TIN TỨC
icon bar

Cảm nhận về hai tác phẩm “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-17 17:07:57
mail facebook google pos stwis
354 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

HOÀNG THẠCH

Tôi biết Nguyên Hùng từ những năm 200x, khi chúng tôi cùng sinh hoạt ở Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP. HCM từ thuở ban đầu. Là hội thơ của những ông “Đồ Nghệ” mà. Tiếp xúc với Nguyên Hùng tôi biết anh là một là một nhà khoa học, anh bảo vệ tiến sĩ tại Liên bang Nga và đã có thời gian từng là thầy giáo giống như tôi, tuy khác ngành nhưng dễ thông cảm. Tuy vậy, khi nhận và đọc hai tác phâm “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”, tôi đã ngạc nhiên.


Tiến sĩ, nhà thơ Hoàng Thạch

Ngạc nhiên thứ nhất: Nhìn bề ngoài Nguyên Hùng có vẻ thư thái, đủng đỉnh nhưng “nhìn vậy mà không phải vậy”, Nguyên Hùng nhanh như con sóc rừng, làm việc không biết mệt mỏi, anh là người viết nhiều, hoạt động khá sôi nổi trong các phong trào, là người của xã hội, của công chúng, của năng lượng và không biết ngơi nghỉ. Tôi ngạc nhiên khi thấy sức viết của anh. Trong mấy năm qua, từ năm 2007 tới nay anh đã có tới gần 10 đầu sách. Có lúc tôi đã nghĩ “đây là hiện tượng lạ”. Vì một nhà thơ không dễ gì có sức viết như vậy. Có người nói rằng “thơ là sương khói của tư duy”, thứ sương khói mà người làm thơ phải đốt cháy bằng các nơ-ron thần kinh cao cấp mới có được chứ không phải bằng thứ khói lam chiều nhẹ nhàng thơ mộng. Vậy nên cũng có những bài thơ nhà thơ phải mất cả tháng, cả năm, thậm chí nhiều năm… là chuyện thường. Vậy Nguyên Hùng đã đốt không biết bao nhiêu ty tỷ tế bào nơ-ron thần kinh để cho ra chừng ấy tác phẩm trong thời gian khá ngắn ấy? Mà Nguyên Hùng đâu chỉ cứ mở mắt là làm thơ viết văn, anh ta còn trăm thứ việc phải làm của người đàn ông bình thường trong vai người chủ gia đình, người quản trị chung cư nơi cư trú v.v và v.v… Thật đáng nể phục.

Ngạc nhiên thứ hai: Là hơn 100 bài thơ được phổ nhạc. Người xưa có câu thơ -  ca - hò - vè.  Các cụ đã sắp xếp rất chuẩn về thứ bậc. Có thơ thì mới có ca. Một bài ca được phổ từ thơ thường sẽ hay hơn, có lý hơn so với một bài ca lấy lời từ ngẫu hứng, không phải là thơ, vì chúng ta dễ nhận ra sự thiếu cái logic của bài ca. Cho nên ca phải đi từ thơ, thơ phải vào được nhạc thành lời hát thì sẽ đẹp hơn, bay bổng hơn. Tôi cũng may mắn được đi đây đi đó và tính tôi thích tò mò ngó nhìn đây đó thì được biết cả thế giới này từ Âu Á Phi Mỹ La Tinh các bài ca đều phổ nhạc từ các bài thơ, kể cả Quốc ca! Đó là sự thật. Còn thì có thể ra đời từ cuộc sống và sinh hoạt trong dân gian; có khi dân mình không biết chữ mà vẫn cho ra những câu hò, bài vè truyền miệng rất hay.

Tôi cũng đã có hàng chục bài thơ được các nhạc sĩ chuyên và không chuyên phổ nhạc nhưng với Nguyên Hùng thì con số ấy chưa thấm vào đâu. Chuyện một bài thơ được phổ nhạc là phải có nhiều yếu tố. Ttrước hết nhà thơ phải có quan hệ rộng, có bạn bè là nhạc sĩ nói chuyện được, người ta quý mến anh; người nhạc sĩ phải có cảm hứng về thơ của anh, nghĩa là họ gặp được nhau và có cảm tình với nhau; sau đó là hồn cốt của bài thơ. Tôi có anh bạn nhạc sĩ khá thân, anh ta nói có những bài thơ khi đọc lên đã nghe tiếng nhạc trong đó, mình chỉ cho nó vào theo nhịp nào, tông nào đó phù hợp như Xì lô, Tango, hay Bibop… là ok rồi. Thơ của Nguyên Hùng đọc lên đã mang âm hưởng nhạc trong đó. Anh nói số anh may mắn nhưng tôi nghĩ cái bản năng thơ của anh có nhạc trong đó, người nhạc sĩ đọc thơ anh đã muốn cất lên thành bài nhạc. Vì thế đã làm nên các album mang tên anh, các chương trình truyền hình trực tiếp, tác giả - tác phẩm, giai điệu kết nối như Bến xưa, Sóng không từ biển, Ngày bình yên sẽ đến, Lời hẹn tình quê…  Đúng là thơ Nguyên Hùng có duyên với âm nhạc thật.

Ngạc nhiên thứ ba: Chúng ta đã đọc vài tác phẩm về kiểu viết về các nhà thơ nhà văn, trong đó tác phảm “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa có lẽ là đột phá, nhất là về các nhân vật lớn. Các tác phẩm kiểu này đòi hỏi tác giả phải đọc nhiều, đi nhiều, tham khảo nhiều và có gan dám viết. Cách viết của mỗi tác giả mỗi khác. Có người nói rất thật, có người nói bóng gió “nói cây ná mà giá cây tre”, có người tìm cách viết ngược, hay có người chỉ viết về hiện tượng rồi để mặc cho thế gian tự suy luận… Khi được đọc những tác phẩm như thế tôi thấy thú vị, vì có thể biết cái góc khuất nào đó của người nổi tiếng. Cần nói thêm một chút thế này, trong giới văn thơ, từ xưa tới nay đã có cái “bệnh” kha khá tự do: tự do sống, tự do viết, tự do suy diễn, và tự do làm quá cái tự do cho phép. Chính vì vậy không ít nhà thơ từ cổ chí kim đã “sa đà” vì cái tự do ấy mà quên đi cây viết mình đang cầm là gì, phục vụ ai, vì cái gì… Chúng tôi tuy không còn trẻ, chỉ vào loại hậu thế của các cụ, hậu thế của lớp trước có khi nghĩ rằng có nhiều cây viết thật cứng cỏi, tưởng chừng bẻ không gẫy nhưng không hiểu sao một lúc nào đó đã “liêu xiêu” trước làn gió rồi tự gẫy, mất đi cái cốt cách, cái phương hướng rồi dánh mất cả mình. Tiếc thật.          

Nguyên Hùng đã chọn cho mình cách viết nhẹ nhàng, chân thành, không phô trương và lại dí dỏm, đó là cái khôn khéo của người có học, tìm cách không đối đầu, không chì chiết mà có lẽ người nhận được cách viết đó cũng thấy nhẹ nhàng thoải mái, tuy trong số này có phân nửa đã “đi sang thế giới bên kia” rồi. Văn đàn là thế.

Với tám mươi mốt (81) gương mặt được ký họa đúng là một số nhỏ trong hàng ngàn văn sĩ của chúng ta xưa nay, không biết anh lấy số “81 thành chín nút” là tâm linh hay ngẫu nhiên? Tuy chưa phải là tiêu biểu nhưng tôi vẫn đánh giá cao cái tìm tòi, lục lọi trong cuốn “từ điển” văn chương mà lúc này ít người bỏ công bỏ sức ra để sưu tầm, định danh và viết thành sách như thế này. Đây cũng là tính cách cần mẫn, chịu khó “cày ải” trên “cánh đồng chữ nghĩa” của Nguyên Hùng. Nỗi đam mê của anh, mà không hề có sự tính toán hơn thiệt ở đây, người làm khoa học viết sách là vậy, có khi họ lấy niềm vui làm an ủi và tự động viên mình trong cuộc sống bình thường mà không cần nghĩ đến cái kỳ đài nào cao sang cả, vậy là đủ.

Có thể nói rắng ít có nhà thơ nhà văn nào giàu lên vì viết thơ văn, thậm chí tiêu tiền của gia đình nhiều hơn, mà sách viết ra có ai bán được đâu. Có những câu thơ đi vào dân gian như những câu ca dao, nó như cứa vào trái tim chúng ta: “Muốn cho kẻ trộm đi ngay/Treo lên cái bảng nhà này nhà thơ” hoặc “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”… Tôi không thích nghe những câu trời ơi này. Chúng ta đang là những con người đi tìm nét đẹp của thơ phú. Nguyên Hùng cũng vậy, anh lặn lội từ quê ra phố, từ sông ra biển, từ đồng bằng lên núi cao … gom nhặt cho mình cái đẹp, cái thánh thiện của cuộc đời, gỡ mối giăng mắc để rồi anh lại bung ra trong các bài thơ bài nhạc của mình. Đó là những sợi tơ vàng rất đáng trân trọng của người làm thơ không biết mật mỏi như Nguyên Hùng.

Tôi xin dừng lại ở đây để dành cho các tham luận bạn bè. Chân thành chúc Nguyên Hùng sức khỏe để cống hiến nhiều hơn cho văn đàn và xã hội. Chúc buổi ra mắt hai tập sách của Nguyên Hùng thành công. Chúc mọi người sức khỏe và hạnh phúc.                                

H.T, 9/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm