TIN TỨC
icon bar

Người đi, trà lạnh || Đào Phong Lan

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-28 19:26:38
mail facebook google pos stwis
1058 lượt xem

ĐÀO PHONG LAN
Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ

Lần đầu tiên tôi gắp thức ăn vào chén cơm cho cha tôi, là trong đám tang của người.

Linh hồn của cha tôi, nếu linh thiêng đang lẩn khuất quanh đây, hẳn sẽ vô cùng kinh ngạc.

Vì từ bé đến giờ, tất cả mọi việc chỉ xảy ra một chiều. Những khi tôi ốm, cha tôi thức đêm để chăm tôi. Những khi cha ốm, tôi đang bận lang thang đi phượt, chụp ảnh tự sướng ở một vùng đất xa xôi nào đó. Ngày còn bé, mâm cơm có thịt cá, thì cha tôi ăn thịt mỡ, còn tôi ăn thịt nạc. Cha tôi ăn đầu cá, xương cá, da cá, còn tôi thì đương nhiên sẽ ăn nạc cá. Những gì không ngon sẽ được chuyển vào chén của cha. Cha, trong mắt tôi hồi đó, là một người có sở thích quái lạ: cha chỉ thích ăn tất cả những gì không ngon: cơm cháy, canh thừa, xương, da và mỡ. Cha thậm chí còn phát biểu những câu buồn cười, kiểu “Cha sẵn sàng mặc quần đùi cho con học hành nên người”. Khi nghe cha nói câu đó, tôi phá lên cười, hình dung cảnh cha mặc quần đùi đi làm, trong khi cha là một người luôn ăn mặc nghiêm chỉnh, tươm tất mỗi khi ra đường. Cha ngạc nhiên nhìn tôi, trong mắt cha mênh mông nỗi buồn. Kệ cha thôi, cha lúc nào chả buồn, cha nói đời cha chỉ có lúc vui nhất, ấy là lúc sinh tôi.

Nhưng niềm vui có một đứa con gái cũng phải đi kèm theo một nỗi buồn, vì mẹ tôi đã bỏ cha con tôi từ lúc tôi mới tròn tám tháng. Tôi không biết một người cha nuôi một đứa con gái cực nhọc thế nào, vì cha cũng chưa bao giờ kể. Chỉ có bà già lắm chuyện nhà bên suốt ngày xuýt xoa bảo thương cha tôi gà trống nuôi con. Với tôi, con gà trống là một con gà sung sướng, vì suốt ngày đi đi lại lại trên sân, oai vệ khoe bộ lông rực rỡ và cất tiếng gáy ra chiều đắc thắng. Cha thì không có dáng oai vệ ấy, mà lúc nào cũng cong cong người xuống tôi để hỏi han và chiều chuộng. Nhiều khi tôi thấy cha thật phiền.


Minh họa: Đặng Tiến

2.

Phiền nhất là thời gian tôi có bạn trai.

Cha bỗng trở thành người tọc mạch, lắm điều. Cha hỏi tôi về bạn trai tôi tên gì, ở đâu, con cái nhà ai, tính nết thế nào, có gì làm cho tôi thích. Mỗi lần Huy – bạn trai tôi đến đón tôi đi chơi, ba tôi gặng hỏi đủ điều trước khi cho hai đứa ra khỏi nhà, không quên dặn Huy trước 10 giờ tối phải chở tôi về. Tôi ngại phiền, nên sau lần đó, tôi hẹn Huy đầu hẻm, rồi xúng xính quần áo, tôi nói dối cha là tôi đi học nhóm, đi xem phim với đám bạn đại học, đi mua quần áo, đi siêu thị, hoặc đi đám tang, đám cưới…, bằng cách đó tôi ra khỏi nhà mỗi tối mà cha tôi không còn căn vặn được Huy. Cha hỏi, tôi nói tôi đang giận Huy và chia tay Huy rồi.

Mỗi buổi tối, sau khi đi chơi với Huy trở về nhà, tôi lại thấy cha ngồi chờ trước bàn trà, với tách trà bốc khói nhè nhẹ, hương trà man mác quấn quít. Thường cha sẽ pha một ấm trà và ngồi nhẩn nha uống để chờ tôi. Cha là người nhanh nhẹn, xốc vác, mà khi uống trà, cha lại nhẹ nhàng, từ tốn, chậm rãi, từng bước một. Đầu tiên sẽ là tráng ấm và tách cho nóng, rồi dùng muỗng gỗ múc một muỗng trà, đổ nhẹ vào trong ấm, rồi lấy bình nước vừa nấu, đổ vào ấm một lúc, mới đổ lượt nước đầu tiên đi, mà cha gọi là đánh thức trà; sau đó cha mới nhẹ nhàng đổ nước mới vào để hãm trà. Đi cùng với tách trà, bao giờ cũng là một cuốn sách hay. Cha nói, cuộc đời cha như bình trà độc ẩm, uống trà để thấy tĩnh tâm, lòng thanh thản, không có những điều xô bồ vây quanh. Lúc nhấp ngụm trà đầu tiên, sẽ nhận được vị chát tại đầu lưỡi nhưng rồi sau đó là vị ngọt tràn xuống cuống họng, là hương vị thanh tân, sảng khoái, tươi mát của trà ùa lên mũi, đánh thức các giác quan, não tỉnh ra còn lòng thì dịu lại. Vị chát là những gì ngoài kia đem đến cho cha, còn vị ngọt là con gái của cha.

Có lần tôi vớ lấy chén trà, nốc một ngụm lớn rồi phun phì phì ra đất, cha chau mày nhìn tôi, tiện miệng lại dạy tôi cung cách uống trà, rồi phong thái ý tứ của con gái. Cha đâu biết rằng cuộc đời này người ta cần yêu cuồng sống vội, hơi sức nào chậm rãi mà thưởng thức ly trà đắng nghét của cha. Ngoài kia đầy rẫy trà sữa, thứ trà ngọt ngào, beo béo, có những hạt trân châu dai dai dẻo dẻo, người ta uống khi tụ tập bạn bè, la hét cười đùa, hoặc uống theo trend, vào tiệm trà mua để selfie, đăng Facebook, chứ có đâu cầm rón rén tách trà, đưa lên mũi hít hà rồi mới uống, nhìn cứ như người tự kỷ ở góc nhà thế kia?

3.

Tôi ít khi hỏi cha về mẹ, cha cũng không nói. Chỉ một lần, cầm ly trà đã nguội, thấy tôi đứng ngẩn ở cổng nhìn đứa bé nhà bên đón mẹ đi chợ về, được mẹ ôm vào lòng, hôn tíu tít, cha hỏi nhỏ:

- Con nhớ mẹ à?

- Con có biết mẹ là ai đâu mà nhớ! – Tôi đáp thản nhiên.

- Con có muốn gặp mẹ không?

- Con không rảnh. Giờ gặp lại cũng chẳng có tình cảm gì. Cũng chẳng biết mặt mũi ra sao.

- Mẹ con xưa xinh đẹp lắm. Là người có trái tim yêu thương nồng nhiệt.

- Nhưng cũng chỉ nhanh nguội như tách trà rót vội. Thế nên mới bỏ cha con mình mà đi.

- Ai nói con là mẹ bỏ cha con mình đi?

- Bà hàng xóm. Bả nói mẹ bỏ cha con mình đi khi con mới có tám tháng.

- Bả nói bậy. Con đừng tin.

Tôi quay lại:

- Vậy vì sao giờ con không có mẹ? Sao không thấy cha nói gì về mẹ?

