TIN TỨC
icon bar

Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-14 19:01:14
mail facebook google pos stwis
637 lượt xem

NGUYỄN MINH TÂM

Đêm đã khuya lắm, tôi nằm thao thức không sao ngủ được. Tôi ngồi dậy, đến bàn làm việc, lật tập hồ sơ vụ án đã ghi chép rất tỷ mỉ. Trong đầu ngổn ngang những chi tiết, chứng cứ của vụ án. Có thể nói, tôi thuộc hồ sơ đến nỗi chỉ cần ngồi im, nhắm mắt lại là có thể lôi chúng ra chính xác từng bút lục, từng dòng chữ. Chiếc nút áo bị đứt… cái áo có vết máu phun nhàn nhạt… những lời khai… biên bản hiện trường với những vạt cỏ lác bên sông Đồng Nai…

Trong đời luật sư, đã qua hàng trăm vụ án, nhưng chưa có vụ nào phức tạp như thế này. Những chứng cứ kết tội có điều gì làm tôi day dứt khi đọc bản án sơ thẩm với mức án tử hình. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày xét xử phúc thẩm đã tới gần mà tôi vẫn chưa xây dựng xong phương án bào chữa. Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu: Bị cáo có tội không? Vì sao anh ta vẫn làm đơn kêu oan với những lời lẽ thống thiết như thế? Và nếu có oan uổng thực sự thì tại sao trong hồ sơ lại có những bút lục ghi lời anh ta nhận tội? Rồi sau đó lại phản cung? Giữa anh ta với bị cáo thứ hai có sự thông cung như trong bản án đã nêu không?…

Vụ án “giết người” với bao nhiêu câu hỏi đặt ra khiến tôi chưa giải đáp được. Bên ngọn đèn, tôi ngồi bất động như một pho tượng. Đêm yên tĩnh đến lạ lùng…

***

Bây giờ thì bị cáo đang ngồi trước mặt tôi. Anh ta già đi nhiều so với tuổi, khuôn mặt trắng nhờn nhợt nhưng đôi mắt thì sáng lấp lánh, gò má nhô cao, khóe miệng rộng mỗi khi cười để lộ hai hàng răng cũng sáng lấp lóa. Tôi quyết định đi thẳng vào vấn đề:

- Theo yêu cầu của anh, gia đình mời tôi làm luật sư cho anh tại phiên tòa phúc thẩm, anh có tin tôi không?

- Dạ thưa luật sư, tôi tin.

- Vậy thì anh hãy trả lời thật những điều tôi hỏi. Hãy coi như chúng ta tâm sự với nhau. Thế nào?

- Dạ, tôi cũng mong như thế.

- Tôi tóm tắt thế này nhé: Xác nạn nhân tại hiện trường là người quen với anh. Sáng hôm sau, mọi người phát hiện, cơ quan điều tra thu giữ một con dao Thái Lan, một số nhân chứng khai là dao của nhà anh dùng để cắt chanh khi bán giải khát và làm đồ nhậu, một chiếc nút áo cùng loại với nút áo của anh, chiếc áo sám sọc dưa bị điều tra viên phát hiện có vết máu khi mời anh đến làm việc, lời khai của bị cáo kia về việc anh cùng với anh ta bàn bạc chuẩn bị phạm tội như thế nào, diễn biến ra sao; đã có lúc anh nhận tội rồi sau đó cả hai người lại phản cung… Anh giải thích những điều này thế nào?

- Dạ, thưa luật sư, cho phép tôi được hỏi luật sư một điều.

- Anh cứ hỏi.

- Dạ thưa, luật sư có tin tôi không?

Thật lòng, câu hỏi này làm tôi hơi bất ngờ, bèn lựa lời :

- Nếu anh thật lòng tin tôi thì lẽ nào tôi lại không tin anh.

Anh ta mỉm cười, hơi cúi xuống, giọng nhỏ nhẹ:

- Tôi xin cảm ơn luật sư. Thật lòng, tôi rất khó giải thích về chiếc nút áo và vết máu, vì tôi không biết được vì sao áo tôi lại có máu và mất một chiếc nút áo giống chiếc nút áo ở hiện trường. Vết máu thì có thể khi tôi ẵm vợ tôi bị ông già vợ đánh bể đầu chảy máu, hoặc khi ngón tay tôi bị đụng lưỡi cưa ở xưởng gỗ. Tôi cũng không để ý rằng áo mình có vết máu khi mặc chiếc áo đó lên gặp cơ quan điều tra, chỉ khi cán bộ điều tra bảo áo tôi có vết máu tôi mới biết. Còn con dao Thái Lan, tôi cũng không hiểu sao có người lại khai là dao của nhà tôi, vì nhà tôi có con dao nhỏ nhưng cán dao bằng gỗ chứ không phải bằng nhựa màu vàng như dao Thái Lan. Còn bảo tôi nhận tội, tôi cũng không hiểu sao lại như thế. Có thể tôi bị xốc khi cơ quan điều tra bắt vợ tôi lên, dẫn qua phòng hỏi cung để tôi nhìn thấy và chìa ra cái giấy bảo đó là lệnh bắt vợ tôi vì lý do cô ấy biết tôi phạm tội. Tôi lo cho hai đứa con của tôi, nhất là đứa nhỏ mới được mười mấy tháng nên tôi nhận đại để cho vợ tôi về chứ nếu cô ấy bị bắt thì ai coi sóc chúng nó.

Ngừng một lúc, anh ta cúi xuống, hai vai nhô lên. Không hiểu sao tôi thấy có vẻ tội nghiệp cho anh ta. Lát sau, anh ta ngẩng nhìn tôi, giọng trầm hẳn xuống:

- Dạ, thưa luật sư, tôi bị oan thiệt mà. Có thể nhiều người không tin tôi nhưng mong luật sư hãy tin tôi. Nhiều đêm rồi, nằm trong trại, tôi không ngủ được và khẩn cầu Trời Phật phù hộ để cơ quan điều tra tìm ra kẻ giết người giải nỗi oan cho tôi. Vì còn niềm tin ở pháp luật nên tôi mới kháng cáo mong Tòa phúc thẩm sẽ sáng suốt hơn chăng…

***

… Phiên tòa phúc thẩm hôm ấy đông lắm. Hàng trăm cặp mắt dồn về phía Hội đồng xét xử, nơi thâm nghiêm nhất của chốn pháp đình. Phiên tòa diễn ra bình thường qua giai đoạn thẩm vấn. Tôi cố gắng đặt câu hỏi với những người làm chứng để tìm ra chút ánh sáng nào đó ngoài hồ sơ, phục vụ cho phương án bào chữa, nhưng thật ít ỏi.

Bây giờ thì đến lượt tôi trình bày những lời bào chữa cho bị cáo. Hiện trường, các vật chứng… những lời khai… con đường mòn ven sông với những vạt cỏ lác… cứ hiện ra trong đầu tôi như một cuốn phim. Tôi tiếc rằng vì sao khi khám nghiệm hiện trường còn nguyên vẹn, thi thể nạn nhân, chiếc nút áo và con dao Thái Lan cán nhựa màu vàng, cơ quan điều tra lại không xác định dấu vân tay trên cán dao ấy. Tôi tiếc rằng vết máu trên áo chỉ còn là cái vết nhàn nhạt khó phân biệt để đến nỗi cơ quan khoa học hình sự chỉ có thể xác định đó là máu người chứ không thể xác định đó là máu của nạn nhân. Tôi cũng tiếc rằng sự thật chỉ có một thôi mà sao những lời khai làm chứng lại mâu thuẫn nhau đến thế. Về thời gian xảy ra vụ án mạng, bị cáo đang làm gì, với ai, có thể bị cáo nằm trong tình trạng ngoại phạm không thì lại rất khó xác định. Họ khai không thống nhất! Tôi cố gắng sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu, loại bỏ để rồi tập trung vào các vật chứng kia.

- Thưa Quý Tòa! Lấy gì chứng minh rằng con dao Thái Lan thu được ở hiện trường là con dao ở nhà bị cáo, trong khi có người nói nhà bị cáo không có loại dao này. Cứ giả sử nhà bị cáo có dao Thái Lan đi chăng nữa cũng không có ai vạch ra được những dấu vết đặc định trên con dao vật chứng là dao của nhà bị cáo để phân biệt với những con dao khác đang được dùng phổ biến trong các gia đình hiện nay. Và chiếc nút áo, thưa Quý Tòa, cũng không có gì chứng minh được đây chính là chiếc nút áo đích thực của bị cáo với những dấu vết riêng có để phân biệt với chiếc nút áo cùng loại được sản xuất hàng loạt và bày bán khắp thị trường. Còn như lời khai ban đầu của bị cáo kia rằng khi bị cáo này giằng co với nạn nhân nên đã làm đứt chiếc nút áo của bị cáo thì giải thích làm sao giữa hai lỗ của nút áo lại bị đứt một đường. Đường xẻ đứt này chứng tỏ sợi chỉ dùng để khâu nút áo bền đến mức có thể thắng được độ bền của loại nhựa làm nên chiếc nút áo. Nếu như thế thì sợi chỉ khâu phải còn ở nẹp áo nơi khâu chiếc nút áo đó. Nhưng sự thật thì chiếc áo đã bị rách chỗ khâu nút áo mất rồi. Chiếc áo bị rách chỗ này chứng tỏ rằng, khi giằng co (nếu có), nút áo đã bị đứt ra, sợi chỉ phải gắn liền với chiếc nút áo, và nút áo sẽ không thể bị xẻ một đường như thế. Còn vết máu trên áo của bị cáo, khổ một nỗi lại không xác định được đó là máu của nạn nhân. Tôi cứ băn khoăn một điều nếu đích thực là bị cáo giết nạn nhân, máu phun như thế thì khi phạm tội xong, trở về nhà, bị cáo sao lại không thủ tiêu chiếc áo đó đi? Để rồi ba ngày sau lại đàng hoàng mặc ngay chiếc áo đó lên gặp cơ quan điều tra để đến nỗi bị người cán bộ điều tra này phát hiện ra vết máu, lúc đó bị cáo mới biết. Thông thường, sau khi phạm tội, bị cáo thường tìm mọi cách xóa sạch dấu vết của tội phạm. Sự bỏ sót dấu vết, có chăng phải rất tinh tường mới phát hiện ra chứ không phải sự sơ sót ngây thơ đến mức mặc cả chiếc áo có máu khi phạm tội lên gặp cơ quan điều tra để “Lạy ông tôi ở bụi này” như thế … Cuộc sống có lúc ngẫu nhiên dù sự ngẫu nhiên ấy chỉ chiếm một phần nghìn. Ở đây, sự ngẫu nhiên có thể diễn ra khi chiếc nút áo cùng loại với chiếc nút áo của bị cáo là của một kẻ phạm tội khác. Vết máu đích thực của nạn nhân trên chiếc áo của người này đã bị giấu biệt và có khi kẻ phạm tội đích thực còn đang lẩn lút ở đâu đó chăng? Việc kết tội, theo tôi phải dựa trên cơ sở các chứng cứ đã được xác định, có tính tất yếu chứ không phải dựa trên sự ngẫu nhiên. Và một nguyên tắc tố tụng đã được xác định: nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở vụ án này, không thể buộc bị cáo phải chứng minh vết máu này không phải của nạn nhân và chiếc nút áo này là của người khác…

Tôi nói say sưa, rồi đột ngột ngừng lại, rút khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Sự chăm chú của quý vị trong Hội đồng xét xử khiến tôi cảm thấy như đang được động viên.

Kết thúc bài bào chữa, tôi hạ giọng nhỏ nhẹ: - Tôi xin cảm ơn Quý Tòa đã chú ý những điều tôi nói. Là một luật sư, bao giờ tôi cũng tin tưởng ở sự phán quyết công minh của Quý Tòa, đặc biệt khi sự phán quyết ấy lại liên quan đến mạng sống của một con người…Tôi ngồi xuống và hy vọng, chút hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng rồi sau đó, lời tuyên án sang sảng vang lên lạnh lùng đã làm tắt ngấm chút hy vọng đó ở trong tôi : y án tử hình đối với thân chủ của mình. Phiên tòa kết thúc. Tôi vẫn ngồi im lặng. Mọi người đứng dậy ra về. Pháp đình sau phiên tòa vẫn giữ nguyên vẻ trang nghiêm vốn có của nó.

***

Anh ta không xin ân giảm án tử hình mà vẫn có đơn kêu oan. Trong tù, anh ta đã làm hàng chục lá đơn kêu oan mà không xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Kết cục, đơn kêu oan của anh ta đã bị Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao đã bác bỏ, giữ nguyên quyết định tử hình của cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm.

Những năm tháng trong khu biệt giam chờ Chủ tịch nước xem xét đã khiến anh ta lâm bệnh hiểm nghèo và sau đó anh ta đã chết. May thay, có một niềm an ủi là trước khi chết, tại bệnh viện, anh ta còn được gặp một đoàn cán bộ pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đến, để tiếp tục nói lên tiếng kêu oan thống thiết của mình.

Và cho đến nay, tiếng kêu oan ấy đã trôi vào cõi vô định, chẳng thể hồi âm. Tiếng kêu ấy còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ…
 

(Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm).

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm