- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Trăm ngàn… câu hỏi sau một truyện ngắn
Trăm ngàn… câu hỏi sau một truyện ngắn
KỲ 6
(Mời click vào avatar trên đây để truy cập thư mục)
Ngay sau khi truyện ngắn Trăm Ngàn của Ngô Tú Ngân được trao giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức (2022–2024), trên các nền tảng mạng xã hội, giới văn chương đã bắt đầu sôi lên như một “bàn tròn chính sự” – nơi quy tụ đủ tiếng nói: học thuật của nghề viết có, cảm tính của người đọc có, và cả... sự lo sợ, sự ấm ức và phẫn nộ âm thầm.
Chuyên mục Bàn tròn Văn học kỳ này trân trọng giới thiệu những ý kiến chọn lọc từ những người làm công tác chữ nghĩa hoặc yêu chữ nghĩa để cùng góp phần “làm tròn” hơn nhiệm vụ của một cuộc đối thoại văn chương chân thành.
Nhà thơ THAI SẮC: “Ngôn ngữ lạc điệu thì cốt truyện hay cách mấy cũng vô duyên”
“Thai Sắc tui sống ở Nam Bộ từ năm 1983, đi cũng tạm nhiều, khắp, nhưng khi viết truyện ngắn có bối cảnh ở đây, không bao giờ dám sử dụng phương ngữ… Cốt truyện hay bằng trời, nhân vật chọn kỹ cách chi… mà ngôn ngữ của ngôi kể ‘lạc điệu’, hà tất tác phẩm được coi là hay?”
TS. NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH: “Địa phương ngữ là thứ ranh giới mong manh giữa bụi tre và khóm dứa”
“Ngôn ngữ làng, thổ ngữ, nhiều khi còn là mật ngữ… ranh giới có khi chỉ cách nhau một bụi tre, một khóm dứa, một khoảng ruộng là đã khác. Cho nên: Chớ có dại!”
Nhà văn HOÀNG ĐÌNH QUANG: “Cốt truyện phải nghĩ, chứ đừng lấy tiếng địa phương làm màu”
“Có lần tôi đi với nhà văn Nguyễn Khải, thấy ông hí hoáy ghi chép. Ông nói thầm: Mình ghi những câu nói địa phương ở đây. Chứ cốt truyện thì thằng nhà văn phải tự nghĩ ra chứ!”
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ: “Truyện đoạt giải mà đọc xong quên mất”
“Tui đọc xong ‘Trăm Ngàn’ không đọng lại gì. Đọc lại kỹ thì thấy cũng chỉ ở mức trung bình khá… Nhân vật chính, ngoài cái tên ‘Trăm Ngàn’ hơi ngồ ngộ, không có gì khác biệt.”
Dẫu vậy, ông vẫn khẳng định: “Cuộc thi nhìn chung chất lượng, nhiều tác phẩm khá. Theo tui, cuộc thi đã thành công.”
Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY: “Không dở – mà là quá dở!”
“Nội dung quá cũ mòn. Hành văn thì cẩu thả, câu chữ luộm thuộm, dùng từ sai và còn đầy lỗi chính tả. Nếu là tôi làm biên tập thì truyện này không được lên mặt báo, chứ nói gì tới giải Nhì.”
Ông nhận xét thêm về giám khảo: “Có câu: Ban giám khảo nào thì giải thưởng ấy.”
Nhà văn ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN: “Ba khả năng để lý giải một hiện tượng văn chương tên Ngô Tú Ngân”
Từng viết bài phản biện về bài ký của cùng tác giả ở cuộc thi khác (Chuyện những dòng sông), nhà văn Đặng Chương Ngạn tiếp tục đặt câu hỏi về tác giả truyện ngắn Trăm Ngàn:
“1. Cô là thiên tài. 2. Cô là người viết cực kỳ may mắn. 3. Hoặc cô là một trường hợp rất đặc biệt…”
Ông cũng không ngại phê phán những cuộc thi “chấm à uôm, tổ chức cẩu thả” là “cưỡng hiếp những giấc mơ văn chương của những tâm hồn trẻ”.
TS. HÀ THANH VÂN: “Hãy bước ra khỏi ẩn danh và tranh luận học thuật tử tế!”
Tác giả bài phản biện từng gây sóng – TS. Hà Thanh Vân – trong một status trên FB cá nhân sau tranh luận gay gắt, kêu gọi giữ lại tinh thần học thuật trong các cuộc đối thoại:
“Học thuật nghiêm túc không chấp nhận sự ẩn danh, cũng không chấp nhận sự phỉ báng, nói xấu, quy kết tội cho một cá nhân… Những bài viết mang tính phỉ báng cá nhân chỉ làm dư luận lãng quên chủ đề chính – trong khi điều tôi muốn nói là vấn đề chuyên môn của cuộc thi.”
Nhà văn Chủ khảo NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG: “Ngoài chất lượng, còn có... cơ duyên”
Trên báo Tuổi Trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương – chủ tịch hội đồng giám khảo – chia sẻ:
“Tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm có cơ duyên may mắn chiếm được sự đồng cảm trong tiếp nhận, thẩm thấu của đa số thành viên tại một hội đồng cụ thể… Những tác phẩm chưa đoạt giải không hẳn kém hơn, và tác phẩm đoạt giải cũng chưa chắc hoàn mỹ đến mức tuyệt đối.”
Nhà văn BẢO NINH: “Cần thêm tiếng nói của phê bình”
Không bình luận về tác phẩm đoạt giải, nhưng nhà văn Bảo Ninh góp ý rằng:
“Giám khảo các cuộc thi văn chương nên có thêm tiếng nói của các nhà phê bình.”
Bình luận của phụ tá ‘Bàn tròn’: Không rõ nhà văn muốn ám chỉ rằng những kỳ thi sắp tới nên mời… TS Hà Thanh Vân làm giám khảo chăng?
***
Không phải lần đầu – và chắc chắn cũng không phải lần cuối – văn chương xứ sở Đất-nước-cây-tre lại dậy sóng vì những “hiện tượng giải thưởng”. Nhưng có lẽ, chính dư luận – nếu đủ văn minh và chuyên nghiệp – mới làm nên giá trị cho những cuộc thi ấy. Không phải bằng sự phán xét cá nhân, mà bằng tinh thần yêu nghề, trọng chữ và dám nói thật.
Chuyện “Trăm Ngàn”, rốt cuộc, không chỉ là chuyện của một truyện ngắn – mà là chuyện của trăm ngàn cách đọc, cách nghĩ, cách phản biện. Và đáng được lắng nghe, được ghi nhớ.
Rất mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết, ý kiến phản biện hoặc góc nhìn học thuật liên quan đến truyện ngắn Trăm Ngàn cũng như các vấn đề văn học khác theo địa chỉ email: khoa7073@gmail.com. Chúng tôi sẽ ưu tiên chọn đăng trên Văn chương TP. Hồ Chí Minh những bài viết có tinh thần xây dựng, tên tuổi rõ ràng và có giá trị học thuật.
Hình ảnh vui ngoài bàn tròn: