- Truyện ký - Tản văn
- Đi để trở về: Hành trình Phan Rang và những người bạn cũ
Đi để trở về: Hành trình Phan Rang và những người bạn cũ
NGUYÊN HÙNG
Chuyến tàu ký ức đang đưa chúng tôi trở về Phan Rang – nơi từng in dấu một thời tuổi trẻ, nơi những tháng ngày rực lửa của Tổ quốc hòa cùng bước chân đầy nhiệt huyết của những sinh viên 15C Đại học Thủy lợi Hà Nội (1973-1979). Ngày ấy, chúng tôi – những kỹ sư tập sự tuổi đôi mươi – đặt chân đến vùng đất vừa giải phóng, mang theo hoài bão của tuổi trẻ và cả sự ngỡ ngàng khi lần đầu sống ở miền Nam.
Những ngày đầu ở miền Nam
Những năm 1978-1979, đất nước vẫn còn chồng chất những khó khăn. Chúng tôi đến Phan Rang khi mọi thứ vẫn còn hoang sơ, khan hiếm. Chính sách cấm vận kinh tế do Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Việt Nam khiến mọi thứ, từ lương thực đến các loại nhu yếu phẩm đều thiếu thốn. Đồng thời, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng lên khốc liệt, rồi cuộc chiến biên giới phía Bắc bất ngờ nổ ra vào đầu năm 1979, làm rúng động cả nước. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng di cư của người Việt gốc Hoa lại tạo thêm những làn sóng biến động. Vậy mà giữa bộn bề thử thách, chúng tôi vẫn kiên trì với nhiệm vụ: vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp, vừa tham gia phục vụ sản xuất - tính toán, thiết kế các công trình thủy lợi cho vùng đất khô cằn miển cực Nam Trung bộ.
Nhớ những buổi trưa hè nóng bỏng, dưới cái nắng gắt như rang, chúng tôi lội bộ hàng chục cây số, đo đạc địa hình, tìm hiểu lưu vực, khảo sát đánh giá môi trường cho những công trình thủy lợi tương lai. Những đêm dài ngồi bên bản vẽ, bàn luận về từng con số, từng đường nét thiết kế, với khát khao đóng góp một phần sức mình vào sự phát triển của vùng đất này. Hệ thống thủy lợi Đồng Cam ở Khánh Hòa, trạm bơm Võ Xu, các hồ chứa Cà Giây, Cà Tót ở Thuận Hải – tất cả đều in dấu những giọt mồ hôi, những nỗ lực không mệt mỏi của một thế hệ sinh viên đầy hoài bão.
Chúng tôi cũng từng có những ngày tháng lặn lội đến Trung tâm Nông nghiệp Nha Hố để đo vẽ bản đồ phục vụ nghiên cứu. Nha Hố ngày ấy vẫn còn hoang sơ, những cánh đồng thí nghiệm trải dài dưới cái nắng Phan Rang khắc nghiệt. Dù thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, nhưng tình thầy trò, tình đồng đội và sự sẻ chia đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Những bản đồ vẽ tay, những số liệu đo đạc ngày ấy không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là một phần ký ức tươi đẹp của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Hẳn nhiều người trong chúng tôi còn nhớ những trưa hè rủ nhau chui vào vườn táo và ruộng mía để nghỉ ngơi và… giải khát.
Phan Rang hôm nay
46 năm đã trôi qua. Chúng tôi giờ đây đều đã rời xa cuộc đời công tác, trở thành những kỹ sư nghỉ hưu với mái tóc điểm bạc, nhưng tình yêu dành cho nghề, cho mảnh đất từng gắn bó vẫn vẹn nguyên. Phan Rang hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Những con đường nhựa phẳng lì thay thế cho những lối đi đất đỏ ngày nào. Những cánh đồng nho xanh mướt, những trạm bơm hiện đại, những hồ chứa nước giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu của vùng đất này. Nhìn lại, chúng tôi thấy những công trình thủy lợi ngày ấy đã góp phần làm thay đổi diện mạo Ninh Thuận, Bình Thuận – nơi từng nổi tiếng với cái nắng gió khắc nghiệt, giờ đây đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ.
Điều thú vị là thời điểm này, ngành điện cũng đang trở lại với những dự án điện hạt nhân để tăng cường nguồn điện cho quốc gia – một lĩnh vực mà chúng tôi có liên quan. Dù còn nhiều tranh luận, nhưng không thể phủ nhận rằng việc phát triển nguồn năng lượng này có thể mở ra nhiều cơ hội mới, nhất là đối với một vùng đất có tiềm năng như Ninh Thuận. Không chỉ là kỹ sư thủy lợi, nhiều người trong chúng tôi còn tham gia vào hành trình phát triển ngành điện, nên giờ đây, khi đến với Phan Rang, nơi các dự án điện hạt nhân sẽ được xây dựng, chúng tôi cũng có những cảm xúc thật khó quên.
Đi để trở về
Có những nơi trong đời, dù đi bao xa, bao lâu, ta vẫn mong ngày được quay lại. Phan Rang với chúng tôi là một nơi như thế. Chuyến đi này không chỉ là hành trình trở về một địa danh, mà còn là cuộc đối thoại với chính tuổi trẻ của chúng tôi. Bước chân trên miền đất cũ, có dịp nhìn lại nơi đã sống và ngắm những công trình đã từng tham gia vào những phác thảo đầu tiên, chúng tôi thấy lòng mình rộn ràng những kỷ niệm. Ngày ấy, có ai nghĩ rằng một ngày nào đó, những sinh viên trẻ măng, từng vật lộn với những bản vẽ trên bàn gỗ thô sơ, giờ đây sẽ trở lại đây với tâm thế của những người đã hoàn thành một chặng đường dài của cuộc đời?
Hồ chứa thủy lợi Cà Giây.
Hành trình không chỉ là ký ức
Những con đường, những dòng sông, những công trình thủy lợi, tất cả đã trở thành một phần ký ức. Nhưng có lẽ, điều quý giá nhất mà chúng tôi mang về từ chuyến đi này chính là cảm giác rằng, dù thời gian có trôi qua, dù cuộc đời có đổi thay, thì tình bạn, tình đồng đội và những năm tháng cống hiến hết mình ấy vẫn luôn còn mãi. Và Phan Rang – vẫn luôn là một phần trong tim chúng tôi, như ngày đầu tiên đặt chân đến.
“Đi để trở về” – có những chuyến đi không chỉ để gặp lại một vùng đất, mà còn để gặp lại chính mình của những năm tháng tuổi trẻ.