TIN TỨC
icon bar

Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-03 14:40:52
mail facebook google pos stwis
501 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG

Làng Chế quê tôi giống cái bán đảo bé tí trên bản đồ của huyện Hà Trung. Một bên giáp với huyện Nga Sơn bằng con sông Hoạt, một bên giáp huyện Hậu Lộc bởi con sông Mã. Nơi một tiếng gà gáy ba huyện cùng nghe.  Mùa xuân lòng người náo nức, tôi muốn chạy khắp làng ngắm bãi ngô, ruộng lúa xanh mươn mướt. Một nhánh sông Mã chảy uốn lượn ôm lấy quê hương thân thiết của tôi, bao năm rồi vẫn mãi miết chảy về xuôi.

Tuổi thơ của tôi gắn bó với làng quê, năm 17 tuổi tôi lên đường đi chiến đấu xa nhà. Tuy vậy làng quê trở thành vùng văn học cho tôi “cày cuốc”, tôi viết được khá nhiều truyện ngắn cũng từ vốn sống ở làng. Tôi không thể quên những buổi đi học về, bỏ cặp vào hộc bàn là cầm ngay cần câu đi câu cá. Đồng làng về mùa lúa đang thì con gái, xanh mượt mắt, là nơi lý tưởng cho cá rô, cá chuối (cá quả) sinh sống. Thỉnh thoảng những chú cá rô vàng óng nhảy tung lên ngọn lúa đớp mồi. Lũ cá chuối thì đi theo bầy, đớp oàm oạt, làm rung cả một khoảng lúa. Căn chỗ nào có bầy cá khuấy động chúng tôi thả mồi. Cá đớp mồi kéo căng dây, tôi giật cần câu. Ôi, một chú cá chuối vùng vằng trên không trung cố thoát thân. Nhưng lưỡi câu có ngạnh đã móc vào miệng, có thoát đằng trời. Câu cá rô thì mồi lá chú châu chấu non. Còn cá diếc thì đánh bắt vào lúc lúa đã gặt, chúng tôi đắp bờ quây một khoảng ruộng rồi tát, nước sắp cạn trên ruộng, hàng đàn cá chạy rèn rẹt, nổi vi. Cá Diếc về mùa đông béo múp, kho với khế ngon khỏi chê. Đồng còn có nhiều tép. Chúng tôi dùng những chiếc te, giống như chiếc vó thu nhỏ, rắc thính thơm nức, đặt sát bờ, giữa hai hàng lúa. Lâu sau dùng sào kéo te. Tép nhảy rộn ràng trong te. Tép tươi, kho khô vắt chút nước chanh lên ăn ngon quên no. Nếu đánh được nhiều, tép dùng làm mắm, chế biến lên, mắm màu đỏ ối, ăn chua chua, ngòn ngọt. Còn nhiều đặc sản nữa như lươn, cua, cáy, rươi... Dân làng tôi ít khi phải đi chợ mua thức ăn.

Thời đó ai cũng vào hợp tác xã, đi làm theo kẻng. Sớm mai xã viên tập trung tại đầu làng, mặt trời lên cỡ nửa con sào mới kéo quân ra đồng. Trên những ruộng lúa, các bà các cô vừa gặt lúa, vừa hò hát, vui lắm. Được cái ruộng đồng đều không bỏ hoang. Ngoại trừ mấy anh thanh niên đi bộ đội, làng còn có các cô, các chị cáng đáng ruộng vườn. Trước đây dăm năm làng tôi vắng hẳn. Làng chỉ còn có 257 hộ, với chưa đầy 400 người. Cô Nguyễn Thị Huyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Lĩnh Toại cho biết, vì lớp trẻ đi làm ăn xa gần hết nên làng rất ít trẻ em, cả trường tiểu học chỉ có hơn 50 em, có lớp chỉ lèo tèo vài em. Nhiều ngôi nhà khang trang, nhà ngói sân gạch mà không có người ở. Lớp trẻ lớn lên là đi thoát ly, sống ở thành phố, thị xã. Đông nhất là vào các tỉnh thành phía Nam. Người già yếu không đi đâu được mới mới phải ở nhà làm ruộng. Dăm năm trở lại đây miền Bắc cũng mở nhiều khu công nghiệp nên lớp trẻ trở về. Họ làm ngay gần nhà, sáng đi làm, tối về nhà ngủ, không phải thuê phòng, không phải chịu giá cả đắt đỏ nên còn dành dụm được ít tiền. Lương công nhân tháng 5-6 triệu đồng, nhưng vẫn còn hơn đi làm nông nghiệp. Rồi lớp trẻ có kiến thức ra trường, trở về nông thôn nhận đất khoán 50 năm để mở trang trại, làm giàu. Làng lại đông vui, trường tiểu học đã có số em đi học trên 100. Hóa ra giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn lại bắt đầu từ chuyện trí thức, từ công nghiệp.

 Anh nông dân Nguyễn Văn Kỷ tính toán, làm nông, một sào (500 mét vuông) nếu chăm sóc tốt thu được 3 tạ thóc, trừ chi phí như: Phân đạm, Kaly, NPK, thuốc trừ sâu, thuê máy dầm, máy vò, thuế... còn lời chừng 1 tạ. (Một kg thóc giá 8000đ thì một sào chỉ thu được 800 000đ. Tính ra 1 ha, trừ đầu vào như trên thì nông dân thu được 16 triệu đồng. Nếu được mùa, còn như lúa bị sâu bệnh, bị lụt bão thì coi như trắng tay, còn đỗ nợ. Bởi vậy đi làm công nhân khỏe hơn, chắc ăn hơn, có nhiều tiền hơn. Vậy là ruộng đồng bỏ hoang. Nay về làng, tôi ngạc nhiên bởi đồng lúa tốt bời bời thuở xưa đâu rồi, chỉ thấy cỏ lau nở trắng đồng. Tôi tìm về kỷ niệm xưa, nhưng nó nhạt nhòa khi đồng bị ốc bưu vàng hoành hành, người nông dân dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bưu vàng, nên không còn cá rô, cá chuối, cá diếc, không còn lươn, cua, ốc, tép....

Những năm 60 của thế kỷ trước làng tôi có bài vè, chứng tỏ thuở ấy làng có rất nhiều nghề: “...Ông Song nấu bếp/ Ông Kết lò vôi/ Ông Khôi chủ tịch/ Ông Dịch thư ký/ Ông Ý thống kê/ Mụ Nghê bắt cáy/ Ông Háy đi thuyền/ Ông Truyền kế hoạch/ Để vạch chương trình/ Ông Ích giữ đình/ Không đi đâu cả/ Ông Nhã ở nhà/ Nuôi gà lấy trứng/ Thằng Tạ Tây Bắc/ Nhiêu Phắc lên rừng/ Cò Mừng hai con/ Lon lon mới sả/ Ông Khả tín dụng/ Ông Phụng cấp ba/ Cò Ga cơm nguội/ Ông Cuối đánh nơm/ Ông Thơm thợ mộc/ Chị Lộc đội trưởng...” Làng tôi còn đông dân hơn làng Bang, làng Độ. Hai làng đó dân chỉ bằng nửa làng tôi. Thế mà ba làng thành xã Hà Toại, phải nuôi đội ngũ cán bộ khá đông, chỉ riêng công an xã đã có 18 người. Nay xã tôi sát nhập với xã Hà Phú, thành xã Lĩnh Toại, hai xã giảm được một nửa cán bộ, riêng công an xã Lĩnh Toại còn 11 người. Thế là có tiến bộ rồi.

Tuy nhiên, dăm năm trở lại đây, làng quê đã có nhưng gam màu sáng. Số là tôi có người em con ông cậu tên Thành, cách nhà cha mẹ tôi chừng 3 cây số. Em thuê của xã 2 ha đất với thời gian là 50 năm. Một nửa quả đồi được em quy hoạch trồng cây lấy gỗ, trên đồng trồng dừa, bưởi và các loại cây ăn trái khác. Một cái ao rộng 1000 mét vuông nuôi cá. Đặc biệt em có 4 nhà kính, mỗi nhà 1000 mét vuông trồng dưa Kim hồng ngọc, năm 3 vụ thu hoạch, trừ chi phí còn lời trung bình 1 tỷ đồng. Em có đứa con trai tốt nghiệp đại học, nhưng ở nhà cùng bố nghiên cứu khoa học kỹ thuật để trồng trọt. Quả là trồng dưa Kim hồng ngọc cần nhiều chất xám, phân tưới phải là loại phân của Israel, phân vô gốc gồm xơ dừa, đất phân trùn quế, đất phù sa ... Hệ thống tưới nước hoàn toàn tự động đã cài đặt thời gian cũng như tốc độ tưới. Nhà kính phải để nhiệt độ 50 độ C... Quy trình chăm sóc, thu hoạch thế nào đều phải dựa vào công nghệ hiện đại. Giá dưa hiện nay là 30 000 đ/kg, đến Tết giá 45 000 đ/kg. Ngoài ra em còn có 500 mét vuông trồng hoa, bán vào dịp Tết cũng cho thu nhập kha khá. Em còn diện tích khá lớn để mở rộng trồng dưa và các cây trái khác. Em vừa mua xe tải loại lớn để chở sản phẩm ra bán ở các siêu thị Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Cách đây chục năm, trong trí nhớ của tôi, anh em nhà Thành nghèo lắm, nghèo nhất trong làng. Rất nên khuyến khích những người nông dân biết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thành mới thuê 5 công nhân, nhưng khi diện tích trồng dưa mở rộng ra cả 2 ha, chắc là em cần đến hàng trăm công nhân. Cũng 2 ha đất đó thôi, nếu cứ chia đều cho mỗi hộ làm ăn manh mún thì tổng sản phẩm thu được chừng 64 triệu đồng/năm. Còn nếu làm như của Thành, 2 ha đất, thu hoạch một năm hàng chục tỷ đồng. Dân giàu nước mạnh. Nước giàu tính bằng giá trị tổng sản phẩm làm ra của nước đó. Đất nước có nhiều trang trại như của Nguyễn Văn Thành, sẽ giải quyết công ăn việc làm cho bao nhiêu người nông dân. Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu là tiền thuế?

Những người thuê đất 50 năm để mở trang trại ở làng tôi có rất nhiều, như nhà anh Toan Cao, Khải Lưu, Nhượng, Oanh Chương, Vinh Trang, Tuy Chờ, Đồng Bảy, Vui Ngân, Kỷ, Phong Cử ... với đủ nghành nghề như: Thầu đầm, ao để chăn nuôi cá, bãi để trồng chuối, trồng cây ăn quả, trồng cói, trồng dưa, trồng lúa đặc sản ST25... Có những người làm chủ thầu xây dựng, không chỉ xây dựng trong làng, trong xã mà còn tỏa đi khắp nơi trong cả nước, cuốn theo ê kíp thợ cả, thợ phụ, công nhân nhân như chú Vui Ngân, Tân Hoa, Đông Ninh, Phụng Phú...Một số  gia đình vừa có nhà máy chà vừa bán vật liệu xây dựng như Minh Tâm, Dũng Quy, Cát Hồng.. Nhiều gia đình có máy cày, máy vò, máy xúc, máy cơ khí, siêu thị mi ni...  cho thuê, buôn bán và tự sản xuất như: Minh Khiêm, Bình Bạc, Hải Trang, Hưng long, Minh Tâm... Người nông dân làng tôi không còn chuyên canh cây lúa, họ biết chuyển đổi nghề, biết làm giàu ngay trên mảnh đất tưởng là chỉ có nghèo đói, ngàn đời không ngóc đầu lên được.

 Bây giờ đường làng tôi nối các xóm với nhau đều được đổ bê tông sạch sẽ, thoáng rộng, xe hơi vào đến cổng từng nhà. Làng đã mọc lên nhiều nhà tầng, có nhà trông giống như biệt thự hiện đại. Con đường ra bãi sắn dài chừng 800 mét, trước kia ngoằn ngoèo, hễ mưa là lầy lội, chỗ cao chỗ thấp, đầy dấu chân trâu, hai bên đường mọc đầy dứa dại nay đã trở thành con phố thẳng tắp, rộng “thênh thang tám thước”, trải nhựa, hai bên có vĩa hè. Nó trở thành con đường chính nối trung tâm làng ra tỉnh lộ 13. Hai bên đường nhà lầu ba bốn tầng mọc lên san sát. Có siêu thị mi ni, tiệm Karaoke, cửa hàng vật liệu xây dựng...Giá đất nền tăng chóng mặt. Thời tôi còn ở nhà phải cắt rơm rạ để đun bếp. Thậm chí rạ rơm cũng không đủ, thường phải đánh xe cải tiến lên rừng Hà Long cách nhà 30 cây số để đốn củi. Nay hầu như nhà nào cũng có bếp ga, bếp điện, bếp từ, không phải dùng củi, dùng rơm rạ để nấu ăn. Hầu hết dân làng có xe máy, ti vi, tủ lạnh, vòi nước nóng lạnh, nhiều nhà gắn điều hòa nhiệt độ... Hơn 10 nhà có xe hơi, xe ta xi, xe tải...

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch huyện Hà Trung. Chuyện xoay quanh những đổi thay của quê mình. Anh cho biết: Huyện Hà Trung tiếng là quê hương của đồng ruộng, 80% đân số là nông dân. Nhưng những năm gần đây, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp đang giảm dần vì huyện đã có 6 cụm công nghiệp ở các xã Hà Bình, Hà Tân, Hà Lĩnh, Hà Phong, Hà Dương... sản xuất đá xẻ, vật liệu xây dựng, dệt may, dày da, kết cấu thép, thiết bị điện tử, du lịch, dịch vụ... Thu ngân sách của cả huyện năm nay hơn 1200 tỷ đồng. Trong đó 80% thu từ công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp chỉ đóng góp 20%. Về nông nghiệp, chúng tôi đang hướng đến trồng các loại lúa đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao. Năm ngoái chúng tôi vào tận Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, mua được 5 tấn giống lúa ST25 (Gạo đoạt giải Nhất trong cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019) về trồng thí điểm ở xã Hà Lĩnh. Rất may là thổ nhưỡng ở huyện ta phù hợp với giống lúa này, bông lúa to, hạt mẩy, cho năng xuất 6,5 tấn/ ha. Giá gạo ST25 thường giá 34 000 đ /kg. Nhưng ST25 hữu cơ hộp, giá 80 000 đ/kg. Trong khi đó giá gạo nở thông thường là 11 000đ /kg. Đủ thấy sự chênh lệch giá giữa gạo ngon đặc sản với giá gạo thông thường gấp bao nhiêu lần. Gạo ST25 rất dễ nấu, dẻo thơm ngon như gạo nếp. Nếu trồng nhiều, ta có thể xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Huyện còn chú trọng vào các loại đặc sản của địa phương như mắm tép Hà Yên, chế biến từ loại tép riu, chẳng nơi nào có, xưa là mắm tép tiến vua. Nay cần tổ chức đánh bắt, nuôi như thế nào để tăng sản lượng, quảng bá thương hiệu để sản phẩm được cả nước chú ý, tiêu dùng.

 Làng tôi có đặc sản mắm cáy, mắm rươi. Sắp tới quy hoạch bãi phù sa ven sông từ làng Chế lên làng Gũ, vùng nước lợ này rất thuận lợi cho chăn nuôi, đánh bắt con cáy, con rươi, hứa hẹn cho sản lượng lớn, rồi xây dựng thành thương hiệu...

Nhìn cánh đồng làng, bên cạnh mảng màu xanh mênh mông của lúa, có mảng màu trắng của hoa lau, cỏ dại vì đất bỏ hoang. Đồng quê vắng bóng trâu bò vì đã có máy móc thay thế, vắng những cần câu vì cua cá, tôm tép... không còn, nhưng niềm vui mới đang đến, bởi nhưng gam màu sáng của  lớp trẻ có kiến thức, có khát vọng làm giàu, mang khoa học kỹ thuật về làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, họ chính là mùa xuân của làng.

Bình luận

  • avatar comment
    2023-01-03 17:04:17
    Đúng là nông thôn giờ khác xưa nhiều lắm, mừng cho đất nước, cho nhân dân.

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm
Hoa mua tím Truông Bồn
Bài viết của nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, Nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An
Xem thêm