- Nhà văn & Góc nhìn
- Tô Nhuận Vĩ dưới ngòi bút Nguyễn Quang Lập
Tô Nhuận Vĩ dưới ngòi bút Nguyễn Quang Lập
Có hơn chục năm không gặp anh Vĩ, có hôm ghé qua Huế, theo bù khú với bạn bè cũng quên anh luôn. Cho đến khi thằng Vân nói nó không xin được Trường nghệ thuật Huế cho con Lan Hà nghỉ học đi đóng phim, mình mới nhớ đến anh. Vụ này không có Tô Nhuận Vĩ không xong, mình gọi điện nhờ anh, may anh đi Mỹ mới về đang ở Hà Nội.
Anh em lâu ngày gặp nhau không khỏi có chút ngậm ngùi. Ở Huế nhiều người yêu quí mình, nhưng đụng sự thì chỉ có anh Vĩ mới có thể giúp được mình, luôn luôn như thế. Anh Vĩ giải quyết êm ro, thằng Vân mừng hú.
Tính anh vậy, gặp anh là gặp vấn đề, không nghe anh nói chuyện văn chương, toàn vấn đề. Gặp vấn đề gì là anh nói say sưa, ở đâu cũng nói, gặp ai cũng nói. Nói và làm, làm hùng hục, vừa làm vừa khoe. Có việc thất bại, có việc thành công, việc thành công thì giả vờ khiêm tốn- Thôi ông ơi nhắc làm gì, tôi có công gì lắm đâu. Việc thất bại thì lờ đi, coi như chưa có chuyện đó bao giờ. Nhưng được như vậy là quí hoá lắm rồi.
Dựng nên tờ Sông Hương là anh Điềm, làm tờ Sông Hương nên nổi là anh Vĩ. Mỗi lần đi qua số 5 Đinh Tiên Hoàng thấy phục anh quá, không biết anh uốn lưỡi kiểu gì mà ông Vũ Thắng chịu cho tạp chí Sông Hương cái nhà to đùng, giá trị bây giờ cỡ vài ngàn cây.
Chính anh khởi sự in thơ tiền chiến, mời Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán... vô Huế năm 1987. Trong khi sĩ phu Bắc Hà, nhiều kẻ gặp mấy người này còn đánh bài lờ, vẫn sợ bị vạ lây. Chính anh cho mở màn những cuộc hội thảo văn chương đổi mới cả trên tạp chí lẫn trong hội trường, nổi tiếng khắp ba miền. Du lịch Huế bây giờ đỡ nhà quê hơn cũng nhờ có anh đóng góp. Tượng cụ Phan Bội Châu mười mấy năm trời lăn lóc giữa mưa gió, làm ổ cho chó gà tội lắm, nay được đưa về khu vườn cụ xưa cũng nhờ có anh chạy đôn chạy đáo hết lên tỉnh uỷ lại về sở văn hoá.
Tất nhiên nhờ dàn đồng ca kẻ sĩ Huế mà anh Điềm, anh Tường, anh Xuân, anh Sơn, anh Huấn đứng đầu, nhưng công anh không thể coi là nhỏ. Nói thế để kể chuyện xấu anh Vĩ cho trơn mồm... (hi hi…). Thực ra cuộc sống anh Vĩ chỉ gói gọn trong hai chuyện: vấn đề và gái.
Một hôm anh Điềm, anh Tường, anh Vĩ ngồi với nhau, hỏi nhau về công tác nộp thuế cho vợ. Anh Tường nói tôi chỉ đăng được báo văn nghệ (1 tuần/ số). Anh Điềm nói tôi cố lắm chỉ đăng được báo Dân ( Báo Bình trị Thiên-3 ngày/ 1số). Anh Vĩ nói các ông kém thế. Tôi đăng báo Nhân dân (ngày 1 số), ngoài ra đi làm phụ trương khắp nơi. Vợ con rồi ba ông này mới thân thiện, chứ xưa ở rừng ba ông này theo chị L. mà kình địch nhau, nói xấu nhau te tua. Cho đến khi anh Bổng từ Bắc vào nẫng tay trên. Ba ông tức lắm, lại đoàn kết nói xấu anh Bổng. Anh Tường nói tụi mình văn hoá đầy mình bị con L. cho chỏng vó cả. Cha Bổng có chi? Có một con trâu mà con L. đổ liền à. Nhục chi lạ.
Nói thế chứ chuyện tình ái anh Vĩ thường thắng lợi rực rỡ. Anh đã bám ai là dai như đỉa, không biết mệt mỏi là gì. Cái khoản nức nở của anh thì hết chê, đặc biệt anh viết thư nức nở sến, sến chảy nước, dài tràng giang đại hải. Ngày anh yêu cô T., mỗi ngày một bức thư 20 trang. Có bài điểm sách 2 trang anh Điềm nhắc mãi không viết, còn thư cho đàn bà ngày nào anh cũng tương đủ 20 trang. Mình hay đọc trộm thư anh, thừa nhận cực sến.
Với đàn bà, kinh nghiệm cho hay càng sến càng ăn. Về khoản sến, Chu Lai còn gọi anh Vĩ bằng ông nội. Anh cứ nói đi nói lại mỗi công thức trời Huế trong mắt em, ôi... Núi Ngự trong mắt em, ôi... Sông Hương trong mắt em, ôi... Thế mà gái chết như rạ. Tài.
Anh có bài lết bằng đầu gối rất kì khu. Một hôm mình thấy anh lết từ đầu hành lang đến cuối hanh lang, hai đầu gối nhoay nhoáy, mắt ngước lên đầy thành kính như ngước lên tượng thánh, nói những lời rên rỉ với cô kế toán cơ quan anh mà anh là thủ trưởng.
Anh lết 10 cô nhất định có cô động lòng.
Hết lết, anh lại ra đời hừng hực các vấn đề về tự do ngôn luận, về nhân quyền, về đổi mới, về du lịch, về quy hoạch đô thị, về môi trường. Xong anh lại chui vào bóng tối và lết, không hề mệt mỏi. Năm 1985, Bình trị Thiên bão nặng, cả thành phố chống bão, vất vả cả tuần. Anh nói chị Cúc: anh là thủ trưởng, phải chỉ huy anh em chống bão, không về nhà được, rồi chui vào phòng cô T. nằm im cả tuần. Anh em tìm anh khắp nơi không thấy, nghĩ anh bị lũ cuốn trôi, có người đã khóc. Anh Phan Tứ đem vòng hoa từ Đà Nẵng ra viếng vừa lúc anh chui từ phòng cô T. ra.
Mọi người tức lắm. Anh không nói gì. Lập tức lao vào các vấn đề hậu quả bão lụt. Trong 2 ngày anh tổ chức xong tờ báo về cơn bão số 8, với rất nhiều phóng sự nóng bỏng, nổi tiếng khắp nước. Được tỉnh uỷ khen, thưởng cho 8 triệu. Mọi người quên luôn chuyện anh bỏ bão lụt đi mò gái. Tài.
Yêu nhiều thì hoạn nạn nhiều. Hết cô này chửi anh dối trá, lại cô kia chửi anh dối trá. Khổ, không dối trá làm sao yêu được nhiều cô. Anh long đong lật đật đi hết cô này cô kia năn nỉ, nức nở, thề bồi.Rời các cô anh lại say sưa với các vấn đề về tự do ngôn luận, về nhân quyền, về đổi mới, về du lịch, về quy hoạch đô thị, về môi trường. Ai không biết cứ tưởng anh đã dành trọn đời cho các vấn đề anh nêu. Có biết đâu vấn đề đau đầu nhất của anh là đi giải quyết hậu quả các mối tình nửa nắng.
Cô T. muốn có con với anh. Anh viết thư cho cô: anh hình dung con chúng mình sẽ..ôi!, con chúng mình sẽ...ôi! Đến khi cô T. có chửa, anh lết cả chục lần xin cô bỏ cái thai đi.
Cô T. bỏ cái thai và coi anh là kẻ thù. Anh đập đầu khóc lóc rồi gạt nước mắt đi vào hội thảo, đọc một bài tham luận về đổi mới văn chương, ai cũng xót xa về thực trạng văn học nước nhà, tất nhiên trừ cô T.
Năm 1989 chia tỉnh, mình ra Quảng Trị. Chẳng ngờ cái bàn làm việc của mình lại là cái bàn làm việc của anh Vĩ trước đây. Mình lôi trong học bàn ra, đầy thư cô T. gửi cho anh. Lá thư cuối cùng là một mảnh giấy gói một nhúm lông cô T. đã cạo hết của cô gửi anh trước khi bỏ Huế đi Sài Gòn, kèm theo dòng chữ: Đời tôi, tôi chỉ căm thù hai kẻ: Đế quốc Mỹ và Tô Nhuận Vĩ! Mình điện gọi cho anh, anh nói: Ây ây đừng vứt, kỉ niệm đấy, kỉ niệm đấy! Ngày sau anh ra liền. Mình đưa nhúm lông cho anh. Anh cầm, không nhắc gì đến cô T., sôi nổi nói các vấn đề tồn tại của chia tỉnh và nhập tỉnh, sai lầm xét về phương diện kinh tế, sai lầm xét về phương diện văn hoá...
Anh nói say sưa như không hề nhớ trên tay anh đang cầm nhúm lông!
NGUYỄN QUANG LẬP (Rút từ BẠN VĂN).
Bình luận