TIN TỨC
icon bar

Thơ và bóng đá

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-04 13:41:40
mail facebook google pos stwis
2963 lượt xem

Phiếm luận của KAO SƠN
(Viết trong lúc ngồi chờ bóng Việt Nam lăn vào… World Cup)
 

- Chào anh!

- Ừ, chào.

- Sắp tối rồi còn vào đây uống bia chắc là để chờ xem bóng đá?

- Thì chứ lại còn sao. Chỉ khi nào xem bóng đá tôi mới dám uống bia chứ bình thường thì "dân ba bánh" chúng tôi tiền đâu mà hoang thế.

- Vậy… nhà không có tivi hay sao phải ra ngồi đây?

- Cái ông này hỏi lạ. Bây giờ chứ có phải những năm sáu mươi, bảy mươi đâu?… Này, nói cho mà kinh, nhà tớ có hẳn hai cái Tây vi cơ đấy. Nhưng tớ vẫn ra đây ngồi. Xem bóng đá mà xem một mình, chả có ai hò hét bàn luận cùng thì làm sao cho máu bốc lên đầu được? Một cái tây vi chứ mười cái cũng vứt.

- Ti vi chứ

- Ừ thì ti vi. Nhưng nước mình đã sản xuất trọn gói được đâu, vẫn phải nhập nhiều linh kiện từ bên tây sang nên cánh xế lô chúng tớ gọi thế. Không phạm luật chứ hả.

- Phạm luật… việt vị về Từ ngữ , là đi trước thời đại. Cũng giống như đứng dưới hàng hậu vệ của đối phương để nhận bóng vậy.

- A, thì ra ông cũng là dân nghiền bóng đá. Hỏi khí không phải, ông làm nghề gì?

- Tôi… làm thơ.

- Êu, kinh nhỉ. Ra là nhà thơ kia đấy.

- Không, chưa phải là nhà, mới chỉ là lều thôi.

- Chắc ông khiêm tốn. Trông cái dáng lẻo khẻo của ông thế này thì đích thị ông là nhà thơ chính cống rồi. Chắc biết cái ông gì viết “Truyện Kiều” với “Lỡ bước sang ngang” nhỉ?

- " Kiều" là của cụ Nguyễn Du , còn "Lỡ bước sang ngang" là của nhà thơ Nguyễn Bính. Hai ông khác nhau !

- Vậy hả. Ra là của hai ông khác nhau? Nói thật tớ thì không mê thơ nhưng bà cụ tớ thì tthuộc làu hai cái "bài" thơ ấy. Mà nghĩ cũng lạ, một chữ cắn đôi cụ không biết mà Kiều thì có thể đọc từ dưới lên chả sai câu nào. Rồi cứ hay vận mọi thứ vào mà đọc. Nhưng lâu nay sao không thấy các vị ấy ra quyển nào mới. Hay là có mà tớ không biết. Hôm nào gặp nhờ ông hỏi các vị ấy xem, nếu có ra quyển nào mới nữa thì mua cho bà cụ tớ một quyển.

- …Vâng…

- Này, tớ hỏi thật nhá, làm bên cái "ngành Thơ" ấy thu nhập thế nào?

- Cũng tùng tiệm vậy thôi. Không có dự án. Sống bằng nhuận bút là chính.

- À, nhuận bút, nhưng... nó là cái gì?

- Là tiền của bên in trả công sáng tác thơ cho mình

- Hiểu rồi. Thế mỗi bài được bao nhiêu?

- Cũng tuỳ. Có nơi trả năm chục, một trăm. Có nơi xôm thì vài trăm.

- Thế là khá quá chứ. Quy ra thóc là hàng chục cân đấy. Thảo nào dám vào quán bia. Thế tò mò một chút nữa, mỗi ngày ông làm được mấy bài thơ?

- Ồi,... Không định được. Hôm nào hứng thì được một, có khi hai. Nhưng có phải hôm nào cũng nghĩ được ra thơ đâu. Nhiều khi hàng tháng cắm bút ấy chứ.

- Ông lại nói đùa rồi. Hàng tháng không nghĩ được bài nào? Chắc đầu óc lại để ngoài nhà hàng, quán cà phê đèn mờ chứ gì? Các ông nhà thơ nghe nói là chúa lãng mạn. Nhưng tính kỹ lại thì không có dự án chắc làm cố cũng chỉ đủ ăn thôi nhỉ. Không giàu được. Bên cạnh nhà tớ cũng có một ông nhà thơ, nghe đâu là hội viên của hội thơ tỉnh kia đấy. Cũng như ông, lẻo khẻo … Năm ngoái ông ấy ra một tập thơ, có đem sang cho tớ một quyển. Nói thật, tớ cả ngày lăn trên đường chả xong, thời gian đâu đọc thơ. Nhưng của người ta biếu, chả lẽ không cầm. Vậy mà cầm rồi chưa kịp đọc, hôm sau thấy vợ chồng ông ấy cãi nhau ghê quá đành lại mang sang trả.

- Sao lại cãi nhau.

- Cũng chả rõ lắm, nhưng nghe đâu là ông ấy lấy trộm tiền của vợ đi in thơ. Này, tớ tưởng các ông làm thơ thì người ta phải trả tiền cho các ông chứ nhỉ, cái mà ông gọi là nhuận bút ấy. Sao lại phải bỏ tiền nhà ra in à?

- Cũng tuỳ. Có người thì bỏ tiền nhà ra. Có người thì được tài trợ.

- Hiểu rồi. Cũng như bóng đá hả. Đội nào đá hay thì có nơi họ nhận đỡ đầu cho. Đội nào đá rổm thì coi như … trều. Khán giả sẽ la ó, tẩy chay không thèm đến sân xem nữa. Bên các ông làm thơ thì có chuyện đó k?.

- Cũng có chứ, chỉ khác về kiểu thôi. Tỷ dụ như có anh lấy thơ người khác làm thơ mình. Có anh làm thơ nhàn nhạt nhưng lại bỏ tiền ra mua giấy phép để được một nhà xuất bản lớn nào đó đứng tên xuất bản cho… đại loại thế. Nhưng mà người đọc thì tinh, họ chả bỏ tiền mua những tập thơ ấy. Thơ không có người đọc thì cũng như bóng đá không có người xem. Vậy là đói.

- Ừ. Đói. Vậy thơ ông thế nào?

- Tôi không ăn cắp thơ người khác nhưng… chắc là thơ cũng … nhạt.

- Sao biết nhạt?

- Thì đó, … không có người mua.

- Cũng tội nhỉ. Nhưng thế thì cũng còn khá đấy. Tự mình biết thơ mình nhạt là cũng đã là kẻ có bản lĩnh… Ở phố tôi có mấy ông về hưu. Trước kia không thấy thuộc câu thơ nào, về bây giờ rỗi chuyện đâm ra hay làm thơ. Làm thơ rồi cứ gặp ai là nèo vào bắt ngồi đọc cho nghe, cũng rách việc. Nói thật thơ các ông ấy, kể cả thơ của cái bác hàng xóm của tớ, tức là nhà thơ thứ hạng đấy, chính tông đấy, nhưng nghe cũng cứ thế nào. Có ông thì làm thơ kiểu làm vè, châm chích lung tung. Ngày xưa khi ông ấy còn làm cán bộ, còn đương chức đương quyền chả thấy nói chống tham nhũng. Đến giờ về hưu lại ra cái điều. Dân chúng tôi họ bảo cũng là cái kiểu ghen ăn tức ở thôi. Ông ấy về hưu rồi, không ăn được nữa thấy người khác ăn thì tức. Lại có ông thì bạc đầu rồi mà trong thơ cứ em em anh anh, sốt ruột. Nói thật với ông, dân lao động chúng tôi, tối mắt tối mũi suốt ngày lo kiếm miếng ăn. Cuộc sống chật vật nhưng giá có được từ các bác sự sẻ chia, động viên gì thì cũng tốt. Còn cái chuyện em anh, mây gió thì… xin đủ. Mà thôi, đấy là chuyện của người ta. Còn ông, biết nhạt sao không chuyển nghề, đừng làm thơ nữa?

- Làm gì?

- Đá bóng. Tớ nghe lương cầu thủ xịn bây giờ các câu lạc bộ người ta trả cho cao lắm, những chục triệu, hơn chục triệu, có tay được trả đến hàng trăm triệu mỗi tháng cơ đấy.

- Chân tay tôi thế này mà bác bảo đá bóng? Có mà đá bóng bì với bia!

- Ừ nhỉ. Mà nói thế chứ, mỗi người có một phận… Với lại…nói như ông ấy, cuối cùng làm gì thì lại cũng cứ phải giỏi, chứ thấy người ta ăn khoai rồi mình cũng vác mai đi đào là không ổn.

- ... Cũng có người không giỏi nhưng vẫn giàu…

- Tôi hiểu, nhưng đó là những kẻ tham nhũng, tiêu cực. Mà tham nhũng thì chắc chả đến lượt mấy anh em mình. Muốn tham nhũng được phải có chức có quyền. Nhà thơ các anh nghe vậy thì chỉ có cái danh, đúng không. Mà danh không thì chả mài ra mà ăn được. Còn muốn vừa có danh lại vừa có tiền nhiều thì…phải giỏi. Ông nhớ cái tay Maradona ở WC 94chứ. Cái cách hắn đi bóng vượt qua liền lúc năm sáu cầu thủ đối phương rồi sút bóng vào lưới? Chả biết con mắt nhà thơ của ông thấy thế nào chứ như tôi thì tôi thấy đấy là giỏi, là trên cả tuyệt vời. Phải không?

- Vâng, đấy là thơ đích thực trong bóng đá. Cầu thủ ấy đã dùng trái bóng để viết một câu thơ đẹp lên sân cỏ.

- Ông nói hay thật. Nhà thơ có khác. Tôi thì chả đào đâu ra cái liên tưởng hay ho ấy. Nhưng tôi cứ nghĩ, mạn phép ông nhá, giá như thơ các ông cũng viết kiểu như vậy, mỗi dòng, mỗi bài đều có thể làm bật dậy tiếng hò reo tán thưởng ở hàng chục ngàn con người thì… lúc ấy thơ mới có thể kể đến được.

- Những cầu thủ bóng đá đích thực và nhà thơ đích thực. Họ đều lãng mạn. Phải là người lãng mạn lắm, tận hiến lắm mới có được những câu thơ và những đường bóng chinh phục được hàng triệu con tim.

- Ông giỏi thật, lại nói hay và đúng nữa rồi. Lãng mạn… Chà. Tôi phải nhớ cách khen này của ông rồi hôm nào đem bình lại với mấy tay cánh xế bạn tôi mới được. Đá giỏi đã đành mà tư cách hay thì ai cũng mê. Tôi nghiệm ra phàm đã là những tay giỏi thì thường là lại khiêm tốn. cái thùng rỗng càng rỗng càng kêu to. Đấy, giỏi là nó thế đấy. Nhưng ông biết không, đã có lần tôi được xem cánh cầu thủ họ luyện tập. Hoá ra cũng không ngon ăn đâu, cái sự anh em mình nói là giỏi ấy mà. Để đạt được cái sự giỏi hoặc như ông nói, để viết được những câu thơ đẹp lên sân cỏ, họ cũng phải đổ công sức ghê lắm. có tay của đội tuyển mình bảo đâu sau mỗi trận sút mất mấy cân. Như vậy thì ghê thật. Như tôi đánh một cuốc xe kiếm vài chục ngàn, vã mồ hôi, mất sức đến mấy thì… cùng lắm là đêm ấy làm bà xã thất vọng một tý không tý táu tý mẻ gì thôi, nghĩa là chỉ cần về nhà lăn ra làm một giấc đến sáng, là mai lại khoẻ re. Như ông, đã bao giờ ông làm bài thơ mà sút mấy cân thịt chưa ?

- … Vâng, chưa.

- Vậy thì… đành thế thôi ông ạ. Tôi nghiệm ra cái gì nó cũng có cái giá của nó. Mình không dám đổ nhiều mồ hôi, không dám để sút đi kí lô thịt nào thì mình ăn ít, giàu ít là phải. Mấy lỵ, nói ông tha lỗi chứ, có lẽ hạng người như ông với tôi là khi sinh ra ông giời ông ấy cũng đã tính kỹ chán rồi. Cứ lẻo khẻo thế này thôi. Tôi với ông bây giờ mà tự dưng lại béo, lại không đạp xích lô với làm thơ nữa mà mặc Com lê, buộc dây thắt cổ, rồi đi đâu cũng giầy đen mấy lỵ ô tô thì trông… thế nào nhỉ. Có lẽ là xấu, không chừng về nhà chó không nhận được ra chủ nữa ấy chứ lị. Mà kìa, sắp đá rồi, ông ở đây xem cùng chúng tôi chứ hay là về làm thơ? Thôi ở đây xem đi. Tôi khoái nghe cái cách bình luận bóng đá theo kiểu nhà thơ của ông. Tôi sẽ đãi bia được không?

- Vâng, tôi ở đây xem với các ông. Mà không chừng khi ngồi xem bóng đá với các ông tôi lại học được cách làm thơ để thơ hay hơn chăng ?!

Sài Gòn, tháng 10/ 2021.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường
Bài đăng Văn nghệ số Tết dương lịch (số 1, ngày 7/1/2023)
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm