TIN TỨC
icon bar

Những dòng thơ nặng tình xứ Nghệ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-02-07 07:53:04
mail facebook google pos stwis
1147 lượt xem

NGUYỄN HOÀNG HOA

Cầm tập thơ Lam Hồng 7, NXB Hội Nhà văn, 2022 của Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP HCM, tôi cảm nhận được sức nặng của tập thơ. Không chỉ đầy đặn với sự góp mặt của 32 tác giả, gần 190 trang in, mà còn chất chứa sức nặng từ chiều sâu trí tuệ, chất liệu hiện thực đến sự thăng hoa cảm xúc và hàm lượng yêu thương.

Điều dễ thấy, gần như mang tính đặc trưng là “chất Nghệ” của thi phẩm này. Các tác giả là người Nghệ - Tĩnh, nên tính cách ngay thẳng, rõ ràng, sự chính trực trong bày tỏ - dù lời thơ uyển chuyển hơn lời nói đời thường – vẫn là cách tiếp cận sự vật, hiện tượng, cách diễn giải văn chương dễ được cảm thông, chia sẻ.

Hãy nghe một lời tự bạch: “Thơ tôi câu chữ nôm na/ chân thành mộc mạc bao la nghĩa tình/ quê hương đất nước gia đình/ làm nên cốt cách của mình trong thơ” (Thơ tôi – Nguyễn Văn Thưởng).

Tâm tính như vậy nên hành xử với tuyên ngôn chính trực của tác giả này cũng là lẽ đương nhiên: “Đứng ra bảo vệ dân lành/ ngăn ngừa kẻ xấu lộng hành khắp nơi/… còn hơn cúi xuống mà đi/ đúng sai cũng mặc, thấy gì cũng im” (Những điều nghe thấy).


Nhà thơ Bùi Phan Thảo đọc bài viết tại buổi ra mắt Lam Hồng 7.

Chính xứ Nghệ là điển hình của miền Trung: “Nắng, đá cười răng rắc/ miệng sún răng/ toang hoác/ gió Lào lùa/ đắng chát/ Mưa/ miền Trung/ Ngân hà tụt dốc/ đất sặc nước/ chết chìm/ người dân miền Trung/ cưỡi nóc nhà/ phi nước kiệu/ trong đêm” (Miền Trung – Trần Quang Khánh). Những thi ảnh độc đáo, nhịp thơ mạnh mẽ, vừa cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung vừa cho thấy người miền Trung vượt qua gian lao, kiên cường chống chọi với thiên tai đời này qua đời khác.

Tự nhận người quê mình có giọng nói khó nghe, song tác giả Hoa Ngọc Dung không giấu sự tự hào về căn tính của người Nghệ: “Hiếu khách, thủy chung – tiêu chí hàng đầu/ sự thật lòng, không bao giờ dối trá/ nói yêu là yêu, ghét là xúc đổ/ chẳng nhờ nhờ, nửa đục nửa trong” (Khô khan tiếng Nghệ đậm sâu tình người).

Bên cạnh đặc trưng đó tạo nên sự khác biệt của “chất Nghệ”, đây còn là một thi phẩm hay, quy tụ nhiều phong cách thơ, mỗi người một vẻ. Đã là thơ, thì chất thơ phải nổi trội, đậm đà. Cốt cách thi sĩ của nhiều nhà thơ thể hiện rất rõ. Nói chuyện nắng mưa trong yêu thương, nhung nhớ qua Nhắn người, nhà thơ Nguyên Hùng “thả” hai câu thơ thật hay: “Xứ nào đường trưa không nắng/ đâu mưa gột nhớ khỏi đầu” và dặn người ấy mở lòng để một mai khỏi hối tiếc: “Chờ khi hết thời e ngại/ gặp rồi có nhận ra nhau”. Mong sao hai người được gặp nhau, nhận ra nhau, dù có những cơn mưa cũng không gột khỏi đầu nỗi nhớ một người.

Ai cũng có một dòng sông để nhớ về khi cất bước xa quê, nhất là với dòng Lam trong tâm hồn người xứ Nghệ. Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh trong Sông Lam ngày trở về đã viết: “Những đứa con xa về quê đang hát/ quá nửa dòng đời một thời tắm mát/ nóng ngọn gió Lào bỏng rát cả ca dao”. Viết về ngọn gió Lào như thế là một sáng tạo trong ý tứ, ngôn từ. Còn trong Nơi bếp ngày xưa, Nguyễn Vũ Quỳnh trải lòng: “Nhà ta ấm tự nơi đây/ mẹ cha gom nhặt những ngày đói no”. Câu thơ đơn sơ mà nặng sâu. Gian bếp quê đã nuôi lớn bao phận người từ những chắt chiu, tảo tần của mẹ cha, ngỡ như khói còn làm cay mắt người.

Cũng nhiều người cảm tác về thơ của cha ông thời Lý – Trần, song nhà thơ Trần Quang Khánh mở ra không gian trong 4 câu lồng lộng:

Đọc câu thơ cũ ngàn năm tuổi/ thấy sóng dâng cao đến tận trời/ dưới đáy sông còn in vết dấu/ phận người đâu phải đám mây trôi” (Đêm đông đọc thơ Lý – Trần). Từ xanh thẳm trời cao đến thẳm sâu đáy sông, sóng dâng ngút ngàn, đáy sông còn in vết dấu của chiến tích và những phận người trong dòng chảy lịch sử. Trong không gian, thời gian ấy, cảm xúc của thi sĩ đem đến cho người đọc những xao động tâm hồn.

Cũng với con mắt thơ tinh tế, nhà thơ Bùi Thanh Minh viết về Đèo Ngang mềm mại lục bát và đầy chất thơ: “Đèo nằm thoai thoải ngắm trời/ gối đầu lên núi tìm lời cho thơ/ đèo dài như nỗi ước mơ/ nối rừng với biển nối thơ với người”. Cũng là lục bát, nhà thơ Phương Nguyễn kể kỷ niệm thiếu thời: “Thương mà không dám nói ra/ giờ đây thăm lại quê nhà đơn côi/… vẫn đây kỷ niệm ngày xưa/ thương em đứng khóc dưới mưa bắt đền” (Tắm mưa). Và nhà thơ Lê Thị Quế với hai câu kết bài Kỷ niệm trường xưa làm xao lòng người: “Qua hè… chợt đến mùa đông/ lòng ta quặn thắt người không thấy về”.

Tình yêu vẫn là một chủ đề muôn thuở, những dòng thơ trữ tình luôn làm trang thơ lúc dịu ngọt, tươi vui, lúc xót xa, đau buồn. Một đôi mắt ngày xưa trong thơ Trần Văn Thuyên:

Đôi mắt chém vào đá/ đá cũng vỡ làm đôi/ mắt chém vào hồn tôi/ để tôi thành ngơ dại/ thế rồi người đi mãi/ chuyến đò chiều sang ngang/… đôi ngực bờ sông ấy/ đốt hồn anh trong mưa” (Đôi mắt sông Cả). Một đôi mắt thôi mà ngơ ngẩn một đời người. Để đời trôi, sông trôi, không còn gặp nhau, nỗi nhớ cháy trong mưa bên bờ sông chiều muộn.

Câu chuyện một số thanh niên xung phong thời chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất đã chọn cửa Phật, không còn là chuyện lạ, nhưng vào thơ Trần Văn Thuyên vẫn nghe một nỗi buồn man mác, nhà thơ đau mà người đọc cũng đau: “Phật đường hương khói bay lên/ nam mô đà Phật mắt nhìn xa xăm/ viếng chùa tưởng được tĩnh tâm/ ngờ đâu tim lại tím bầm nỗi đau” (Nỗi niềm).

Bên cạnh những câu thơ mang nặng ưu tư, Lam Hồng 7 cũng có nhiều câu thơ nhẹ nhõm, vừa lạ vừa quen, khiến người đọc thú vị:

Sen làm anh cứ ngẩn ngơ/ ngắm đài tròn trịa ngắm bờ vai ngoan/ ngoi lên từ phía bùn đen/ để cho từ lạ thành quen mấy hồi/ sen làm mết cả hồn tôi” (Sen hồng - Lâm Viên).

Người xứ Nghệ trọng lý, nặng tình, những tâm tư, ứng xử đời thường của người xứ Nghệ vào thơ lại cho thấy một góc nhìn khác, nhất là những chiêm nghiệm, từng trải của người thơ. Đó là Mẹ và vợ của nhà thơ Phố Giang, ba người trong căn hộ chung cư đô thị. Mẹ tằn tiện, chắt chiu; vợ hiện đại, thời trang. “Mẹ thường cầm tay tôi lắc lắc nỉ non/hãy lựa lời bảo vợ/ vợ thì sau những lần chạm cái nhìn của mẹ/ lặng thầm ngồi chấm nước mắt thở than/ cả hai chẳng ai sai/cả hai đều thương nhau/ nhưng nếp nghĩ trong mỗi cái đầu/ lại cách nhau nửa thế kỷ”.

Và nhà thơ Lương Tử Miên dành tất cả yêu thương cho người chị trong Chị tôi. Đoạn thơ mở đầu đầy lo âu, day dứt: “Nhận tin chị sắp đi xa/ bần thần ngồi giữa canh ba nặng nề/ soạn xong hành lý về quê/ đường xa ngàn dặm em về kịp không?”. Một đời người chị tảo tần, vất vả: “Đắng cay cứ lẫn vào trong ngọt bùi/ chẳng bao giờ thấy chị vui/gặp em chị vẫn nụ cười héo hon”… Rồi người chị đi vào cõi vĩnh hằng, trong khói hương bay, người đọc thấy đâu đó bóng dáng những người phụ nữ miền Trung lam lũ, quên mình vì người thân, sống là cho đi, không đòi hỏi gì cho bản thân mình…

Một bài thơ ngắn nhưng hàm súc, nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc được nhà thơ Trần Kim Dung tỏ bày. Từ hiện tượng thiên nhiên đúc kết nhân quả, nhà thơ hỏi: “Giọt nước tu bao kiếp/ để thành hạt sương mai/ suối nguồn tu bao kiếp/ ra biển rộng sông dài/ đời người tu bao kiếp/ mới nên đức nên tài?”. Để rồi lại tiếp tục phân vân, lại câu hỏi để tự tìm câu trả lời: “Về nương nhờ cửa Phật/ học kinh mõ đêm ngày/ hay về làm hạt bụi/ náu mình nơi cỏ cây?” (Không đề).

Với người Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh là một biểu tượng. Nên khi rừng Hồng Lĩnh bị hỏa hoạn bởi những kẻ phá rừng, nhà thơ Phạm Đình Phú viết nên những lời căm phẫn: “Đất trơ trụi vấn vành khăn trắng/ đá nghẹn ngào thổn thức tiễn đưa/ khóe mắt lòng dân bỏng rát nghẹn khô/ chỉ có “giặc nội xâm” – tàn phá núi rừng, lấp sông lấn biển – nhởn nhơ/…Hồng Lĩnh ơi/ ai cũng bồi hồi thương tiếc/ nỗi se thắt quặn đến nao lòng” (Bồi hồi thương tiếc).

Còn rất nhiều câu chuyện, nỗi niềm trong Lam Hồng 7 mà bài viết này không thể điểm hết, song đều để lại những phút giây lắng lòng. Đây là thi phẩm đáng đọc, để qua đó càng hiểu và yêu thêm về quê hương Nghệ - Tĩnh, cả đất và người.

Bình luận

  • avatar comment
    Trần Văn Thuyên
    2023-02-07 11:48:30
    Ok rất hay

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm