TIN TỨC
icon bar

Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-17 17:07:00
mail facebook google pos stwis
391 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

Nhà thơ BÙI PHAN THẢO
(Cảm nhận về “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng)

Khi nhà thơ Nguyên Hùng cho biết sẽ in tập tác phẩm thứ 8 của mình, mà lại là tập thơ và ca khúc phổ thơ của anh, tôi rất tán đồng việc này. Bởi đây là duyên kỳ ngộ, không phải nhà thơ nào cũng được nhạc sĩ phổ nhạc các thi phẩm của mình, hơn nữa anh có số lượng thơ phổ nhạc nhiều và chất lượng nhạc phổ thơ được giới chuyên môn và công chúng xác nhận, yêu thích.

Với “Trăm khúc hát một chữ duyên”, NXB Hội Nhà văn, 2024, Nguyên Hùng chính thức định danh là nhà thơ lọt vào top nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất nước. Ở nước ta hiện nay, ngoài nhạc sĩ Tạ Hữu Yên với 160 bài, còn có nhà thơ Dương Xuân Định, Nguyễn An Bình, Nguyễn Ngọc Hạnh và Nguyên Hùng – mỗi người đều có hơn 100 ca khúc phổ thơ, có người “khoe” được phổ nhạc hàng trăm ca khúc. Tất nhiên nhiều ít là số lượng, còn chất lượng thì tùy theo tay nghề, tên tuổi nhạc sĩ và duyên may ca khúc đó bay cao bay xa ra sao.

Sở dĩ Nguyên Hùng có được nhiều ca khúc phổ thơ bởi anh là nhà thơ chuyên nghiệp (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM), thơ anh thường đăng tải trên các báo in, báo mạng; anh còn có quan hệ thâm giao với nhiều nhà thơ, nhạc sĩ; những mối quan hệ khiến anh giao du nhiều, quen biết nhiều hơn và từ đó, thơ anh được chắp cánh bằng những ca khúc. Trong số ca khúc được phổ nhạc, Nguyên Hùng có hơn chục bài được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hát ca khúc phổ thơ anh, đưa vào album ca nhạc; một số đài truyền hình, phát thanh chọn tác phẩm phổ thơ anh làm chương trình “Tác giả - tác phẩm”, “Đến với bài thơ hay”. Ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng cũng vang lên trong nhiều sự kiện truyền hình trực tiếp, sân khấu ca nhạc hay chương trình “Giai điệu kết nối” như: Bến xưa, Sóng không từ biển, Bảo Lộc khúc tình ca, Ngày bình yên sẽ đến, Lời hẹn tình quê

Nhạc phổ thơ như một chiếc cầu. Ca khúc đưa bài thơ đến với người nghe. Từ bờ bên này, lời thơ được phổ nhạc thành những nhịp cầu, nối bờ bên kia. Có chiếc cầu vững chắc, có chiếc cầu chênh vênh. Chiếc cầu vững chắc là những nhạc phẩm phổ thơ thành công, đi vào lòng người nghe và ở lại trong tâm trí. Chiếc cầu chênh vênh là những nhạc phẩm phổ thơ không mấy thành công, hoặc có những lý do khác, không đến được với công chúng, dần đi vào lãng quên. Những bài thơ giàu nhạc điệu, thi ảnh đẹp, bài thơ hay thường được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ Nguyên Hùng có duyên may lọt vào tay, vào mắt xanh nhạc sĩ. Bằng cảm quan thẩm mỹ, nhạc sĩ chọn những chỗ đắc ý nhất khi tiếp cận ngôn từ của thi phẩm để đóng vai trò đồng sáng tạo với nhà thơ, tùy tính chất bài thơ và cũng tùy cảm nhận, cảm hứng của nhạc sĩ mà ca khúc hình thành. Khi bài thơ được phổ nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ. Thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ – nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt.

Dải đất miền Trung nước ta có nhiều văn nhân, thi sĩ, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát dân ca, nhiều nhạc sĩ lừng danh cả nước. Thường dân, ai cũng biết hát hò, làm vè, những lời dân dã gần gũi cuộc sống. Với thi sĩ đất này, nhịp điệu vào thơ tự nhiên, nhiều bài thơ đầy nhạc tính, đọc lên đã thấy du dương, dễ chuyển soạn thành ca khúc.

Thơ Nguyên Hùng thường bình dị, đề tài gần gũi tình yêu, cuộc sống. Tấm lòng nhà thơ thường được tỏ bày chân chất, đôi khi thấy cần phải nói thật to hoặc cất lên tiếng hát mới át được tiếng sóng biển ầm ào, mới “tròn vành rõ chữ” hơn chất giọng khó nghe nhất xứ Nghệ của vùng Nghi Lộc quê anh. Khi âm nhạc lên tiếng, những tấm lòng đến gần nhau hơn, để nghe, để thấm, để nhớ lâu hơn.

Từ đó mới nhận ra, đôi khi, sóng không từ biển. Ca khúc “Sóng không từ biển” do Lê An Tuyên phổ nhạc từ hai bài thơ của Nguyên Hùng: “Biển và em” và “Cửa Hội”. Lớn lên trên vùng biển, quen sóng gió một thời, ngỡ chỉ say biển xanh đầy sóng, thế mà đến một ngày gặp em, anh mới biết, sóng không dậy từ biển cả mà từ lòng người. “Sóng không từ biển, từ miền em thôi” nên “Cánh buồm thao thức” – một biệt danh của Nguyên Hùng phải “thao thức một đời biển và em”. Lê An Tuyên có mối thâm giao với Nguyên Hùng, hiểu nhiều mới chuyển soạn và sáng tạo ca từ cho “Sóng không từ biển” hay hơn cùng tâm trạng da diết, lắng sâu…

Biển cũng là một hiện thân thiêng liêng của Tổ quốc. “Cho biển mãi xanh” có lời thơ tự sự, tỏ bày lòng yêu biển cả, yêu Tổ quốc thiết tha, dặn nhau nâng niu từng hạt cát và bảo vệ chủ quyền đất nước, dồn sóng dữ cuốn những kẻ xâm lấn từng bãi đá. Nhạc phẩm của Đỗ Tiến Lập lúc lắng lại, ngân rung: “Tổ quốc ta là biển là bờ”, lúc cao trào, mạnh mẽ: “Biển hãy dồn sóng dữ cuốn chúng đi”…

Các nhạc sĩ cũng cùng nhà thơ tỏ lòng trên những ca khúc đầy xúc động về cha về mẹ. “Bên mẹ xuân này” của Nguyên Hùng – Huy Tập, với chủ âm Đô trưởng (C) chậm vừa, thiết tha “con bây giờ hai thứ tóc trên đầu/ mà mẹ vẫn ngày đêm trông đợi”. “Sao thế mẹ ơi” do Vũ Đức Quân phổ nhạc từ hai bài thơ “Sao thế mẹ ơi” của Nguyên Hùng và “Mẹ ơi” của Ban Mai cũng chủ âm Đô trưởng (C) tiếc thương vô hạn khi mất đi người mẹ dấu yêu. Còn “Nhớ cha”, Đỗ Tiến Lập phổ nhạc đầy chất tự sự, thương nhớ người cha, cây cao bóng cả, hy sinh cả đời nuôi dạy các con …

Cuộc đời đi nhiều, sống nhiều: du học, về nước công tác, định cư ở TP. Hồ Chí Minh nhưng Nguyên Hùng luôn gắn bó, gũi gần với quê hương xứ Nghệ. Anh mừng vui trước những đổi thay của quê hương. Bài thơ “Cửa Lò quê hương tôi” viết trong mạch cảm xúc yêu quê hương, vui mừng với những đổi thay của quê hương được Phạm Quế Nguyên chuyển tải qua nhịp 2/4, thong thả, thanh bình.

Lúc cầu Cửa Hội thông thương, anh vui mừng khi cảnh chia cách đôi bờ không còn “em thôi làm rạm, anh hết làm còng”. Giai điệu “Nhịp cầu của bể” của Đỗ Tiến Lập mênh mang khi nhịp cầu “nối đôi bờ mưa nắng, nối tình yêu, chở những ước mơ”. Con rạm con còng vào thơ vào nhạc lại đem đến những cảm xúc lắng sâu, nhất là những ai từng sống nơi vùng quê nghèo ven biển mới thấu cảm nhiều bề…Tương tự, loài hoa khoai lang chân chất trong “Lặng thầm hoa quê” do Lê An Tuyên phổ nhạc, những luống khoai hoa nở lặng thầm trên đồi cát, nhớ hoài cánh hoa tuổi thơ em hồn nhiên hái tặng tôi…

Trong cái duyên thơ – nhạc của Nguyên Hùng, anh được các nhạc sĩ ưu ái khá nhiều. Nhạc sĩ Trung Kim gom hai bài “Hạnh phúc” và “Hai mươi năm sau” chuyển thành ca khúc “Hạnh phúc”. Một bài thơ “Cánh buồm tình ái” được 4 nhạc sĩ phổ nhạc: Lê An Tuyên với “Em và biển”, Trung Kim với “Cánh buồm thao thức”, Nguyễn Văn Sâm với “Tình ái vẫn ra khơi” và Nguyễn Trần Đức Anh với “Cánh buồm tình yêu”.

Bài thơ “Gửi dòng sông câu ví” được Hữu Xuân phổ thành ca khúc “Gửi dòng sông”, Vũ Xuân Hùng phổ thành ca khúc cùng tên và Lê An Tuyên nhặt ý, thêm ca từ, chuyển soạn thành ca khúc “Bến xưa”.

Bài thơ “Nhịp cầu cửa bể” ngoài Đỗ Tiến Lập phổ nhạc, còn có ca khúc “Nhịp cầu yêu thương” của Phan Thanh Chương và “Cửa Hội nhịp cầu mơ ước” của Thanh Dũng.

Nhiều ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng được nhạc sĩ sử dụng nhịp 2/4 hoặc 4/4 và chủ âm Rê thứ (Dm), phù hợp với ý thơ, khúc thức không cầu kỳ, không nhiều biến tấu kỹ thuật. “Nhà có em” được Nguyễn Ngọc Tiến phỏng thơ thành ca khúc “Vì sao em yêu anh?” dí dỏm, tự hào, ngập tràn hạnh phúc. “Một ngày không vào mạng” được Vũ Đức Quân chuyển soạn chủ âm La trưởng (A) duyên dáng và nhất là yếu tố bất ngờ, không có mạng thì anh đến tận nơi tìm em “Riêng anh vì ấm ức/ nhớ em đến tận nơi”.

Nguyên Hùng làm khá nhiều thơ 5 chữ. Nhịp điệu thể thơ này đã mang nhạc tính nên được nhiều nhạc sĩ chọn chuyển thành ca khúc. “Đường xưa áo trắng” do Minh Thu phổ nhạc và “Chẳng thể nào quên” do Huy Tập phổ nhạc da diết lòng người nhớ đường xưa thơm hương cỏ, sông thu vàng mênh mông.

Trong nhạc phẩm “Gặp lại”, Đoàn Vĩnh Phúc phổ từ bài thơ cùng tên của Nguyên Hùng, nhịp ¾ là lựa chọn phù hợp. Nhắc lại 5 lần “mười năm” như một tiếng reo, người am hiểu nhạc liên tưởng bài thơ “Đánh mất” của Thanh Nguyên được Hoàng Hiệp phổ nhạc ngày nào. Bài thơ của Thanh Nguyên đầy day dứt, xót xa “em đang nghĩ gì, đang nghĩ gì; anh van em, van em nói ra đi”, thì “Gặp lại” cũng buồn nhưng không đau xót, cảm ơn số phận cho được gặp nhau…
 


Nguyên Hùng và Bùi Phan Thảo

Nguyên Hùng cũng là một cây thơ tình, nhiều bài với ý tứ độc đáo. “Sao tôi lại gặp em” là một ví dụ, câu hỏi bật ra để trách khéo ông trời sao sắp đặt chi để thi sĩ tương tư một người. Địa danh Hòn Rơm được mượn để nói hộ tiếng lòng “Hòn Rơm ủ lửa”. Và mũi Né để nói điều ngược lại là không thể tránh lòng mình đang dậy sóng vì em. Nhạc sĩ Huy Tập nắm được tiếng lòng ấy, nhịp 4/4 chủ âm Đô trưởng (C) tự tình thiết tha…

Một tuyển tập đẹp cả nội dung và hình thức, chan chứa tình cảm bạn bè văn nghệ, ấm áp tình người trong từng ca từ, giai điệu. Chúc mừng duyên thơ nhạc đẹp bền của Nguyên Hùng và các nhạc sĩ, cũng là thành tựu của người làm thơ, một duyên may của cuộc đời.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm