được chọn (trong số hàng ngàn nhà văn nhà thơ Việt Nam) mà chỉ chỉ gồm các phác họa về những tác giả thân quen hoặc những tên tuổi mà tôi được đọc hoặc ít nhiều hiểu về họ và đem lòng quý mến”. Bên cạnh đó anh cũng nói rõ, ưu tiên cho những nhà văn nhà thơ (kể cả người đã mất hay còn hoạt động) trong lĩnh vực quốc phòng, lực lượng quân đội, vũ trang nhân dân… đồng thời khiêm tốn: “Tác giả coi tác phẩm này như một cuốn Kỷ yếu nho nhỏ và hy vọng nó có thể giúp bạn đọc biết thêm hoặc nhắc nhớ về tác phẩm của các nhà văn nhà thơ…”. Thế thôi. Rất rõ ràng.
Hai lần với hai tác phẩm có thể coi là giống nhau cả về Chủ đề, Mục đích và Nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt. HAI TRONG MỘT - Sẽ là khó nếu như non tay với cảm giác trùng lặp. Nhưng Nguyên Hùng đã vượt qua. Anh viết cẩn trọng hơn và dùng từ “ký họa”. Vẫn là chân dung nhưng ở dạng ký họa. Nghĩa là chỉ chọn lấy những đường nét cơ bản nhất, có ý nghĩa nhất, cô đọng nhất và tập trung vào cái Thần thái là chính. Không cần phải bày hàng. Không cần tốn nhiều bút mực để mô tả, dựng dã. Dẫu vậy, đã gọi chân dung thì phải giống. Phải nhìn ảnh, nhìn họa mà thấy người. Viết, dùng chữ để vẽ chân dung, một chân dung theo đúng nghĩa đen của nó, lại càng không dễ. Bởi cái chân dung ấy không thể nhìn bằng con mắt thường mà phải bằng trái tim. Dùng trái tim để nhìn trái tim và rồi để vẽ một trái tim. Trái tim không cùng nhịp đập thì vẽ nhau là không trúng, không giống. Có thể “đẹp” hơn nhưng ít giá trị. Mặt khác, nếu chỉ là ký họa lại không thể dùng tới quá nhiều đường nét, màu sắc. Thế thì cần rất nhiều một dồn nén, một chọn lọc tinh xảo.
Mỗi con người mang một số phận bí ẩn. Để nhận diện được họ một cách chân xác hoàn toàn không hề dễ. Khoa học có cách để giúp các nhà quản lý định danh gắn chip, nhận diện khuôn mặt, thậm chí có thể quản lý mọi hành vi của mỗi cá thể, nhưng để biết họ nghĩ gì thì không. Mà nghĩ lại là thuộc tính người cơ bản nhất. Với các nhà văn, các nghệ sỹ lại càng khó. Bởi mỗi người trong số họ đều là những vì sao cô đơn với hành trình riêng biệt không thể định danh. Cho dù văn là người. Đã có không ít những văn nghệ sỹ mà hành động sống, những biểu hiện bên ngoài của họ khác xa với tác phẩm mà họ sáng tạo nên. Bởi tác phẩm chứa đựng lòng mong mỏi, khao khát vươn tới chứ không đơn thuần là biểu hiện hiện tại. Cái bản thể của mỗi văn nghệ sỹ chứa trong nó một con tim luôn cựa quậy, luôn trăn trở với bao nên và không nên. Muốn và không muốn. Cùng đó là mơ ước. Còn phải, phải thế nọ, phải thế kia lại là ý chí, sản phẩm được hình thành từ kinh nghiệm, từ du nhập kiến thức của bộ não. Nhìn ra được, vẽ được cái “hồn Trương Ba” ẩn bên trong lớp “da hàng thịt” của mỗi người văn mới khó nhưng cũng là tuyệt nhất.
Chất liệu là tên các tác phẩm tiêu biểu, những câu thơ hay của “người mẫu”. Nhưng “khó” thì tất nhiên là rất khó. Với các nhà văn, nhà thơ lại càng khó. Văn là người. Ai cũng bảo thế. Văn của họ bày ra bằng giấy trắng mực đen, giữa thanh thiên bạch nhật, chả cần kính lúp cũng nhìn rõ từng dấu chấm phảy, chấm than, chấm… lửng lơ… Vậy mà… Nói là cứ lấy những tiêu đề tác phẩm, câu thơ nổi tiếng… của họ rồi ghép, khéo léo chút là được… thực không hề dễ. Phải “biết” nhau lắm mới làm nổi. Biết ở đây có nghĩa là đã từng quen thân, đã từng tâm tình chia sẻ. Hay chí ít cũng đã đọc nhau nhiều, thậm chí “phải lòng” những tác phẩm của nhau. Đọc nhau, hiểu cái căn cốt của nhau qua từng câu chữ. Và một điều quan trọng: Dù là một nhà thơ “chính hiệu, có nhãn mác, có thương hiệu” và dùng thể loại thơ để bày đặt, lắp ghép hay thay cho cây cọ, nhưng Nguyên Hùng không “làm thơ”, không “sáng tác” về họ theo nghĩa đen của từ này. Anh tôn trọng sự việc như khi viết một bút ký. Tất cả đều lấy từ chất liệu chính là tác phẩm của “người mẫu” nhưng được chọn lọc rất công phu. Giống như người họa sỹ theo trường phái sắp đặt đứng giữa ngổn ngang những đồ vật bắt mắt. Và cũng lại giống như người thợ dùng những chất liệu thô mộc để tạo bức tượng. Nhưng cát, xi măng, sỏi đá hay thạch cao, sắt thép gì thì cũng phải cái nào ra cái nấy. Không tạm bợ, vá víu. Không vay mượn. Không quàng qué cho xong. Nghĩa là tất cả đều được sàng sảy kỹ lưỡng. Cũng là đồ vật, chất liệu chứa trong bờ bãi ấy, quặng mỏ của vùng đất ấy nhưng dù có lóng lánh, bắt mắt đến mấy nhưng nếu không hợp với ý đồ, công việc thì dứt khoát không dùng. Nhiều người mẫu có lượng tác phẩm được liệt kê ra là khá nhiều nhưng, như Nguyên Hùng đã nói, khi đó, những liệt kê ấy chỉ có tác dụng làm một thông tin trong “cuốn kỷ yếu mini”. Còn chân dung về họ có khi lại chỉ được khắc họa bằng một vài nét cọ, nhát đẽo, dăm ba con chữ tiêu biểu. Ngắn nhưng nói hết được ý, lột tả hết được thần tướng, bày tỏ hết được nỗi lòng… thế là OK.
Có những bài người đọc đọc lên và rồi quên những câu chữ in nghiêng trong đó không còn là tên tác phẩm của người mẫu nữa mà là câu thơ, là tình của Nguyên Hùng rót vào. Ngay bài đầu tiên khi dựng chân dung nhà thơ Nguyễn Bính đã có cảm giác như vậy. Hoặc là Nguyễn Bính linh thiêng đã “tri bách dư niên hậu” sẽ có gã khùng Nguyên Hùng nào đó dùng những chữ của mình để vẽ chân dung mình chăng? Chi tiết ở Huế khi tết đến, nằm suông nhớ nhà “thuốc lào hút mãi người ra khói” trong thơ Nguyễn Bính được một lần nữa tái hiện “Ông lão mài gươm phun bã khói/ Một mình làm cả cuộc phân ly”… thì... thật giỏi. Nó không chỉ gói được cái bệnh nghiện thuốc lào ngày càng nặng, hút đến nuốt hết khói, chỉ còn “bã khói” của người mẫu. Kèm đó là tính cách sống ngang tàng của kẻ quân tử sinh bất phùng thời. Rồi cả cách bỏ hạ giới ra đi, một mình cưỡi mưa gió về giời chả giống ai của Nguyễn Bính nữa. Cô đơn một đời và cô đơn đến chết. Cách sống và cách chết của một con đại bàng.
Với Hoàng Cầm lại như một truyện ngắn, một câu chuyện về đời riêng người mẫu. Có Kiều Loan với bao niềm vui sướng / Vẫn lên đường tìm mãi lá diêu bông. Lấy ngay tên bài thơ nổi tiếng nhất của Hoàng Cầm để vẽ chân dung ông, cuộc đời riêng và cả tính “đa tình” của ông.
Văn Cao: Tự lúc nào trong âm thầm gác tối / Buồn tàn thu ám vận suốt một đời? Một phác họa mà khái quát tổng kết được cả đời người trong một câu thơ. Hé mở định mệnh. Thế thôi. Thế là đủ.
Hoàng Cát: Một chân mất bởi chiến tranh/ Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi... Tưởng đâu thanh thản cuối đời…/ Mà sao khổ nạn cõi người chưa buông... Là kể, là liệt kê. Như một khúc trong một bút ký ngắn.
Lưu Quang Vũ: Có phải vì buông lời ông không phải là bố tôi/ Đành ngậm ngùi dắt yêu thương rời cõi tạm? / Người trong cõi nhớ ơi, ai là thủ phạm/ Để công lý được đòi bất chấp những chiếc ô? Một nghi án được nêu lên từ mấy chục năm không lời giải được nhắc lại như một trăn trở một day dứt không nguôi. Ngầm nói đến những bất trắc vô thường mà những văn nghệ sỹ chân chính phải đón nhận. Sinh nghề tử nghiệp là vậy.
Hoàng Nhuận Cầm lại là một lối chiết tự tinh nghịch: Vẫn tỉ tê thơ tuổi hai mươi / đằng sau cánh cửa /Để nhuận vợ mấy lần vẫn cầm tuổi hoàng hôn.
Và như vậy, sự trân trọng chiết xuất từ tấm lòng mến mộ, cảm phục và yêu quý của Nguyên Hùng với đối tượng đã được bộc rộ rất rõ. Có câu thơ như đúc kết cho một đời người, đời văn. Có câu lại như một ám chỉ, một nhắc nhớ đến một sự cố nào đó mà người mẫu từng bị hứng chịu.
Có một khác biệt đáng chú ý. Khi viết về chân dung một vài nhà văn có tên tuổi khá nổi đình đám (ví dụ Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh…) một số người thường đưa ra các nhận định, có thể là khen hoặc chê. Điều này thuộc về quyền của người viết khi họ thể hiện đúng theo cảm nghĩ, cách nhìn nhận của mình. Đúng sai tùy thuộc trình độ, góc đứng trong hệ quy chiếu riêng và hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng nếu lại vì một thiên kiến có chủ ý, hoặc vì một mục đích cá nhân mà hơi quá… thì lại khác. Mất khách quan. Không có cái nhìn toàn cục, toàn diện. Nó có thể gây tạo nên một sự tò mò thích thú cho một đám đông vốn xem các scandal trong giới văn nghệ sỹ như một trò tiêu khiển. Nguyên Hùng vẫn dựng lại về nhân vật nổi tiếng ấy, vẫn dùng đến những tác phẩm của họ làm chất liệu nhưng theo cách nhìn của riêng anh. Thường là ấm áp, nhân hậu hơn, có sự thấu hiểu về hoàn cảnh điều kiện và chính vì thế cũng công bằng, hợp lí hơn. Anh ý thức được trách nhiệm của mình và nghiêm túc khi thực hiện trách nhiệm đó. Không bôi hồng tô son, không ngợi ca kiểu tung hô, đánh bóng. Không quét sơn lên thần tượng. Nhưng cũng không né tránh. Anh không bi kịch hóa, không vơ đũa cả nắm, không quy chụp vội vàng, không săm soi chỉ một khía cạnh, một góc mà luôn có cái nhìn mẫn cảm hơn, thấu hiểu và bao dung trong cái nhìn tổng quát, rộng lớn hơn. Và cũng có nghĩa, để làm được điều đó rất cần một bản lĩnh một cái tâm trong sáng, cùng một trái tim yêu thương, nhân ái chân thành.
Đặc biệt trong cuốn sách này, do thời điểm xuất bản trùng với kỉ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam nên Nguyên Hùng dành nhiều thời lượng, bút mực, sắc màu cho những “người mẫu” là các nhà văn, nhà thơ đã từng, hoặc vẫn đang đứng chân trong lực lượng vũ trang. Tác phẩm cùng những hy sinh cống hiến của họ khi còn trong quân ngũ được anh thể hiện với một sự trân trọng đặc biệt. Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trường, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Cát…v.v. Không phân biệt cấp bậc, rất bình đẳng, công tâm và đầy yêu mến.
Với một chân dung văn học, thì dù cho là một bài thơ ngắn, một ký họa hay một vài mảnh ghép đi nữa thì “chất văn học” vẫn luôn là một yêu cầu không thể xem nhẹ. Mọi cái nhìn, cách đánh giá, và ngay cả cách biểu đạt, có thể kinh viện, nghiêm túc, có thể đùa vui, thậm chí tếu táo chút kiểu thận mật bạn bầu… nhưng cuối cùng vẫn luôn phải đảm bảo tính văn trong đó. Nhân văn, không ác ý, không tầm thường hóa giá trị. Và nói chung phải là một tác phẩm văn học, một sản phẩm văn hóa. Nếu không nó không có chỗ đứng trong nền văn học và sẽ không được chào đón.
Một lần nữa xin lại được “leng keng” cùng Nguyên Hùng và hy vọng sẽ có nhiều ngọn gió lành ấm áp thổi đến cùng vui với anh.
Ghi chú: Các đoạn bôi vàng đã được VNCA lược bỏ khi đăng lên trang. Cảm ơn BBT
Sài Gòn, mùa Thu 2024 - K.S