- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Chợt nhớ... và nỗi nhớ quê nhà của tôi
Chợt nhớ... và nỗi nhớ quê nhà của tôi
NGUYỄN VIỆT TIẾN
CHỢT NHỚ
"Em ở sát nhà tôi
Cách nhau bờ dậu thấp
Tụi mình học cùng lớp
Mẹ em bán cau bán thuốc
Chợ Dầm xa vời vợi
Đường đi cát trắng trùng điệp nắng
Mà khi về chợ vẫn hay cười
Hương ơi
Bên giếng nhà em có cây chuối bồ hương
Quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi
Nhà tôi lài lý thơm về tối
Tôi bỏ ra đi, mười mấy tuổi
Mà sao còn nhớ tóc em dài."
(Nguyễn Hồi Thủ)
Nhà thơ Việt kiều ở Pháp đặt tên bài thơ của anh “Chợt nhớ”. Nhưng những câu thơ tự nó lại gợi lên một tâm trạng, một nỗi nhớ khôn nguôi, luôn luôn ám ảnh đến hối thúc, cồn cào. Bài thơ mở ra với hai câu thơ:
"Em ở sát nhà tôi
Cách nhau bờ dậu thấp"
Đọc lên thấy bóng dáng câu thơ quen thuộc trong bài “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính:
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn"
Bài thơ “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính viết năm 1940, và lập tức đi vào lòng người, được lớp trẻ hồi ấy đặc biệt hâm mộ. Thì ra câu thơ của Nguyễn Bính trở thành cái cớ, thành đối tượng để nhớ, nó là cái vốn tinh thần, như ca dao dân ca để đánh thức cái hồn quê, gợi lên bao kỷ niệm đối với người xa xứ phiêu bạt nơi chân trời góc bể.
"Cô hàng xóm" của Nguyễn Hồi Thủ cứ như từ trong thơ Nguyễn Bính bước ra, nhưng cô không phải là hình bóng đầy ước lệ với "bướm trắng, tơ vàng" mà đó là cô gái của làng quê ven biển miền Trung gần gũi, thân thương bình dị đến mức tác giả nhớ lại cả những kỷ niệm thời còn đi học, nhớ cả người mẹ thân yêu của cô gái nữa với những chi tiết hết sức sống động cụ thể:
"Tụi mình học cùng lớp
Mẹ em bán cau bán thuốc"
Nỗi nhớ cứ như thế lan tỏa ...
Tôi còn nhớ một câu nói: “Mảnh đất buộc người con trai xa xứ luôn nhớ về phải có một trong hai trường hợp: - Một là nơi đó chôn cất người thân của họ; Hai là nơi đó có người con gái họ từng yêu”.
Chàng trai này nằm trong yếu tố thứ hai. Người con gái quê hương là điểm bắt đầu, giống như những vòng tròn sóng trên mặt ao tĩnh lặng, như dây ngòi nổ pháo hoa vừa bén lửa lập tức tạo ra một phản ứng dây chuyền, làm bừng sáng tất cả.
Từ em gợi nhớ đến mẹ của em ... rồi đến cau đến thuốc đến chợ Dầm đến cả "Đường đi cát trắng trùng điệp nắng"... đến cả tiếng cười của mẹ em.
Chao ôi! Tôi lại nhớ: "Nụ cười đen nhánh sau tay áo" (Nắng mới - Lưu trọng Lư) sao mà giống miệng cười của mẹ tôi đến thế, mẹ em cũng là mẹ anh mẹ của hai ta, người mẹ Việt nam.
Vì thế con người và thiên nhiên đất nước cứ mở ra.... xôn xao, da diết trong tâm tưởng.
Nỗi nhớ đang mở ra, dàn trải như là sự giãi bày lan tỏa... chưa có “thơ”... bỗng chốc dồn tụ lại bật lên tiếng gọi thành lời:
“Hương ơi” .
A! Đến lúc này thì người đọc hiểu ra rồi, cô gái nhà hàng xóm ấy mà tác giả bao năm nhớ thương quả là đã in dấu trong tâm hồn anh sâu nặng lắm, đến mức thỉnh thoảng anh phải gọi tên lên mới thỏa, và chính người thân yêu ấy lại gợi cho anh nhớ đến cảnh:
"Bên giếng nhà em có cây chuối bồ hương
Quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi"
Bụi chuối thì làm sao mà tỏa bóng mát quanh năm sang nhà hàng xóm được? Sao không phải cây xoài cây mận cây khế, v.v. tỏa bóng mát? Hóa ra chỉ vì cây chuối trùng tên gọi với em.
Cây chuối bồ hương.
Em vẫn là tâm điểm, như là điểm sáng trong mơ để dẫn dắt anh về lại quê hương, đưa anh đi thăm lại mảnh vườn xưa, cho anh hít thở lại hương thơm hoa lài hoa lý. Bài thơ thực sự là thơ khi tác giả cất tiếng gọi như gửi vào xa xăm ... “Hương ơi”. Đây là tiếng nấc nghẹn, rung lên khi đôi môi mím chặt, là tiếng vỡ của nước mắt ... “Hương ơi”.
Mối tình “câm” của tác giả "Nhà tôi lài lý thơm về tối" (hoa của lòng tôi chỉ tỏa hương thơm trong đêm tối, ban ngày thì... vẫn chôn chặt trong lồng ngực mình) với cô gái hàng xóm thật trong sáng, thơ mộng sống mãi với thời gian, ủ giữ mãi cùng hình ảnh quê nhà.
Những câu thơ cứ lung linh như chuỗi ngọc trai mà thời gian chỉ làm cho nó càng thêm óng chuốt, trong suốt ... và chính nhà thơ, như khi mở hộp báu để ngắm nhìn chuỗi ngọc ấy lại nuối tiếc, day dứt khôn cùng.
"Tôi bỏ ra đi, mười mấy tuổi
Mà sao còn nhớ tóc em dài".
Em đẹp thế, tóc em dài óng ả thế, quê hương mến thương đến thế mà tôi bỏ ra đi, dứt áo ra đi?
Nhà thơ tự dằn vặt mình, tự trách móc mình nuối tiếc và ân hận. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh mái tóc dài (lẽ nào chỉ nhớ mỗi mái tóc dài). Đó chính là dòng suối mát trong lành âm thầm chảy ... theo suốt theo trí nhớ làm diệu vợi nỗi đau xa cách không gian thời gian, cứ lặng lẽ luồn lách trong tâm tưởng, khi kìm nén không nổi cuối cùng buột miệng kêu thảng thốt: “Hương ơi”. ... ngân vang trong tuyệt vọng như xé lòng người đọc.
Lặng úp bàn tay trên bài thơ mà bỗng thoang thoảng đâu đây hương mái tóc trinh bạch gội bồ kết hoa bưởi hoa lài còn vương vấn. Mái tóc ấy cũng là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của người con gái Việt Nam, quê hương Việt Nam.
Đọc thơ như thấy được tấm lòng, cảnh ngộ của người viết bài thơ này. Ta như gặp lại người thân xa Tổ quốc đã lâu. Ai vì lý do nào đó sống xa quê, ngày bận mưu sinh, một đêm nằm trăn trở nơi xứ người mà nhớ vọng về quê hương xứ sở hẳn không quên ...
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương"
(Tĩnh dạ tư - Lý Bạch).
"Tư cố hương" lẽ nào cố hương có ai để ta ... "Tư cố nhân"?
Tâm trạng của anh xáo trộn, những kỷ niệm như những thước phim hồi tưởng cứ lộn xộn rối bời của những câu thơ kia lại gây một hiệu quả không ngờ, vì nó lại biểu hiện một cách tài tình cái logic của nội tâm dựng lên một trạng thái tâm lý rất thực. Bài thơ hay vì nó nói đúng cái hồn của con người.
Bài “Chợt nhớ” của Nguyễn Hồi Thủ viết năm 1971, sau này anh tập hợp và lấy tên bài thơ đặt tên cho cả tập. In tại Paris năm 1977, năm 1982 anh in tập “Tiếng kêu thương” và gần đây nhà xuất bản Chân mây cuối trời - Paris vừa in tập “Vũng nước bùn lầy” mới nhất của anh.
Thơ Nguyễn Hồi Thủ cũng chính là tiếng lòng kiều bào ta hướng về quê hương đất nước. Dù ở chân mây cuối trời, cộng đồng ngưới Việt nam vẫn khắc khoải nhớ về cội nguồn, không phải một thoáng "chợt nhớ" thương nào đó, mà chính là một niềm thương nhớ âm ỉ da diết, một niềm tiếc nuối day dứt mãi ....
Hà Tĩnh 1978 - Sài Gòn 2000.
(Bài do nhà văn Đặng Chương Ngạn gửi)
Bình luận