TIN TỨC
icon bar

Thử ký họa nhà thơ Nguyên Hùng qua “Ký họa thơ”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-05 17:34:30
mail facebook google pos stwis
753 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

Nguồn: Báo

BÙI SỸ HOA
(Mời click vào tên tác giả để truy cập các bài viết của cùng tác giả)

Nhà thơ Nguyên Hùng vừa cho xuất bản tập sách quý “Ký họa thơ” (81 chân dung văn học)(*), trong đó chiếm hơn một nửa là chân dung các nhà văn, nhạc sĩ mặc áo lính. Trước hết ở đây là tấm lòng trân trọng, quý mến của nhà thơ đối với các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ là những “chân dung” cụ thể trong tập sách. Dù chỉ là “vẽ nhanh” các bức chân dung, nhưng việc làm nổi bật những điểm riêng biệt, riêng có của nhân vật lại là yêu cầu không phải ai cũng dễ vượt qua, nếu không có tài năng thực sự, những phút giây xuất thần thực sự.
 


 

Thực ra, để “vẽ nhanh” và để lại dấu ấn về một bức chân dung văn học, Nguyên Hùng bắt buộc phải nắm được thần thái, hồn cốt, nét độc lạ, riêng có của đối tượng, đồng nghĩa với quá trình đọc, thấm, phân tích, lựa chọn… nghĩa là không thể nhanh trên thực tế, nếu không nói là phải công phu, tỉ mỉ, lao động thực sự. Nhà thơ có thể “xuất thần” với một ý thơ, một câu thơ, thậm chí một bài thơ nhưng chắc chắn đó phải là kết quả, kết cục của một quá trình âm ỉ lâu dài trước đó. Tất nhiên, nhà thơ nắm bắt thần thái các đối tượng không giống nhau, góc độ khác nhau, nhanh chậm, độ thành công cuối kết khác nhau. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan như chúng ta từng biết.

Chắc chắn, nhà thơ Nguyên Hùng đã đọc thơ chân dung của Xuân Sách, Trần Nhương hay nhiều bài thơ chân dung ấn tượng như khi Nguyễn Khoa Điềm “vẽ” Nguyên Hồng, khi Thạch Quỳ “vẽ” Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Cát, khi Nguyễn Ngọc Phú “vẽ” Trần Vàng Sao… chẳng hạn, để chọn cho mình một cách “vẽ” chân dung riêng, không lẫn với người khác

Trên xa lộ chung, Nguyên Hùng vận hành cách sử dụng “tên tuổi” các tác phẩm nổi bật/để đời, các câu thơ, câu văn, lời bài hát nổi bật, các câu chuyện riêng tư… của các “đối tượng” để làm chi tiết khung cho các bức ký họa chân dung. Nhà thơ “thổi” vào những nhãn mác quen thuộc, nhiều người biết một không gian mới, môi trường mới, khiến “nó” sinh động, lung linh hẳn lên trong nhận thức mới. Vì vậy, mọi điều tưởng như đã biết, tưởng như chết cứng, khuôn cứng nhưng đã được nhà thơ sắp xếp, tạo ra liên kết mới, bồi đắp ý nghĩa mới, lạ khác theo cách nhìn riêng có của nhà thơ, tạo nên một “trường hấp dẫn” mới mẻ.

Đó là “Sinh ra ở bên kia sông Đuống/ Tình thơ bay không dừng bến sông Hồng/Có Kiều Loan với bao niềm vui sướng/ Vẫn lên đường tìm mãi lá diêu bông (Hoàng Cầm); “Lửa thiêng soi vũ trụ ca/ Người vui gọi đất nở hoa theo người…” (Huy Cận); “Sông Hương biết chảy theo vần/ Tài hoa đắm đuối hai lần mắt răm” (Trương Nam Hương); “Nào ai ngờ sau phiên chợ Giát/ Lão Khúng vội về bạn với cỏ lau/ Lời ai điếu cho một thời vừa tắt…” (Nguyễn Minh Châu”)… Đó là khi “vẽ” Nguyễn Trường “Lặng lẽ viết mà văn đàn báo bão”, Nguyên Hùng chứng minh bằng câu văn từng khiến bao bạn đọc, bạn viết giật mình ở tình huống truyện về nhân vật Đạo Dừa: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất. Hay trường hợp An Thuyên, là câu hát rất nhiều người nhớ bẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ” trong bài hát phổ cập Neo đậu bến quê.

Có những nét vẽ nhanh chưa đạt đủ “khối hình” cần thiết, nhà thơ Nguyên Hùng biết cách “vẽ” dù chấm phá nhưng được tỉa tót, chắt lựa kỹ càng, hiệu quả thấy rõ. Ví dụ, khi “vẽ” chân dung Hoài Vũ, nhà thơ mở đầu “Anh ở đầu sông, em cuối sông/Dòng xanh nuôi lớn giấc mơ hồng…”, rồi vẽ lần lượt những Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… đến cuối bài, nhà thơ bỗng nhiên “điệp” lại câu “Anh ở đầu sông, em cuối sông” như một câu vĩ thanh ngân nga, lay thức. Hay với Thanh Tùng, dù đã nhắc Thời hoa đỏ và nhiều dấu ấn khác, Nguyên Hùng vẫn tìm cách để níu kéo, làm rõ thêm về nhà thơ xứ hoa phượng và tiếng còi tàu biển, bằng câu thơ vừa mang dấu ấn Thanh Tùng vừa có thêm dấu ấn của người tri âm, tri kỷ Nguyên Hùng “Nhớ một thời trai trẻ say mê”!

Có những nét chân dung là câu chuyện cuộc sống xa xót của chính đối tượng “Trong hố bomkhoảng trời” (Lâm Thị Mỹ Dạ), được Nguyên Hùng viết một cách chân thực, tài tình “Thả mây cho gió… đâu ngờ/Thơ không năm tháng mà giờ đã quên/Bạn bè không nhớ nổi tên/Mẹ và con chung nỗi niềm xót cha”. Lại có nét chân dung tếu táo “Một thời cặp chị Ngọc Tư/Cùng nhau sống chậm ninh nhừ…tản văn/Để ngày xin cưới Hương Ngân/Vội vàng mấy bản sớ dâng tường trình” (Lê Thiếu Nhơn) hay “Viết báo dạo không đủ tiền cấy tóc” (Văn Công Hùng) hay “Thơ-văn-họa-dịch… đắm mình/ Râu không buồn tỉa, ái tình biếng thăm” (Nguyễn Quang Thiều). Lại có nét chân dung được “lẩy” ra từ tên tuổi chính các nhà thơ “Nếu ngày ấy ở Yên Trung mẹ không sinh anh/Làng văn bây giờ thiếu một nét xuân ngày hội” (Ngô Xuân Hội) hay “Ai có uy thế nhỉ/Cho nhiều, nhận cũng nhiều” (Trần Chấn Uy)…

Nhiều lúc, sau những nét vẽ nhanh kiểu như trên nhưng bức chân dung chưa thực sự có hồn, có vía như mong đợi, Nguyên Hùng mạnh dạn “đắp” thêm, tô thêm những sáng tạo của riêng mình. Đó là chân dung Vương Trọng với hai câu kết bài mà đọc lên là đủ biết một phần lớn “thân thế, sự nghiệp”: “Mê Kiều từ thuở nằm nôi/Trái tim thổn thức mãi lời yêu thương”; chân dung Nguyễn Trọng Tạo “Tình yêu như thể chiến hào/Tên rơi đạn lạc, phía nào cũng… em”; chân dung Nguyễn Quang Sáng “Ông là Năm Sáng-anh Hai/Viết nhanh nhưng nhậu lai rai/ Vội gì
 


Đối với từng tạng thơ/văn, tạng người, Nguyên Hùng luôn chọn đúng, đắc địa thể thơ phù hợp, dựa trên ấn tượng không phai về một/nhiều bài thơ hay cụ thể. Ví dụ bài về Nguyễn Bính với mỗi khổ 4 câu, 7 chữ nghiêm ngắn, mang bóng dáng rất rõ của bài thơ nổi tiếng Cô hái mơ; về Huy Cận lục bát uyển chuyển, gợi nhớ bài Tràng giang; về Phạm Tiến Duật tự do, phóng túng gợi nhớ bài Tiểu đội xe không kính; về Xuân Quỳnh thơ năm chữ vừa truyền thống vừa mới mẻ, đằm sâu, như cách những bài thơ Sóng, Thuyền và biển đến và lưu trong lòng bạn đọc; về Nguyễn Bình Phương tự do, phá cách như nhà văn này xuất hiện ấn tượng, khác lạ lâu nay trên văn đàn.

Đáng nói hơn, có những nét vẽ xuất thần, tạo nên bức ký họa đặc sắc như khi Nguyên Hùng viết về Ý Nhi “Thời gian lặng lẽ ngồi đan phận mình”; về Trần Nhương “Gió quê cùng gió tháng ba/Thổi từ thời lính, mát qua thời bình”; về Giang Nam “Mình ông dắt cả mùa xuân về trời”; về Lê Lựu “Sóng đáy sông lật đò chiều/Anh hùng lẫn với bọt bèo cùng trôi”; về Trần Đăng Khoa “Thần đồng nay làm quan/Vẫn em em bác bác...

Rõ ràng, bút vẽ Nguyên Hùng đã không dừng lại ở một cách, một kiểu, một chất liệu, một gam màu…, mà luôn biến hóa, xa gần, đậm nhạt phù hợp, linh hoạt để “ra” được chân dung ấn tượng. Để từ đó, người viết tin rằng, sau khi vẽ nhanh mà vẫn lột tả cụ thể những đặc điểm riêng của từng “đối tượng”, chính chân dung Nguyên Hùng cũng dần dần hiện lên trong tâm trí của nhiều bạn viết, bạn đọc. Đó là một người thơ chân tình, tin cậy; một sức đọc, sức hiểu sâu rộng và kỹ lưỡng; một tâm hồn đồng điệu, lắng đọng; một bút pháp đa dạng và thu hút…

Sau hết, Nguyên Hùng chỉ biết chăm lo, vun vén, “vẽ”, “tô” đẹp cho bao bạn hữu, không thấy anh… tự họa? Mừng anh tập sách mới, xin mạo muội “ký họa” chân dung Nguyên Hùng từ một câu thơ-nhạc nổi tiếng của anh:

Sóng quằn đêm cát êm

Sóng không từ biển bạc

Sóng kết duyên thơ nhạc

Sóng hường môi mắt em.

Hà Nội ngày hậu bão Yagi, 9/2024

________

(*) Nhà xuất bản Hội Nhà văn- 2024.
 

Bài cũng được đăng trên LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN (số 39 từ 27.9-29.9.2024)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm