TIN TỨC
icon bar

Vẻ đẹp đàn bà trong thơ Trần Mai Hường

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-22 11:39:49
mail facebook google pos stwis
4053 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

Mây mưa với chữ (NXB Hội Nhà văn, 2020) là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Trần Mai Hường. Cầm trên tay tập thơ đã nghe mùi thơm của sex, một vẻ đẹp cao quý, đích thực.
 

Mây mưa với chữ xinh xắn, gồm 45 bài thơ. Bìa sách là ký họa khuôn mặt người con gái với đôi môi không thể nóng bỏng hơn, vừa dụ mê vừa chờ đợi. Đó là thông điệp, là “tuyên ngôn” vừa quyến rũ vừa muốn được quyến rũ.

 Đọc thơ các nhà thơ nữ, gặp yếu tố “đàn bà” trong thơ họ, điều đó thật thi vị. Bởi có lẽ đàn ông viết về các cung bậc cảm xúc của phụ nữ khó hay hơn các nhà thơ nữ. Trần Mai Hường là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Quê gốc của Trần Mai Hường ở Ứng Hòa (Hà Tây cũ), xã Trung Tú, một vùng quê hiền hòa nằm bên sông Đáy, hiện chị là cư dân TP. Hồ Chí Minh.

Mai Hường Trần là bài thơ lục bát, xếp đầu tiên trong Mây mưa với chữ. Nhà thơ tự họa về mình: "Định cư ở lưng chừng trời/ Thầm em ước gặp được người trần gian/ Bao mùa sắm những đa đoan/ Lửa tim tần tảo dọc ngang lối chờ".

Lửa thì cháy, cháy thì ra lửa nhưng “lửa tim” của Trần Mai Hường ngoan hiền, nhẫn nhịn “tần tảo dọc ngang lối chờ”. Câu thơ gần như là tín hiệu cho những ai thích chạm vào lửa nhưng còn hoài nghi. Sợ cháy thì chắc là bị loại từ “vòng gửi xe”.

Thơ là người, không có gì tạc “chân dung” chính xác bằng thơ. Hạnh phúc hay khổ đau, viên mãn hay khát thèm... của nữ giới không giấu được trong thơ. Với Trần Mai Hường không ngoại lệ.

Ngoài đời, Trần Mai Hường là một cá tính ồn ào, rộng lượng, thích “tám chuyện”, thờ phụng “xê dịch” đi đây đi đó, dám “tương tác” với “khí phách” trời cho... nhưng bên trong, có một Trần Mai Hường khác, đa tình, đa đoan, dễ vỡ:

Cứ tự mình nguệch ngoạc

Vẽ đa đoan cho đầy

Tháng mười ngày mười chín

Sao chỉ mình ta say

(Sinh nhật)

“Gia tài” của nhà thơ, hơn hẳn mọi giới khác là sự cô đơn. Lao động thơ là lao động cô đơn. Đi tới tận cùng cô đơn của mình, thơ mới hay. Đọc bài Sinh nhật của nữ nhà thơ, thấy rõ về người thơ và thơ chị. “Em cứ dặn lòng mình tập nhớ tập quên/ Cái ngõ nhỏ một đêm mình đã lạc/ Cái ngõ nhỏ mốt mai rồi xa lắc/ Vẫn nguyên ngày lau lách sóng lừng yêu”, (Đêm tình). Trong nhiều bài thơ khác như Em liều thế chấp, Đỉnh nhớ, Như chưa từng, Trưa cỏ rối... hiện lên một Trần Mai Hương yêu đến khắc khoải, thèm khát đến chực trào chực vỡ nhưng cũng thủy chung đến gói ghém, đến hóa thạch: "Em lật một mặt nhớ/ Chi chít toàn tên anh/ Gốc cây trào ắp nhựa/ Lật thêm mặt nhớ nữa/ Vẫn - đầy - anh - đầy - anh/ Gốc cây khô bùng lửa (Trưa cỏ rối).

Yêu đến thế là cùng. “Tình mình như nhánh lửa/ Thành tro lúc đang xanh” (Không thể). Trong bài thơ Trưa cỏ rối, Trần Mai Hường đã sáng tạo ra nỗi nhớ bằng thi ảnh mang tên chị “mặt nhớ”. Đã là “mặt” ắt có phải, có trái; có trên, có dưới... tùy tưởng tượng của người đọc thơ chị. Nhưng dù cho mặt nào thì vẫn đầy - anh, đầy - anh. Trong câu thơ của chị, giữa các từ trong câu, được liên kết bằng dấu gạch ngang (-), điều này khẳng định sự liên kết, xâu chuỗi, sự tiếp nối, không chia cắt được. Trong hơi thở của mình nhận ra hơi thở của anh, trong làn hương của tuyết da mình có hương vị mồ hôi của anh thì yêu đã như bả bùa rồi. Rất khó để quên, để chia cắt. Có thể nói Mây mưa với chữ là một tập thơ tình, từ đầu chí cuối.

Mây mưa với chữ của Trần Mai Hường đa dạng về thi pháp, có tự do, có lục bát, có thơ văn xuôi... Nhà thơ Trương Nam Hương trong đề từ có nhận xét về thơ Trần Mai Hường: “Ngôn ngữ thơ tươi mới, độc đáo, giàu thi ảnh, nhiều trải nghiệm sâu sắc. Thi pháp mở, sáng tạo ngôn từ, xóc chữ một cách tài tình, Trần Mai Hường mang đến cho bạn đọc những rung cảm thẩm mỹ mới lạ, tròn đầy...”.

Trên nền đồng dao, Trần Mai Hường có những bài thơ lãng đãng như khói, như sương, khá thú vị: "Buồn như tờ giấy nháp/ Lật từng trang đọc mình/ Chữ còn đang mê ngủ/ Đan vách trời lặng thinh" (Dối mình).

Không có nỗi buồn nháp đâu, tin đi. Chính vì thế, nhà thơ đã không ngần ngại “tuyên án” mình khi đặt tên bài thơ là Dối mình. Đàn bà bao giờ cũng đàn bà, mong được yêu, được hờn dỗi, ngúng nguẩy... dẫu ngoài đời luôn tỏ vẻ “cứng cỏi”, “không thèm”... Vẻ đẹp của đàn bà chính là đàn bà, thích được quyến rũ, thích được đàn ông chinh phục.

Hành trang em

Ăm ắp nỗi đàn bà

Tự lưu đày trong linh hồn chữ

Chưa thể nào sập cửa

Nên vẫn chùng chình

Trước những đợi mong anh

(Viết cho người đến sau)

Trong khổ thơ này, có lẽ hay không phải ở chỗ “em” phát tín hiệu cho “người đến sau” mà theo tôi hay nhất chính là câu “ăm ắp nỗi đàn bà”. “Đàn bà có thể tha thứ cho người đàn ông lợi dụng cơ hội, nhưng rất khó tha thứ cho người đàn ông bỏ lỡ cơ hội” (Ngạn ngữ Pháp). Nếu “người đến sau” chưa biết điều “ăm ắp” này thì thật tiếc. Tiếc là “người đến sau” vuột mất vẻ đẹp “nỗi đàn bà”.

Đừng để người đàn bà lang thang một mình trên bãi biển: “Tình yêu/ đừng giải mã/ Như em lúc này/ Chi chít tên anh” (Đừng giải mã). Nếu có thể gạch lên trên bề mặt trái tim mình, chắc chắn Trần Mai Hường đã từ lâu “Chi chít tên anh”.

"Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật" (Bêlinxki); cứ theo câu nói của nhà phê bình văn học người Nga này, đọc thơ Trần Mai Hường thấy rất rõ "nhân vị" đàn bà của chị. Thơ chị chưa hẳn mới về thi pháp nhưng đẹp và tươi rói về cảm xúc đàn bà.

Nguồn: https://thanhnien.vn/

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm