TIN TỨC
icon bar

Thủ khoa của hai cuộc thi thơ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-21 21:17:56
mail facebook google pos stwis
2429 lượt xem

  NGUYỄN VŨ TIỀM

1. Hiếm có cuộc thi thơ nào mà tất cả các tác phẩm thơ đều “rọc phách” như ở Sài Gòn Thi Hội thuộc TT Văn Hóa, sở VH TT & DL TP. Hồ Chí Minh. Ban Giám khảo từ sơ khảo đến trung khảo đều nhận được bài thi chỉ có ký hiệu mà không hề biết của tác giả nào.

Hai cuộc thi thơ “Cảm nhận Truyện Kiều” và “Kỷ niệm 40 năm Sài Gòn – Gia Định đổi tên là TP. Hồ Chí Minh” có hai giải nhất cùng rơi vào một tác giả là cô giáo Trần Kim Dung. Chỉ khi Ban Tổ chức công bố tên tác giả thì giám khảo mới biết.

Đây là trường hợp thật đặc biệt.

Bài thứ nhất “Vần thơ của Cụ vang xa”, tác giả viết:

Vì cha, lưu lạc suốt đời

Lầu xanh, lẽ mọn, chân trời bể dâu.

Kiều sang Phi, Mỹ, Á, Âu

Mở ra bao ngả nhịp cầu nơi nơi.

Nhưng bất ngờ tác giả nhắc tới hai sự kiện “nóng” trong quan hệ bang giao Việt – Mỹ. Ngày 17-11-2000, sau 25 năm chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Bill Clinton cùng vợ và con gái đã sang thăm Việt Nam,  ký kết Hiệp định song phương Việt Mỹ:

Ngài Tổng thống Mỹ sang chơi

Khai thông mấy chục năm trời bang giao.

Diễn văn Ngài đọc hôm nao

Câu thơ trích dẫn ngọt ngào sâu xa :

“Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân ”.

Và ngày 7-7-2015 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của chính phủ Mỹ:

Ngài Phó Tổng Thống Biden

Mở tiệc chiêu đãi cũng xen lẩy Kiều...

“Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Đây là bài duy nhất trong cuộc thi có lồng vào hai sự kiện quan trọng mà cả thế giới quan tâm. Đưa hai sự kiện chính trị này vào thơ lục bát làm sao không bị “phô”, không khiên cưỡng gò bó là điều rất khó khăn nhưng Trần Kim Dung đã xử lý câu chữ ngôn từ khá nhuần nhị, và cô đã vượt qua cửa ải này một cách ngoạn mục, cô đã chinh phục được Ban Giám Khảo khó tính.

Cuộc thi thơ thứ hai diễn ra mới đây: “Kỷ niệm 40 năm Sài Gòn – Gia Định đổi tên là TP. Hồ Chí Minh”. Ban Giám khảo thấy một bài lục bát nói về con đường hầm xuyên qua sông Sài Gòn được cho là hiện đại nhất Đông Nam Á. Bài có cấu tứ đặc biệt được dùng làm tên bài thơ “Bầu trời dưới đáy sông”.

Tôi đi trong dải Ngân Hà

Lung linh sáng, lại ngân nga cung đàn

Trên kia sông nước ngập tràn

Cá tôm bơi lượn, tàu ngàn tấn qua

Ngày xuân rực rỡ cờ hoa

Thuyền đua mở hội, gần xa đua tài…

Bài thứ nhất nổi bật là sự gắn kết thơ với thực tiễn cuộc sống, nhất là kiện chính trị quan trọng đặc biệt; bài thứ hai nổi bật là tứ thơ mới lạ. Cả hai yếu tố thuộc nội dung và nghệ thuật này đều rất quan trọng nhưng có vẻ như lại rất thiếu vắng trong thơ ca hiện nay. Một lý do để bạn đọc chán ngán thơ chăng? Điều đặc biệt nữa ở bài thứ hai là hình ảnh ngôn từ được trau chuốt công phu, tạo nên không gian trong đường hầm Thủ Thiêm lung linh kỳ ảo, đẹp một cách mê hồn:

Tôi đi giữa vạn sao mai

Ngỡ huyền thoại, ngỡ trăng cài đáy sông…

Đẹp nhưng không mỹ lệ hóa một cách sáo mòn là một thành công rất đáng ghi nhận.

Ban Giám khảo hai cuộc thi trao giải nhất cho hai bài thơ trên là rất xứng đáng. Kể ra cũng do bài thi “rọc phách”, giám khảo không biết là của ai, chứ nếu biết tên tác giả thì khó có trường hợp một người chiếm liền hai giải nguyên.

 

2. Trên ba mươi bài trong tập “Bầu trời dưới đáy sông”, tuy vẫn còn những chỗ chưa vừa ý, nhưng nhìn chung đã có những dấu ấn của lao động nghệ thuật rất công phu, rất nỗ lực. Từng du lịch các danh lam thắng cảnh trong nước, ngoài nước khá nhiều, cô hay ghi lại cảm xúc bằng thơ:

Đến Hà Tiên hỏi tiên đâu?

Để cho biển nhớ bạc đầu khôn nguôi

Hòn Chông tắm nắng đùa vui

Mặc cho Phụ Tử trông vời sóng xô.

(Hà Tiên thập cảnh)

Bài này cũng là một dạng cấu tứ khá tinh tế, tác giả khéo dùng ngay chữ “Hà Tiên” làm câu hỏi để kiến trúc thành tứ của bài thơ để rồi từ đó triển khai các ý thơ gắn với những địa danh nổi tiếng của địa phương một cách logic. Nghệ thuật nhân hóa được sử dụng đắc địa khiến cho mỗi con sóng, mỗi hòn đảo đều có hồn vía, có đời sống riêng khá sinh động.

Dừa xanh ôm trọn bãi bờ

Võng trưa ru mãi con đò long đong

(Cù lao xanh)

Thơ có tâm trạng (con đò long đong), khiến bài thơ tránh được sự diễn tả cảnh trí đơn thuần mà các bài thơ du ngoạn thường mắc phải khá phổ biến. Ở trường hợp khác:

Sao cùng phận lá mong manh

Thông tu bao kiếp mà cành cứ tươi?

(Mùa thu ở xứ mặt trời)

 “Phận lá mong manh” rồi lại “thông tu bao kiếp”, hoàn cảnh quá mà lại nói về cây lá, vốn là vật vô tri. Thì ra vẫn là mượn cảnh để nói về người. Thơ cần gióng lên những hồi chuông số phận con người đặng mà cảm thông, chia sẻ. Một thời chúng ta quá quen với thơ cổ vũ động viên. Cũng là cần thiết, nhưng giờ đây dường như bạn đọc mong muốn có những bài thơ chia sẻ nỗi niềm, cảnh ngộ thì phải. Trần Kim Dung khá nhạy bén về hướng này ấy là điều đáng quý đối với người cầm bút.

Sẻ vàng làm tổ ngon cau

Khó nghèo làm tổ trên đầu mẹ đây

Hỏi bao giờ, hỡi gió mây

Người trai khói lửa đến ngày hồi hương ?

(Thân cò)

Nói về một bà mẹ nhưng cô đã điển hình hóa bằng những thủ pháp nghệ thuật khá “cao tay”:

Sẻ vàng làm tổ ngọn cau

Khó nghèo làm tổ trên đầu mẹ đây”

Hình ảnh “Người trai khói lửa” là từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc này đã qua kháng chiến chống Mỹ, chồng bà vẫn chưa về. Người đọc thấy hình ảnh của bà mẹ mình cũng như nhiều bà mẹ khác chịu thương chịu khó vất vả lam lũ một thời. Thơ rất cần điển hình và khái quát như thế, tức là người viết phải lao động nghệ thuật công phu, khổ luyện nhiều.

Bài “Bảo tàng Quang Trung” có những suy tư sâu sắc:

Còn đây giếng cổ ngày xưa

Vẫn nghe Nguyễn Huệ sớm trưa thả gầu.

Phú Phong thổn thức ngàn dâu

Vẳng nghe trống trận ở đầu sông Kôn.

Nghe thấy âm thanh từ xa xưa, khiến bài thơ có chiều sâu. “Nghe” thấy điều mà người khác không “nghe” được, đấy mới thực là yêu cầu của thơ. Có sao nói vậy khó nên thơ lắm.                                   

Một kỷ niệm trên đất Bắc, bài “Gửi lại Mường Phăng”

Khăn piêu thấp thoáng lùm cây

Để cho tiếng sáo ngày ngày ngẩn ngơ

Hoa mua mong nhớ vẩn vơ

Mắt nghiêng tím biếc cả bờ suối xa

Ở đây thì âm thanh và màu sắc lại rộn rã reo vui với tác giả khi tiếp cận những hào quang lịch sử chưa xa.

Đặc biệt có một ngôi làng nổi tiếng nhiều người đẹp, vua Lê Hiển Tôn kén những hai bà vợ ở đó để rồi sinh ra hai nàng công chúa nghiêng nước nghiêng thành là công chúa Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Bình. Công chúa Lê Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung, công chúa Lê Ngọc Bình lấy hai chồng làm vua là vua Quang Toản và vua Gia Long. Cô giáo Trần Kim Dung lặn lội về tận nơi và có bài thơ hay:

“ Em đo vải, em cầm cân

Vẫn duyên dáng nét mỹ nhân thuở nào

Quế hồi đông dược tẩm sao

Chiều hiu hiu gió ngả nào cũng thơm”

 (Quê hương Phù Ninh)

Có khi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” trong một chuyến du lịch nhanh đến Nhật Bản, cô cũng viết được bài thơ khá ấn tượng:

“Đường quanh co sương mù dẫn lối

Suối thả hồn trên vách đá chơi vơi

Vượt đường rừng lá vàng lá đỏ

Lên núi cao ngắm xứ sở mặt trời”

(Đường lên Phú Sĩ)

Chịu khó đi và viết như thế thật đáng quý, nhưng đáng quý hơn nữa là cô viết kỹ, lại không ham in sách, sẵn sàng loại bỏ những bài non, yếu.

Trong bài “Nhớ ”:

Thạch thùng nức nở cõi riêng

Để em với gió nỗi niềm chia đôi.

Chắc là cô giáo dạy văn, ảnh hưởng câu thơ rất hay của Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Vầng trăng thì cụ thể, nhìn thấy, nhưng gió trong đêm thì chắc không nhìn thấy vậy mà cô vẫn viết được là chia đôi nỗi niềm với gió. Thơ rất cần sự kết hợp cụ thể và trừu tượng như thế, nó tạo nên sự lung linh đa tầng đa nghĩa; hiện thực lồng với siêu thực làm cho hiện thực có chiều sâu và phong phú hơn. Có một thời chúng ta dị ứng với khái niệm “siêu thực”, ai chạm đế dễ bị quy chụp này nọ. Nay thì ta nhận ra “siêu thực” là sự phát triển trên tầm cao mới của ý thức, là một thành tựu đáng tự hào của nhân loại. Lĩnh vực thơ ca tiếp thu thành tựu này làm cho thơ hay hơn, đẹp hơn rất nhiều. Chẳng hạn như trong bài “Nao nức tháng ba” có câu thơ thật ảo diệu:

Xoan bầm tím mắt nhớ ai

Mà rơi nghiêng cả chân trời đẫm sương.

Nếu như ở thời điểm văn học chưa đổi mới, câu thơ trên khó chấp nhận mà có khi còn bị phê phán, bị “ăn đòn”. Nhà thơ Xuân Diệu chắc là bị “ăn đòn” rồi nên ông chủ trương thơ phải CHÂN CHÂN CHÂN THỰC THỰC THỰC, (chữ của ông viết hoa tất cả), vì thế thơ ông sau đó “khô như ngói”, một sự trả giá quá đắt đối với một nhà thơ tài năng xuất chúng, vốn được công chúng rất ngưỡng mộ. Rất may mắn, công cuộc đổi mới toàn diện do Nhà nước ta khởi xướng từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước trong đó có văn học làm cho các nhà văn được mặc sức tung hoành trong sáng tạo. Cô giáo Trần Kim Dung tuy không là cây bút chuyên nghiệp nhưng do cảm quan nhạy bén, cô đã nắm bắt được xu thế mới, cô viết được những bài thơ có nội dung tốt, tính nghệ thuật khá cao.

Tham gia chấm giải cuộc thi, tình cờ tôi mới biết cô giáo Trần Kim Dung làm thơ từ mấy chục năm trước, khi cô còn làm Hiệu trưởng ở Hải Phòng. Cô chưa in thơ bao giờ, đây là tập thơ đầu tiên được cô lựa chọn kỹ càng sau khi đã loại bỏ đi hàng trăm bài mà cô cho là quá dễ dãi không đáng gọi là thơ mà chỉ “giống như thơ” mà thôi, thực chất chỉ là ca vè.

 

3. Lời tựa đã  khá dài, lẽ ra phải dừng ở đây với câu chúc thường lệ và gửi mail trả cho tác giả tập thơ đang ở Vũng Tàu. Nhưng tôi lại nhận được mail của cô, hỏi :

– Anh có thể nói rõ hơn về sự khác biệt giữa “Thơ thật” và những thứ chỉ “ giống như thơ” thôi được không ạ ?

Nghe cô nói vậy tôi giật mình, chao ôi, để phân biệt được “thơ thật” và chỉ “giống như thơ” chứ không phải thơ là cả một chuyện cực khó, nhưng lỡ viết ra rồi biết từ chối sao đây, đành phải thêm phần 3 này. Vâng, nó đòi hỏi: đọc, hiểu, cảm vô bờ bến và bản lĩnh của người cầm bút nhiều lắm.

 Thực tế trong lĩnh vực này không ít chủ quan ngộ nhận sinh lắm bi hài, bi kịch, tốn tiền, tốn giấy mực mà tác dụng có khi ngược lại với ý muốn của tác giả. Tôi hoan nghênh quan niệm thơ nghiêm khắc cẩn trọng như vậy và đó mới thực sự là yêu thơ, tôn trọng ngôi đền Nghệ thuật Thi ca muôn thuở. Nếu không có hai cái giải nhất thơ trên đây có lẽ cô cũng chả in sách mà chỉ viết để chơi thôi. Kỹ càng như thế mới đúng là bản chất của lao động nghệ thuật.

Trong bài “ Viết trong ngày tưởng niệm mẹ cha” nhà thơ đã có câu thơ hay:

Tóc mẹ phủ trắng lo âu

“ Lo âu” là khái niệm trìu tượng không nhìn thấy được, nhưng viết như trên thì nó hiện lên rất cụ thể rõ ràng. Nếu “có sao viết vậy” thì chỉ viết đơn giản :

“ Tóc bạc phủ trắng mái đầu”, thật quá, thiếu hẳn nội dung quan trọng là sự vất vả cực nhọc nắng mưa của Mẹ. Câu này thuộc dạng ca vè.

Trong bài “ Thân cò”có câu:

“Sẻ vàng làm tổ ngọn cau

Khó nghèo làm tổ trên đầu mẹ đây”

Câu trên là thực, câu dưới là ảo. Tuy không thực nhưng nói được nhiều hơn là thực, thơ ở đó. Đấy chính là ưu thế của thơ mà văn xuôi không có được.

Trong bài “Quê hương Phù Ninh”:

Con xin dâng trước linh từ

Vọng nghe lịch sử lời ru bi hùng”

Thực tế không có lời ru ấy mà nhà thơ suy tưởng ra như thế, khiến bài thơ có chiều sâu lịch sử, tâm linh, do vậy rất thơ.

   Nhà thơ phải luôn tìm tòi khám phá ra những điều sâu sắc, mới mẻ, phải “thấy” được cái mà người khác không “ thấy”, lại phải thể hiện bằng hình ảnh, hình tượng, ngôn từ giàu tính sáng tạo mang dấu ấn riêng của mình.

Theo sách “ ĐI TÌM MẬT MÃ THƠ” Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản năm 2015  có nói về sự phân biệt giữa Thơ và Ca vè:

Thơ: Là sự thể hiện cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ về một đối tượng nào đấy, thường hay dùng nghĩa bóng và hình ảnh ẩn dụ tạo nên đa tầng đa nghĩa, đôi khi khó hiểu nhưng ý nghĩa sâu xa, có tầm khái quát cao.

Ca vè: “Giống như thơ chứ không phải thơ”, thể hiện trực tiếp về đối tượng ấy, thường hay dùng nghĩa đen, có sao nói vậy nên thường đơn nghĩa, dễ hiểu. Ca vè rất phổ biến và cũng rất cần thiết trong đời sống dân dã.

Nhưng “ranh giới” thường không mấy khi rành mạch bởi tính chất dao động của hình ảnh, hình tượng, ngôn từ, vần nhịp, nhiều khi chúng lồng ghép trong nhau. Trong thơ có một phần của ca vè; trong ca vè có một chút thơ. Nhầm lẫn chính là ở chỗ này. Tuy nhiên, có thể nhận thấy là nếu chỉ có sao nói vậy, nói những điều ai cũng biết cả rồi, giống như:

 “Con mèo con chó có lông

Cây tre có đốt, nồi đồng có quai”, những cái đã là thuộc tính hiển nhiên của sự vật thì khó thành thơ lắm, chỉ là ca vè mà thôi.

Trong tập này Trần Kim Dung chọn khá kỹ nên có một số bài đậm chất thơ như : “Bầu trời dưới đáy sông”, “Quê hương Phù Ninh”, “Chiều mưa”, “Viết trong ngày tưởng niệm mẹ cha”, “Thân cò”... nhưng cũng cò một số bài ít chất thơ như “Về lại xứ dừa”, “Nhớ Đằng Giang”...

Tôi thấy nhà thơ Trần Kim Dung đang có sự chuyển đổi bút pháp từ hiện thực cụ thể sang hiện thực + siêu thực. Thơ của cô mang hơi thở của cuộc sống đang chuyển động mạnh mẽ, đồng thời một số bài có được những nét  đẹp ảo diệu rất đáng quý.

Xin chúc mừng tác giả Thủ khoa của hai cuộc thi thơ và hy vọng cô sẽ còn gặt hái nhiều hơn trong lĩnh vực thi ca đầy hứng thú và nhọc nhằn này.

TP. HCM, tháng 8-2017.

Mời đọc: Muôn nỗi gần xa - Dư âm & rung cảm

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm