TIN TỨC
icon bar

Thơ lục bát bốn câu của Vũ Công Đoàn tuôn chảy những say đắm và kiêu sa

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-08 11:30:30
mail facebook google pos stwis
136 lượt xem

PHẠM ĐÌNH ÂN

Nhà thơ Vũ Công Đoàn tốt nghiệp Đại học Y khoa từ năm 1984 và đang là bác sĩ, làm việc tại quê nhà - tỉnh Nam Định, có bề dày kinh nghiệm nghề.

Nhà thơ Vũ Công Đoàn tốt nghiệp Đại học Y khoa từ năm 1984 và đang là bác sĩ, làm việc tại quê nhà - tỉnh Nam Định, có bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp. Vừa công tác, vừa sáng tác, anh gia nhập Hội Văn học nghệ thuật Nam Định và đang là Trưởng ban Thơ của Hội. Anh đồng thời là nhạc sĩ, tác giả của nhiều bài hát in trong ba tập ca khúc; được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải của Hội VHNT Nam Định. Thơ và nhạc với Vũ Công Đoàn gần như một. Từng giọt chiều long lanh rơi, trên má em hừng lên màu nắng mới. Từng làn mây bồng bềnh trôi thơm hương lúa mới. Câu hát văn mang tình người thơ, lồng lộng hồ Vị Xuyên xanh trong (lời của bài hát Linh thiêng Thành Nam)... Đọc anh thấy hướng và cách thể hiện ở đây như một quan điểm trong sáng tác. Đến với cái đẹp, cái nhân bản và thể hiện nó với bất cứ hình thức nào của ca từ: lời hát hay lời thơ, cứ miễn là hay, đấy là cái chất tự nhiên nghệ sĩ. Anh có tập thơ đầu: Thuyền trăng, xuất bản năm 2005, đến năm 2015 mới tái bản. Do điều kiện khách quan, dù chưa in thành tập, song bản thảo thơ đã được tích lại, dồn nén, để hai năm vừa qua, Vũ Công Đoàn cho ra mắt ba tập thơ: Nhặt gió têm trầu, Trăng vàng trải lụa (2023) và Nắng dã quỳ (2024) đều tại NXB Hội Nhà văn.

Vũ Công Đoàn hầu như không có thơ về thế sự. Thơ tình của anh nhiều, nhưng lại có vẻ như thấp thoáng ẩn giấu, tạo nét tinh tế. Anh nói nhiều đến cái đẹp ngoại cảnh - thi ảnh hiện thực lay động tâm hồn tác giả một cách khác thường. Cả bốn tập thơ khá dày dặn, đều cùng một giọng điệu trong trẻo, ý vị và duyên dáng, nhưng phương pháp nghệ thuật biểu hiện thì khác. Hai tập Nhặt gió têm trầuTrăng vàng trải lụa hoàn toàn là thơ bốn câu, gồm 477 bài. Đến tập gần nhất - Nắng dã quỳ, trong tổng số 107 bài thì thơ tự do xen lẫn tới một nửa, giống như tập đầu tay - Thuyền trăng.

Thơ bốn câu ở đây lại có ngắt dòng nên thành các dạng thơ hai câu, ba câu, năm câu, sáu câu... Thơ bốn câu kiểu này không bắt nguồn từ thơ luật Đường, như tứ tuyệt quen gọi. Xét về tiểu loại thì đó là loại ghép lục bát vào bốn câu, kể cả những bài bốn câu bị cách đoạn, ngăn đôi. Nếu định danh thơ bốn câu của Vũ Công Đoàn là tứ tuyệt thì vô tình đã làm giảm giá trị tác phẩm của tác giả một cách oan uổng. Bởi, bốn câu lục bát mà hay thì đương nhiên có ích hơn là tứ tuyệt thông thường (không lục bát) mà dở.

Như đã nói, Vũ Công Đoàn ít quan tâm đến thế sự. Nỗi đời, thân phận con người thấp thoáng được nhắc đến, đọng lại với ý thức nhân bản, tìm thấy nét đẹp trong những cử chỉ vụng về của lao động nơi quê. Thơ Vũ Công Đoàn lệch hẳn về phía cái đẹp và niềm vui ngay cả khi bản thân những muốn chùng xuống. Những lời thơ thế này rất hiếm hoi: Chén cay càng uống càng đầy/ Càng khuya càng nhớ càng dày đêm sâu/ Nỗi đau càng ngẫm càng đau/ Trầu xanh nỡ để cho cau úa vàng (Sao nỡ...).

Đọc thơ Vũ Công Đoàn, ta nhận ra chiều hướng nhất quán là lãng mạn hóa, mỹ lệ hóa, thi vị hóa hiện thực xuất hiện ngay từ buổi đầu làm thơ (tập Thuyền trăng) và tiếp tục đến hiện nay. Ở riêng hai tập Nhặt gió têm trầuTrăng vàng trải lụa, người đọc gặp các thi ảnh trở đi trở lại: trăng, sao, sông, biển, sóng, mây, nắng, mưa, cánh diều, gió, hoa, triền đê, chim, sương, rêu và rất nhiều buổi chiều và đêm. Riêng bến thì có: bến trăng, bến rêu, bến xuân, bến nước, bến sông, bến lòng, bến yêu, bến chờ, bến thu, bến thơm, bến yêu…

Tác giả bị ám ảnh bởi tình yêu thiên nhiên, anh luôn luôn say mê miêu tả vạn vật, hiện tượng và cử chỉ. Bấy nhiêu bài thơ bốn câu đều đặn, kiêu sa, thoạt thấy chúng đan vào nhau như chiếc tổ ong, vậy mà mỗi nhóm ong cần mẫn ấy lại có chức năng khác nhau, thơ Vũ Công Đoàn cũng thế, mỗi bài, nhóm bài thể hiện ở trạng thái cảm xúc khác nhau, tạo nên một tổ hợp chuyển dịch khá sinh động. Anh giống nhà thơ Vũ Quần Phương (người cùng quê hương) ở cái nhìn tinh tế, điềm tĩnh, giàu liên tưởng, tuy sức trẻ hôm nay thật say đắm, tự nhiên như thể vốn mọi thứ đã là thơ rồi.

Thơ ngắn bốn câu của anh không đạt tới tứ tuyệt, như là cố ý, nhưng lục bát thì nhuần nhị, có phần tinh tế, đáng chú ý là không trật vần. Anh viết buông. Thi ảnh lặp lại như nêu ở trên nhiều khi mang tính ước lệ. Phải chăng tình yêu giới tính trong đó là có thật, nhưng lẩn khuất. Anh chơi thơ lục bát như một thiên chức là để ngợi ca cái đẹp ngoại cảnh, rồi tự nó - nội dung cái đẹp ấy nói lên nỗi niềm, thời vận con người.

Vũ Công Đoàn có nhiều câu thơ giàu xúc cảm thẩm mỹ. Xin tạm dẫn ở tập Trăng vàng trải lụa:

- Vô tình sợi gió heo may

Trái vàng rơi vỡ núi mây dưới hồ

(Hồ thu)

- Ngọt ngào đồng lúa ngát thơm

Tiếng chim cu gáy rắc cườm lối đi

(Thu ấy)

- Mưa hờn dỗi, nắng khát thèm

Trăng dào dạt chảy qua thềm phố khuya

(Tên ai)

- Tiếng chim ngân đổ ngàn xanh bóng chiều

(Rèm sương)

Và ở tập Nắng dã quỳ: Nắng vàng rơi lách tách vỏ cây khô (Đà Lạt đấy); Vẫn là mây gió đất trời/ Mà như bếp lửa đang cời tro than (Hoàng hôn); Bước chân giáp hạt lần khân ruộng bờ (Chín vàng); Khắc tên lên vách đá chiều/ Vừa xong đã thấy cỏ rêu mọc đầy (Non xa); Ngõ cau còn ngát hương cau/ Heo may đã nhuộm vàng thau lúa đồng (Thật rồi).

Đọc kỹ, có thể tìm thấy chất dân gian trong thơ Vũ Công Đoàn. Thí dụ, ở bài Một thời: Ngày buồn em sẻ làm hai/ Nửa trong em giữ, nửa ngoài phần anh; ở bài Trách ai: Ngó mây, mây gió nát nhàu/ Trông trăng, trăng khuyết, chạm cau cau già; hoặc bài Tiết ngâu: Ước ngày thu ấy chia đôi/ Nửa em em nhận, nửa tôi tôi cầm.

Thơ Vũ Công Đoàn có một số bài hay trọn vẹn. Bài Ánh ngà (tả hoa quỳnh) là một dẫn chứng:

Đợi trăng lên thật nõn nà

Cánh hoa dần mở ngọc ngà tỏa hương

Canh khuya căng mọng giọt sương

Giật mình ngọn cỏ còn vương ánh ngà.

Hay bài Đường chiều:

Giêng hai người cất đi rồi

Đường chiều ngan ngát trắng trời hoa sưa

Nhặt lên hạt nắng đong đưa

Với bao năm tháng ai vừa đi qua.

Hay bài Nắng mưa:

Dốc đời đùa cợt thiệt hơn

Cỏ cây rấp lối khinh nhờn cỏ cây

Trời xanh những gió cùng mây

Bao la vạn nỗi vơi đầy nắng mưa.

Hạn chế trong thơ Vũ Công Đoàn lại chính là ở chỗ nặng về mượn hình ảnh thiên nhiên, sự lặp lại nhiều lần một số thi ảnh (chiều, đêm, trăng, sao, sóng, sương, mây, bến...) khiến người đọc có thể bị dẫn đến lối mòn của duyên dáng điệu đà... Một số câu thơ hờ hững: Gió lồng lộng rót tứ thơ vào chiều; Tang bồng ngọn gió đu đưa/ Trong ngần xao động hồn xưa thẫm chiều; Vườn thơm hoa trái ngọt lành tình quê... Hoặc bỏ qua cơ hội có thơ hay: Cao làm gì nữa núi ơi/ Ngàn năm vẫn biển dập dồi sóng xanh/ Vẫn mùa di trú mong manh/ Ngàn mây lững thững tròng trành cánh chim. Giá mà hai từ cánh chim đổi thành tiếng chim như chính nhan đề bài thơ, thì hay biết bao nhiêu. Cánh chim tròng trành đã hay, nhưng là thật, còn tiếng chim tròng trành là ảo, hay hơn nhiều!

Cùng ra đời năm 2023, tập thơ Trăng vàng trải lụa ra sau nặng đằm hơn tập thơ Nhặt gió têm trầu ra trước. Trong hai năm (kể cả Nắng dã quỳ, 2024) mà in 517 bài thơ lục bát bốn câu, chứng tỏ sức cảm và sức viết của Vũ Công Đoàn quá dồi dào. Tác giả bị cuốn vào một niềm đam mê sáng tạo xối xả tuôn trào về CÁI ĐẸP. Vũ Công Đoàn đã đóng góp vào nền thơ một kiểu thơ riêng, tôn vinh cái đẹp thiên nhiên và tâm hồn con người.

 Nguồn: Báo Văn nghệ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm