- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Những hồn hậu từ sông nước Cửu Long
Những hồn hậu từ sông nước Cửu Long
NGUYỄN VĂN HÒA
Trúc Linh Lan là một trong những cây bút nữ gạo cội của vùng sông nước Cửu Long, chị góp mặt và khẳng định tên tuổi trên văn đàn từ trước năm 1975. Trúc Linh Lan viết trên nhiều thể loại và ở thể loại nào chị cũng đều để lại những dấu ấn sâu đậm đối với người đọc. Chị lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, viết chăm chỉ như để thỏa nỗi đam mê của đời mình, lòng mình. Nhưng có lẽ, trong hành trình sáng tạo văn chương thì thơ là thế mạnh của Trúc Linh Lan. Chị viết khỏe với giọng điệu trữ tình, hồn hậu, sâu lắng và mang đậm đặc trưng vùng sông nước miền Tây.
Tốt nghiệp Tú tài từ năm 1972, Trúc Linh Lan học sư phạm ra trường đi dạy ở vùng chiến tranh, làm thơ viết văn đăng báo từ năm 1968. Sau giải phóng chị tham gia hội văn nghệ đã từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Ở vị trí nào, chị cũng là người làm việc có trách nhiệm được bạn bè đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Chính vì trải qua nhiều công việc đã tạo cho chị vốn sống, sự hiểu biết và cả những nỗi niềm trắc ẩn về con người, cuộc đời và thế thái nhân tình.
Cuộc đời Trúc Linh Lan là chuỗi dài những trăn trở, suy tư không chỉ về mình mà còn cả về đời, về con người. Nhà thơ lúc nào cũng canh cánh bên lòng những mối lo âu: Bóng con còng vó liêu xiêu /Xây lâu đài cát những chiều vàng thu /Sóng xô giấc mộng sa mù Bạc đầu chưa biết thực hư thế nào (Sóng xô giấc mộng sa mù).
Đọc thơ Trúc Linh Lan, người đọc sẽ nhận ra cái buồn miên man chảy vào từng trang viết. Nỗi buồn được chắt lắng, nỗi buồn được ký gửi vào thơ như là sự trải lòng. Người đàn bà ngồi đếm lá rơi / Đếm sương Đếm gió / Đếm tuổi xuân rụng dần...
Khám phá thơ Trúc Linh Lan, người đọc sẽ có nhiều hứng thú bởi tâm hồn thi sĩ luôn chất chứa những tình cảm ý vị, mộc mạc mà chân thành. Ngôn ngữ được chị vận dụng một cách linh hoạt trong từng câu thơ, bài thơ và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, đọc thơ Trúc Linh Lan người đọc dễ đồng cảm, bởi chị đã nói hộ được tâm trạng của nhiều người. Điều mà không phải người làm thơ nào cũng làm tốt được. Nhiều bài thơ của Trúc Linh Lan được nhiều người nhắc đến như: Ta nhắm mắt trong đêm nguyệt thực, Thương nhớ đồng bằng, Đêm trầm tích, Người đàn ông trong ngôi nhà không có đàn bà, Bay cao nỗi buồn, Giấc mơ gõ cửa đời người, Người có về không?, Soi lại chính mình...
Đọc những bài thơ chị viết, người đọc nhận ra những đặc trưng của vùng sông nước. Một vùng đất được hình thành và phát triển với những nét văn hóa đặc sắc riêng. Chỉ cần nhắc đến tên đất, tên làng cũng đều làm cho người ta ấn tượng. Ở nơi sông nước mênh mang, nhiều tôm cá, bãi bồi phù sa, là vựa lúa lớn nhất cả nước, nơi miệt vườn với nhiều trái cây ngon... và hơn hết là tình người nồng hậu, nghĩa tình. Đêm mắc võng hát vài câu vọng cổ/Đôi mắt ai lung liếng mé hiên nhà/ Trăng rơi xuống bồng bềnh trên sóng nước/ Điên điển vàng rực ấm cả bờ xa. (Đêm hành quân nghe câu dân ca Nam bộ).
Vốn là người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất này, Trúc Linh Lan thấu hiểu và cảm nhận về nó với những vẻ đẹp, sự hồn hậu và chân thành. Ở đó với những con người, cảnh vật, những công việc và cả những suy nghĩ rất đỗi thân thương, trìu mến: Con chim thả cọng rơm vào trang thơ/ Câu thơ ửng vàng mùa giáp hạt/ Tôi bắt gặp giọt sương long lanh ánh mắt/ Tình yêu từ đó bay lên/ Con trâu cõng tiếng sáo trên lưng/ Điệu buồn ly hương của người đi mở đất/ Câu thơ hóa thành câu vọng cổ/ Một miền quê để lại sau lưng… (Đêm trầm tích).
Nhà thơ trải trái tim mình với nơi sinh dưỡng, nơi gắn với bao ký ức niềm thương: Tôi trải tim mình biếc cả mùa thơm/ Theo tiếng sáo, cọng rơm vàng, phù sa, cánh cò của mẹ,/Mang câu dân ca, giọng hò, điệu lý.../ Theo chân người lam lũ đất phương Nam.
Vốn là người tinh tế và giầu lòng trắc ẩn, Trúc Linh Lan cảm thấy nặng nợ với mảnh đất này. Do vậy, dù có đi đâu, làm gì tận sâu trong tâm khảm nhà thơ vẫn dành riêng cho một “vùng nhớ” với nơi ngọn nguồn sinh dưỡng, nuôi chị cả phần xác lẫn phần hồn: Có đi đâu?/Vẫn thương nhớ đồng bằng!/ Nơi câu Dạ cổ hoài lang vang danh một vùng đất… Những nét đặc trưng của vùng đất Tây Nam Tổ quốc được chị sử dụng trong thơ với tần số cao. Đây là điểm nổi bật làm nên nét riêng của hồn thơ Trúc Linh Lan. Thậm chí trong 1 bài thơ chị cũng đã có rất nhiều từ ngữ để tái hiện cảnh sắc con người vùng Tây Nam bộ. Chị là “hồn thơ của sông nước Cửu Long”.
Sống tình nghĩa với quê hương, gia đình, bạn bè, yêu thương những người bất hạnh đó là những đức tính cao đẹp của nhà thơ Trúc Linh Lan. Vì thế, bên cạnh viết về cảnh và người quê hương nói chung, Trúc Linh Lan còn có nhiều bài thơ viết về cha, về mẹ và những người thân yêu bằng cả những tình cảm chân thành của một người đàn bà đã đi qua những thăng trầm dâu bể. Sự nhân hậu, bao dung của chị được thể hiện rõ nét với những câu thơ, bài thơ đọc nghe nao lòng. Những hệ từ chỉ sự buồn đau, mất mát, thua thiệt, hụt hẫng... được chị sử dụng nhiều: nước mắt, lừa dối, vô thường, nỗi buồn, lẻ loi, mong, phôi phai, đau, rét mướt, lầm lũi, bỏ quên, cuộc tình đã lỡ, nhớ thương, lạnh lẽo, buồn hiu, hao gầy, xao xác, tàn phai, thở dài, tội nghiệp, cuồng nộ, đầy, vơi, nợ, vay, lênh đênh, lận đận, ngậm ngùi, nhói đau, kiếm tìm, hun hút, bóng đêm...
Với nhà thơ Trúc Linh Lan, những năm tháng dạy học và cả thời gian làm ở Trại trẻ mồ côi, có lẽ là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm. Cô giáo Trúc Linh Lan ấy rất có tâm, cái tâm sáng trong, sẵn sàng làm điều thiện, điều hay cho đời. Chị chính là chỗ dựa tinh thần cho những đứa trẻ kém may mắn ở Trại trẻ mồ côi Hoa Mai trong khoảng thời gian chị làm việc ở đó.
Hoàn cảnh gia đình, thời cuộc, quê hương đã có những tác động không nhỏ đến các sáng tác của chị. Đọc bài thơ Đêm Trúc Linh Lan viết, người đọc cảm thấy nhói lòng. Đó chính là những lời tự sự rất thật, trong đó hiện về cả những năm tháng dài khó nhọc, cảnh gia đình chị nói riêng và quê hương nhà thơ nói chung còn đói nghèo xơ xác. Để rồi tất cả đã hằn sâu vào trong tâm não của Trúc Linh Lan. Khi có dịp trở về chốn cũ, lòng chị lại trỗi dậy những suy tư. Nhiều câu hỏi lại đặt ra với một con người trĩu nặng nghĩa tình với gia đình và quê hương như chị. Những năm khốn khó hiện về như những thước phim quay chậm: Đêm không có những ngọn đèn cao áp/ Không có ánh neon sáng trắng/ Chỉ có ngọn đèn trứng vịt/ Lung linh trên vách nhà/ Thăm thẳm…
Rồi ở đó hiện về âm thanh của những tiếng đờn lẻ loi, của buổi đêm đầy gió bên những hàng cây. Rồi ở đêm trăng rằm, mười sáu với những ước mơ hy vọng cho những cuộc tình viên mãn, cho hạnh phúc tròn đầy. Âm thanh của tiếng chim cu rúc bên cánh đồng, tiếng hát, hình ảnh bếp lửa khuya, dáng cha vạm vỡ, mẹ ngồi vá tứng manh áo rách, “tôi” ngồi đợi mùa thi, tiếng em tôi hồn nhiên cười qua kẻ lá...
Và rồi cũng chính nơi đây: Đêm đem đi mất rồi ba tôi/ ngày nước cạn/ Những đứa em lìa quê lên phố…
Nhà thơ chạnh lòng tự hỏi trong sự giày vò: Đêm ở quê đánh thức bao điều/ Ai đó? Đã xa./ Đã quên./ Sẽ một đời hối tiếc!
Mọi an yên và những điều may mắn dường như ít mỉm cười với nhà thơ Trúc Linh Lan. Do vậy phần nhiều cái chị nhân về mình là những đau buồn, thua thiệt, mất mát và tổn thương. Gió lùa qua mùa đông/ Thả vào cuộc đời rét mướt… (Bay cao nỗi buồn).
Sự trống vắng đến độ ngày sinh nhật cũng chỉ một mình ôm lấy nỗi buồn, chỉ mình “em” mà thổi từng ngọn nến. Đọc bài thơ Sinh nhật buồn của Trúc Linh Lan mà cảm thấy rưng rưng. Sinh nhật em không có ai, không lời chúc mừng, một mình em thổi hoài bốn mươi ngọn nến / Những câu thơ nước mắt, những số phận đời người, trang viết khoắc khoải / Sinh nhật em tháng tám mưa dầm...
Dường như chị đã nhập thân và trút cả linh hồn mình vào đó để tìm kiếm và chiêm nghiệm cuộc sống này. … Người có mười năm để nợ/ Ta suốt cả đời đi vay,/ Một mùa trăng tròn đầy,/ Một đời mây vô định,/ Một mùa thu bao nhiêu lá rụng,/Sợ chạm vào tim sẽ vấn vương/ Chỉ một lần làm kẻ nợ yêu thương/ Sao nước mắt đầy vơi đêm thao thức (Ta nhắm mắt trong đêm nguyệt thực).
Ta cầm chén rượu trên tay/’ Hỏi ai tri kỷ cùng say với mình,/Chiêm bao nhớ, chiêm bao tình,/ Câu thơ bỗng rớt nửa chừng tiếng yêu. (Hỏi ai)
Trúc Linh Lan viết về người chồng quá cố bằng những vần thơ đầy ưu tư và trĩu nặng nỗi niềm.
Tóc xanh năm tháng nhạt nhòa Ta làm kẻ đợi tình xa - quên về…
Dẫu biết là quy luật không thể cưỡng lại được nhưng chị vẫn bàng hoàng và hụt hẫng. Bởi từ đây, từ giờ phút này chị đã trở thành người đàn bà góa bụa. Chị sẽ không còn người cạnh mình hôm sớm để chia ngọt sẻ bùi. Ngay nhan đề bài thơ là một câu hỏi tu từ Người có về không? như cắt cứa vào tâm can. Hỏi chỉ để mà hỏi. Bởi vì... người ấy đã trở thành người của thế giới bên kia mất rồi. … Hoa bằng lăng rụng nhuộm không gian tím/ Người có về không?/ Cây đàn xưa chùng phím/Sợi tơ rung da diết ký âm buồn/ Mưa đầu mùa ẩm ướt những yêu thương/ Chuyến xe chót đâu còn ai ghé lại?/ Ta đứng mãi cuối con đường xa ngái Tháng ba rơi tờ lịch cuối cùng!
Thơ Trúc Linh Lan ẩn chứa nhiều nỗi niềm sâu kín, luôn suy tư trăn trở với nỗi buồn, với những gì còn dang dở. Người tinh ý chắc chắn nhận ra, dường như những tâm hồn khát yêu, khát sống thường là những tâm hồn đa đoan. Trò chuyện với chị, lúc nào chị cũng nở nụ cười hiền lành nhưng ẩn đằng sau nụ cười và khuôn mặt phúc hậu ấy là nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn của một “người đàn bà ngồi nhặt ký ức”, người đàn bà “đau đáu đi tìm nửa vầng trăng đã mất”. … Một mùa thu bao nhiêu lá rụng,/ Sợ chạm vào tim sẽ vấn vương/ Chỉ một lần làm kẻ nợ yêu thương/ Sao nước mắt đầy vơi đêm thao thức.
…
Ta nhắm mắt trong đêm nguyệt thực,/ Thấy câu thơ mình lơ lửng nửa vầng trăng. (Ta nhắm mắt trong đêm nguyệt thực).
Dù đã khẳng định tên tuổi trên văn đàn với những tác phẩm được nhiều người biết. Nhưng lúc nào chị cũng là người đàn bà trầm lặng, kín tiếng. Chị viết nhiều, viết đều nhưng vì nhiều lý do chị chưa in được nhiều đầu sách so với những gì chị đã viết. Trúc Linh Lan cho rằng: “Người cầm bút chân chính, người làm văn nghệ đúng nghĩa thì không cần gì phải đánh bóng tên tuổi. Cái quan trọng nhất là mình viết được gì và viết như để thỏa nỗi đam mê, viết như để gửi gắm, giải tỏa hồn mình, lòng mình vào đó”.
Xin được mượn lời của nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy để kết thúc bài viết này: “Dẫu cuộc đời gian truân, cô độc, thơ Trúc Linh Lan vẫn đọng lại trong lòng độc giả yêu thơ những cảm giác man mác, ngọt ngào như dòng sông Hậu hiền hòa xuôi ra biển cả mênh mông…”.
Nguồn Văn nghệ số 10/2020
Bình luận