- Nhạc Lê An Tuyên
- Nhạc sĩ Lê An Tuyên và những loài hoa quê
Nhạc sĩ Lê An Tuyên và những loài hoa quê
"Chủ đề tôi luôn quan tâm khó lòng vơi cạn trong tâm hồn mình, đó là thân phận con người, mảnh đất tình yêu, niềm trăn trở trong cuộc sống, và hoa"...
Nhạc sĩ Lê An Tuyên và chùm ca khúc về các loài hoa quê | VOV5
Dựng clip: Nguyên Hùng
(Các bạn có thể click vào chữ Youtube ở góc dưới để xem trực tiếp trên kênh Youtube cho rõ hơn)
CÁC CLIP RIÊNG
Hoa muống biển (Lê An Tuyên – Nguyên Hùng – Thanh Tài)
Lặng thầm hoa quê (Lê An Tuyên – Nguyên Hùng – Hoàng viết Danh)
Nhạc sĩ Lê An Tuyên, một người Việt định cư tại CHLB Đức, được yêu mến bởi những ca khúc thiết tha tình cảm với quê nhà. Thật thú vị khi trong hàng chục tác phẩm được viết từ nỗi lòng của người xa xứ, ta có thể bắt gặp đâu đó hình ảnh những loài hoa dân dã của quê hương, bình dị mà gợi lên biết bao cảm xúc.
Nhạc sĩ Lê An Tuyên trên cánh đồng hoa cỏ may
BTV Bảo Trang sẽ giới thiệu với quý vị chùm ca khúc này.
Nhạc sĩ Lê An Tuyên tâm sự: "Những sáng tác của tôi thiên về trực diện với sự vật, với vệt sáng từ ký ức luôn trào tuôn, làm nên dòng chảy giai điệu. Lời cỏ may, hay là nỗi nhớ các loài hoa quê bình dị - đó chính là hồn tôi, hồn của những người làng quê Việt. Nó gần gũi với những người dân quê biết bao. Nó găm vào tôi, níu hồn tôi trong những ngày xa xứ. Đó là sự thăng hoa ngọt ngào, trong trẻo, mỹ mãn nhất mà tôi có. Tình yêu nơi chốn quê trở thành giai điệu, tạo nên khúc ca Lời cỏ may – khát vọng thủy chung nơi quê nhà".
Có người đã nói, Lê An Tuyên là nhạc sĩ của miền quê và nỗi nhớ. Công việc chính là kinh doanh trong lĩnh vực dệt may tại CHLB Đức, song gia tài đáng quý nhất của chị là các ca khúc mang nặng hồn quê. Mỗi bài hát là một kỷ niệm về quê hương Miền Trung nắng gió, về thời gian, về bạn bè... Và ca khúc Tím ngát bãi bờ xưa cũng là một nỗi niềm như thế. Có khi nào em chợt nhớ chăng / Hoa muống biển tím mùa trên cát trắng/ Ngày ấy em yêu ơi em yêu ơi / Hoa muống biển nở đau mùa chia xa… Những lời thơ của tác giả Nguyên Hùng về loài hoa tím dịu dàng và êm ả giữa trưa nắng biển Cửa Lò đã được những giai điệu của nhạc sĩ Lê An Tuyên chắp cánh…
Cũng là một ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng, Lê An Tuyên có Lặng thầm hoa quê, viết về những bông hoa khoai bình dị nơi vườn nhà. Nói về ca khúc này, nhạc sĩ chia sẻ: "Ít ai nhắc đến loài hoa khoai, nên trong tâm tưởng của tôi, tôi rất muốn viết một ca khúc về loài hoa bình dị ấy. Gắn liền với tuổi thơ gian khó, gần như là biểu tượng của miền Trung nắng đến cháy da, mưa thối đất, cùng với những con người chịu thương chịu khó, mặn mòi của vùng quê đầu sóng ngọn gió cửa biển quê tôi. Hoa khoai đã đi vào thơ Nguyên Hùng để rồi tôi cùng anh viết nên ca khúc Lặng thầm hoa quê. Hoa hóa thành tâm hồn nhân hậu thủy chung. Hoa hóa thành tình người mộc mạc, thành nỗi đau đáu khôn nguôi. Hoa khoai cũng đã trở thành biểu tượng lung linh, vượt lên trên mọi loài hoa vương giả khác. Mỗi lần nghe Hoàng Viết Danh hát “Thương hoa khoai tím trắng dịu dàng”, tôi lại rưng rưng, vô cùng xúc động".
Những loài hoa của quê hương đã đi vào thơ, vào nhạc của những người con xa xứ như thế. Hoa hay chính là hình bóng quê nhà vẫn luôn bên cạnh, như một niềm an ủi sâu lắng nỗi nhớ của người đi xa vấn vương về nơi đất mẹ.
Nhạc sĩ Lê An Tuyên
Thưở còn thơ tôi rất hay bắt gặp một loài hoa nho nhỏ,c ánh vàng, nhụy đỏ cam bên đường khiến tôi lúc đó ngẩn ngơ thích thú. Loài hoa dại xinh không tên ấy cứ lưu luyến mãi trong tâm hồn tôi. Và thật tình cờ cách đây mấy tháng có người em cùng quê Trần Tiến Dũng đã gửi cho tôi bài thơ Hương cúc biển, cùng với đó là những bức ảnh về hoa cúc biển Cửa Lò. Những đóa hoa cúc bé mọn, thoáng trông như những mặt trời nhỏ còn ướt nước đại dương mà uy nghi nhô lên phía trước muôn trùng sóng biển của buổi bình minh trời biển gặp nhau. Cả thị xã Cửa Lò tràn ngập hàng triệu đóa hoa mặt rời nhỏ xíu rực rỡ. Rưng rưng trong từng câu thơ giàu hình ảnh của Tiến Dũng, tôi đã cùng em làm nên ca khúc Hương cúc biển: “Về Cửa Lò say tỉnh tỉnh say bên hoa cúc. Gặp vị mặn tuổi thơ của làng quê yêu dấu. Hẹn đi em hoa cúc biển vẫn chờ…”.
Bình luận