- Truyện ký - Tản văn
- Ông Sáu Biểu | Truyện ngắn Thu Trân
Ông Sáu Biểu | Truyện ngắn Thu Trân
Bao nhiêu năm qua rồi, tôi vẫn không quên ông. Ông tên gì, đám nhỏ xóm tôi đâu cần biết. Chỉ gọi ông là ông Sáu Biểu. Người con thứ sáu trong một gia đình đông con rất nghèo. Má ông là bà Ba gói bánh tét chuối rất ngon. Tôi ghiền bánh tét chuối cho đến bây giờ cũng bắt nguồn từ những đòn bánh tét xếp hàng trong cái rổ ám khói đen bóng của bà. Đòn bánh tét béo ngậy được xiết chắc nịch như chú heo con đúc bằng nếp, chuối và đậu đen xào nước cốt dừa. Tôi nghĩ dân miền Nam đa phần thơm thảo ngọt ngào chắc nhờ ăn bánh tét chuối của bà Ba lớn lên. Bà Ba lớn tuổi hơn bà ngoại tôi, hay mặc cái áo trắng có hai túi to đùng để đựng tiền bán bánh tét mỗi ngày. Cổ bà luôn quàng chiếc khăn rằn đỏ, màu khăn bây giờ không thấy bán nữa. Mỗi lần đến mua bánh tét của bà, bà nhai trầu nhóp nhép hỏi chuyện, tôi nghe mùi trầu thơm thơm cay cay ấm áp tỏa ra từ bà. Còn ông Sáu Biểu, người con trai luôn “gây sốt” xóm làng của bà đẹp trai như Tây lai. Ông cao dong dỏng, thường mặc chiếc quần nhăn rúm ró đi cùng cái áo sơ- mi xanh phạch ngực, tối ngày đảo lên đảo xuống khắp hang cùng ngõ hẹp trong xóm. Hồi đó, dưới mắt bọn trẻ chúng tôi, tuổi bốn mươi là già lắm, mà ông Sáu Biểu không có vợ lại càng già hơn. Không vợ không con không việc làm không biết chữ, tối ngày sống bám vào cái rổ bánh tét của bà mẹ là lý do khiến ông Sáu bị cả xóm coi khinh. Mỗi khi radio nhà ai trong xóm vang lên tiếng hát:
Về phương nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi…
Là má tôi luôn răn đe ông anh ham chơi hơn học của tôi rằng:
- Đó, mày nghe đi, người ta hát nhạo ông Sáu Biểu đó. Không chịu đi học, mai mốt mày lớn lên cũng như ổng, một chữ bẻ đôi cũng không biết, mặc áo phạch ngực đi lên đi xuống tối ngày như lục bình trôi.
Đó là lời xúc xiểm làm tổn thương ông anh tôi nhất, tệ hại hơn cả những đòn roi mà ba tôi quất thẳng tay mỗi lần anh trốn học đi đá gà đá dế ở làng bên. Thế là nhìn quanh xem có ba tôi đứng đó không, để đá nong đá nia phản đối, nhưng mà tối đó không tụ tập đám bạn la cà nữa. Học bài sớm, ngủ sớm. Sáng mai thức dậy sớm, ủi đồ đi học sớm, bảnh bao như một chàng công tử mười hai tuổi mới ra lò. Nhờ cái vụ ông Sáu Biểu như lục bình trôi mà anh tôi đã ngày càng học hành khá hơn. Có lần tôi ngu khờ dại dột khơi lại “vết thương lòng Sáu Biểu” nơi anh, anh rượt tôi chạy khắp xóm khắp làng, tôi sợ anh đến nỗi tối đó không dám về nhà, ba phải đi đón về, bảo:
- Ai biểu mày ngu, thấp cổ bé miệng mà bày đặt chọc ghẹo nó chi!
- Tại con bắt chước má.
- Ngu nữa, má mày có thượng phương bảo kiếm làm sao bì được với bả mà bì!
***
Nhưng ông Sáu Biểu có người yêu chứ không phải là không. Cũng không có gì lạ, mặc dù không tiền không bạc không biết chữ, nhưng ông đẹp trai và hiền. Chị Dót quét chợ yêu ổng đắm đuối thật thà mê muội. Chị ba lăm chưa chồng chưa con nên người ta gọi là gái lỡ thì. Vào những ngày mưa, bà Ba bán bánh tét ế, chị Dót quơ hết mớ bánh tét còn lại trong rổ đi năn nỉ từng người bán hàng trong chợ mua dùm. Được quá được vậy, nhưng ông Sáu không yêu chị. Chê đờn bà mặt rổ vô duyên. Chê vậy, nhưng chị Dót sai làm gì, ông chạy có cờ. Chị bảo với bà Ba rằng: “Trên đời con có hai niềm hạnh phúc vô biên là, kêu anh Sáu làm gì ảnh làm cái đó và ban đêm được nằm võng giữa nhà hát Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà”. Cả xóm tôi bất đồng chuyện ông Sáu không yêu mà suốt ngày cặp kè với chị Dót. Ngoại tôi bảo, ông trời thật là bất công với chị Dót, ban bố chi cho chị người đờn ông không biết mê phụ nữ là gì. Nhưng mà có ban bố đâu, tại chị Dót cố tình chọn ông Sáu mà ngoại, chị Hai tôi cãi lại.
Không làm gì, mang tiếng thất nghiệp, chỉ làm công việc phụ mẹ mình cột bánh tét đêm đêm, nhưng thỉnh thoảng ông Sáu cũng bị cảnh sát mời lên đồn làm việc. Quanh chuyện sao lâu lâu ông Sáu vắng nhà mấy ngày. Ông bảo lên rừng hái măng, soi ếch. Chứ hai mẹ con sống với nhau, quanh đi quẩn lại tối ngày chỉ có ba cái đòn bánh tét làm sao sống nổi. À, đến lúc ông Sáu bị cảnh sát “hỏi thăm sức khỏe” thì người ta mới biết ông cũng có nghề đi rừng. Những khi đi rừng về, măng ếch lủ khủ, thế là chị Dót tìm đến gọt măng làm ếch để sáng mai bà Ba mang ra chợ bán.
Mối quan hệ bạn không ra bạn, tình không ra tình của ông Sáu Biểu và chị Dót kéo dài được vài năm thì chị Dót có bầu. Đến lúc này, người ta mới vỡ lỡ ra là ông Sáu cũng “ghê”. Vậy mà nói không mê gái, không mê mà chị Dót phải ôm một bụng. Sắp sinh con, chị Dót luôn ra mặt là người hạnh phúc, chị đã đi- về nhà ông Sáu Biểu thường xuyên hơn. Chiều chiều chị thường ngồi trước hiên nhà nhổ tóc sâu cho bà Ba. Khi gạo đã nấu thành cơm, mấy người anh chị em của ông Sáu cũng đổi giận làm vui, đòi làm đám cưới cho hai người. Bà Ba nói tùy thằng Sáu. Chị Dót đỏ hồng hai má nói, dà, ý anh chị muốn vậy rồi sao cũng được. Chỉ có ông Sáu là kịch liệt phản đối. Ông bảo cái bụng thè lè rồi, ai cho làm cô dâu. Lỡ đẻ con thì ông nuôi, không có cưới hỏi chi hết.
Tám tuổi, tôi chơi thân với con bạn cạnh nhà tên Quỳnh chín tuổi. Quỳnh hơn tôi một tuổi nhưng hiểu biết của nó về đời chắc hơn tôi đến hơn hai chục tuổi. Chín tuổi mà luôn mặc quần áo ủi, tóc dài chấm vai, mỗi chiều làm một kiểu, khi thắt bím, lúc cột hai chùm nơ đỏ nơ xanh. Và nó cũng có cảm tình lơ mơ với ông anh kế tôi, cái ông hay rượt tôi chạy vòng vòng khắp xóm khi chọc ổng lục bình trôi giống ông Sáu Biểu. Chẳng thế mà Quỳnh luôn đeo tôi như hình với bóng, chỉ để được gặp ông anh tôi, vuốt tóc một cái, cười duyên một cái, thế thôi. Một tối trăng sáng lờ mờ, Quỳnh hớt ha hớt hải chạy sang nhà tôi xì xầm bảo:
- Mày có thích đi ra gò mả với tao không?
Tôi nhìn nó nghi ngờ:
- Ra đó giờ này làm gì, ma không.
- Ma đâu mà ma, chuyện này hay lắm, đi đi, đi với tao một lần cho biết, hấp dẫn lắm. Nhưng mà tao ngồi thì mày ngồi, tao bò thì mày bò nha, không là tiêu đời hai đứa nghe con!
Nghe nó nói vậy làm sao tôi ở nhà được. Thế là mò theo nó. Trời ạ, nó dắt tôi đi coi ông Sáu Biểu với chị Dót tình tự. Quỳnh kéo tôi quỳ cạnh bụi sim ven đường, nơi khá lý tưởng để nhìn ra cái gò mả cao cao, nơi hai người lớn đang ngồi tựa vào nhau dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ. Xa xa, tiếng chó nhà ai tru đêm nghe não nùng thê thiết. Tôi giật tay nó mấy lần:
- Về thôi mày ơi, ma đầy…
Nó phủi tay tôi:
- Ma đâu mà ma, mày lớn mà ngu lắm, thấy gì hông, bà Dót bả đang cầm tay ông Sáu đặt lên bụng bầu của bả… Đọ đọ, mày thấy hông, giờ đặt tay ông Sáu lên ngực bả, nhưng mà ông Sáu không chịu, ổng rụt tay lại rồi. Rồi, rồi ổng ngồi thẳng lên, không thèm tựa lưng bả nữa. Ụa, sao kỳ dạ ta, vậy mà người ta đồn hai người mê nhau cho có bầu…
Không hiểu chuyện người lớn, tôi nghe tẩu hỏa nhập ma, ngáp dài:
- Chuyện có vậy mà cũng kêu là hấp dẫn. Thôi mày ở đây mà coi người ta rờ nhau đi, tao về trước à…
***
Chị Dót đẻ thằng cu Diên được hai năm thì miền Nam giải phóng. Những ngày chiến sự lùm xùm, chị cõng cu Diên đến nhà, giao hẳn nó cho bà Ba. Rồi chị và ông Sáu biến mất. Ngày hòa bình, ông Sáu trở về, chị Dót đi luôn. Ông lại mặc chiếc quần nhăn rúm ró cùng cái áo sơ- mi xanh phạch ngực đi rảo khắp làng trên xóm dưới. Đêm đêm lại cột bánh tét cho bà Ba nấu bán. Có điều bây giờ ông sinh tật uống rượu. Không có tiền mua rượu nhiều, ông kêu xị đế với mấy hột đậu phộng rang ngồi bệt xuống thềm quán nhâm nhi. Chỉ đến khi nào thằng cu Diên năm tuổi chạy đến kéo áo cha nó:
- Cha uống rượu hoài vậy cha, bà nội kêu cha về ăn cơm cà!
Dù mặt cổ đỏ gay như gà chọi, nhưng ông vẫn cười xòa hiền hậu đưa lưng ra cho thằng cu Diên nhảy tót lên rồi cõng nó về.
Đến khi thấy bà Ba lập bàn thờ chị Dót giữa nhà, mọi người mới biết chị làm giao liên cho cách mạng, hy sinh trên đường dẫn một cánh quân vào giải phóng thành phố. Vậy là ông Sáu Biểu cũng làm giao liên giống chị Dót, ông phản đối nhắc lại, đã từng làm. Những ngày thành phố mới giải phóng, người ta không thấy ông đeo băng đỏ quanh bắp tay, rồi đi tới đi lui làm một công việc gì đó cho ban quân quản giống như những người trong xóm tôi khai có công cách mạng, hoặc từng có công với cách mạng. Thế là người ta nghi ông khai gian, khai gian cả cho chị Dót. Mà khai gian cũng chẳng để làm gì. Khi suốt ngày ông cứ ung dung tự tại uống rượu và cột bánh tét cho bà Ba.
***
Thời gian dần trôi, bà Ba ngày càng già đi, ông Sáu Biểu cũng ngày càng già đi. Cu Diên càng lớn càng thông thái càng phương phi, chẳng có vẻ gì là hậu duệ của ông Sáu Biểu. Ngày cu Diên tròn mười tám tuổi, vừa thi đậu đại học, cũng là ngày ông Sáu Biểu đi tù. Ông bị đi tù bảy năm vì tội cố ý gây thương tích. Người ta bảo ông phạm tội vì tới xin tiền một người bạn từng làm cách mạng chung, mà nghe nói là lúc đó ông kia làm quan lớn lắm, rượu vào lời ra, nói tới nói lui không cùng quan điểm sao đó, cãi cọ nhau sao đó, rồi đánh lộn làm tét đầu chảy máu ông kia. Bà Ba tuổi tám mươi lại còng lưng gói bánh tét vừa nuôi con đi tù, vừa nuôi cháu học đại học. Cu Diên tốt nghiệp đại học, xin được việc làm thì bà Ba mất. Nghề gói bánh tét gia truyền kết thúc, người con trai cột bánh năm xưa vẫn còn trong vòng lao lý.
***
Thành đạt trong sự nghiệp, khi Diên đã trở thành hiệu trưởng một trường trung học phổ thông, tôi vẫn thấy thầy không có chút hơi huốm nào thuộc dòng giống bên nhà ông Sáu Biểu. Tôi nói điều này với thầy Diên trong một lần trở về thăm xóm cũ, ghé nhà thầy thắp nhang cho bà Ba và ông Sáu Biểu sau bao nhiêu năm xa cách. Diên buồn buồn bảo với tôi rằng:
- Chuyện cha má em dài dòng và buồn lắm chị à, mãi tới sau này, khi bệnh sắp mất, cha mới kể hết với em. Mà cũng tại cái tật im lặng của ổng, cái gì tức quá không nói được thì cứ im lặng giữ khổ một mình!
Là ngày xưa, họ hoạt động giao liên chung tổ ba người. Ông Sáu Biểu, ông Năm Ngà và chị Dót. Ông Năm Ngà là dân học thức nên được làm tổ trưởng. Ba người nam nữ làm chung công việc thời loạn ly ắt sẽ có lúc nảy sinh tình cảm. Chị Dót yêu ông Năm Ngà say đắm. Ông Sáu Biểu lại yêu chị Dót. Đến khi chị Dót có bầu với ông Năm Ngà thì ông Năm được lệnh vào rừng vì có nguy cơ bị lộ. Tổ giao liên nội đô chỉ còn hai người trực tiếp, ông Năm Ngà giao chị Dót quyền điều động ông Sáu Biểu. Để hợp thức hóa cái bầu, ông Sáu và chị Dót phải đóng vai như hai người yêu nhau từ kiếp trước. Ông Sáu là người khổ sở nhất trong cái nhiệm vụ như là yêu nhau từ kiếp trước này. Giá ông không yêu chị Dót thì cái chuyện đóng kịch nó nhẹ hều. Đằng này lại là yêu, nên ông luôn có cảm giác không ăn ốc mà lại đi đổ vỏ cho người khác. Lâu dần, khi xem ra ông Năm Ngà không còn mặn mà với mình, chị Dót lại quay sang yêu ông Sáu thiệt tình với cái bụng sắp đến ngày sinh. Ông Sáu tổn thương, yêu thì cũng có yêu, nhưng trong tình cảnh này quả là cảm giác chợ chiều. Nghe Diên kể đến đoạn này, bất giác tôi nhớ lần nhỏ Quỳnh dắt đi “rình” hai người trên gò mả. Hèn gì, ngồi gần người đẹp lúc đó mà ông Sáu bật ngật như người sắp bị đem đi tử hình, chứ không phải bộ dạng người đang được yêu.
- Chị có tin là cha em bỏ ngang nhiệm vụ trở về khi má em đối mặt với sự phũ phàng của ông Năm Ngà không?
- Cha em phũ phàng với má em lắm hả?
- Không, cha em hảo hớn ân tình mà!
- Ông Năm Ngà á…
- Không, chưa bao giờ em xem ông ấy là cha, em chỉ có một cha trên đời là ông Sáu thôi.
Những ngày chuẩn bị chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ông Sáu và chị Dót được lệnh vào rừng nhận nhiệm vụ mới. Gặp lại sếp trực tiếp là ông Năm Ngà, chị Dót đã kể về cu Diên và đề nghị ông ấy làm thủ tục nhận Diên làm con. Nhưng Năm Ngà thẳng thắn từ chối với lý do đã có một vợ hai con ở quê nhà. Với lại, chưa chắc cu Diên là con của ổng, nghe đồn khi ổng đi rồi, chị Dót và ông Sáu cứ suốt ngày luẩn quẩn với nhau. Ông Năm Ngà cố tình quên rằng, đêm trước khi vào rừng, ổng đã nhờ ông Sáu cưu mang dùm chị Dót và cái bầu. Nghe xong lời kẻ bội bạc, chị Dót không nói thêm được gì, chỉ biết ôm mặt khóc. Khi chỉ còn hai người đàn ông với nhau, ông Sáu đã “tỉ thí” ông Năm một trận tơi bời hoa lá rồi bỏ về thành luôn. Chỉ còn chị Dót ở lại nhận nhiệm vụ, chị là người hy sinh đầu tiên trong toán quân tấn công vào mặt trận phía đông thành phố.
- Cha đã làm hồ sơ liệt sĩ cho má chưa?
- Chưa, chị ạ. Mà cha nói cũng không cần. Muốn được công nhận liệt sĩ phải có xác minh của ông Năm. Mà cha bảo cũng không cần thiết gặp lại con người bội bạc đó làm gì.
- Rồi sao cha bị đi tù?
- Ngày em thi đậu đại học, nhà nghèo xơ xác, bà nội thì quá già, cha thì như chị biết rồi đó, một con người không giỏi giang, hâm hâm mà thương con rất mực. Chuột chạy cùng sào, không tìm được tiền cho em nhập học, ông lại mò đến nhà ông Năm Ngà, mong ông Năm vì thương tình em mồ côi mẹ mà giúp đỡ. Lửa lại gặp nước, không xảy ra chuyện này cũng xảy ra chuyện kia, ông Năm chẳng những không giúp đỡ em mà còn nói thấp nói cao này nọ, thế là họ lại lăn vào tỉ thí nhau, kẻ yếu thế đương nhiên là cha em phải đi tù…
- Có bao giờ ông Năm Ngà tìm đến em không?
- Sau khi cha mất một năm, ổng có tìm đến. Ổng bảo em chín bỏ làm mười, quên hết chuyện cũ đi, cho ổng nhân hai thằng con em là cháu nội. Ổng đâu có con trai, chỉ có hai cô con gái thôi.
- Em sao?
- Không có chuyện đó đâu chị, nghĩ đến tình cảnh cha má em khổ sở, bà nội già cắc ca cắc củm bán từng đòn bánh tét nuôi em ăn học, xót xa lắm chị.
- À, mà bà nội và các cô các bác có biết em là con ông Năm không?
Diên cười sáng bừng hai hàm răng trắng:
- Đến bây giờ cũng chưa ai biết chuyện tình cảm tay ba rối rắm giữa cha má em và ông Năm Ngà đâu chị à, cha em tuyệt vời lắm.
Tôi nhìn lên bàn thờ tổ tiên, một hàng gần chục hình nam nữ già trẻ có đủ, Diên đã thờ phượng gần hết mọi người trong gia đình ông Sáu. Trên mảnh đất cũ của nhà bà Ba xưa, vợ chồng Diên đã xây một ngôi nhà hai tầng khang trang, bề thế, tươi đẹp. Cũng như bộ mặt xóm cũ của tôi giờ đã ra dáng một con phố dài với nhiều nhà cao tầng hiện đại. Diên tiễn tôi ra ngõ, hai thằng con trai sinh đôi đi học về gặp tôi chào thưa lễ phép. Thầy giáo nháy mắt với tôi:
- Chị thấy chưa, hai đứa nhỏ y chang em hà. Bà xã em nói, ba cha con em mà đi ra đường chung với ông Năm Ngà, chắc người ta tưởng bốn người sinh sản vô tính. Đời cũng ngộ chị ha!
(Truyện đăng báo Văn Nghệ số 22, ngày 28/5/2022)
Bình luận