- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Những bước chân thơ không biết mỏi
Những bước chân thơ không biết mỏi
PHAN NGỌC QUANG
Mặc dù nhà giáo Trần Kim Dung đã trình làng 3 tập thơ sau khi giã từ bục giảng để về sinh hoạt trong bầu không khí thơ ca sôi động của thành phố mang tên Bác, nhưng mãi đến tập thơ thứ 3 tôi mới được làm quen với Những dấu chân thơ của người con gái ra đi từ thành phố Hoa phượng đỏ. Trần Kim Dung không phải là gương mặt thơ xa lạ với bạn bè thi hữu mà tại các dịp hội thơ Xuân, rằm tháng Giêng, ngày ra sách... chị đã xuất hiện trước công chúng với phong thái của một nhà giáo chuẩn mực, phong cách của một cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn đọng lại trên mét mặt, lời ăn tiếng nói dịu dàng và thân ái của nữ hiệu trưởng.
Không chỉ mình tôi mà một vài người ban đầu lấy làm lạ khi biết chị cũng là hội viên trong Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP.HCM. Thế nhưng niềm yêu thơ và duyên thơ đã cho chúng tôi gắn kết với những sáng tác bằng văn vần của chị. Và thế mới biết thơ ca đã có sức mạnh vô hình níu kéo được không chỉ mọi cảm xúc mà còn cả những tình cảm, sự gắn bó; tất cả xóa nhòa hết mọi ranh giới về địa lý và không gian. Đó là điều mà anh em chúng tôi càng thêm trân trọng chị.
Đúng như tên gọi của tập thơ, Những dấu chân thơ là một hành trình dài đi không biết mỏi của thế giới nhìn ngắm, chiêm nghiệm dâng trào xúc cảm. Bao nhiêu bài trong tập thơ là bấy nhiêu cột cây số mà chị đã từng đi qua và đánh dấu bằng phép cộng của con mắt nhìn và phép nhân của nhịp rung động con tim. Trần Kim Dung có may mắn là được đặt chần đến những nơi đẹp nhất và hùng vĩ nhất của giang sơn nước Việt. Mỗi khi đặt chân đến nơi đâu chị vừa coi đó là nhà của mình và cũng là khách thể của sáng tác. Là khách thể bởi chị có những đánh giá nhận xét mới lạ về từng vùng đất có thể nói là rất quen thuộc. Nhưng cũng là ngôi nhà thân thuộc bởi chị quá rành rẽ về từng “góc bếp, phòng khách” của từng địa danh. Vì thế mỗi bài thơ của chị đã trở thành bản lý lịch trích ngang của của các vùng đất về quá trình hình thành theo long mạch địa lý và dòng chảy lịch sử (Đà Nẵng, Vân Đồn, Về xứ Thanh, Đường về Đất Mũi, Sầm Sơn...).
Mỗi tác phẩm thơ của chị đều được dựng nên một dáng đứng hào hùng về vùng đất địa linh nhân kiệt từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên với những cá tính riêng biệt không lẫn vào đâu được (Quê hương Phù Ninh, Tháng ba Tây Nguyên, Khiêm lăng, Lên Bản Giốc, ...). Từng trang viết càng khẳng định hơn không chỉ là sức đi của tác giả mà còn minh chứng cho một kiến thức hiểu biết sâu rộng của một người thông tỏ địa lý. Trần Kim Dung đã mượn thơ ca để vẽ nên một tấm bản đồ rực rỡ cho non sông đất nước bằng sắc màu của ngôn từ và xúc cảm. Đất nước hiện qua thơ chị như một tấm thổ cẩm nhiều hoa văn tinh xảo vừa gần gũi, thân quen lại vừa xinh đẹp, kiêu sa.
Những câu thơ của chị qua lăng kính lịch sử đã tạc nên những chiến công hiển hách trong niềm tự hào chung của truyền thống dựng nước và giữ nước bền bỉ, kiên gan (Thành Cổ Loa, Trước nghĩa trang đồi A1, Nhớ Đằng Giang, Bãi cọc Cao Quỳ, Về Côn Đảo...).
Không chỉ quanh quẩn một vùng đất hẹp, thơ chị đã sải dài bước chân vượt ra khỏi biên giới để đến với các quốc gia khác. Đứng ở đỉnh cao hiện tại, chị nhìn về quá khứ để giới thiệu nên một đất nước từ lúc hoài thai cho đến cả hồi sinh và hương thịnh (Chiếc ủng nước Ý, Thụy Sĩ biếc xanh, Hỏi chuyện nhà hát Con Sò, Lên Vạn Lý Trường Thành, Chùa vàng xứ Phật…). Trong thơ chị hình ảnh quả địa cầu mang tên các nước 5 châu hiện lên càng rõ nét như mời gọi, như thôi thúc những bước chân thích khám phá và ham xê dịch. Mỗi quốc gia chị đều gửi lại đó từng lời nhắn gửi ân tình, những điều thiện cảm về một mảnh đất tuy mình không sinh ra ở đó nhưng cũng nặng nghĩa tình.
Nhà thơ Trần Kim Dung cùng con trai tại đất nước Triệu Voi - Thu 2023.
Trong cái trục đề tài theo chiều thẳng đứng, thơ chị có nhiều sáng tạo khi xây dựng đựng những cái trục cảm xúc theo chiều tiệm cận. Bởi thế đồ thị thơ của chị là một đường cong cảm xúc được vẽ nên bởi tập hợp điểm sáng khi tìm ý, tìm tứ cho thơ. Bài Gành Đá Đĩa là một ví dụ. Đến với Phú Yên, ngắm nhìn địa danh kỳ thú Ghềnh Đá Đĩa, chị đã có sự liên tưởng độc đáo khi thốt lên: “Tiệc của trời đất đã tan/ Mà du khách vẫn hân hoan vui vầy?”. Đó là sự liên tưởng theo trường nghĩa lo –gic vì đá đĩa bây giờ còn sót lại là dấu tích còn để lại bữa tiệc linh đình của trời đất: “Tiệc triệu năm đã qua rồi/ Chỉ còn lưu niệm cho trời biển xanh”. Đó cũng là mạch liên tưởng thú vị trong bài Bầu trời dưới đáy sông khi chị nói: “Bầu trời nơi ấy mênh mông/ Lại lặn xuống tận đáy sông giấu mình”. Đó chính là nét duyên riêng của thơ khi đã được thanh lọc qua lăng kính thấm thẩu của thi nhân. Nguyễn Duy có Bầu trời vuông lạ lẫm, Xuân Quỳnh có Bầu trời trong quả trứng bất ngờ thì Trần Kim Dung có Bầu trời dưới đáy sông cũng thú vị không kém. Những bài thơ như thế luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim bạn đọc.
Không chỉ giàu có về đề tài, chị còn giàu có về sở hữu các thể thơ từ 4 chữ, ngũ ngôn, đến lục bát, thơ thất ngôn và cả tự do. Mạch thơ đứng trước đất trời không bị gò bó về không gian mà cánh cửa của ngôi nhà niêm luật thơ luôn mở rộng để cho tất cả thể thơ rộng chân bước vào. Rất đáng khâm phục về sức viết, sức đi và sức sáng tạo của một nhà thơ nữ không bao giờ mỏi mệt cùng những bước đi duyên dáng của thi ca.
28/8/2023
P.N.Q