Cha cúi đầu nhìn tách trà trong tay:

- Lỗi tại cha…

- Là sao? Cha kể đi

- Ngày xưa, cha ham mê cờ bạc, nợ nần ngập đầu, giang hồ tới siết nợ, cha mẹ mới bồng con bỏ xứ đi thật xa để chủ nợ khỏi kiếm ra. Bồng bế nhau lên tới Sài Gòn thì buổi sáng sớm đó, ở bến xe, con khóc quá mà lúc đó mẹ vào nhà vệ sinh, cha bồng con vào một góc dỗ con nín. Con ngủ rồi cha cũng ngủ quên do mấy ngày liền trốn chui trốn nhủi. Lúc tỉnh dậy thì gần trưa, quay lại chỗ cũ thì không thấy mẹ con đâu, tìm cả ngày không ra… Từ đó cha con mình lạc mẹ.

Nước mắt tôi giàn giụa trên má:

- Sao cha ác vậy? Bao nhiêu năm cha không nói, để con nghĩ không ra gì về mẹ.

- Xin lỗi con. Cha mặc cảm quá nên không dám kể gì…

- Cha thật là người đàn ông tệ hại. Vì cha nên con mới sống mà không có mẹ.

Tôi nức nở:

- Cha có thương con tới mấy thì sao có thể thay thế mẹ được? Nếu là mẹ, mẹ sẽ thương yêu con chứ không la rầy như cha. Mẹ sẽ cho con ăn diện thời trang chứ không bắt ăn mặc kín đáo như cha. Mẹ sẽ tin tưởng con chứ không phải canh chừng như cha. Con đi đâu, con làm gì, cha cũng căn vặn. Con biết chắc là mẹ sẽ không như vậy. Cha cấm cản con yêu đương, xét nét mấy đứa con trai tới nhà, cha nói tụi nó không có gì tốt hết. Nếu là mẹ, mẹ sẽ khuyên nhủ con, cùng con chọn lựa bạn trai chứ không phải cấm đoán như cha. Cha ngàn lần không thay thế được mẹ nên đừng làm một bà mẹ nữa! Con cần mẹ của con! Cha đi tìm mẹ về cho con đi!

Cha đứng sững giữa nhà, gương mặt cũng tràn nước mắt.

4.

Tôi không muốn nói chuyện với cha nữa. Những khi tôi đi học về, cha ra cổng dắt xe vào cho tôi, tôi kệ, thả xe ở đó đi thẳng vào nhà. Nhiều khi cha kiểm tra thắng xe, bánh xe, hay thay bình, thay nhớt xong, tôi cũng im lặng đón lấy rồi dắt xe ra cổng, nổ máy đi. Xe tôi phả lại phía sau một luồng khói nhạt ngập mùi xăng, cha vẫn đứng như đón lấy luồng khói ấy vào lòng.

Tới bữa cơm, tôi lấy cái tô, bới cơm vào đầy tô, bỏ đồ ăn vào rồi mang ra phía sau hè, ngồi bệt xuống bậu cửa vừa ăn vừa nhìn ra bên ngoài, mà không biết mình đang nhìn gì, có lẽ tôi đang nhìn vào khoảng trống. Cái trống rỗng vô hình ngột ngạt ấy đang lấp đầy trái tim tôi. Nhiều khi tôi thấy mình như đang ngưng thở. Một nỗi đau loang dần, loang dần làm lồng ngực tôi như mục ruỗng từ từ. Tôi mặc cảm với Huy, không còn cảm giác bình đẳng, tự tin của những ngày đầu yêu đương nữa. Cuối cùng, té ra tôi cũng chỉ là đứa con của một người cha cờ bạc, trốn nợ đến làm lạc cả vợ, để đứa con gái duy nhất phải chịu mồ côi mẹ.

Tôi lấm lét yêu đương với Huy như vậy đó, lòng lúc nào cũng nơm nớp Huy phát hiện ra sự thật động trời, rằng cha tôi không phải người đàng hoàng như Huy nghĩ. Huy nói gia đình Huy gia giáo lắm. Vậy thì người ta làm sao chịu cho Huy lấy tôi, con một kẻ cờ bạc bỏ xứ mà đi? Nên tôi không nhận ra là tôi đã yêu như một kẻ chịu ơn, và Huy như kẻ ban phát. Tôi mừng rỡ khi Huy nói nhớ tôi, tôi tạ ơn trời khi Huy vẫn nhắn tin rủ tôi đi chơi, đi bar, đi nhảy. Rồi khi Huy đòi hỏi, tôi không còn dám nói “không” nữa”, như để trả ơn Huy vẫn dành cho tôi thứ tình cảm mà tôi không xứng đáng.

Một lần còn sợ, hai lần thành quen, ba lần là lão luyện, tôi theo Huy đến những nơi ăn chơi của con nhà giàu, uống rượu vang đắt tiền, order điệu nghệ và rồi cuối cùng đổ ập xuống giường trong những nhà nghỉ. Cha chẳng có quyền gì nói tôi. Con của một người cha cờ bạc thì không bao giờ có thể thành người tử tế. Sự hư hỏng cũng di truyền. Tôi tỉnh bơ nói rồi bỏ ra khỏi nhà, leo lên xe Huy ngồi chễm chệ và thách thức trước cái nhìn bất lực của cha.

Cái nhìn đó chuyển thành đau xót, buồn bã khi tôi có thai. Tôi lo cuống cuồng lên, Huy không bắt máy nữa, sau cuộc điện thoại thông báo tin sốc. Tôi nhắn tin hàng trăm lần:

- Huy ơi, em phải làm sao đây?

- Huy ơi, trả lời máy đi, em không biết phải làm sao.

- Hay là mình cưới nhau đi Huy?

- Hay em bỏ nó đi nha? Anh đưa em đi chứ em sợ lắm.

- Huy ơi, giải quyết sao đây chứ em chết mất?

- Anh tính quất ngựa truy phong à Huy?

- Sao anh khốn nạn thế?

- Sao anh nói anh yêu tôi và muốn lấy tôi? Giờ tôi có thai thì anh bỏ trốn?

- Nghe máy đi. Đồ khốn nạn

Đến cuộc gọi thứ 100 thì máy khóa.

Tôi ngẩng lên, nói với cha thật thản nhiên:

- Cha đưa con đi phá thai đi.

- Con điên à? Đứa bé có tội tình gì?

- Có! Nó tới không đúng lúc.

- Lỗi này một phần do cha đã không dạy dỗ con nghiêm khắc hơn.

- Cha im đi! Cha không có quyền nói gì hết. Con có ngày hôm nay là nhờ ơn cha đó.

- Cha không cho con phá thai đâu! Tội lỗi mà nguy hiểm cho con lắm. Con cứ sinh nó ra, cha sẽ nuôi cả hai mẹ con con.

Tôi gào lên:

- Nhà mình chưa đủ nhục sao cha? Một ông cha cờ bạc phá hại gia đình, một đứa con gái chửa hoang lúc còn chưa tốt nghiệp đại học. Cha muốn con sinh nó ra để nó thành cái giống gì?

- Cha không tử tế, con không đàng hoàng, thì hãy để nó lớn lên thành người đàng hoàng. Hãy dạy nó sống tử tế.

- Con có tư cách sao? Cha có tư cách sao?

Cha thở dài:

- Người cha, người mẹ nào nuôi con cái lớn lên và thương yêu nó đều có tư cách. Dù người cha, người mẹ đó có lầm lỗi gì, nhưng nếu hết lòng nuôi nấng và chăm lo cho con cái thì cũng vẫn còn tư cách làm cha mẹ.

5.

- Thai nhi đã được 6 tuần tuổi và bắt đầu có tim thai rồi. Tôi sẽ kê thuốc bổ cho em…

- Không cần đâu bác sĩ, em không muốn giữ đứa bé.

Một ánh nhìn tò mò, thích thú chớp trên khuôn mặt tôi trong một giây:

- Em chưa có chồng phải không? Lỡ dại hả?

- Lỡ dại gì đâu? Cũng dính mấy lần rồi.

Một cái lườm ngang câu nói lạnh nhạt của tôi:

- Khi nào em muốn làm?

- Bây giờ!

Một giọng gọi giật làm tôi và bác sĩ giật nảy mình:

- An!

Cha tôi hớt hải nắm tay tôi:

- Con làm gì vậy? Đi về!

Bác sĩ chu môi:

- Ui cha, té ra là sugar baby. Còn tưởng con nhà lành.

Cha tôi quát:

- Cha nói con đi về! Con đừng nghĩ quẩn. Nó là cháu ngoại của cha. Cha không cho phép con.

Bà bác sĩ ngậm miệng ngồi coi. Tôi đùng đùng nổi giận:

- Cha không có quyền can thiệp vào cuộc sống của con. Cha đi về đi. Đây là con con, là cơ thể của con. Con có quyền.

Cha tôi ngồi phịch xuống ghế, nghẹn ngào:

- An ơi, con nghe lời cha, đừng làm vậy mà sau này ân hận, con ơi.

- Cha có nghĩ con để lại thì mới ân hận không? Con còn chưa tốt nghiệp đại học. Con sợ bạn bè cười chê, sợ hàng xóm dị nghị, sợ ảnh hưởng tới tương lai của con. Con không muốn làm mẹ đơn thân, cười khóc bên đứa con một mình, con không muốn phải bồng nó chạy ra vô ở bệnh viện, phải thức đêm thức hôm chăm nó. Không muốn phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền cho nó đi học, mua quần áo sách vở cho nó. Con không muốn nửa đêm nằm nhìn con rồi phải thở dài trong bóng đêm. Con không muốn những cái đó. Những cái cực nhọc vất vả của việc nuôi con đơn độc một mình, con sợ lắm.

- Ai nói cho con những cái đó?

- Cần gì ai nói? Con thấy cha nuôi con.

- Con chỉ thấy những cái cực nhọc, sao con không nhìn thấy niềm vui của việc nuôi con? Lúc nó tập lẫy, tập đi, lúc nó mọc cái răng đầu tiên, lúc nó biết nói, lúc nó ôm lấy cổ mình… Những niềm hạnh phúc vô bờ đó sao con không cảm nhận được? Lúc đó những cực nhọc có xá gì?

- Con không dại dột để hy sinh cuộc đời con như vậy. Con vẫn còn muốn đi chơi, muốn giao du bạn bè, muốn đi du lịch, chụp hình. Con không thể để một đứa con nít trói đời con sớm thế.

- Cha sẽ nuôi nó cho con, con hãy tiếp tục theo đuổi sở thích của con. Có nó ở nhà cùng cha, cha sẽ không buồn đâu.

- Sao cha lắm chuyện vậy? Nếu ngày xưa cha đừng sinh ra con, có phải giờ con và cha đều không phải khổ sở như thế này không?

Giọng cha thoảng nhẹ:

- Cha mẹ nuôi con, không có ai lấy làm khổ cả. Con cứ sinh đứa bé này đi, con sẽ thấy.

- Con không điên! Con không làm mẹ đơn thân đâu. Nếu Huy cưới con thì con mới sinh ra nó. Nhưng Huy bỏ con rồi. Tên sở khanh ấy bỏ trốn như trốn nợ vậy. Chẳng lẽ con lại là món nợ của hắn hả cha? Huhu. Con hận hắn. Con hận đời. Con hận cha.

- Ừ! Tại cha. Về với cha đi. Cha sẽ tìm cách thu xếp cho con. Mình về nha con. Rồi cha kiếm cách…

6.

Tôi không biết cha kiếm cách gì, nhưng cha chăm sóc tôi tỉ mỉ, nhẹ nhàng. Cha nấu cho tôi những món ngon, đọc cho tôi nghe vài đoạn trích hay trong sách, cha hay ngồi trò chuyện với tôi về tương lai của đứa bé. Cha khuyên tôi hãy hình dung, tưởng tượng về một đứa trẻ xinh đẹp, thông minh, rồi con cũng sẽ sinh ra một đứa trẻ thông minh, xinh đẹp, như cha ngày xưa đã tưởng tượng về con vậy.

Cũng có những ngày cha đi từ sáng đến trưa, hoặc từ trưa đến tối mới về, vẫn kịp giờ cơm để lo lắng cho tôi đủ ngày ba bữa. Da cha sạm nắng đi trông thấy. Tôi hỏi thì cha kể, dạo này cha chạy xe ôm công nghệ, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập tốt, lại có cộng đồng dân chạy xe, được cập nhật nhiều thông tin mới, sống vui hơn. Tôi cũng mừng cho cha. Sự khúc mắc giữa hai cha con, may nhờ có đứa bé mà dần được gỡ bỏ. Nhưng tôi vẫn không tránh được sự u uất, khi cái thai ngày một lớn lên, cảm giác bị bỏ rơi ngày càng ám ảnh. Chắc hẳn mẹ tôi ngày ấy không yêu thương gì tôi, nếu không người đã tìm tôi bằng mọi cách. Cha con tôi vẫn ngồi trong bến xe đến tận sẩm tối. Cả ngày đó người đi đâu? Hay là người đã sợ hãi viễn cảnh sống chui lủi vì trốn nợ, hoặc mường tượng cảnh cha tôi bị giang hồ chém giết, để lại người và đứa con bé tí, nên không thể ở lại mà tìm cách thoát thân một mình? Người mẹ rứt ruột đẻ ra tôi mà không thèm tìm lại tôi sau chừng ấy năm. Huy hẳn cũng xem như tôi là một điều phiền toái, rũ bỏ càng sớm càng tốt.

7.

Buổi tối, cha gọi điện thoại về nhà. Tôi bắt máy:

- Cha ơi, sao cha về trễ vậy? Con đói quá.

- Cô ơi, cô là cô An, con của ông Mạnh hả cô?

- Dạ đúng rồi. Ai vậy ạ?

- Cô lên bệnh viện A liền đi cô. Ông Mạnh bị tai nạn bể đầu rồi. Tụi tôi đưa ổng vô cấp cứu. Cô vô liền, tụi tôi chờ trước phòng cấp cứu nè.

Tôi run rẩy mãi mới xỏ chân được vào đôi dép. Tôi khoác vội cái áo khoác bên ngoài bộ đầm bầu mặc nhà mà không để ý áo trái. Tôi lẩy bẩy ôm bụng ra cổng bắt taxi, chuyến xe đi thiên thu mới tới bệnh viện.

Cửa phòng cấp cứu nhốn nháo người. Ba bốn người mặc áo xe ôm công nghệ vẫy tôi:

- Cô An ơi, đây nè cô!

- Cha tôi đâu rồi? Cha tôi có sao không?

- Bị chảy máu nhiều lắm cô. Bác sĩ đang cấp cứu rồi. Cô lại ký giấy tờ đi chứ tụi tôi không ký được.

Tôi ngồi đờ đẫn ở cửa phòng phẫu thuật. Cái thai trong bụng tôi đạp mạnh từng hồi, như nhắc tôi cả buổi tối chưa ăn uống gì, để nó đói. Tôi cũng không còn hơi sức mà đứng lên đi kiếm thức gì ăn. Cả một khu hành lang rộng, lạnh lẽo, vắng tanh, chỉ mình tôi ôm bụng ngồi một góc, nhỏ nhoi chìm vào mệt mỏi. Tôi mơ lại những ngày tôi còn nhỏ, cha tôi đón tôi đi học về, tôi chạy lao từ trong sân trường ra cổng, choàng tay ôm lấy cổ cha, được cha bế vào lòng. Trên đường về, tôi đòi cha dừng xe mua kẹo bông. Cha mua cho tôi một cây, nhìn tôi ăn kẹo bông, đường dính dầy trên má. Cha cười, lấy tay lau đường cho tôi rồi nói:

- Cha thật hạnh phúc khi được làm cha con.

Có ai chạm vào vai. Tôi choàng tỉnh.

Cha tôi đã qua đời trên bàn mổ.

8.

Lần đầu tiên tôi gắp thức ăn vào chén cơm cho cha tôi, là trong đám tang của người.

Linh hồn của cha tôi, nếu linh thiêng đang lẩn khuất quanh đây, hẳn sẽ vô cùng kinh ngạc.

Tôi cũng vô cùng kinh ngạc. Bởi khi gắp thức ăn cho cha, tôi cảm nhận một điều gì đó đang ấm áp lan khắp các tế bào. Lần đầu tiên tôi thấy, chỉ cần làm một điều hết sức nhỏ nhoi và tầm thường cho cha, một điều giản đơn đến mức tôi chẳng bao giờ làm, lại có thể mang lại cho tôi cảm xúc lớn lao như vậy.

Lần đầu tiên trong bữa cơm, cha được ăn toàn là thịt nạc, tôm lột, đùi gà, chứ không phải là da, xương hay mỡ… Lần đầu tiên, con gái cha tự tay gắp thức ăn cho cha.

Chỉ có điều, tôi mời vào một khoảng không trước mặt.

- Cha ơi, con mời cha ăn cơm. Cha ăn đi, cơm ngon lắm. Sau này, con sẽ nấu cơm cho cha mỗi ngày. Sau này, con sẽ sinh cháu ngoại của cha, cả nhà mình sẽ sống với nhau vui vẻ. Sau này, con sẽ nghe lời cha, sẽ ngoan ngoãn với cha, không để cha phiền lòng nữa.

Đời người không có nhiều cái “sau này” đến thế, thứ tôi có được chỉ là tấm ảnh thờ cha trước mặt mà thôi. Chỉ tiếc ngày xưa tôi chỉ lo trách móc cha về quá khứ, mà không nghe lời cha về việc xây dựng một tương lai, vì thế mà tôi đã hủy hoại chuỗi ngày hiện tại.

- Cô An!

Tôi quay lại. Đồng nghiệp xe ôm công nghệ của cha tới thăm cha.

- Cảm ơn các chú, các anh đã đưa ba em vào bệnh viện. Ơn này em sẽ trả…

- Cô đừng khách sáo! Ông Mạnh coi tụi tôi như người nhà, tốt với tụi tôi lắm, ơn của ổng tụi tôi còn chưa trả hết. Hôm nay tụi tôi tới viếng ổng, với lại báo cho cô biết tụi tôi kiếm ra mấy thằng mất dạy tạt xe làm ổng té rồi. Tôi quay lại hình cả đám đây. Tôi báo công an luôn rồi.

Trong clip là một đám thanh niên nhốn nháo, chắc mới từ trong vũ trường ra, vừa đi vừa vỗ vai nhau cười.

- Ông Mạnh kiếm thằng này cả mấy tháng nay. Ổng kể với tụi tôi là ổng chạy xe công nghệ để tiện kiếm người nào á. Bữa đó mới gặp, ổng tới nói chuyện gì với nó mà nó xô ổng ra rồi lên xe phóng đi. Ổng dí chạy theo thì bị tụi nó ép rồi tạt đầu xe để chặn ổng lại không cho theo nữa, nên ổng mới té… Đây là thằng tạt xe ổng nè.

Ngón tay đen đúa của người đàn ông chỉ vào thanh niên đi trước. Huy.

Tôi choáng váng. Tôi ngạt thở. Có gì như quả bom nổ giữa lồng ngực tôi, chèn vào phổi tôi. Tôi phải dựa vào vách tường để khỏi đổ sụp xuống. Trong hình, cha tôi vẫn cười tươi rói.

- Cô An! Cô An!

Tôi cố gượng để dựa vào bàn tay đang lay tôi:

- Tôi không sao…

- Bữa ông Mạnh bị té, tụi tôi đuổi theo tụi nó mà không kịp. Tôi có lượm được cái túi đeo của ông Mạnh, bữa giờ rối quá quên đưa cô. Giờ trao lại cô để làm kỷ vật.

Cái túi nhỏ đeo vai đã sờn cũ. Trong túi chỉ có ít tiền, bằng lái xe, cà vẹt xe máy. Có một bọc ni lông nho nhỏ, cũ mèm. Tôi mở ra: một tấm hình chụp ba tôi và một người phụ nữ xinh đẹp, hai người đứng cạnh nhau cười tươi tắn, một đứa bé nhỏ xíu nằm trong tay ba tôi. Còn nữa, một bức thư, có vẻ đã từ rất lâu vì nét mực đã hơi mờ, dòng chữ nguệch ngoạc:

Anh Mạnh,

Anh cho em gởi đỡ bé An, khi nào em ổn định rồi về đón bé. Em xin lỗi vì đã lừa dối là bé An là con anh. Nay anh đã phát hiện thì em không còn mặt mũi nào nhìn anh nữa. Nhưng đường xá xa xôi mà con còn quá nhỏ nên em không bồng nó theo được. Khi nào kiếm được Hoàng rồi thì em sẽ quay về đón bé để yêu cầu hắn có trách nhiệm với mẹ con em. Em sẽ hậu tạ anh. Mong anh tha thứ cho người vợ phản bội này.

Hoài Thư.

SG. 18/09/2002

Tôi đổ sụp xuống trước chiếc bàn đang đặt mâm cơm cúng cha. Từng giọt nước mắt lã chã rơi như rút cạn lồng ngực của tôi. Cha tôi, người chịu mọi đắng cay và đau đớn để nuôi tôi – một đứa con sinh ra do vợ ngoại tình với kẻ khác rồi bỏ lại – lớn khôn nên người. Phải chăng tình người, tình phụ tử thiêng liêng đã lớn hơn nỗi uất hận vì bị lừa dối trong cha?

Tôi rót trà vào tách cho cha, từng lá trà nở xoay tròn trong tách, lững lờ trong buổi chiều đang tối sậm. Tôi như thấy lại cảnh tượng ngày hôm qua: bàn tay cha đỡ tôi xuống từng bậc cửa, đội cho tôi chiếc nón, quàng cho tôi cái áo mưa, gắp cho tôi miếng cá đã lọc xương, miếng thịt đã bỏ mỡ. Dù tôi đã sắp làm mẹ, trong mắt cha, tôi vẫn là con bé An bé bỏng ngày nào. Hẳn là cha đã thương tôi, bên cạnh tình yêu to lớn của người cha, còn là sự đồng cảm của những người bị một người thân phản bội bỏ rơi, nương tựa vào nhau vào sống. Cha đã bù đắp cho tôi sự trống vắng người mẹ bằng sự thiếu hụt của mình.

Từ nay, vắng cha ngồi pha trà bên bàn trà, dù tôi có cố gắng đổ đầy chiếc bình trà thì chiếc bình vẫn rỗng, tách trà vẫn nguội ngắt, và mùi thanh khiết của hương trà cũng không còn phảng phất. Như tôi có cố gắng làm một người con ngoan, thì cũng không biết tấm lòng báo hiếu này còn ý nghĩa gì.

Người đi. Trà lạnh.

Nguồn Văn nghệ số 7/2023

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm