TIN TỨC
icon bar

Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-17 17:07:18
mail facebook google pos stwis
562 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)


TRẦN HÀ YÊN

Trong bức tranh văn học đương đại Việt Nam, Nguyên Hùng là một nhà thơ đã khắc họa sâu sắc và đẹp đẽ về quê hương và tình yêu, không chỉ qua những hình ảnh quen thuộc mà còn qua chiều sâu cảm xúc trong từng câu chữ. Tập Thơ - Nhạc "Trăm Khúc Hát Một Chữ Duyên" của anh là tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, ở cả phần Thơ và phần Nhạc.

Có thể nói, tác phẩm này không chỉ là một hành trình cảm xúc được thăng hoa của nhà thơ mà còn là sự hợp hôn tuyệt vời giữa thơ và nhạc mà không phải nhà thơ nào cũng làm được như anh. Trong phần Thơ, ta thấy có sự đan xen, hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử, tình quê hương da diết và mãnh liệt. Người đọc không chỉ cảm nhận được những rung động về quê, về mẹ, về “người ơi” (người con gái trong tình yêu) mà còn thấy ẩn sâu trong nhiều bài thơ là sự chiêm nghiệm về những tình cảm thiêng liêng, bất biến với thời gian. Mỗi câu thơ như những giọt mưa rơi thấm mát vào tâm hồn người đọc, nhẹ nhàng nhưng có sức lan tỏa, khơi dậy trong ta tình yêu đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là tình yêu đối với quê hương, đất nước để rồi yêu mãi hoài vẫn khát những tình cảm đẹp đẽ đó - như lời một câu thơ trong tập Thơ - Nhạc này của anh.

Đọc phần Thơ trong tác phẩm"Trăm Khúc Hát Một Chữ Duyên" của Nguyên Hùng, người đọc cảm nhận những cung bậc tình yêu khác nhau được diễn tả mạnh mẽ và sâu sắc. Bài thơ “Biển và Em” (trang 10), được xem như một bản giao hưởng đầy say đắm. Qua bài thơ này, Nguyên Hùng không chỉ mở ra một không gian nghệ thuật đầy chất liệu thiên nhiên mà còn đưa người đọc vào một cuộc hành trình cảm xúc thấm đẫm lãng mạn và suy tư.

Trong"Biển và Em", hình ảnh biển khơi được nhà thơ xây dựng không chỉ là thiên nhiên bao la rộng lớn mà còn là biểu tượng của một tình yêu nồng nàn và không giới hạn. Ngay từ câu mở đầu, ta đã bắt gặp sự liên tưởng tinh tế giữa biển cả và người con trai lớn lên từ sóng nước: “Anh lớn lên trên sóng / Nên say hoài biển xanh”. Biển không chỉ hiện hữu như một không gian mênh mông của thiên nhiên, mà còn là hình ảnh phản chiếu của tâm hồn của anh, mạnh mẽ và đam mê. Biển xanh với những cơn sóng dạt dào như nhịp đập của trái tim yêu mãnh liệt, không ngừng nghỉ. Thế nhưng, đối lập với sự mạnh mẽ đó, "em"- người con gái được ví như giọt nước mong manh giữa dòng đời, tuy nhỏ bé nhưng lại đầy ý nghĩa với cuộc đời của anh: “Em chỉ là giọt nhỏ / Giữa dòng đời lặng trôi”. Giữa biển cả bao la, giọt nước là em ấy như biểu tượng của sự dịu dàng, thuần khiết. Tình yêu ở đây như là sự kết nối giữa hai thái cực: Biển mạnh mẽ và giọt nước mong manh. Biển và giọt nước ấy đã quấn quýt gắn bó, không thể tách rời nhau để tạo nên một bản hòa ca của tình yêu nồng nàn tha thiết với biển - với em - với quê hương đất nước! Câu thơ “Mà trước em, anh ngỡ / Trước muôn trùng biển khơi” nhấn mạnh sự kỳ diệu và tầm quan trọng của em trong cuộc sống của anh.em nhỏ bé, nhưng tình yêu em mang lại có khả năng làm biến đổi toàn bộ thế giới nội tâm của anh. Tình yêu này không chỉ là một cảm xúc bình thường mà là một sức mạnh lớn lao, có thể làm cho những điều tưởng chừng như giản đơn trở nên vĩ đại. Mỗi hình ảnh, mỗi từ ngữ trong bài thơ đều được lựa chọn một cách tinh tế để làm tăng sức mạnh của thông điệp tình yêu, làm nổi bật sự sâu lắng và cảm xúc của chủ thể trữ tình. Nguyên Hùng đã khéo léo sử dụng cấu trúc đối xứng để làm nổi bật sự tương phản giữa biểngiọt nhỏ. Giọng điệu của câu thơ du dương, tạo nên không gian cảm xúc vừa lãng mạn vừa chân thực. Những từ ngữ như “say hoài”; “ngàn cánh võng”; “bồng bềnh” có tác dụng mang lại cảm giác êm ái, nhẹ nhàng khiến người đọc không khỏi rung động trước sự đẹp đẽ và thơ mộng của tình yêu. “Biển và Em” là minh chứng cho khả năng kết hợp sự tinh tế của ngôn từ với chiều sâu của cảm xúc, tạo nên những hình ảnh thơ đầy lôi cuốn và hấp dẫn trong thơ Nguyên Hùng.

Không chỉ có thế, Nguyên Hùng đã yêu mãi hoài vẫn khát với dòng sông, bến đò và mái tranh quê mẹ. Quê hương trong thơ Nguyên Hùng là những hình ảnh giản dị, thân thương đã gắn bó máu thịt trong suốt quãng đời thơ ấu của anh cho đến khi anh xa quê, xa đất nước mà học tập ở nước bạn - Liên Xô (cũ), hay sau này anh và gia đình vào miền Nam sinh sống. Trong bài thơ Gửi Dòng Sông Câu Ví (trang 12), dòng sông quê là hình ảnh đại diện cho sự kết nối với quá khứ, với tuổi thơ và với kỷ niệm của một thời đã qua, là mẹ, là cha, là những con người quê hương quanh năm vất vả, lam lũ; một đời chịu thương, chịu khó. Những câu thơ giàu sức gợi: “Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ / Dù trôi đâu vẫn không vơi nhung nhớ/ Thương những mái chèo vẫn sấp ngửa sớm khuya”; “Như thuở nào canh bến đợi thuyền cha” gợi nhắc về những ngày tháng êm đềm trong quá khứ. Đặc biệt là câu thơ "Đạn rít bom gầm cày nát thời thơ trẻ" gợi lên những ký ức đau thương của chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh sự tàn phá mà nó đã gây ra cho cuộc sống và con người. Mặc dù cuộc sống bây giờ đã đổi thay nhiều rồi, đất nước không còn chiến tranh nhưng những ký ức đau thương ấy vẫn mãi là một phần không thể tách rời. Những câu thơ trên đã nhấn mạnh tình cảm sâu nặng với quê hương yêu dấu: Dù có đi xa nhưng tâm hồn anh vẫn luôn gắn bó với dòng sông quê, nơi lưu giữ những ký ức ấu thơ không thể nào quên! Sự hồi tưởng về quá khứ qua hình ảnh dòng sông cũng thể hiện niềm mong ước được quay về, được sống lại những giây phút thanh bình bên cạnh những kỉ niệm xưa. Hình ảnh thơ đẹp và xúc động đến nao lòng: “Xin quì xuống nâng niu từng con sóng/ giữ riêng mình - tìm lại tuổi thơ xưa”. Lời thơ đã thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với dòng sông quê hương của tác giả. Hình ảnh thơ “quỳ xuống nâng niu từng con sóng” cho thấy sự tôn trọng và yêu quý đối với quê hương và dòng sông yêu thương. Từ thời thơ trẻ đến chiều xế bóng là hành trình dài của cuộc đời mỗi con người, của nhà thơ. Và trên hành trình ấy, tác giả đã nhận ra: Dòng sông - hình ảnh quê hương - chính là nỗi nhớ đã và vẫn thường trực trong anh đến cuối cuộc đời. Câu thơ, hình ảnh thơ ấy đã thể hiện tình yêu của nhà thơ đối với con sông quê, cũng là tình yêu đối với quê hương đất nước, thiết tha và sâu nặng đến thế là cùng! Nguyên Hùng đã sử dụng giọng điệu trang trọng nhưng chân thành, kết hợp với những hình ảnh sinh động như mô phỏng được âm thanh của dòng sông để truyền tải cảm xúc. Từ ngữ được chọn lọc chuẩn xác góp phần thể hiện sự sâu lắng và gắn bó với quê hương như “ngọt lịm điệu đò đưa”, “mặn mòi câu ví dặm”“cánh buồm da diết”. Những hình ảnh và âm thanh này không chỉ tạo ra một bức tranh đậm nét về quê hương mà còn gợi lên những cảm xúc sâu lắng về tình yêu và sự nhớ nhung.

Bài thơ "Tìm Em Ngược Dòng Sông Nhớ" (trang 24) của Nguyên Hùng là một bài thơ hay và cảm động, thể hiện khát khao tìm lại ký ức và tình yêu đã mất của chủ thể trữ tình. Dòng sông như một biểu tượng của thời gian và tình yêu đã dẫn dắt người đọc vào một cuộc hành trình cảm xúc, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, nơi tình yêu và những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ phai nhạt. Bài thơ mở đầu với hình ảnh gợi cảm: "Anh tìm em ngược dòng sông nhớ / Tìm lại chốn xưa nơi gửi nụ hôn đầu / Tìm những ước mơ theo cánh buồm nâu / Tìm dáng em chờ thuyền cha trên bến”. Dòng sông ở đây được sử dụng như một con đường thời gian, để trên con đường ấy, người con trai lội ngược dòng để tìm lại những ký ức xưa cũ. Cánh buồm nâunụ hôn đầu gợi nhớ về những ngày tháng êm đềm và tình yêu đầu đời của anh. Hình ảnh "dáng em chờ thuyền cha trên bến" không chỉ phản ánh sự chờ đợi mà còn biểu trưng cho sự kết nối sâu sắc với quê hương và kỉ niệm. Nét đặc biệt của nhà thơ ở đây là sự khao khát tìm lại hình bóng và cảm xúc của quá khứ thông qua các giác quan: "Anh đi tìm em lần theo hương biển / Theo vị mặn mòi trong những câu ca / Tiếng sóng thầm thì thao thức bờ xa / Lời hẹn tuổi thơ ủ xanh nhẫn cỏ”. Hương biểnvị mặn mòi không chỉ là nét đặc trưng quê hương Cửa Lò của nhà thơ mà còn là những gì gắn bó và thân thương nhất với quê hương của anh. Tiếng sónglời hẹn tuổi thơ gợi lên cảm giác mơ màng và hoài niệm. Hình ảnh em gánh ước mơ khơi bếp lửa hồng thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, chăm chỉ và đảm đang của em - người con gái quê hương. Những câu thơ này làm nổi bật sự kết nối giữa em và quê hương, nơi mà em đã lớn lên và trưởng thành từ những lời ru của mẹ. Đó là một phần không thể thiếu trong ký ức và tình yêu của anh. Cảm xúc tình yêu ở đây lắng đọng và đẹp đẽ: "Mấy mươi năm cuộc đời bao dâu bể / Anh và em trôi dạt mấy góc trời / Nhưng tình quê đâu thể cạn vơi / Như sông quê sóng không thôi dào dạt”. Có thể thấy, sự chia ly và những đổi thay của cuộc đời dâu bể không làm mất đi tình yêu và ký ức trong anh. Dòng sông quê hương vẫn mãi dào dạt, như tình yêu của anhem. "Tìm Em Ngược Dòng Sông Nhớ" là bài thơ thể hiện sâu sắc tình yêu, sự gắn bó với quê hương xứ sở và ký ức tuổi thơ. Với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi và biểu cảm, bài thơ dẫn dắt người đọc vào một cuộc hành trình cảm xúc đầy ý nghĩa, nơi tình yêu và ký ức vẫn sống mãi dù thời gian trôi qua.

Trong suốt phần Thơ của tác phẩm "Trăm Khúc Hát Một Chữ Duyên” ta thấy, tình yêu đôi lứa trong thơ của Nguyên Hùng luôn mang đậm dấu ấn của lòng chung thủy, sự gắn bó vượt lên cả thời gian và thử thách. Bài thơ "Ngàn năm em và anh" (trang 30) đã nói đến một tình yêu không chỉ dừng lại ở hiện tại, mà còn được trải dài trong thời gian và trường tồn qua năm tháng: “Biển triệu năm cứ xanh / Tóc nửa đời đã bạc / Nghìn năm em và anh / Yêu mãi hoài vẫn khát”. Biển xanh là biểu tượng cho cái bất biến, còn "Tóc nửa đời đã bạc" là minh chứng cho sự biến đổi của con người qua thời gian. Nhưng điều đáng quý là mặc cho thời gian trôi qua, tình yêu của họ vẫn mãi như những con sóng biển kia, mãi không dừng lại. Câu thơ không chỉ diễn tả những khát khao tình yêu mãnh liệt mà còn thể hiện sự gắn bó bền chặt của tình yêu đôi lứa. Điều này ta có thể thấy rõ trong trong bài thơ này nói riêng và cả tập thơ nói chung. Hình ảnh "yêu mãi hoài vẫn khát" không chỉ nói lên khát vọng yêu thương mãnh liệt mà còn khẳng định được sự bền bỉ của tình yêu trong thời gian. Những hình ảnh thiên nhiên và tình yêu rất đẹp, đầy màu sắc như "Trời triệu năm cứ xanh / Mây triệu năm cứ bạc / Nghìn năm em và anh / Thương yêu không phai nhạt." là những hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng. Trời xanhmây bạc vẫn tồn tại qua triệu năm. Tình yêu của em và anh cũng như thế, vĩnh cửu và không bị ảnh hưởng bởi thời gian (không phai nhạt). Giọng điệu câu thơ là lời khẳng định chắc nịch về tình yêu son sắt, bền chặt của chủ thể trữ tình. Dù thế giới có thay đổi như thế nào thì tình yêu chân thành và mãnh liệt đó vẫn không thể mất đi, không bị đổi thay. Các hình ảnh thiên nhiên như biển, trời, và mây không chỉ làm nền cho câu chuyện tình yêu mà còn làm nổi bật sự vĩnh cửu của nó. Những từ ngữ như "triệu năm", "nghìn năm","khát" không chỉ tạo ra một không gian, thời gian rộng lớn mà còn nhấn mạnh sự bền vững của tình yêu.  Người đọc lại bắt gặp từ "khát" ở đây (yêu mãi hoài vẫn khát), đó là những khát vọng yêu thương mãnh liệt của chủ thể trữ tình - nhà thơ. Không phải vô cớ mà bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến chọn để phổ nhạc cho bài hát được mang tên Tình yêu em và anh và nhạc sĩ Võ Xuân Hùng viết thành bài hát Khúc hát ngàn năm, bài hát đoạt giải Nhì trong cuộc thi liên hoan các bài hát “Vì biển đảo xanh” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. HCM phối hợp cùng Hội Âm nhạc TP. HCM đã phát động, năm 2022.

Một điều dễ nhận thấy nữa ở thơ Nguyên Hùng là thơ anh luôn giàu cảm xúc và có sự kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên. Trong bài thơ Mong manh cánh buồm (trang 84), thiên nhiên không chỉ là bối cảnh mà còn trở thành hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời và số phận con người: “Cánh buồm đỏ vẫn chòng chành chân mây”. Dù gió mưa bão bùng như thế nào đi nữa, cánh buồm đỏ vẫn vững vàng để tiếp tục hành trình vượt qua biển khơi, như con người quê hương luôn vươn lên, đối mặt với mọi thách thức để tìm kiếm bình yên và hạnh phúc. Nhà thơ đã khéo léo sử dụng những ngôn từ giàu cảm xúc, hình ảnh thơ mềm mại mà dạt dào sức mạnh nội tâm để tạo nên những ấn tượng sâu sắc, chạm đến trái tim người đọc: "Bạc đầu rồi vẫn trắng tay / Ta là ai của hôm nay giữa đời / Cỏ - sương cũng quyện thành đôi / Không em ta với đơn côi những chiều/ làm sao quên được dấu yêu/ vùi trong thương nhớ chạy theo bóng người”. Nỗi nhớ về em và khát khao có em ở đây khắc khoải và tha thiết làm sao. Cảnh vật xung quanh như "cỏ” - “sương", dù đã quyện vào nhau, vẫn không thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn chủ thể trữ tình. Sự đơn côi và nỗi nhớ là những cảm xúc chi phối cuộc sống của “Ta”, khiến cho ký ức về người yêu trở thành điều không thể quên.


Nhà thơ Trần Hà Yên và một nửa của mình - thầy giáo Nguyễn Kim Hùng

Có thể nói, Mong Manh Cánh Buồm là một bức tranh tình yêu đầy cảm xúc, thể hiện sự đối lập giữa cái vĩnh cửu của tình yêu và cái tạm bợ của cuộc đời. Với ngôn từ tinh tế và hình ảnh gợi cảm, bài thơ khắc họa tâm trạng của một người như đang lạc lõng giữa đại dương bao la, không thể quên đi những dấu yêu đã mất. Những câu thơ: "Làm sao quên được dấu yêu / Vùi trong thương nhớ chạy theo bóng người / Chơi vơi trong gió bao lời / Ta chưa kịp nói của thời xa xăm”...gợi lên những ký ức sâu sắc và xúc động về một tình yêu đã qua. Sự tiếc nuối về những lời chưa nói, những điều chưa thể hoàn thành, tạo ra một cảm giác chơi vơi và bất lực. Gió như là một nhân chứng âm thầm, gánh chịu tất cả những lời hứa và nỗi niềm không thể diễn đạt thành lời. Hình ảnh ấn tượng: "cánh buồm đỏ" trong câu: "Để bây giờ giữa biển xanh / Cánh buồm đỏ vẫn chòng chành chân mây" là một biểu tượng đầy ý nghĩa. Nó không chỉ tượng trưng cho hi vọng và khát khao mà còn là biểu hiện của sự mỏng manh và dễ bị cuốn trôi trong cuộc đời. Sự tương phản giữa cánh buồm rực rỡ và biển xanh rộng lớn là một phép ẩn dụ về sự tìm kiếm và khát vọng không ngừng trong cuộc sống.

 Trong suốt tập thơ Trăm khúc hát một chữ duyên, tình yêu quê hương gắn liền với con sông và câu hò Ví giặm. Hai hình ảnh này vẫn luôn thường trực trong trái tim nhà thơ và xuyên suốt tập thơ để nhà thơ cứ yêu mãi hoài vẫn khát. Nguyên Hùng đã sử dụng hình ảnh con sông và câu Ví để diễn tả nỗi nhớ quê và tình yêu quê da diết. Trong bài thơ Lời hẹn tình quê (trang144), những câu thơ như một lời hẹn ước khắc khoải, như một sự mong chờ được trở về với quê hương yêu dấu, nơi đó có những đêm trăng và tiếng sáo diều vương vấn, nơi đó có mẹ với trắng hoa cau; xanh lá trầu và có cả tình em. Có thể thấy rằng, dù đi đến đâu hay ở nơi đâu thì trong lòng tác giả vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa của quê hương (dòng sông, con đò, câu Ví giặm, sáo diều, cau, trầu...) và cả tình yêu thiêng liêng mà đẹp đẽ của một thời trai trẻ: “Lời hẹn cùng ai về lại bến sông quê / Dòng sông xanh vẫn dạt dào mong nhớ/ Sóng sông quê ngân cung đàn điệu nhạc/ hát ru tình ta năm tháng đợi chờ nhau”. Bài thơ Lời hẹn tình quê đã gửi gắm tình cảm sâu nặng của nhà thơ dành cho quê nhà và cho tình yêu của một thời đã qua.

Trong toàn bộ phần Thơ của tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên, ta thấy rõ có sự hòa quyện của những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn tác giả, đó là tình yêu, nỗi nhớ, lòng trân trọng đối với gia đình, quê hương và biển yêu thương. Mỗi bài thơ của Nguyên Hùng đều mang đậm chất suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống nhưng lại được diễn đạt bằng ngôn từ trong sáng, giản dị và mềm mại. Cách anh lồng ghép các hình ảnh quen thuộc của quê hương như tình mẹ, tình em, biển cả ở trong nhiều bài thơ đã tạo nên một không gian thơ đầy cảm xúc, nơi mà mỗi người đọc đều có thể tìm thấy mình trong đó. Phần Thơ của tác phẩm Trăm Khúc Hát Một Chữ Duyên đã thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ và chân thành về tình yêu, về quê hương và những ký ức tuổi thơ. Qua đó, nhà thơ cũng khẳng đinh rằng những tình cảm yêu thương ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong anh, cho dù không gian - thời gian có thế nào đi nữa. Và như vậy, tình yêu của anh với quê hương không chỉ là sự chân thành mà còn là sự trân trọng sâu sắc. Nhà thơ vẫn yêu mãi hoài quê hương và con người xứ sở và vẫn khát khao những cảm xúc ấy. Đây cũng là tình yêu đối với quê hương đất nước của anh, là vẻ đẹp tâm hồn của người con Cửa Lò năm xưa cũng như bây giờ: Anh đã viết cả ngàn lần về biển/ vẫn đắm say mây nước nghìn trùng/ những câu thơ chứa đầy trải nghiệm/ vẫn cháy bỏng khát khao yêu đến tận cùng. (Bài Cánh buồm tình ái). Có thể nói, Nguyên Hùng là một trong những nhà thơ hiện đại đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam đương đại và cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung qua hơn một trăm bài hát đã được các nhạc sĩ phổ nhạc từ những bài thơ của anh. Xin chúc mừng anh với những đứa con tinh thần đẹp đẽ và đáng trân trọng như thế!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm