TIN TỨC
icon bar

Bài thơ sông núi

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-02-12 14:13:50
mail facebook google pos stwis
507 lượt xem

NGUYỄN THANH

NGUYÊN TIÊU

   

Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên

               

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên

               

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

        

Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.

         滿  

                                            1948

                                    HỒ CHÍ MINH

                                       

 

Dịch thơ

 RẰM THÁNG GIÊNG

 Rằm xuân lồng lộng trăng soi

 Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

 Giữa dòng bàn bạc việc quân

 Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

                                               1948

                                        XUÂN THỦY

 

Bài thơ “Nguyên Tiêu” thuộc chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được sáng tác tại chiến khu Việt Bắc trong thời kháng chiến chống Pháp: Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), Báo tiệp (Tin thắng trận), Thu dạ (Đêm thu), Tư chiến sĩ (Nhớ chiến sĩ), Đăng sơn (Lên núi)…

Sau chiến thắng thu đông năm 1947, sang xuân hè 1948, quân ta lại chiến thắng lớn trên đường số bốn. Niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ “Nguyên Tiêu” của Hồ Chí Minh xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như một đóa hoa xuân rực rỡ và ngạt ngào hương sắc. Nhà thơ Xuân Thủy đã dịch tương đối đạt ra thể lục bát bài thơ bằng chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt của Bác Hồ:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bài thơ tả cảnh thơ mộng đêm Nguyên Tiêu giữa một không gian bao la ngời sáng ánh trăng, thể hiện cảm xúc dạt dào và niềm vui trong sáng nơi tâm hồn vị lãnh tụ thiên tài trong đêm rằm tháng Giêng lịch sử. Chỉ với bốn câu mang chủ đề về đêm Nguyên Tiêu, bài thơ đã vẽ lên được một bức tranh sông nước tuyệt vời, linh động có hồn mà không chỉ là “thi trung hữu họa” (trong thơ có vẽ). Bầu trời mênh mang của đêm rằm tháng Giêng với vầng trăng tròn vành vạnh (nguyệt chính viên) là bối cảnh đẹp tươi xinh và rất hữu tình:

Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)

Đất nước thân yêu bao trùm một màu xanh bát ngát. Màu xanh lấp lánh của sông xuân, màu xanh trong như ngọc bích của “xuân thủy” tiếp nối với màu thiên thanh của bầu trời xuân. Cái thần của câu thơ thứ hai nổi bật trong cảnh sông nước trời xuân được tô đậm bằng cách điệp đi điệp lại từ xuân đến ba lần:

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên

(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân) 

Xuân” ở đây mang ý nghĩa mùa xuân, tượng trưng cho tuổi trẻ với sinh lực mãnh liệt của con người. “Xuân” gợi tả nét đẹp thanh tú mà hùng vĩ và sức sống thần kỳ của đất nước ta: trong lửa đạn vẫn tiềm tàng dào dạt một sức bật trẻ trung. Nhà thơ dùng nét bút phác họa cảnh đêm Nguyên Tiêu để thể hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng mênh mông của một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân lịch sử đẹp hào hùng, đất nước đang kiên cường kháng chiến.

Với Bác Hồ, yêu vẻ đẹp đêm Nguyên Tiêu, yêu thiên nhiên với trời trăng sông nước cũng là yêu đời tha thiết. Tình cảm cao thượng sáng trong này ta cũng thường cảm nhận được từ nhiều bài thơ trong “Nhật ký trong tù”: Ngắm trăng, Tặng Bùi Công… chan hòa lòng yêu tạo vật, tạo nên giai điệu trữ tình tô đậm sắc màu cổ tích. Nhưng trong “Nguyên Tiêu” thiên nhiên có thể coi như được xuất hiện với vai trò chính là làm “phông” để con người hành động và tuyên ngôn cho ý chí và hoài bão của mình.

Hai câu cuối bài thơ minh họa thêm dòng sông, khói sóng và con thuyền:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.

(Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Nếu ánh trăng ngày trước (1942-1943) chiếu vào ngục lạnh khi Bác bị giam giữ nơi đất khách quê người, thì đêm Nguyên Tiêu này (1948), ánh trăng lại soi xuống con thuyền Bác đang bàn bạc việc quân (đàm quân sự). Ở đây, trăng rằm tháng Giêng vằng vặc trong thơ Bác, chính là vầng trăng ước hẹn với bao hy vọng cho những mùa trăng huy hoàng trên đất nước. Đối lập với một số tao nhân mặc khách ngày trước đôi khi mượn cảnh “khói sóng trời xa” (yên ba thâm xứ) bộc lộ nỗi buồn riêng tư: “Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Cao Bá Quát), “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Thôi Hiệu)…, Bác thưởng trăng Nguyên Tiêu trong cảnh “khói sóng trời xa” như hành động của người chiến sĩ đánh giặc giữ nước. Vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân” để lãnh đạo nhân dân kháng chiến bảo vệ non sông. Cả câu thơ thứ ba đã khắc chạm rõ nét dấu ấn hiện đại độc đáo thơ Bác – vần thơ thép đậm tính chiến đấu như quan điểm nghệ thuật lành mạnh mà Người đã từng tuyên ngôn: “Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi) khiến cho những vần thơ Bác cho ta thấy rõ sắc màu lịch sử của thi ca thời đại Hồ Chí Minh.

Sau những canh dài bàn việc quân cơ căng thẳng trong khói sóng miền xa, khi trời đã về khuya, Bác trở về căn cứ địa cách mạng với tâm hồn lạc quan sảng khoái. Con thuyền của vị thống soái – con thuyền kháng chiến, đã trở thành con thuyền trăng của thi nhân trên sông nước mênh mông ngập ánh trăng vàng (nguyệt mãn thuyền)

Qua bài thơ “Nguyên Tiêu”, ta cảm nhận được trăng nước trong thơ Bác thật đẹp. Vầng trăng hữu tình trong đêm Nguyên Tiêu ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc mang phong cách nghệ sĩ, nhà hiền triết phương đông.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt man mác sương khói Đường thi, với những hình ảnh quen thuộc: con thuyền, vầng trăng, có sông xuân, nước xuân và khói sóng. Nhạc thơ thanh thoát êm mơ quyện trùm một không gian bao la tĩnh lặng. Duy khác một điều, giữa khung cảnh thơ mộng trữ tình ấy, nhà thơ không cần phải có rượu để thưởng trăng và ngâm thơ vịnh phú, mà chỉ cốt “bàn bạc việc quân”. Như một áng hoa xuân đẹp trong mùa lửa đạn, bài thơ kết tụ được tinh hoa quí hiếm từ tâm hồn, trí tuệ và đạo đức của một vĩ nhân kiệt xuất.

Nguyên Tiêu” là bài thơ trăng tuyệt bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vầng trăng đẹp đêm Nguyên Tiêu phải chăng là biểu tượng ước mơ về một non sông hoa gấm thanh bình? Vì con thuyền trăng đã là con thuyền kháng chiến đang hướng về một chiến công phía trước. Và tiếng trăng ca hay màu trăng dải lung linh (trăng ngân) trên cảnh sông nước trời xuân, cũng chính là tiếng gọi của núi sông hay tiếng hát lạc quan của một “hồn thơ chiến sĩ”.

7.2. 2024
N. T

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm