- Truyện ký - Tản văn
- Tiền Giang - Hướng về năm con rắn với niềm hy vọng mới
Tiền Giang - Hướng về năm con rắn với niềm hy vọng mới
NGUYÊN HÙNG
Những ngày cuối năm Giáp Thìn, trong tôi lại dâng trào cảm xúc nhớ Tiền Giang – nơi tôi đã gắn bó gần hai thập kỷ từ năm 1979 đến 1996. Nơi ấy không chỉ là mảnh đất quê hương thứ hai, mà còn là nơi tôi lập gia đình, chào đón hai đứa con đầu lòng trong những năm tháng đầy thử thách. Khi đó, cả nước đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tình người và sự gắn bó giữa những người đồng nghiệp, bà con lối xóm ở Tiền Giang đã giúp tôi vượt qua tất cả.
Tôi đã chuyển lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc gần 30 năm, nhưng Tiền Giang vẫn luôn trong trái tim tôi. Mỗi lần nghe tin tức về quê hương thứ hai của mình, tôi không khỏi trăn trở. Tiền Giang vẫn đẹp, vẫn yên bình với dòng sông Tiền chảy êm đềm, những con đường mới mở với nhiều phương tiện lưu thông và những vườn cây trĩu quả. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh dường như chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Điều này làm tôi băn khoăn, nhất là khi mỗi lần có dịp về thăm lại nơi đây.
Khi nhắc đến Tiền Giang, không thể bỏ qua những biểu tượng đầy sức sống như chợ nổi Cái Bè năm xưa, nơi những chiếc thuyền đầy ắp hàng hóa xuôi ngược từ tờ mờ sáng, hay Trại rắn Đồng Tâm, nơi nghiên cứu và bảo tồn các loài rắn quý hiếm. Chợ nổi Cái Bè đang dần đi vào quên lãng, nhưng chợ nổi Tân Phong đang trên đà hồi sinh thật đáng mừng. Đồng Tâm và Tân Phong - hai địa danh như hiện thân của năm con rắn 2025 sắp tới, tượng trưng cho sự linh hoạt, bền bỉ và sự chuyển hóa từ khó khăn sang cơ hội.
Các nhà văn trong chuyến tham quan chợ nổi Tân Phong đang được hồi sinh.
Tôi tin rằng, nếu Tiền Giang biết tận dụng những thế mạnh tự nhiên và các di sản văn hóa, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp và du lịch sinh thái, địa phương sẽ có những bước chuyển mình đột phá. Những khu công nghiệp như KCN Tân Hương hay KCN Long Giang đang dần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển này không chỉ mang lại cơ hội việc làm cho người dân mà còn tạo nền tảng cho sự chuyển đổi kinh tế bền vững.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp với các di sản văn hóa cũng là hướng đi đáng khích lệ. Du khách đến Tiền Giang không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của miền sông nước, mà còn để trải nghiệm văn hóa độc đáo, từ những làn điệu đờn ca tài tử mộc mạc đến những món ăn dân dã như hủ tiếu Mỹ Tho hay cá lóc nướng trui.
Đón năm Ất Tỵ 2025, tôi mong rằng Tiền Giang sẽ biết “thay da đổi vảy” như hình tượng con rắn, vươn lên mạnh mẽ và khẳng định vị thế của mình. Tôi tin tưởng vào tinh thần chịu thương chịu khó của người dân nơi đây, và hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục kiên trì như dòng sông Tiền không ngừng chảy, mang theo niềm hy vọng mới cho tương lai.
Dẫu xa Tiền Giang, nhưng trong tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng quê hương thứ hai này sẽ vươn lên, mạnh mẽ và bền bỉ, không phụ lòng mong đợi của những người đã, đang và sẽ gắn bó với mảnh đất này. Và tôi, dù ở bất cứ nơi đâu, vẫn sẽ luôn dõi theo từng bước chuyển mình của Tiền Giang, với tất cả tình yêu và hy vọng.
_______________
Một bài thơ cũ về Tiền Giang:
MIỀN TÂY QUÊ CON TÔI
Tôi quê ở miền Trung
Vợ tôi người Hà Nội
Con chúng tôi lại gọi
Miền Tây là quê hương.
Ôi mảnh đất thân thương
Cho tôi làm chim đậu
Tôi yêu từng hạt gạo
Tự lòng người sinh sôi.
Tôi yêu ánh nắng trời
Vàng cánh đồng lúa chín
Yêu cơn mưa chợt đến
Gội mát trời thu xanh.
Thời gian trôi thật nhanh
Từ hồi nào chẳng biết
Miền Tây thành thân thiết
Như là nơi sinh ra.
Mỗi lần phải đi xa
Luôn nhớ miền sông nước
Mỗi chuyến đi công tác
Mong mau về miền Tây…
Mỹ Tho, 1985
Nguyên Hùng
TƯỞNG NIỆM MỘT THỜI
Viết cho N. ngày tròn 6 tháng đi xa (01/6/2011 - 01/12/2011)
Anh vẫn về thăm lại chốn xưa
Từng góc nhỏ lối đi đều rưng rưng nỗi nhớ
Nơi ta có nhau trọn thời kham khổ
Để bây giờ chỉ còn lại anh thôi
Vẳng đâu đây tiếng hát đưa nôi
Đêm thao thức canh khóc cười con trẻ
Tuổi đôi mươi vội vàng làm cha mẹ
Đành sớm khô cằn bởi những lo toan
Hơn mười năm trong tất bật cơ hàn
Rời bục giảng là chăm heo nuôi cá…
Nào đi chợ nấu cơm giặt tã
Vốn thư sinh sao tránh khỏi vụng về
Như còn kia cảnh chơi bóng đánh bi
Đám trẻ nô đùa rộn sân trường cỏ úa
Nơi có lúc từng biến thành ruộng lúa
Lóng ngóng như anh cũng cấy gặt theo mùa
Tháng năm dài anh biền biệt phương xa
Một tay em bế bồng hai con nhỏ
Những tưởng nhà mình thêm gắn bó
Có ngờ đâu mỗi đứa một phương trời…
*
Anh lại về đây tưởng niệm một thời
Đã theo em đến nơi nào xa lắm
Đông đang về tình xưa còn đủ ấm
Ủ hồn người ẩn ức những niềm đau?
Mỹ Tho – Sài Gòn, 01/12/2011
Nguyên Hùng