TIN TỨC
icon bar

Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-15 07:37:00
mail facebook google pos stwis
777 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

PHAN NGỌC QUANG

Tôi và mọi người biết thơ anh qua trang Bạn bè văn nghệ TPHCM. Nhưng riêng 3 bài (Bạn cao nguyên, Đôi khi, Về rừng nhớ biển) của Nguyên Hùng thì phải nhờ trang thơ của báo Gia Lai số cuối tuần trong tháng 8 năm 2023 kết nối mà thành.

Chỉ một cuộc gặp như bao cuộc gặp thôi, đôi khi còn bị lãng quên theo đồ thị thời gian nhưng ở Bạn cao nguyên, đó là một cuộc gặp ấm tình. Đề tài rất đời nên cách nhập cuộc của thơ cũng hồn nhiên. Nếu không có xuống hàng thì khác chi câu chuyện kể theo lối trần thuật mộc mạc: “Dừng chân ở Pleiku/ A lô là gặp bạn”. Nhưng giữa guồng quay hối hả của nhịp sống, chuyện gặp nhau không dễ bất kể bán kính lớn hay bé của một đường tròn khoảng cách: “Người đang thuyết trình viên/ Người bận phiên duyệt báo”. Trăm công nghìn việc nhưng nhớ tình riêng không một lời từ chối. Lời kể nhưng cũng là lời khẳng định về sự nhiệt thành hiếu khách, khác hẳn với kiểu bận cùng từ chối mà không bận cũng từ chối. Mà lòng hiếu khách thì sẵn có trong máu thi nhân, chẳng bao giờ đông cứng: “Người cao nguyên dù bận/ Đã hẹn rồi, không quên”. Điều này lại càng đúng với người đồng bào trên vùng núi cao có cái bụng không bao giờ biết lọc lừa gian dối. Hình như trong bài thơ ngũ ngôn này khẩu khí đã vẽ nên ngôn từ và ngôn từ độc đáo bởi chất khẩu khí: “Người vướng giờ đón cháu/ Chờ nhau không phàn nàn”. Gặp nhau trong tâm thế tự nguyện nên không cần đắn đo trong cách nói, cần chi giữ kẽ để khỏi bị hớ: “Tán gẫu tựa ngô rang/ Từ chuyện rừng chuyện biển”. Chắc ai cũng biết, bạn văn mà gặp nhau thì rõ ràng chuyện còn dài hơn cả đường đi lên núi.

Đọc hết khổ cuối tưởng như hụt hẫng vì chưa có cao trào. Thế nhưng như vậy cũng đã đủ vì đây là câu chuyện hàn huyên mộc mạc. Thì ra những cái xung quanh ta bỗng thành thơ mà thơ hay lạ chứ chẳng cần đi đâu xa. “Nhưng kệ, mình cứ vui/ Khi biết nhau còn khỏe”. Không một lời trau chuốt, câu thơ tô thêm vẻ đẹp của người nghệ sĩ giàu chất khảng khái, bất cần chi. Ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, còn gặp là còn khỏe mà còn khỏe thì cứ vui. Vàng bạc cũng không quý bằng. Cửa sổ bài thơ khép lại theo thể thủ vĩ ngâm cũng không ngoài điều khẳng định: “Bạn cao nguyên là thế/ Gặp rồi, chẳng dễ quên!”. Tôi cảm thấy, từng khổ thơ 5 chữ lấp lánh sắc màu ví giặm của người làm thơ xứ Nghệ như gửi hồn vào tận sâu thẳm tình ái hữu thâm giao.

Tuy không nhắc đến Tuy Hòa nhưng bài thơ Về rừng nhớ biển lại đưa người đọc đến với Phú Yên bằng câu: “Núi Nhạn gọi chim, tháp Nghinh Phong đón gió/ Xứ sở hoa vàng xanh biếc hồn văn”. Cả bài thơ là một hành trình ký ức của người làm thơ đi tìm thi tứ. Cuối cùng, không tìm ra thi tứ mà lại có thi tứ để ứng tác nên thơ, kiểu như: “Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy/ Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”. Có lẽ người chọn thơ là Văn Công Hùng đã thấy nội hàm của câu thơ nằm ở chỗ đó. Theo tôi nét lạ của bài này còn nằm ở chỗ thể loại bất nhất từ 8 chữ, 9 chữ trong khổ đầu đến lục bát ở khổ sau. Anh mượn “trên 6 dưới 8” để giãy bày gan ruột: “Về nhà lại nhớ Sao Mai/ Ta như mang nợ nơi đây chữ tình”. Từ danh từ chung sao mai được viết ra một danh từ riêng Sao Mai chắc có ẩn ý của tác giả. Hay là vì nợ chữ tình giữa biển khơi đầy sóng mà chàng thi sĩ “đóng khung” như vậy. “Ráng chiều ngụp lặn bồng bềnh biển ru” rõ ràng đây là một câu thơ đẹp, chất đầy sự liên tưởng trong vũ trụ chiều bao la. Thử hỏi không nhớ biển xanh sao được dù đã bước đôi chân giữa núi rừng xa xăm.

Có thể coi bài Đôi khi là bông hoa thứ 3 trong một lẵng hoa nhỏ xinh. Không ước gì cao xa mơ mộng, Nguyên Hùng lại: “Đôi khi chợt ước vu vơ/ Được làm nụ súng hé chờ giọt sương”. Ước ao vu vơ nhưng không hề đơn giản vì đó là khát vọng sống của một sinh linh. Giọt sương không chỉ mang lại nguồn sống cho hoa mà còn điểm tô thêm nhan sắc cho cây lá. Rõ ràng ước vu vơ mà chẳng hề vu vơ chút nào. Nỗi ước ao rất đáng trân quý và kính phục như một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa ca cuộc sống. Nỗi ước ao đó như được thắp lên cháy sáng ở hai câu tiếp: “Đôi khi ghen cả cánh chuồn/ Nhẩn nha tìm bạn không buồn không lo”. Chắc nhiều người sẽ thích câu thơ nồng nàn này vì chủ nhân dám giãi bày sự dày vò trong tâm trí ở mức độ cao hơn. Chuồn chuồn có tội tình chi mà ghen với tuông? Có đấy, vì con người không được chút thanh thản bởi bao nỗi tơ vò rối tung thế sự. Đó cũng là câu chuyện của Trang Chu nằm mộng khi thấy mình hóa bướm và tỉnh dậy thì không biết mình là bướm hay bướm đang hóa ra mình.

Điệp khúc “đôi khi” cứ thế nối tiếp nhau như những thời khắc chớp nhoáng chợt đến rồi chợt qua mau để lại bao suy gẫm: “Đôi khi lỡ một chuyến đò/ Cả đời vô vọng ngóng chờ qua sông”. Không còn là chuyện vụn vặt hiện ra trước mặt mà là chuyện của một cuộc tình từng đi qua hay bước ngoặt cả một đời người trước đó. Cái bị đánh mất không đáng được để mất vì đã có trong tầm tay. Chỉ có người đã từng trải chuyện bể dâu mới cất lên lời tiếc nuối muộn màng đến thế. Chất suy tưởng không chịu dừng bước mà vẫn được khai căn ở hai câu thơ cuối: “Đôi khi lỡ chạm gai hồng/ Giật mình chợt nhớ mình trồng phong lan”. Đến đây, tác giả có cáí nhìn phát hiện thú vị khi đưa ra một “mệnh đề” thơ lắt léo. Đời mà, có những chuyện không hay sẽ và đã đến với mình, phải biết chấp nhận và đôi khi đành “sống chung với lũ”. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, người đời vẫn nói như thế, làm sao tránh được. Hình như trong đó có cả chút ảo tưởng của ông Trang Chu lúc ngủ mộng. Chỉ thương người trồng đức hạnh mà phải nhận lấy khổ đau và vùi dập. Nhưng cuộc đời vẫn đáng yêu lắm vì đó chỉ là “đôi khi” mà thôi, không thấm tháp gì với hành trình một thập kỷ đời người dài dằng dặc như chúng ta đang thụ hưởng.

Từ trái: PGS.TS, nhà thơ Ngô Minh Oanh - nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang - Nguyên Hùng

Nhà thơ Phan Ngọc Quang và nhà thơ Triệu Kim Loan.

6/8/2023
P.N.Q

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm