TIN TỨC
icon bar

Nhà thơ Trương Nam Hương - Chiều nay mùa thở đầy ta nỗi buồn

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-15 20:35:01
mail facebook google pos stwis
3041 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

Trương Nam Hương là nhà thơ nổi danh từ lúc còn trẻ. “Mẹ cho anh tuổi Mèo Tam thể”, (thơ Trương Nam Hương), nghĩa là ông sinh năm 1963, tuổi Quý Mão – Tết tới, năm Quý Mão, vị chi nhà thơ Trương Nam Hương vừa tròn “Lục thập hoa giáp”.

Xét theo ngũ hành thì tuổi Quý Mão có can Quý thuộc hành Thủy còn chi Mão thuộc hành Mộc. Mà ta có Thủy sinh Mộc, đây là một mối quan hệ tương sinh tốt đẹp do nước sẽ nuôi dưỡng cây cối đâm chồi nảy lộc.

Ngó Trương Nam Hương nhận ta ngay, ông là con người của sự may mắn. Phải chăng vì thế mà năm 28 tuổi Trương Nam Hương đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thành tựu văn chương này là hạnh phúc, không dễ có được, nhất là khi tuổi đời, tuổi văn chương còn trẻ. Nói là “may mắn” thì cuộc đời luôn thế. Ví như trong bóng đá, đội đá đẹp chưa chắc đã là đội thắng. Tất nhiên đội thắng bao giờ cũng là đội hay. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho một tác giả, chắc chắn người đó phải có tài. Ông từng đạt danh hiệu “Nhà thơ được yêu thích nhất” do Báo Người Lao động bình chọn, tôn vinh từ năm 1992, lúc ông 29 tuổi.

Đầu tháng 3 vừa rồi, nhà thơ Trương Nam Hương tặng tôi tập thơ mới “Thời nắng xanh & Những bài thơ khác” của ông. Đã gần một tháng trôi qua, công việc cứ cuốn đi, tôi như người rơi vào lõm nước xoáy ở những công trình bara thủy lợi nên chưa có thời gian đọc liền mạch. Mỗi hôm đọc vài bài xong gấp lại, lóc cóc nhảy sang việc khác. Dù vậy tôi đã nhận ra, vì sao Trương Nam Hương đặt tên tập thơ “Thời nắng xanh & Những bài thơ khác”. Xin thưa, đây không phải là tên riêng một bài đặt chung cho cả tập. Bài thơ “Thời nắng xanh”, tác giả xếp ở cuối (theo mục lục). Hẳn là Trương Nam Hương giao cho “Thời nắng xanh” một sứ mệnh làm nốt nhạc cuối cùng ngân lên trong bản khí nhạc gồm 148 tiết tấu của anh.

...

Vườn nhà ngoại trĩu ớt xanh ớt đỏ

Quả ớt cay nồng theo bà xuống chợ

Con sáo mổ ăn nói tiếng con người

Nó biết thưa bà nó biết trêu tôi

(Thời nắng xanh)

Phần đầu “Thời nắng xanh & Những bài thơ khác” gồm 48 bài thơ tứ tuyệt (nếu tính cả bài “Khúc em” gồm I và II). Bài đầu tiên là bài về mẹ “Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ / Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn / Khói thắt se vòng lo mẹ nặng / Cõi về cong vít cả chân nhang”, (Mẹ). Phần thơ tứ tuyệt này đẫm bóng mẹ. Có lẽ, Trương Nam Hương viết trong những ngày thân mẫu của ông vừa đi xa, vào cõi mây trắng, để lại cho ông một khoảng trống, ngơ ngác, cô đơn...Danh từ “mẹ” xuất hiện trong rất nhiều bài thơ của phần này, từ “Gió khuya”, “Băng khoăn”, “Chùa Vĩnh Nghiêm”, “Tuổi thơ”, “Dặn lòng”, “Ngõ nhỏ với trúc xinh”. Tất nhiên, bà nội, thân phụ và cả nhân vật “em” nữa cũng xuất hiện trong phần tứ tuyệt.

Đọc hết tập thơ “Thời nắng xanh & Những bài thơ khác”, nhận ra một “tôn giáo mẹ” trong tâm hồn nhà thơ Trương Nam Hương. Đọc nhiều bài thơ, câu thơ về bà nội, về cha, về mẹ, về chị, về em của ông xúc động. “Tôi bước ra sân mắt trăng giàn dụa / Cây thị lắc như bông hồng nhảy múa / Tôi gọi bà. Bà mất đã nhiều năm...”, (Cổ tích của bà).

...

Ruổi rong khắp bốn phương trời

Câu thơ hành khất theo người hành hương

Ta gom nhặt giữa đời thường

Nỗi đau của mẹ nỗi buồn của cha

(Câu thơ ngày về)

Trong phần tứ tuyệt đầu tập, nhà thơ Trương Nam Hương còn qua những nhân vật lịch sử, văn hóa như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, nhân vật Kiều của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đồ Chiểu, Thị Nở, Chử Đồng Tử để ám dụ những vấn đề lớn hơn thuộc về con người và thời đại, về nhân thế và thời thế. Trương Nam Hương sở hữu một kho báu nỗi buồn, nỗi buồn khách thể, ngay cả “Tiếng thở của mùa” nhập vào ông thành nỗi buồn chủ thể. Cứ thế dâng đầy lên. “Nghe mùa trở gió hoang mang / Nắng mưa cũng nhạt thời gian cũng nhòa / Tình người xa lắm là xa / Chiều nay mùa thở đầy ta nỗi buồn”, (Tiếng thở của mùa).

Thường thì "hít vào" mới "đầy" sao "thở" lại đầy? Mùa thở, là thi ảnh rất dư ba. Mùa thở vạn vật mới có dưỡng khí, kể cả con người. Thế nhưng sao lại "đầy ta nỗi buồn"? Ngoài tâm trạng bản thể, ở đây, "thở"- "đầy" còn là phi nguyên lý, phi tuyến tính, và, có thế mới Trương Nam Hương.

“Thời nắng xanh & Những bài thơ khác” thực sự là một âm bản tâm hồn trong ký ức nhà thơ Trương Nam Hương. “Mỗi đêm ngủ ta mơ thức dậy / Khẽ quờ tay chạm cát sông Hồng / Ai mới thả cánh bèo qua đấy / Có chở dùm Quan họ theo không?”, (Hồi tưởng). “Anh cứ tưởng tháng năm hào phóng lắm / Thơ dại ngày anh lộc vừng lấm tấm / Ngây dại ngày em xao xít dây bìm”, (Tạp cảm). Cứ thế, Trương Nam Hương hồi tưởng, tạp cảm về “Miền em”, về “Rơm rạ một thời tôi”, về “Cổ tích của bà”; về mẹ, về cha... ”Nhặt tuổi mình” nơi “Góc cỏ”, nơi “Khói bếp xưa”. Phải nói rằng, bản đồ tâm hồn Trương Nam Hương rậm rịt cỏ may, dây chạc chìu...quấn quýt thời “Hoa vàng một thuở”. Trương Nam Hương và người nặng nghĩa, nặng tình. Tập thơ “tố cáo” ông là người hoài niệm, đa mang, đa sầu, đa cảm.

...

Cơn lam lũ của một thời

Để khi khôn lớn nên người lại xa

Mỗi lần nhìn khói ngang qua

Tự dưng mắt nhớ quê nhà lại cay

(Khói bếp xưa)

Viết về cha, Trương Nam Hương có bài “Dâng cha” và bài “Lời thưa”. Người cha hiện về cùng quê hương xứ xở, với cảnh đời buồn thương của người đàn ông xứ Huế tài hoa đa đoan: “Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...” (Lời thưa). Bóng cha, dáng mẹ, tuổi thơ, quê hương...trong thơ Trương Nam Hương lồng lộng, xoắn xuýt, vừa giản dị, vừa sang trọng cho người đọc những cảm xúc đặc biệt.

Trương Nam Hương là con người như thế. Luôn hoài niệm, nhớ thương, giàu trắc ẩn; dễ chia sớt nhọc nhằn cùng nhân thế. Với một nhà thơ có tâm hồn như thế, hẳn nhiên, thơ ông giàu cảm xúc, ánh lên vẻ đẹp thuộc tâm hồn con người. Cám ơn nhà thơ Trương Nam Hương đã tặng thơ./.

25/10/2022.

Nguồn: FB Ngô Đức Hành

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm