TIN TỨC
icon bar

Câu chuyện tình yêu của người hát Xa khơi...

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-18 11:14:03
mail facebook google pos stwis
2665 lượt xem

TRIỆU PHONG

Năm ấy cha tôi (Nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) đột ngột bỏ mẹ tôi (Ca sỹ Tân Nhân) ra đi, để lại mẹ tôi một thân một mình nơi đất khách quê người (Hà Tĩnh), bụng mang dạ chửa, không nhà cửa, không mẹ cha, không người thân thích.

Khi này mẹ tôi mới bước vào tuổi 20, còn đang là một cô nữ sinh kháng chiến, còn nhiều non nớt thơ dại. Bởi vậy mẹ tôi mới dễ nghe theo những lời đường mật của cha tôi, và khi mẹ tôi bắt đầu có mang, ông đã thác cớ bỏ đi… Thấy tình cảnh mẹ tôi, những bạn học kháng chiến nhiều người diễu cợt khinh khi, nhưng cũng có nhiều người thương cảm. Một người bạn học đã đưa mẹ tôi về nhà mình ở Lộc Hà nhờ gia đình làm phúc. Dù thương bạn của con lắm, nhưng gia đình vì tập tục làng quê cũng chỉ cho phép mẹ tôi dựng một cái lều ngoài vườn mà sinh nở. “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Thật hết sức xót xa…

Từ lúc tôi sinh ra, nhiều đêm cạn sữa nằm nghe con khóc đòi bú ngặt nghẽo, bụng thì đói cồn cào, lại nghe gió rừng âm u bốn bề thổi quanh, cùng cực quá mẹ tôi đã định bế con ra dòng sông trước cửa trẫm mình. Và đã có một đêm khi tôi đã ngủ, mẹ tôi đã quyết bế con đi. Nhưng không hiểu sao, ra đến bờ sông, có lẽ gió thổi lạnh quá hay có một tiếng gọi định mệnh nào đó làm tôi tỉnh thức, khóc ré lên thảm thiết, như nức nở, như ai oán, khiến mẹ tôi sững lại. Thế là mẹ tôi đứng bên bờ sông cũng khóc. Như nổi giông nổi bão trong lòng. Và thế là mẹ lại quay mặt bế con về mái lều, vạch vú ra cho con nhằn núm vú đã khô kiệt mà nút, mà cắn…

Giữa lúc ấy, may thay, cố tôi (Cụ - tiếng miền Trung) và bà tôi xuất hiện, đúng như một bà Tiên, như một ông Bụt: “Con ơi, răng mà con khổ như ri”. Cố tôi đã thốt lên khi nhìn thấy tình cảnh mẹ con tôi trong túp lều hoang dại, còn bà tôi thì hối hả đổ gạo ra từ cái đẫy xách bên mình, rồi lại hối hả chạy ra giếng múc nước về nhen lửa nấu cơm nấu cháo cho mẹ con tôi ăn. Có lẽ đó là bữa đầu tiên mẹ tôi được no bụng sau khi sinh nở. Và cũng bởi mẹ được ăn no, nên đêm ấy từ bầu vú mẹ những dòng sữa tuôn chảy, ngập tràn miệng của tôi. Đêm ấy sau này cố tôi hay nhắc lại, không biết bởi tôi được bú no, hay có niềm vui gì đấy, mà tôi cứ nằm huơ huơ đôi chân và cười khanh khách…

- Quê mình giặc giã ghê lắm con ạ. Súng nổ đì đùng ngày đêm… Cậu con nói mạ đưa mệ ra đây gần chiến khu với cậu, và chăm sóc thằng cu này cho con. Thôi chuyện đã rồi con ạ, con cứ để cháu cho bà lo, mệ lo, con gắng mà theo anh em đơn vị. Con phải lo học hành, tiếp tục con đường kháng chiến, đó cũng là cách làm lại cuộc đời mình. Cậu con nói với mạ khuyên con như vậy…

Rồi bà tôi quay sang nghịch nghịch với tôi, làm tôi cười như nắc nẻ:

- Thằng ni nhìn giống mẹ như in…

Bà nói vậy chắc là để an ủi mẹ tôi, nhưng lại chẳng thấy mẹ tôi cười, mà mắt lại ươn ướt:

- Rồi đời nó lại khổ thôi mạ ạ...

- Con đặt tên nó là chi – Bà tôi dịu dàng hỏi.

Mẹ tôi gượng một nụ cười trên môi:

- Là Hoài mạ ạ…

Bà tôi lắc đầu, liếc nhìn cố tôi đang ngồi bên bếp lửa xa xa, rồi nói với mẹ tôi:

- Răng là Hoài? Con nhớ thương nó làm chi mà đặt tên con là Hoài hả con?

Bà tôi bần thần một chút như để ngẫm nghĩ, rồi nói:

-Thôi, nhà ở ven sông, cứ gọi nó là thằng Hà hay thằng Giang cho tiện...

Giọng bà trở nên xa vời:

- Mà cũng để trôi đi nhưng khổ cực con à…

Mẹ tôi chỉ “Dạ” một cách yếu ớt. Rồi bế tôi vào gian trong, ru tôi ngủ.

Mẹ vẫn muốn tôi tên Hoài, là nhớ, là thương, như nỗi lòng mẹ dường như càng khổ đau lại càng thương nhớ cha tôi…

*

Hồi ức của Mẹ tôi:

Cuối năm đệ nhất Huỳnh Thúc Kháng (Một trường học kháng chiến ở khu Tư thời kháng Pháp), cùng với đợt ồ ạt vào Lục quân khu 4, ra Việt Bắc nhận công tác của các anh các chị, tôi gia nhập Đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào do hai anh Đình Quang và Bửu Tiến lãnh đạo vào chiến trường phục vụ bộ đội. Đó là thời kỳ gian khổ nhất của chiến trường BTT.

Hiệu quả hoạt động của đoàn hạn chế. Địch luôn rình rập càn lên chiến khu. Một lần, chúng tôi bị bao vây tứ phía, trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ địch vây quanh… Quá bất ngờ, chúng tôi từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy. Nhóm tôi có 6 người, 4 đứa là con gái chui vào rừng sâu, đứt liên lạc với đơn vị…

Tin đồn về trường HTK là Tân Nhân đã bị chết trong trận càn. Một người bạn học cùng quê - Nhạc sỹ Hòang Thi Thơ đã truy điệu tôi bằng bài hát “Xuân chết trong lòng tôi”. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương tôi ra đi qúa trẻ…

“Xuân ơi xuân/chim xa đàn/xuân ơi xuân/ ngỡ đâu xuân chết trong lòng tôi…”

Nhưng tôi đâu đã chết. Một thời gian sau, Bộ chỉ huy cho một số ít chúng tôi trở về trường cũ HTK học tập.Trên chuyến đò dọc Châu Phong - Bạch Ngọc, một bạn gái lớp dưới đã hát cho tôi nghe “Xuân chết trong lòng tôi” với lời bình: “Phải có một tình yêu sâu sắc lắm, anh ấy mới như điên như dại khi hay tin chị chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà khóc mà viết nên bài ca ấy”.

“Ôi chim xa cành, bướm lìa hoa, trùng phùng xa lắm…”

Với nỗi xúc động thơ trẻ chứa chan, tôi thầm nghĩ “Biết mình chết rồi mà vẫn yêu thương tiếc nuối, phải chăng đó là tình yêu chân thật”. Xót xa thay, mối tình chân thật ấy lại là một mối tình bất hạnh: Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh Hoàng Thi Thơ bị mắc kẹt, và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha,và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con một Nhạc sỹ Ngụy…

*

"Chúng tôi biết nhau từ những ngày đầu cách mạng. Anh làm Bí thư chi bộ học sinh trường Khải Định (Huế), tôi được bầu làm ủy viên tuyên truyền huấn luyện của nữ sinh Đồng Khánh. Chúng tôi hăm hở lao vào hoạt động yêu nước. Những cuộc tuần hành trên đường phố dọc bờ sông Hương, những buổi họp hành… Tuổi mười lăm, mười bảy của chúng tôi như sống trong ngày hội.

Cậu Hồ (cậu của Lệ Chi – bạn thân của tôi) và các anh sinh viên tiền tuyến hoạt động Việt Minh bí mật, chúng tôi đã biết. Chúng tôi tổ chức “Đảng Sơn Hà”, tôi làm đảng trưởng, Lệ Chi đảng phó, Tịnh Nhơn thư ký, Xiêm phụ trách y tế cùng mấy bạn ủy viên.

Đêm đêm, chúng tôi trốn các cô giám thị (cô Cúc, cô Hoàn…) ra sau sân trường tập múa kiếm. Sắp hè có một cuộc nói chuyện của giám hiệu trường có mặt lão Sonhy mật thám, tôi bàn với Lệ Chi lấy trộm khẩu súng lục của cậu Hồ, tìm cách ám sát lão ta.

Chuyện chưa vào đâu thì Cách mạng bùng nổ, chúng tôi suốt ngày tung tẩy ngoài đường. Gọi là nữ sinh Đồng Khánh mà hai đứa đều tóc bông-bê (cắt ngắn), hai chân chòi đạp mấy cái xe đạp nam mà sau này các anh Nguyễn Tăng Hích (cố bộ trưởng Bộ Văn Hóa Trần Hoàn), anh Nguyễn Đức Nam vẫn còn nhắc đến để đùa giỡn.

Anh Hích (Trần Hoàn), anh Căn, anh Phan Giếp, Hoàng Triều, chị Kinh, chị Nguyệt Tú… học trên tôi nhiều lớp, hoạt động giỏi, chúng tôi cảm phục nhưng đó là những thần tượng cao vời ít khi chúng tôi được gặp mặt.

1949, từ Bình Trị Thiên - Hương Khê, tôi được chuyển về học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng – Châu Phong. Vừa lên chuyến đò dọc đã có mấy anh chị lớn ra bến đón. Trưa ăn cơm ở phạn điếm, có một anh nhìn tôi cầm đũa liền đùa: “Nữ sinh Đồng Khánh khéo tay”. Đó là một anh cao, thanh tú, trắng trẻo, dáng thư sinh con nhà giàu với đôi mắt to, sáng, vừa tươi, lại vừa nghiêm. Nghe họ gọi nhau tôi được biết đấy là anh Khánh Căn – một người theo tôi là đẹp và tiếng tăm tôi đã nghe nhiều.

Trên một chuyến đò dọc từ Huế ra, tôi đã nghe một đồng chí lãnh đạo công an hồi đó (anh Ngọc) nhận xét: “Thanh niên Huế có Khánh Căn là triển vọng”. Trường có chi bộ, các anh chị hoạt động sôi nổi. Gần gũi chúng tôi có anh Hữu Chỉnh, anh Khánh Căn, anh Xuân Cừ, chị Nguyệt Tú.

Cuối năm học (1949), các anh chị ra trường, tản mát đi nhận công tác nhiều nơi. Anh Khánh Căn ra Việt Bắc. Chúng tôi chưa biểu lộ gì tuy trong lòng thầm có cảm tình. Tiễn anh, tôi tặng một chiếc khăn nhỏ. Sau đó là phong trào tòng quân rầm rộ… Tôi tình nguyện vào đoàn văn công mặt trận bộ Bình Trị Thiên và Trung Lào do anh Bửu Tiến làm đoàn trưởng.

Mấy năm tiếp theo là thời gian khó khăn nhất của đời tôi: Suýt chết trong một trận địch càn. Về trường Huỳnh Thúc Kháng rồi gặp lại nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, sinh ra cháu Hoài ở Hà Tĩnh trong sự bao bọc của bà con bạn bè. Cho đến một chiều nọ được Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương lên tìm, đưa tôi về Đoàn văn công Trung ương. Thế là tôi vội gửi Hoài cho bà ngoại và người mợ để ba lô lên đường… Với hai bộ quần áo vải, dép cao su, nón cũ, tôi cùng anh Vũ Lương (sau này là chỉ huy dàn nhạc) vất vả lắm mới tới Thủ đô, tìm vào Bộ Văn Hóa.

Người đầu tiên tôi gặp lại là anh Khánh Căn.

Qua phút bỡ ngỡ, chúng tôi xiết đỗi vui mừng. Bạn cùng trường từ Huế, một thời hàn vi gian khổ. Chúng tôi đều đã thay đổi, già dặn hơn, trưởng thành hơn.

Tôi về Đoàn văn công TW, bắt đầu một cuộc sống mới, biểu diễn phục vụ ở thủ đô và các thành phố khác. Ngoài anh Khánh Căn thường lui tới Đoàn, còn có anh Đặng Đình Hưng, anh Xuân Khoát, anh Nguyễn Văn Thương, anh Đào Vũ… đều ở khối tuyên huấn TW, từng thân thiết với nhau từ hồi Việt Bắc.

Có lần anh Khánh Căn ngỏ lời xây dựng gia đình với tôi… Quả thật tôi chưa hoàn hồn sau lần qua sông đầu tiên nên tâm sự: “Em còn lo lắng nhiều bề, rất sợ những đổi thay vội vã”.

Tết đến, chúng tôi ra Bờ Hồ hái lộc, đón giao thừa. Anh rủ tôi lên chúc Tết anh Tố Hữu – vốn là người mà anh Căn làm thư ký trong những ngày kháng chiến ở Việt Bắc.

Vừa thấy chúng tôi, anh Tố Hữu vui mừng: “Tổ chức đi thôi”. Anh Căn phân trần: “Chúng tôi còn khó khăn, sợ chưa làm tốt”. Anh Tố Hữu lại nhiệt tình: “Khỏi lo, để bọn mình giúp”. Thế là với tâm hồn nồng hậu của nhà thơ, cũng là nhà lãnh đạo, anh cho gửi giấy mời vào mồng bốn Tết.

Gia đình cậu mợ tôi chưa ra Hà Nội, chỉ có Đệ đại diện, người dự toàn “ông lớn” của Bộ Văn hóa Thông tấn xã, Báo Nhân dân (ông Hoàng Minh Giám, ông Hoàng Tùng, ông Xích Điểu…). Đoàn tôi, ngoài mấy anh phụ trách, còn có Kỳ Lân mang theo đàn tới phục vụ đám cưới.

Sau khi tuyên bố xong thì chính cô dâu là tôi hát mấy bài. Thời đó mọi sự giản đơn và thân tình, mọi người đều thân ái vui chung. Tôi quá bỡ ngỡ, lại lo lắng nhiều bề nên cứ để trôi theo hoàn cảnh, vui buồn lẫn lộn. Chỗ ở chưa có, về sau cũng không ổn định. Anh Căn làm báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống, sát bên Hồ Gươm, trung tâm thành phố. Tôi ở tận Cầu Giấy – khu văn công tập trung.

Thuở đó xe đạp đã là hiếm vì mới từ rừng về. Cho tới lúc các con lớn rồi anh Căn vẫn đi chiếc xe đạp cà tàng đi khắp hướng đón các con về ngày nghỉ (Hoài ở Lê Phụng Hiểu với cậu mợ Phiên, Châu ở trại trẻ miền Nam - ấp Thái Hà, Như ở trại trẻ Vụ Nghệ thuật dưới Thanh Xuân) về Cầu Giấy rồi chiều lại trả về nơi cũ.

Anh Căn nhiều năm làm ở Ban thư ký báo Nhân Dân, trực đêm về muộn, rất xấu cho sức khỏe vốn yếu của anh. Anh mất mẹ từ mấy tháng tuổi, ông bà nuôi là chính. Lên năm, sáu tuổi, anh có kế mẫu rất học thức, tế nhị, đôn hậu, thương yêu anh như con đẻ nhưng ít có cơ hội gần.

Nhà anh có bốn anh em trai, cụ ông là người làm thơ tự do lớp đầu tiên trong lịch sử văn thơ nước ta (cụ Lê Khánh Đồng) lại là thầy thuốc đông tây y giỏi. Cụ từng là giám đốc bệnh viện khu IV trong thời kỳ chống Pháp, sau về Hà Nội là viện phó Viện Đông y.

Cả nhà chuyên chú học hành, sáng tạo, đầy nhà là sách. Sự khôn ngoan lo liệu trong cuộc sống, nhất là về tiền của, danh lợi rất sơ sài, vụng về.

Tất cả cứ thế, vô tư và vui vẻ. Trong một ngách của Tòa soạn báo Nhân dân-71 Hàng Trống, vợ chồng con cái mời ông nội tới giỗ bà Xuyên (mẹ đẻ anh Căn). Ông rì rầm khấn vái, các cháu rúc rịch đùa nghịch phía sau, chúng tôi áy náy mà lại buồn cười…

Quãng 1962, chúng tôi được phân một căn hộ ở khu tập thể Nam Đồng. Theo chế độ Trưởng ban (Vụ trưởng), anh Căn có thể có hai phòng nhưng vì các con ở nhà trẻ, tôi ở Cầu Giấy nên anh chỉ nhận một phòng khoảng 16m2. Ngay từ bấy giờ, kiểu suy nghĩ đơn giản như thế là phổ biến trong cán bộ chúng ta…

Về Nam Đồng, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn căng thẳng. Các cháu sơ tán về nông thôn, vợ chồng luôn phải đi công tác xa, nếu ở Hà Nội là thay nhau đi thăm. Cùng đi thì phải đèo, đường nông thôn gặp mưa phải vác xe và lội bùn. Các cháu ngóng bố mẹ dài cổ, gặp nhau được mấy tiếng, cho một bữa ăn tươi rồi lại lặn lội đường xa trở về, cũng không có tiền để quà cáp lại cho con.

Thuở đầu theo cách mạng, chồng tôi khá xuất sắc. Từ năm 1946 đã được anh Tố Hữu và anh Nguyễn Chí Thanh giới thiệu vào Đảng – là bí thư chi bộ hai trường: Khải Định và Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi tốt nghiệp tú tài, anh được điều ra Việt Bắc làm ở Tuyên huấn Trung ương, đã từng thảo nên chương trình cải cách giáo dục đầu tiên do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Năm 1972, Trung ương điều anh sang phụ trách Ban Văn nghệ Đài Giải phóng lúc đó còn ở Quán Sứ và Đại La. Các biên tập viên văn nghệ Đài luôn nhớ tới anh với một niềm kính yêu trân trọng. Họ đều nhất trí là anh rất tận tụy với công việc, thương yêu dìu dắt chu đáo anh em.

Do ở rừng nhiều năm, công tác căng thẳng, anh ra đi năm sáu mươi tư tuổi. Anh trọn đời hiến thân cho lý tưởng cách mạng, là một tấm gương trí thức yêu nước nồng nàn, có tâm hồn trong sạch, cao thượng, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, hào hiệp cưu mang những người yêu thế mà không tính toán. Dẫu thiệt thòi, hy sinh, anh vẫn không một lời kêu ca…

Câu cuối cùng của anh là: “Chúng ta sẽ thắng!”. Anh tin suốt đời vào lý tưởng tốt đẹp từ tuổi trẻ anh đã đi theo…

T.P.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường
Bài đăng Văn nghệ số Tết dương lịch (số 1, ngày 7/1/2023)
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm