TIN TỨC
icon bar

Trận chiến nảy lửa và cuộc tình mỏng manh | Truyện ngắn An Bình Minh

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-12-30 06:51:46
mail facebook google pos stwis
199 lượt xem


Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa nhà văn An Bình Minh trong buổi ra mắt tiểu thuyết "Im lặng sống", sáng 29/12/2023

AN BÌNH MINH

Sáng nào cũng thế. Khi vầng dương ửng hồng lung linh trên mí biển phía cửa sông Bạch Đằng thì mọi ánh mắt của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Tràng Kênh trực chiến ở thị xã Uông Bí lại dồn cả vào đấy. Họ không bị thu hút bởi vẻ đẹp mê hồn của bình minh trên biển mà bởi ngoài đó, vào lúc giao thời tranh tối tranh sáng giặc lái Mỹ thường từ biển mò vào cắn trộm. Hơn một tháng nay, Quảng Ninh, nơi tập trung nhiều yếu địa quan trọng đã trở thành mục tiêu đánh phá điên cuồng của máy bay Mỹ.

Lúc này, Đại đội 3 đã ổn định cao thế được hơn 20 phút. Ra đa Son 4 đã bắt được mục tiêu ngay từ ngoài khơi. Nòng pháo đang đồng loạt quay theo phần tử của ra đa, thì bỗng rộ lên báo cáo của tiểu đội trinh sát và máy đo xa: “Tiêu! Hướng 34”. “Hướng 34 - chếch số 4. Ba chiếc A.4D”. Rồi to hơn cả là tiếng tiểu đội trưởng trinh sát từ ống kính TZK có bội số lớn: “Hướng số 4. Ba máy bay - bay vào”.

Rõ rồi. Vậy là máy bay địch đã đổi hướng. Đang bay thấp chếch từ hướng 34 về hướng số 4 để tránh tên lửa của ta bắn lên từ Đông Triều, chúng ngoặt trái lao thẳng vào Uông Bí. Địch đã giành lợi thế chủ động với đường bay ngắn, hướng mặt trời lóa mắt. Nhưng chúng đã vô tình để cho ta được lợi thế P bằng không (P=0) - mục tiêu bay thẳng vào trận địa. Đại đội trưởng Đính dằn giọng: “Chiếc bên trái, phần tổng hợp. Chú ý!”. Cả trận địa, 7 khẩu pháo trung cao tà - hướng đều tăm tắp quay theo phần tử bắn tổng hợp của máy chỉ huy.


Minh hoạ: Đặng Tiến

Pháo trường im phăng phắc. Một sự im lặng dồn nén sức vóc để bùng lên phóng đạn vào đầu thù. Cũng là lúc Viễn trắc thủ cự ly và hai trắc thủ tà, hướng của máy chỉ huy K6 đã cấp tập báo ổn định phần tử bắn chiếc thứ 3 bên trái bay vào: “1 xong!”, “2 xong, 3 xong!”. Lúc này, trên đầu núi Nưa - vật chuẩn hướng số 4, bằng mắt thường đã có thể nhìn thấy tốp máy bay to bằng 3 con ruồi vàng. Đại đội trưởng Đính vươn hơn nửa người trên công sự, giơ cao lá cờ lệnh. Anh nhíu mày, chọn thời cơ tích tắc, hô lớn: “Ba phát bắn nhanh. Chuẩn bị... Bắn!”. Hòa nhịp với tiếng hô đanh thép của đại đội trưởng, 7 giây - 21 quả đạn pháo cỡ 85 ly với đầu đạn nặng 12 kilogam đồng loạt lao vút lên trời.

Chỉ vài giây sau, hàng chục “vầng hoa cải” từ những quả đạn cắt ngòi nổ nở tung, rải rác và bám quanh lũ máy bay lúc này đã to bằng con cào cào. Thấy vậy, đại đội trưởng Đính chớp thời cơ, giơ tiếp cờ lệnh hét lớn: “Trung đội 1 - 3 phát bắn nhanh. Bắn!”. 4 khẩu pháo của trung đội 1 tiếp tục nhả đạn. Trong công sự trinh sát, tiếng Đông lắp bắp vội vã: “Máy bay bị thương. Bị thương. Cháy”. Tiếng nổ các loạt đạn từ pháo trường để lại dư âm inh tai, nhưng đại đội trưởng Đính đã nghe thấy. Anh gần như quát: “Cái gì. Trinh sát báo cáo ngay”. Đáp lời, tiểu đội trưởng trinh sát giọng dứt khoát: “Báo cáo! Máy bay bốc cháy”. Pháo trường lác đác tiếng reo vui, “Ô! máy bay cháy” - “Máy bay bốc cháy”. 

Ngay từ loạt đạn thứ nhất, lũ giặc lái đã tách đội hình, mạnh tên nào tên nấy chạy. Riêng chiếc máy bay “bên trái bay vào” bị quây giữa bốn “vầng hoa cải” của Đại đội 3 với hàng trăm mảnh đạn thì có kiểu bay rất lạ. Nó khựng lại một giây rồi hơi chao đảo lấy đà vọt lên cao, lao thẳng về phía Bắc - hướng nhà máy điện Uông Bí; nhả ra 2 quả bom rồi chuệnh choạng vòng trái bay ra biển. Đúng lúc này, bụng chiếc A.4 bùng lửa bốc khói mù mịt. Nó chòng chành kiệt sức, xoay mấy vòng hệt như mũi khoan lửa, cắm đầu xuống bãi sú vẹt Nam Khê bên sông Đá Bạc. Phía bờ bên kia là dãy núi đá Tràng Kênh - cũng chính là tên của Trung đoàn pháo bảo vệ nhà máy điện Uông Bí, vừa bắn những loạt đạn chát chúa vào đầu giặc thù.

Gần như mọi chú ý đều tập trung vào chiếc máy bay cắm xuống đất mà không để ý đến trước đó, một chiếc dù đã bung ra in loãng trên nền trời có những đám mấy tích trắng như bông. Nó lơ lửng chậm rãi rơi khuất sau đám bụi gai trên bãi sú vẹt. Đã nghe tiếng lao xao trong xóm của những người đang hò nhau đi xem bắt phi công. Máy bay địch còn gầm gào khoảng 5 phút, sau rồi ầm ì lục bục như cơn lũ đại ngàn và xa dần, xa dần. Bầu trời tĩnh lặng. Nếu không có vài cột khói bốc lên vì bom đạn Mỹ thì không ai biết một trận chiến ác liệt vừa diễn ra nơi đây.

Kể thì dài. Nhưng thực ra từ lúc máy đo xa bắt trọn mục tiêu trong ống kính và 3 giây sau máy chỉ huy ổn định phần tử, đến lúc Đại đội trưởng Đính phát lệnh bắn với “vầng hoa cải” nở bung quanh chiếc máy bay “bên trái bay vào” thì chỉ vẻn vẹn trong vòng 50 giây. Còn nếu tính cả lúc trinh sát báo cáo, máy bay bốc cháy, khớp với chiếc A.4D bùng lửa khói ở bụng, chao đảo gượng không nổi phải bật lên chiếc dù trắng thì chắc tổng cộng chỉ hơn một phút. Đây cũng là lúc Đại đội trưởng Đính lệnh cho B chỉ huy đang trực chiến ở trong hầm: “Thông tin. Đăng ký phần tử bắn”.

Điều này có nghĩa phần tử bắn cùng lệnh bắn của Đại đội phải được bấm giây báo cáo lên tham mưu trung đoàn để trên đó tính toán, xác định đại đội 3 là đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay này. Đây là công việc phải được thực hiện kịp thời, chính xác hệt như thời gian chạm đích của vận động viên điền kinh môn chạy 100 mét. Nó phải được tính bằng một phần mười giây.

Hầu như tất cả trung đoàn, gồm 3 tiểu đoàn pháo 37 ly và 3 đại đội trung cao pháo 85 ly đều bắn “3 chiếc A.4D bay vào”. Nếu máy bay không bị bật lên lộn nhào bởi đạn pháo 37 ly cắm vào bụng theo kiểu “một phát ăn ngay”, mà vẫn gượng bay được một đoạn rồi mới lao đầu xuống đất thì đích thị là dính mảnh đạn từ “vầng hoa cải” của pháo trung cao. Xét đơn vị nào bắn rơi máy bay, đòi hỏi phải đăng ký phần tử bắn sao cho khớp với lúc máy bay khựng lại, chòng chành, sau đó bùng lửa, bốc khói. Thế thì đích thị Đại đội 3 đã bắn rơi chiếc A.4D này.

Bắn rơi máy bay, ngoài thành tích ghi vào truyền thống, đơn vị còn được thưởng nóng một con bò cho bộ đội ăn tươi. Chuyện này vui lắm. Một tốp lính ba người, xuất thân từ nông thôn rành chuyện ruộng nương, trâu bò sẽ được lên xe Gaz phóng đến trại chăn nuôi của sư đoàn đóng ở sườn núi Yên Tử. Họ sẽ được hướng dẫn rắc muối dử bắt một con bò to nhất. Ở nhà, dao thớt và thợ lò mổ ngoài thị xã đã được mời vào sẵn sàng cho một bữa liên hoan mừng công giữa đơn vị, thủ trưởng cấp trên và đại diện chính quyền, dân quân địa phương. Chiều hôm đó không có báo động thì niềm vui trọn vẹn.

*

- Tôi đố các ông biết, chỗ mình đang ngồi đây, ngày xưa là gì?

Ba ông cựu chiến binh nhìn nhau. Sự im lặng đã thay cho câu trả lời. Chịu.

Mà chịu là phải. Những trận đánh ngày ấy trôi qua đã hơn bốn mươi năm rồi. Sau này, gần nửa thời gian ấy thì Uông Bí từ một thị xã sơ tán vắng tanh, rợn người đã chuyển mình thành một thành phố sầm uất nằm giữa tuyến du lịch biên giới và vùng biển Hạ Long hấp dẫn. Người xe dập dìu qua lại như mắc cửi.

-  Đây chính là nơi có 2 chiếc sà lan chở than cho nhà máy điện Uông Bí hồi đó đã bị rốc két bắn cháy rừng rực suốt một tuần đấy. Các ông nhớ chưa.

- Nhớ... Nhưng thay đổi thế này sao mà biết được.

Họ chính là ba người lính từng chiến đấu trong chiến dịch hòng san bằng nhà máy điện Uông Bí của máy bay Mỹ năm xưa. Người ra câu hỏi rồi tự trả lời là Viễn - Trịnh Văn Viễn trắc thủ máy chỉ huy ở trận chiến ấy, hiện anh là dân sở tại sống ở đây từ sau ngày đất nước thống nhất. Còn hai người bạn là Lê Đức Bằng, pháo thủ và Hoàng Vũ Đông lính trinh sát. Họ là đồng hương Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày vào tháng tám một chín sáu nhăm. Quen nhau rồi thân nhau từ hôm ấy - lúc xếp hàng điểm danh trước khi lên đường. Và sau đó cùng ở một tiểu đội tân binh trong Đại đội 3, Trung đoàn pháo phòng không 85 ly đóng ở Đông Anh, Sóc Sơn.  

Lính Hà Nội có thói quen gọi nhau kèm tên đệm, cho nó văn vẻ và sang trọng. Vũ Đông chính là người đề xuất chuyến đi thăm Văn Viễn sống ở thành phố này. Sau hòa bình, Đông vào Nam làm báo viết văn, Zalo, Messenger gắn camera biết tin nhau hàng ngày, nhưng giáp mặt bên nhau thì chưa một lần. Chỉ có anh em đồng hương Hà Nội thì năm nào cũng gặp Viễn. Cuộc café hôm nay có cả Yến Nhi ngồi cùng. Yến Nhi chẳng phải ai xa lạ - cô chính là người yêu của Văn Viễn từ những ngày Uông Bí diễn ra những trận đánh nảy lửa với máy bay Mỹ năm xưa.

Hòa Bình là lúc Viễn đang chiến đấu trong đơn vị pháo 37 ly ở Quảng Trị. Giải ngũ, anh về Hà Nội thăm bố mẹ được đúng hai hôm. Sau đó tức tốc lên Uông Bí cưới Yến Nhi, cô thợ may xinh xắn làm vợ. Họ yêu nhau trong một lần Viễn bí mật lỏn ra sửa quần áo. Lính Hà Nội vẫn thế. Quân phục phát đúng số nhưng cứ phải sửa lại mặc vừa người, để cho đẹp và khỏe mạnh. Tất nhiên, điều này là cấm, thế nên mới gọi là bí mật. Lần ấy Viễn chỉ ngồi nán lại bên máy khâu của Yến Nhi đúng 5 phút, nói dăm ba câu nhát gừng. Thế mà cũng đủ để hai người yêu nhau.

Mối tình của họ chỉ vừa lóe lên, mỏng manh như hạt sương thì đã bị cuồng phong dữ dội hơn cả cơn lốc vòi rồng ở cửa sông Bạch Đằng. Chuyện tình của Viễn thì đơn vị chưa biết nhưng ngoài thị xã dư luận đã chín nẫu với những lời dèm pha. Trai Hà Nội đấy em ơi. Khéo miệng lắm, chót môi đầu lưỡi thôi. Nó còn cơ động nay đây mai đó, gặp biết bao cô gái xinh đẹp, dễ gì lại yêu gái phố núi. Ngay đến cả họ tên của hai người cũng là cái cớ để chọc gậy bánh xe. Trịnh Văn Viễn và Nguyễn Thị Yến Nhi tức là “Trịnh Nguyễn phân tranh” đấy. Làm sao mà lấy nhau cho được. 

Nhưng đáng ngại nhất là các chàng thợ mỏ Vàng Danh. Trong khi Viễn đã quá hẹn 3 tuần không có dịp nào được gặp Yên Nhi thì họ ngày nào cũng dập dìu tụ tập trước cửa nhà cô. Sửa quần áo chỉ là cái cớ để họ ngồi mọc rễ bên cạnh Nhi. Họ có đủ yếu tố để là người được chọn. Cường tráng, vui tính, hát hay; tiền lương thợ mỏ cộng phụ cấp độc hại của họ cao chót vót. Nói chung, tương lai của họ có độ chênh một trời một vực so với anh binh nhất Văn Viễn mặt non choẹt trói gà không chặt, chưa kể - không nói ra, nhưng sống chết chẳng biết lúc nào.

Cuối cùng thì Viễn đã phải nhờ Vũ Đông đến nhà Yến Nhi lấy quần áo và kèm theo một bức thư ngỏ không đầu không đuôi. Thấy vậy, Đông thẳng thừng hiến kế. “Yêu rồi thì cứ viết mẹ nó Yến Nhi yêu quý hay yêu thương đi. Việc gì mà phải trống không như vậy”. Và, “Cứ là phải dán kín để em thấy đó là riêng tư, là rất thiêng liêng và trân trọng. Mày hiểu chưa”. Hiểu. Nhưng sau vài lần vò giấy, cuối cùng Viễn cũng chỉ dám viết Yến Nhi... ba chấm xuống dòng. Nội dung thì chỉ gồm mấy chữ kể lý do, đại loại rất mong được ra lấy quần áo, nhưng vì bận chiến đấu nên mong Yến Nhi thông cảm. Chấm hết. Rồi dán kín bức thư. Cầm thư, Đông lẩm bẩm: “Bố khỉ. Thế mà vẫn ba chấm. Thôi được. Để tao vun cho”.

Đến nhà Yến Nhi, tưởng “ông mối” phải nói năng khéo léo ngọt ngào thế nào, hóa ra Đông cũng chỉ là thằng mạnh bạo trong công sự. Chưa đến nỗi phải gãi đầu bẻ khục tay, nhưng anh cũng chẳng biết mở đầu thế nào, đành gọn lỏn: “Viễn nó nhớ em lắm đấy. Kể về em suốt, nhưng chẳng dám viết gì đâu. Chỉ có 3 chấm. Thế là yêu đấy. Em viết gì cho nó đi. Anh chờ”. Ấy vậy mà vừa nghe xong, Nhi đã bật dậy chạy vào buồng lục bút, xé cuốn sổ tay viết ngay cho Viễn một lá thư và dán kín. Trên đường về Đông bóc thư ra xem thấy cũng “Anh Viễn (ba chấm... xuống dòng); nhưng phần “thân bài” thì ý tại ngôn ngoại cực kỳ chân thành, dễ hiểu: “Em cũng nhớ anh nhiều lắm, nhưng không có cách nào gặp được anh. Anh đừng buồn. Lúc nào em cũng nghĩ đến anh. Nhất định anh em mình sẽ gặp được nhau, anh nhé”. Thế này thì được quá rồi. Đông khoái chí rẽ vào bếp anh nuôi xin cơm nguội dán lại, về đưa bức thư cho Viễn, giọng tỉnh queo: “Này. Mở ra đọc tao nghe. Chắc ngon đấy”.

Gần nhau trong tấc gang, nhưng học gặp nhau được tính bằng phút. Cuối mùa đông rét mướt năm ấy, Viễn rời Uông Bí nhập vào một đơn vị pháo 37 ly bổ sung cho chiến trường miền Nam. Thời gian chờ đợi tiếp theo là bốn năm với ba là thư lỗi ngày sờn mép gấp. Cuộc tình lửa rơm, tưởng chỉ bùng lên rồi tắt. Vậy mà điều gì đã khiến họ chờ nhau nên vợ nên chồng, thì chính họ cũng không hiểu nổi.

Cưới vợ xong, Viễn ở lại Thị xã Uông Bí, sắm một chiếc xe ba bánh với thùng đựng xăng và dầu hỏa có chiếc máy bơm tay. Ban ngày lưu động, chiều về đỗ ngay trước tiệm may của vợ bán cho lối xóm. Nhỏ lẻ thế thôi, nhưng lính đồng hương Hà Nội vẫn nhắc đến anh với cái tên đầy khâm phục: “Viễn - Vua dầu hỏa”. Hai chục năm sau Uông Bí lên thành phố, công nhân xây dựng tứ xứ đổ, Viễn chuyển sang bán bia hơi. Yến Nhi thất nghiệp vì thời trang Trung Quốc đủ mẫu mã bóng mượt tràn về, cô đổi nghề sang phụ trách bếp làm đồ nhậu. Một quán bia rộng rãi, thợ vẫn dài cổ ngồi chờ, Nhi thuê thêm 3 quán, rồi phát đạt mua đất xây nhà hàng, thành ông bà chủ của chuỗi Restauran Viễn Nhi nổi tiếng của thành phố.

*

Ba lính già và Yến Nhi - người trong cuộc ngồi bên nhau, ôn lại đủ mọi chuyện. Từ trận đánh đầu đời đáng nhớ ở Suối Hai, lính Hà Nội chân run run, tóc gáy dựng nhẹ hệt như lúc phải phát biểu thu hoạch trong lớp học chính trị cho tân binh. Trận ấy súng 14 ly 5 bảo vệ đại đội còn bắn đuổi quả tên lửa Sam 2 của ta bay trên rừng Ngọc Nhị. Rồi đến lần cơ động đầu tiên, bốn tiếng sau mới rút khỏi trận địa, để rồi sau một đêm hành quân thức trắng, mãi 5 tiếng sau mặt trời lên đỉnh đầu mới chiếm lĩnh xong trận địa mới.

Nhưng rồi sau hàng chục trận bắn bảo vệ các yếu địa và tuyến đường giao thông ở Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, đến lúc về Hải Dương thì họ đã thành những người lính thiện chiến. Vũ Đông bao giờ cũng phát hiện được máy địch từ rất xa, trong ống nhòm bội số 10 lúc chúng chỉ bé bằng con muỗi. Văn Viễn là trắc thủ cừ khôi. Giữa trưa nắng nhòe mắt mà vẫn áp đường tin cự ly vào máy bay địch chỉ sai số trên dưới chục mét. Riêng Đức Bằng thì khỏi chê. Đã có trận bắn liên tục 40 quả đạn pháo trung cao. Anh không mệt, nhưng máy hoàn xạ bị “chết”, không đưa được khẩu pháo về được vị trí ban đầu.

Cuối cùng thì họ lại trở về với những trận đánh nảy lửa để bảo vệ nhà máy điện Uông Bí, mỏ than Mạo Khê và phà Yên Lập. Đó là thời gian gieo neo ác liệt nhất, có thắng và có hy sinh của bộ đội Trung đoàn Tràng Kênh

Dạo ấy, để đối phó với máy bay địch đánh đêm, bộ đội Uông Bí đã phải chiến đấu bằng phương pháp “tích cực tiêu diệt địch”. Phương pháp này là điều một số đại đội kéo pháo vào sát nhà máy điện Uông Bí; tối tối ghếch nòng pháo theo các góc tà khác nhau để đón đầu máy bay địch. Khi có tín hiệu các vọng quan sát xa ở Hoành Bồ, Quảng Yên báo về thì bấm giây, ước tốc độ bay lúc vừa tầm máy bay địch sắp tiếp cận nhà máy điện bắn thì bắn dựng màn đạn, bắt lũ giặc lái phải vọt lên cao hoặc rẽ ngang bỏ chạy.

Nhớ về chiếc salan than bị cháy đỏ rực như lò lửa lộ thiên năm xưa, Đông tâm sự: “Thực ra hồi ấy là giai đoạn gian nan vất vả nhất của bọn mình, các ông ạ. Pháo thì cũ, sản xuất từ năm 1946 chủ yếu bắn máy bay cánh quạt lại phải đem ra bắn máy bay siêu thanh. Bắn mãi, suốt 2 năm mà chỉ rơi được 2 chiếc. Riêng chiếc thứ hai thì lại phải nhường cho 12ly7 của dân quân Yên Lập. Vì bên họ có người hy sinh.

Tất cả tư lự, không ai đáp lời. Có vẻ họ không muốn nhớ lại những năm gian khó dù họ đã đứng vững và đánh bật hàng trăm lượt máy bay Mỹ để bảo vệ nhà máy điện Uông Bí. Chỉ duy nhất một lần sơ sảy, máy bay địch đã đánh sập ống khói nhà máy điện, phải mất một tuần sau mới khắc phục bằng sáng kiến hết ý: làm “ống khói ngầm” xả khói ra bờ sông Uông.

- Cũng may là lớp lính phòng không em cháu bây giờ khá hơn tụi mình - Đông lên tiếng, phá tan phút im lặng - Họ không phải sẵn sàng chiến đấu trên các loại pháo 85 ly cổ lỗ sĩ nữa. Số pháo tiểu cao còn lại thì cũng được cải tiến nâng cấp, hiện đại lắm rồi.

Đến đây thì nhóm cựu chiến binh đồng tình. Họ cùng hào hứng kể về vũ khí mới của pháo phòng không. Mục kích thì ít, chủ yếu là nghe “báo cáo” qua các lần về thăm đơn vị cũ. Nhưng như thế cũng đủ cho niềm vui cũ - mới chan hòa.

Câu chuyện chưa vãn. Nhưng bà Nhi đứng dậy xin phép về trước để chuẩn bị cho sự kiện trưa nay. Viễn đỡ lời, giải thích: “Trưa nay bọn tôi làm lễ phát thưởng Quỹ khuyến học của Cựu chiến binh. Tôi đã bố trí rồi. Giờ mình về luôn. Các ông cứ lại rai ở tầng 2 - nửa tiếng sau xong việc, tôi lên. Bọn tôi tổ chức ở tầng 1. Hai chục cháu, mỗi cháu 5 triệu 2 cho 1 niên học. Phát thưởng xong cho các cháu liên hoan luôn thể. Toàn con nhà nghèo học giỏi. Cái ấy cũng hơn hẳn tụi mình ngày xưa đấy.

Thì đúng. Cũng là chuyện hậu sinh khả úy mà.

Nguồn Văn nghệ số 51/2023

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường
Bài đăng Văn nghệ số Tết dương lịch (số 1, ngày 7/1/2023)
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm
Hoa mua tím Truông Bồn
Bài viết của nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, Nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An
Xem thêm