…"- Nước mất thì đi tìm nước chứ công chi mà phải tìm cha ?
- Dạ, thưa cha! Con sắp lên đường đây ạ. Dù chưa hình dung được phía trước rồi sẽ thế nào, là vạn dặm, muôn muôn dặm, nhưng con nhất định phải đi và sẽ tìm được điều cần tìm..”
Tác phẩm "Nợ nước non". ảnh: baoquocte.vn
Một trích đoạn thoại trong tác phẩm “Nợ nước non” – Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Liên Việt xuất bản tháng 5/2022, cuốn đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ vừa họp báo ra mắt nhân đợt kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm ngày Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Với hơn 200 trang, “Nợ nước non”, có thể nói như phác họa chi tiết hành trình và những chuyển biến nhận thức, từ Làng Sen- chàng cậu bé Nguyễn Sinh Cung rời quê nhà, đến Bến Nhà Rồng- chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, bước lên con tàu Amiral Latouche Tresville, để “đi tìm hình của nước”, với tâm thế tận hiến cho một quốc gia Việt Nam độc lập, tự do, thoát khỏi cường quyền thực dân Pháp đô hộ và thống trị.
Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một “vĩ nhân” đã được “mặc định” trong tình cảm của người dân Việt, một “anh hùng tạo thời thế” định danh quốc gia Việt Nam trong cái nhìn của thế giới, thật sự là không phải dễ. Khi tại Việt Nam đã từng có vài tác giả viết tiều thuyết về Người và có những thành công nhất định như: “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, được tái bản hơn 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới; “Cha và con” của Hồ Phương; Bộ tiểu thuyết ba tập: “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng” của Hoàng Quảng Uyên.
Và thế giới, dù không phải là tiểu thuyết, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, cũng có tới hơn 200 tác phẩm và công trình nghiên cứu về cuộc đời của Người - để giải mã “Hồ Chí Minh là ai”, với rất nhiều tư liệu được lưu trữ ở các thư viện nước ngoài…
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi họp báo ra mắc sách. ảnh: TTXVN
Đây là thách thức không nhỏ khi viết tiều thuyết về Người, bởi nếu không thật sự sáng tạo cách viết tiểu thuyết lịch sử chân dung một vĩ nhân, sẽ rất khó tạo cho tác phẩm một sự mới mẻ và hấp dẫn. Và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã làm được điều ấy, đã phả vào tiểu thuyết “Nợ nước non” những cảm xúc nội tâm, những điều giản dị mà rất “đời”, không áp đặt tư duy “thần đồng”, tư duy “siêu nhân” để thần thánh hóa nhân vật.
“Nợ nước non” với bốn chương: Chương I- Làng Chùa, Chương II: Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy. Chương III: Trở lại kinh thành, Chương IV:Cho chuyến đi xa. Là những hành trình xuôi Nam, đậu lại miền Trung rồi ngược Bắc, để rồi từ một cậu bé ngây thơ trong trẻo hồn nhiên, qua từng chặng trên con đường “vạn lý” Bắc Nam, trải dài qua năm qua tháng, qua mùa gió qua mùa nắng, qua bão giông nắng táp, những điều tai nghe mắt thấy, những trải nghiệm nhiều cung bậc của chính bản thân và gia đình, mà dần dần trưởng thành.
Mà dần có những tư duy về quốc gia- dân tộc- về độc lập tự do- về tình yêu Tổ quốc- trách nhiệm với nước non. Để rồi không chỉ là nhìn vào tấm gương các bậc hiền nhân tiền bối noi theo, mà đã suy nghĩ sâu sắc hơn, tinh anh hơn, minh triết hơn, không lặp lại những đường mòn của họ, mà quyết tâm tìm con đường riêng.
Dù ngay lúc dó chưa biết thế nào, nhưng nhất định không phải như các bậc tiền bối. Nhận thức về con đường giải phóng dân tộc giành độc lập tự do, không thể dựa vào người nước ngoài, không thể ôn hòa cải lương, phải tìm hiểu thực chất đế quốc Pháp như thế nào để “biết người, biết ta” mới có thể tìm ra con đường sáng cứu nước cứu nhà..
Là một tiều thuyết chân dung lịch sử về một “vĩ nhân”, để không bị gò ép vào những chi tiết tiểu sử- tư liệu lịch sử khô cứng, mà tạo cho thân thế của nhân vật có tính cách, Phó Gs-Ts Nguyễn Thế Kỷ có một sự khéo léo trong xử lý các tình tiết. Cho dù là hư cấu, nhưng sao vẫn thấy chân tình, vẫn thấy gần gũi, nên tác phẩm có sức thuyết phục với người đọc, cảm giác về nhân vật không xa cách, không xa lạ.
Từ cách dùng rất nhuyễn những câu ca dao, tục ngữ, thơ cổ, câu đối, thư tịch, tích xưa…, để chuyển tải các ý nghĩa sâu xa về con người, về thời thế…, đến cách dùng những phương ngôn “Nghệ”- nhưng rất phổ thông trong các câu chuyện, trong đối thoại, từ gia đình, như với bà ngoại, cha- mẹ, các anh chị, đến các người bạn của cha như: Cụ Phan Bội Châu, những nhân sĩ trí thức Vương Thúc Quý, Lê Văn Miến…
Một sự hấp dẫn khác trong tiểu thuyết “Nợ nước non”, tác giả đã hư cấu thêm nhiều nhân vật để tạo nên sự sinh động và “thật” hơn về một con người, như câu chuyện về người bạn tên Phúc từ lúc ở Huế thuở nhỏ, cùng những trò chơi trẻ con rắn mắt nghịch ngợm, cho tới sau này gặp lại ở Phan Thiết vẫn rất nồng ấm tình cảm bạn bè với nhau.
Hoặc phả vào một nhân vật đã từng xuất hiện trong tiểu thuyết trước của tác giả khác- nhân vật Huệ, người con gái ở Sài Gòn, trong “Nợ nước non”, Huệ được dành cho nhiều cảm xúc hơn, được thương nhớ trân trọng, được là một “nỗi nhớ” khi phải xa quê hương đất nước: … “Thành cho tay vào túi rút chiếc khăn nhỏ còn chan chứa những giọt nước mắt của Huệ. Anh đưa chiếc khăn lên ngang ngực, ấp vào nơi trái tim đang nóng bỏng và thổn thức…”.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ tặng sách nhà báo Nguyễn Mỹ Trà trong buổi phỏng vấn. ảnh: Đức Anh/VOV5
Có thể nói, “Nợ nước non” đã tạo được cảm xúc đến người đọc. Ngay từ những trang đầu tiên, những dòng chữ đã làm thổn thức, xao động tâm can, để thấy một “vĩ nhân” rất “đời”, nặng tình non nước, nặng tình quê hương, đau nỗi đau mất nước, đau nỗi đau làm nô lệ ngoại bang, và tình yêu nước cháy bỏng, không gì có thể cản nổi ngọn lửa nhiệt huyết , dập tắt được khát vọng cứu nước cứu dân…
…”Con tàu khổng lồ hú lên những hồi còi dài để tạm biệt đất liền…. Quá bận rộn với công việc mới, anh thậm chí không thể rời khu bếp để ghi lại hình ảnh đất liền trong ánh mắt đau đáu và thầm nói lời tạm biệt Sài Gòn, tạm biệt nước Việt dấu yêu.
Khuya, khi công việc đã tạm xong xuôi, khi tất cả hầu như đã chìm vào giấc ngủ, trừ những người ở trong khoang lái và sóng biển đang ầm ào ngoài kia, Văn Ba mới khom người chậm rãi đi lên boong. Bây giờ đang là đầu tháng , mùng 9 tháng 5 năm Tân Hợi.
Mảnh trăng lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên bầu trời. Đất liền đã ở rất xa, rất xa sau lưng , trong bóng tối mịt mùng thăm thẳm của biển khơi. Ánh trăng mờ mờ đủ soi tỏ nawăm ngôi sao trên ống khói con tàu. Tàu Năm sao, người ta gọi vậy. Anh đứng sát lan can. Gió thổi thốc tháo vào mặt. Vui, buồn, háo hức, nôn nao, lo lắng, day dứt... đủ mọi cảm xúc xáo trộn trong tâm trí anh.
… Tất cả những ký ức da diết đó được cất kĩ như báu vật trong lồng ngực gầy guộc của anh. Phải cất bước ra đi, như cha luôn dạy anh: “Nếu con biết trung với nước, tức là con đã tận hiếu với cha”. Thân thể này, ý chí này, trí tuệ này là cha mẹ trao cho anh, nhưng cha mẹ cũng trao cho anh cả một sứ mệnh lớn hơn nhiều so với việc được làm một người con hiếu thảo. Lớn hơn nhiều, anh tâm niệm vậy..”.
“Nợ nước non” kết thúc ở thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc này mang cái tên Văn Ba, lên con tàu buôn Amiral Latouche Tréville, rời Bến cảng Nhà Rồng- Sài Gòn, để bôn ba lênh đênh trên sóng biển dại dương, rồi lưu lại xứ người suốt bao năm ròng, với một ý chí, nghị lực, quyết tâm, kiên cường, và bằng cả Nhân- Trí- Dũng, tìm ra con đường cứu nước cứu dân thoát khỏi nô lê thực dân Pháp, giành độc lập tư do cho nước nhà, khai sinh quốc gia Việt Nam với thế giới.
Kể từ sau “Chuyện tình Khau Vai” (2019), “Hừng đông” (2020), “Nước non vạn dặm” với phần đầu “Nợ nước non” là tiểu thuyết thứ ba của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Được biết, 2 phần sau sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc trong năm 2023 và 2024, và kết thúc ở giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn quân toàn dân làm nên chiến thắng Điện Bên Phủ 1954.
Và cũng như ở hai tiểu thuyết trước, “Nợ nước non” còn có một “phiên bản” song hành ấn tượng khác, là một Kịch hát được biểu diễn trên sân khấu./.
Bình luận