TIN TỨC
icon bar

Người xóm Đẻo giữa “bóng dài, đường vắng”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-10 12:25:00
mail facebook google pos stwis
3226 lượt xem

BÙI SỸ HOA

Anh em văn nghệ địa phương “ăn đời, ở kiếp” với nhau, dù nói ra hay không thì vẫn luôn dành sự tôn trọng cần thiết đối với những người có tác phẩm, có sách công bố trước, có bài vở đăng đàn trên các báo Trung ương, lại đã là “hội viên Trung ương” nữa thì càng “tợn”, càng được trọng vọng.

Tuy vậy, chính những “hội viên Trung ương” ấy lại hầu như không mảy may nửa giây, nửa phút nghĩ về điều đó; trái lại họ luôn gần gũi, thậm chí bỗ bã với tất thảy mọi người. Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, thời Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh và Hội Văn nghệ Nghệ An hay Hội Văn nghệ Thành phố Vinh chắc chắn là một người trong số đó, nhất là đối với tôi, người ít tuổi đời, tuổi viết hơn và nhiều điều khác.

Khi tôi mới học phổ thông cấp 1, cấp 2 trường làng thì anh Nguyễn Quốc Anh đã từ bộ đội chuyển ngành về làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh (1971) rồi đi học Lớp bồi dưỡng viết văn khóa VI, sau đó in chung với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tập thơ đầu tay “Tình yêu sáng sớm” (1974). Khi tôi học xong đại học về Vinh nhận công tác, háo hức tìm về Hội Văn nghệ tỉnh với hành trang vài ba bài thơ đăng báo, mong được xếp một chân điếu đóm gì đó để thỏa mãn đam mê viết lách nhưng không hiểu vì lý do gì lại đi làm “phóng viên văn nghệ” cho Đài truyền hình tỉnh, thì anh Nguyễn Quốc Anh dù chậm hơn so với bạn bè cùng lứa cũng đã là người có vai, có vế, có chỗ đứng ở Hội, rồi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2001.

Hai cố nhà thơ Nguyễn Quốc Anh (trái) và Nguyễn Trọng Tạo.

Ấy vậy mà với lứa đàn em chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Anh dù gặp lần đầu cũng thân thiết như bạn thuốc lào từ lâu lắm “Viết được gì không, đọc nghe cho vui, gửi cho tạp chí đi. Tôi vừa viết được một bài rất thích, đọc anh nghe nha?”. Vậy là anh Quốc Anh “ngấc ngấc đầu và cười và chớp chớp mắt” (từ dùng của nhà văn Đức Ban) hay “ngúc ngắc cái cần cổ” (từ dùng tếu táo đầy “chất” riêng nhà thơ Tùng Bách) lên giọng: “Bàn tay tôi trồng đào/ Bàn tay tôi cắm đào vào lọ/ Bàn tay tôi vẫn bàn tay tôi/ Vứt cành đào ra ngõ” (Tâm trạng). Đọc xong câu cuối cùng, nhà thơ cúi xuống rít một hơi thuốc lào thật kêu rồi nghiêng đầu phả ra một làn khói lâng lâng, bay bay trong sự tấm tắc của mọi người.

Có lần, anh Nguyễn Quốc Anh nói với tôi, ý là nếu tôi gặp anh và có ý định sớm, việc về Hội của tôi sẽ đơn giản vô cùng. Tiếc thật? Tôi thừa nhận điều anh nói có thể đúng, đơn giản vì anh vốn rất thông thạo việc to, việc nhỏ, nhanh tay nhanh mắt, miệng nói tay làm, rất hay giúp đỡ bạn bè nên thời xin - cho bấy giờ, mọi việc “luôn ở trong tầm tay”.

Tôi từng biết chuyện anh Nguyễn Quốc Anh thời làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh từng có lần “điều chuyển cán bộ từ phòng này qua phòng khác” thuộc Ty Văn hóa - Thông tin: anh Tùng Bách vốn là bạn thân “về làm Chánh văn phòng thay mình, để mình đi học bồi dưỡng viết văn. Nửa năm sau, mình về, cậu đi học khóa tiếp”. Mọi việc cứ như lập trình sẵn trong từng lời của Nguyễn Quốc Anh. Lý do đưa ra rất thông suốt là các cụ trên Ty, trên Hội đều “gật” hết rồi, không cần ý kiến ra vô chi nữa, cứ thế mần.

Cũng một người bạn cùng lứa khác, nhà văn Đức Ban kể rằng, thời ở Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) 299, P18 đang loay hoay sẽ trở lại làm ruộng hay chuyển ngành nào đó thì các nhà văn Chính Tâm, Nguyễn Quốc Anh đạp xe đến đơn vị thông báo Hội Văn nghệ Hà Tĩnh nhận cây bút trẻ về làm “người Nhà nước” để rồi mấy chục năm sau, nhà văn đầy tâm huyết với xứ Nghèn quê ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2016)…

Sau khi quen thuộc, thân thiết hơn với anh Nguyễn Quốc Anh, tôi hiểu không phải ngẫu nhiên cơ quan lại phân công anh làm Chánh văn phòng, rồi làm công đoàn, chưa kể trọng trách Trưởng Ban hội viên 2 nhiệm kỳ liền của Hội. Công việc thường ngày “chỉ chê mà không bao giờ được khen” ở văn phòng hội đó, dễ hiểu phải chịu khó, tỷ mẩn, chu tất như Nguyễn Quốc Anh thì mới đảm đương được, mới giảm thiểu được lời ong, tiếng ve đâu đó của cuộc sống mặn nhạt đời  thường.

Rồi cũng thời xin - cho chưa xa ấy, phải là một người quen biết rộng, sục hết lối ngang, lối dọc của cuộc sống, định làm việc gì thì làm cho kỳ được như Nguyễn Quốc Anh may ra mới có thể kiếm thêm được cho cơ quan, cho anh em một khoản a, b ngoài chế độ nào đó. Những mùn cưa đun bếp, cân đường, mét vải, thậm chí sau này một căn hộ nhà tầng Quang Trung hay một miếng đất dựng nhà ở phố Phong Định Cảng… hẳn còn lưu mãi trong ký ức một thời của nhiều người, có công “chạy” của người luôn xông thẳng vào phòng lãnh đạo tỉnh, thành phố, nhỏ to tỷ tê từng lời với người biết chia sẻ đồng cảm với anh em văn nghệ sỹ, “tôi làm đầy đủ thủ tục, giấy tờ, xin ý kiến trên dưới hoàn thiện, giờ anh giúp ký cho để tôi về báo với anh Thung, anh Huệ, anh Hoài và anh em, khoe với anh em văn nghệ các tỉnh”.

Hồi Nguyễn Quốc Anh còn làm Trưởng Ban hội viên của Hội, có lần tìm gặp tôi ở cơ quan, anh bỗng nghiêm giọng so với bình thường sau khi “ngấc ngấc đầu”: “Việc ni tôi nhờ anh, chỉ có anh mới làm được và anh ký thì tôi yên tâm, mọi người mới thôi ý kiến”. Tôi đâm hoảng khi không hiểu chuyện gì mà trầm trọng đến thế lại liên quan đến chữ ký không ra tiền, ra bạc của thằng tôi lính trơn viết lách mới qua thời học trò. Hóa ra là có một trường hợp đang xét kết nạp hội viên ở quê tôi. Vị này thi thoảng viết lách đôi ba câu gì đó, chủ yếu làm nghề khá có tiếng trong vùng, không hiểu sao lại nổi máu viết đơn xin gia nhập Hội, thêm chút tiếng tăm nhà nọ, nhà kia. Khi hiểu ra, không biết ai xui mà tôi nói. “Nếu bác ủng hộ thì em ủng hộ, ta thêm một người viết, thêm một bạn văn. Ký”. Tiếc là sau khi vào Hội, vị kia lại tịt ngòi, không viết cũng chẳng tham gia hội hè gì, coi như bỏ.

Tưởng như tôi không có “duyên” với anh Nguyễn Quốc Anh so với nhiều anh em khác nhưng rồi cái duyên ấy vẫn đến theo một cách khá bất ngờ. Ấy là hồi năm 2000, anh Nguyễn Quốc Anh đi xe máy qua cơ quan tôi ở gần ngã 5, đầu phố Minh Khai, dáng vẻ vội vã. Vào phòng, anh nói ngay: “Dạo ni bận phải không, không thấy thơ ca hò vè gì. Nào, bận thì bận, tranh thủ viết đi, có viết mới ra, bỏ viết một lúc là quên hẳn đi đấy, rất khó lấy lại. Chiều tôi qua lấy bài. Cố gắng nhé”.

Anh Nguyễn Quốc Anh đi rồi tôi mới thấy mình dở tệ. Dở ở chỗ cứ nể nang do anh ấy nhiệt tình đến không nỡ chối từ, rồi hứa đại đi để cuối cùng có khi lại dở hơn vì bài vở nhạt nhẽo, không ra hồn vía gì. Tôi mở lại tập bản thảo, lướt qua một lượt các bài viết cũ, mới chưa thành và quyết tìm lại cảm hứng khi rắp tâm “đóng phòng văn hì hục viết”. Mệt hơn cả cày ruộng vì tôi con nhà quê, cũng cày bừa tạm tạm, nên có thể so sánh việc này. Tôi ngồi đọc từng dòng “… Bắt đầu cái xô đựng nước, chiếc giỏ nhặt rau/ Chữa lại câu thơ nông cạn/ Đâu đây bước ngựa khuya/ Âm âm lối mòn lau trắng/ Chia tay bây giờ/ Gặp gỡ ngày xưa…”. (Phác thảo Vinh).

Để rồi, cuối năm đó, từ bài thơ do anh Nguyễn Quốc Anh “đặt hàng” này, tôi may mắn được đón nhận tặng phẩm của Tạp chí Sông Lam, lúc đó Tổng biên tập là nhà thơ Dương Huy. Thì ra, chuyện viết lách lắm khi chẳng tuân theo một quy luật hay bài vở có sẵn nào. Anh Nguyễn Quốc Anh chả có lần từng nói với bạn thân Tùng Bách hồi đi “bồi dưỡng viết văn” rằng thì là “các thầy chỉ qua loa đại khái thôi. Học viên cỡ này các thầy dại gì mà khua chân múa tay”.

Tôi thì bỗng “nghiệm” ra rằng, khi cái “yên – sĩ – phi – lý - thuần” dồi dào viết lách thăng hoa là một nhẽ, nhưng khi mình bị dồn/ tự dồn đến chân tường biết đâu lại tóe ra một điều gì đó bất ngờ, thú vị, cũng là một nhẽ khác, rất đáng nói. Quả nói không ngoa rằng, nếu không có anh Nguyễn Quốc Anh đến giục sau lưng sát nút, không có người đi trước tin cậy gửi gắm thì mình đã không thể có được một kết quả nào, dù thật nhỏ bé.

Tôi thầm biết ơn anh Nguyễn Quốc Anh, nhưng đã không nói lời nào với anh và tất nhiên, người như anh không bao giờ chờ đợi ở bất cứ ai một lời cám ơn nào đó. Đơn giản, mọi việc anh cứ làm vô tư, hồn hậu, nhiệt tình đến thế, việc này nối việc kia không nhớ hết, không nhớ nổi. Không làm thế với bạn bè không phải là Nguyễn Quốc Anh, một người xóm Đẻo từ quê Đức Thọ, Hà Tĩnh ra thành phố Vinh, Nghệ An, giữa ngổn ngang thị thành sao vẫn thấy “bóng dài, đường vắng” rồi lại tìm về với quê, với người quê vồn vã, chân thật để sống và viết, miệng nói tay làm, luôn tìm gặp bạn bầu “ngấc ngấc đầu” và cười và chớp chớp mắt: “Tiếc thật. Có thuốc lào không?”.                                                       

(*) “Bóng dài, đường vắng” là tên một tập thơ của Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh (1944 - 2012).

Nguồn: https://cand.com.vn/

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”
Bài cảm nhận của nhà văn trẻ Tuấn Trần
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Bài của nhà văn nhà báo Trịnh Phương Trà trên báo Phú Yên cuối tuần
Xem thêm