- Nhà văn & Góc nhìn
- Cao giọng khen, chê | Nguyễn Đức Mậu
Cao giọng khen, chê | Nguyễn Đức Mậu
NGUYỄN ĐỨC MẬU
I
Anh bạn tôi là nhà thơ hay cao giọng luận đàm, hay tuyên ngôn những lời to tát. Gặp đồng nghiệp anh ta thường khuyên: “Hãy viết, hãy tìm tòi, hãy chiến đấu hết mình cho thơ ca”. Anh cũng làm thơ, tôi cũng làm thơ, còn bao nhiêu người khác làm thơ nữa. Nhiều người âm thầm viết, thơ có bài hay, có câu xoàng cũng là chuyện thường. Nghề làm thơ viết văn tuy có đặc thù riêng nhưng cũng nên quan niệm như bao nghề khác. Làm gì phải lên gân lên cốt, phải gồng mình, phải khác người cho mệt.
Tháng trước, thấy ảnh của anh chụp chung với các tác giả trẻ trên báo. Bên cạnh bức ảnh là bài trả lời phỏng vấn dài dặc của anh. Sau một hồi dẫn chứng về thơ Đông, Tây, kim cổ, anh nói về cái lâu đài vĩnh cửu của thơ, cái gian nan vất vả của các nhà thơ suốt đời chiến đấu hy sinh vì nghệ thuật. Cuối cùng là lời khuyên của anh với các tác giả trẻ. Anh khuyên lớp trẻ phải đi, phải học, phải nghiêm khắc với mình ngay từ thuở ban đầu. Đi để hiểu thêm đời sống, học để biết sâu biết rộng, nghiêm khắc với mình để tránh sa vào sự cũ mòn dễ dãi. Xét cho cùng những lời anh nói đều đúng cả nhưng không có gì là mới nếu không muốn nói là đã cũ. Những lời khuyên của anh nghe thật róng riết, căng cứng. Anh dạy bảo, anh ngỡ mình là người đi tiên phong, là bậc đàn anh của các tác giả trẻ. Sao anh không nghĩ trên con đường văn học, anh là đồng nghiệp, là bạn bộ hành của họ?
Tháng vừa rồi, ở một tờ báo khác, lại thấy anh cao đàm, khoát luận về sứ mệnh cao cả của thi ca.
Anh kêu gọi các nhà thơ phải sáng tạo tìm tòi. Đúng, khi đã cầm bút, ai chẳng muốn đổi mới, nào có ai muốn đi lại lối mòn quen thuộc của mình. Sáng tạo tìm tòi là do đòi hỏi tự thân của mỗi tác giả có gì mà phải cao giọng. Đọc những lời phát biểu tuyên ngôn kia, người đọc luôn thấy anh tự lấy mình làm trung tâm, làm chuẩn mực, hướng đi cho những người khác. Mặc dù những quan niệm của anh về thơ đôi chỗ đã quá lỗi thời. Anh hô hào mọi người đổi mới, còn anh đã đổi mới được đến đâu? Sao anh ít chịu nhìn lại mình mà cứ hay dạy dỗ người khác? Đổi mới thơ - một quá trình lâu dài đâu phải một sớm một chiều là có được. Mọi người công nhận anh tâm huyết với thơ nhưng anh đừng nghĩ mọi người cũng phải khổ công tâm huyết như mình. Hàng ngày cuộc sống của anh khác với cuộc sống của các đồng nghiệp. Anh có thể ngày nào cũng đọc sách, cũng cầm bút nhưng ở những người khác còn bao công việc đời thường bận mọn mà họ phải lo toan gánh vác. Đồng nghiệp của anh, một năm, hai năm, không có lấy một bài thơ in báo. Anh đừng nghĩ họ đã dứt tình đoạn tuyệt với thơ. Anh đừng vội trách họ không tâm huyết. Biết đâu trong cuộc sống xô bồ, sôi động của cơ chế thị trường, họ vẫn lo kiếm ăn, vẫn lặng lẽ viết. Chỉ có điều họ không ồn ào, không cao giọng như anh.
Lời phát biểu tuyên ngôn của anh trên báo cũng khiến một số người đọc nể trọng. Họ phục anh học rộng biết nhiều, lại có một trái tim nhiệt huyết với nghề. Nhưng ở những đồng nghiệp, họ hiểu anh và đọc anh quá kỹ. Anh có cố đánh bóng, cố nâng mình lên đến mấy, chắc anh cũng chẳng cao thêm. Cái nghề văn chương, nhiều khi nói trước bước không qua, anh tuyên ngôn lên giọng quá, lại gây ra phản cảm bởi anh thừa biết trong làng thơ rất nhiều người còn già giơ, cao thủ hơn mình mà họ vẫn khiêm nhường lặng lẽ.
II
Có một nhà thơ đã thành danh, anh ta rất thích khen ngợi quá lời, đắp lụa cho người khác (nhất là các cây bút xuất hiện sau mình). Bạn có một chùm thơ mới được in báo. Gặp bạn, nhà thơ nọ liền khen: “Trong hàng loạt loại thơ nhạt nhẽo vô vị hôm nay, lâu lắm mình mới được đọc một chùm thơ hay đến thế. Có đổi mới, có tìm tòi, có giọng điệu riêng. Theo mình, trong lứa làm thơ trẻ, ông là cây bút có hạng. Xin thành thật chúc mừng ông”. Nếu bạn là người nhẹ dạ cả tin, chắc bạn sẽ thấy lâng lâng sung sướng vì lời khen ấy. Khốn nỗi, đó chỉ là lời khen có sẵn như đã thành khuôn được tuôn ra đều đều trôi chảy. Những lời như thế nhà thơ nọ đã từng nói với nhiều người, chứ đâu chỉ dành riêng cho bạn. Đáng buồn hơn, chùm thơ của bạn, nhà thơ nọ cũng chưa đọc. Anh ta chỉ lật qua trang báo, ấy thế mà gặp bạn anh ta thản nhiên khen ngợi, bốc đồng.
Nếu bạn chuẩn bị in một tập thơ, bạn đến có nhời nhờ nhà thơ nọ đề tựa, ắt hẳn anh ta sẽ vui vẻ nhận lời. Trời ơi, lời tựa đề của nhà thơ lớp trước nói về nhà thơ lớp sau với âm vang thánh thót làm sao. Bạn được khen bằng đủ những ngôn từ hoa mỹ. Nếu thơ bạn trúc trắc không vần bạn sẽ được khen rằng bạn luôn tự vượt lên mình, không chịu đi theo lối mòn có sẵn của lớp người đi trước. Rằng thơ bạn cách tân hiện đại, ẩn sâu chìm khuất trong thơ bạn là tiềm ẩn những vỉa ngầm ngôn ngữ. Còn nếu bạn viết thơ có vần, nhất là thơ lục bát bạn sẽ được khen rằng giao hòa, nhập cuộc với dòng chảy truyền thống. Thơ bạn giàu nhịp điệu, mạnh về cảm xúc, cuốn hút người đọc. Ở thể lục bát, bạn nhuần nhuyễn trong cách diễn đạt, nhịp nhàng trong vần điệu… Có nghĩa là lời đề tựa sẽ thành một tấm áo mĩ miều mà nhà thơ nọ đã cố tình thêu dệt. Thú thật rằng lời đề tựa nghe trơn tru, du dương quá, khiến người đọc dễ tính thì thấy tạm chấp nhận được còn người đọc kỹ tính thì thấy kệch cỡm, rẻ tiền. Vì đã từng tán dương và làm bà đỡ cho nhiều tập thơ nên lời đề tựa của tập thơ này nhiều khi trùng cả với những tập thơ khác. Có trường hợp, lời khen của nhà thơ nọ với tác giả A cũng giống hệt như lời khen với tác giả B. Viết lời đề tựa tập thơ này trùng với lời đề tựa tập thơ khác, nhà thơ nọ xem chừng thiếu trách nhiệm với độc giả, với người nhờ đề tựa và với cả chính mình.
Tại sao nhà thơ nọ lại thích khen ngợi người khác, khen lấy được. Hay vì anh ta đã thành danh, có khen người này, người kia, khen thế chứ khen nữa họ cũng chẳng vượt nổi mình. Hay vì anh ta muốn được tiếng là chăm sóc tài năng, muốn làm bà đỡ những đứa con tinh thần, muốn được các tác giả lớp sau coi mình như người mở đường, chỉ lối. Hay vì do tính tình vừa kiêu ngạo vừa nhũn nhặn, anh ta muốn ban phát lời khen một cách dễ dãi, dư thừa. Chỉ biết rằng những lời khen kia lúc đầu nghe còn thánh thót, nhưng càng về sau xem ra càng nhàm chán, cũ mòn. Nhiều người đã biết tính nhà thơ nọ, khi được khen cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Còn một độc giả như tôi khi đọc lời nhà thơ nọ đề tựa trên một tập thơ mới nào đó thì cảm thấy buồn cười. Ôi những lời khen giả, ngọt ngào, được tuôn ra đều đều như một cái khuôn đã có sẵn từ trước.
III
Một buổi sáng, tôi đang ngồi đọc báo thì anh bạn nhà thơ mở cửa bước vào. Anh đưa cho tôi tờ tạp chí có in thơ của các nhà thơ gồm nhiều thế hệ: “Ông đã đọc thơ ở số này chưa? Dở lắm. Thơ của lớp trẻ thì sa vào những đề tài vụn vặt riêng tư. Còn lớp nhà thơ chống Mỹ, một số người tên tuổi đã thành danh một thời, không hiểu sao thơ họ bây giờ cũ về đề tài, cũ cả cách diễn đạt. Cứ cái đà này, không biết thơ ca nước mình sẽ đi về đâu”. Tờ báo anh bạn đưa, tôi đã mua đã đọc, đọc kỹ từng tác giả. Thực ra, thơ ở số báo này nói riêng và thơ hiện nay không đến nỗi bi quan như anh đã nói. Biết tính anh hay chê bai, tôi hỏi anh cụ thể từng tên bài, từng tác giả mà anh cho là dở. Anh trả lời ấp úng, chung chung, thiếu chính xác… và cuối cùng anh đành thừa nhận rằng… mình chỉ liếc qua chứ chưa kịp đọc. Trời ơi chưa kịp đọc mà đã chê, mới liếc qua tên tác giả đã thấy thơ dở, lạ thật.
Với anh, sự chê bai người khác đã thành mốt, thành thói quen khó chữa. Thấy tác giả nọ in một tuyển thơ lục bát, anh chê rằng làm thơ là ít chịu cách tân, đã bước sang thế kỷ mới rồi, ai lại còn ngồi nhâm nhi mấy vần cổ hủ. Đọc thơ lục bát bây giờ có khác gì đang phóng xe giữa đại lộ bê tông cao tốc lại gặm vài khóm tre xanh hoặc mấy chú bò vàng đang gặp cỏ. Thấy ai làm thơ tự do, anh chê họ không dư dật vần điệu hoặc cấu trúc thơ còn lan man dàn trải, hoặc cảm xúc triền miên giống như cánh buồm lênh đênh giữa đại dương không tìm thấy điểm dừng. Thấy một vài tác giả viết trường ca, anh phán rằng thời buổi này của báo chí, truyền hình, của truyện cực ngắn, truyện ngắn, ai hơi sức đâu mà đọc trường ca. Rằng sau chiến tranh, trường ca được mùa, còn hiện nay người làm thơ phải biết chọn lựa khẩu vị thế nào cho thích hợp với độc giả. Có nghĩa là các nhà thơ cần viết thơ ngắn, thơ phải có ý tưởng sâu sắc, phải là mũi nhọn xung kích tiếp cận được với cuộc sống thường ngày. Thấy giải thưởng cuộc thi ở các báo, giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật… anh ta chê tuốt. Anh nói rằng, văn chương cần đánh giá cả một giai đoạn dài 10 năm, 20 năm chứ đâu chỉ nhìn vào một chặng đường ngắn ngủi. Anh là người có chút tài rao giảng hùng biện. Bất cứ tác phẩm nào, tác giả nào anh cũng tìm ra được cái khiếm khuyết để… chê. Anh chỉ nói khái quát, nói chung chung chứ không hề đưa ra một dẫn chứng cụ thể nào. Thí dụ anh đang say sưa chê một cuốn tiểu thuyết, chê về văn phong bút pháp, chê về cách tiếp cận đời sống, tầm tư tưởng… Nếu hỏi anh, tên một vài nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là gì, anh sẽ lúng túng sẽ tảng lờ sang chuyện khác. Thí dụ anh đang hào hứng chê một chùm thơ của tác giả trẻ, chê về cách nhìn, về cách sử dụng ngôn từ, về sự luẩn quẩn trong vốn sống, cách khai thác đề tài… nếu hỏi anh về tên của bài thơ, hoặc ý của một đoạn thơ mà anh cho là dở… chắc hẳn anh sẽ lúng túng như gà mắc tóc. Tóm lại anh lại người ít chịu đọc nhưng cứ chê bừa.
Chê người khác để tỏ ra mình từng trải về nghề nghiệp đã thành… căn bệnh khó sửa của anh. Anh nói thao thao bất tuyệt trong quán bia, quán nước. Thêm chút hơi men, lời chê của anh càng trở nên thống thiết, hùng hồn. Đôi khi, có nơi nào đó mời anh đi nói chuyện thơ. Anh lại được dịp diễn giải về những hạn chế những khiếm khuyết, những điểm cần vươn lên của các nhà thơ trong nền thơ đương đại...
Nguồn Văn nghệ số 20/2022
Bình luận