TIN TỨC
icon bar

Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-08 20:46:27
mail facebook google pos stwis
1013 lượt xem

NGUYỄN THANH

Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn, sự khởi đầu tốt đẹp, cho sự thành công và chiến thắng của con người trên mọi lĩnh vực. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước đến nay, đã có rất nhiều mùa xuân chiến thắng kẻ thù xâm lược của dân tộc, đem lại thành tựu vinh quang về cho tổ quốc.
 


 Chủ tịch Hồ Chí Minh

Song hành với bước đi lịch sử vẻ vang của dân tộc, dòng văn học dân gian từng lưu truyền bằng miệng đã nói lên những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm quyết liệt, thể hiện ý chí bất khuất của giống nòi không khác những mùa xuân sáng tươi rực rỡ của đất nước: Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng  (Ca dao thời Lý) // Tháp Mười đồng hiểm bao la/ Tây vô Đồng Tháp làm ma không đầu (Ca dao chống Pháp)// Thấy bóng khăn rằn, anh tưởng rằng em tới/ Màu khăn Đồng Khởi-phụ nữ Bến Tre/ Con sông Hàm Luông tàu Mỹ chạy re/ Cầu Ba Lai đó giặc Mỹ lật xe chết hoài/ Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời/ Tinh thần cách mạng đỏ trời, vàng sao (Ca dao chống Mỹ). Nền văn chương bác học từ xưa cũng in đậm dấu ấn những cuộc kháng chiến thần kỳ mang ý nghĩa những mùa xuân huy hoàng qua thơ văn. Trong hai cuộc kháng chiến gian nan, khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân, cán bộ có hồn thơ và những võ trang thi sĩ kể cả cấp chỉ huy và lãnh tụ cách mạng cũng đã bộc lộ tâm trạng sâu lắng. tình cảm dạt dào của mình trong các áng thơ đẹp như tranh vẽ, ca ngợi những mùa xuân oanh liệt của dân tộc.

Ý niệm song đôi trong triết học loài người luôn mang ý nghĩa tích cực sáng trong. Sự tương ngộ vuông tròn giữa hai thực thể văn hóa nhân sinh và tự nhiên bao giờ cũng hàm chứa một hòa hợp yên bình. Thi ca là chủng loại nghệ thuật hàng đầu của nghệ thuật văn chương và mùa xuân là biểu tượng thời gian tốt đẹp nhất bắt đầu hằng năm.

Mạch tư tưởng chủ đạo trong nội dung thi ca kháng chiến tràn ngập ý xuân tập trung và nhất quán ở một hội tụ đỉnh cao về tình cảm cao đẹp đối với tổ quốc quê hương, nổi bật là tinh thần lạc quan cách mạng và ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù chung. Không gian mùa xuân bao trùm lên trên thế giới thi ca lành mạnh đó là cái nền tảng trật tự chặt chẽ và tinh thần, thái độ phục tùng tuyệt đối thế lực lãnh tụ tối thượng trong bất cứ hoàn cảnh không gian thời gian nào. Những vần thơ, câu thơ hay cô đọng gam màu tươi sáng đó nở rộ trong thi viên hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc để giành lại độc lập tự do để xây dựng núi sông hùng mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là một hồn thơ lớn của dân tộc. Khi còn ở núi rừng Việt Bắc, Bác đã dùng ngòi bút thơ tài hoa phác họa nét vẽ tinh tế của mình, hình thành nên bức tranh xuân chiến khu sinh động, thật ấm áp trữ tình và đậm chất thi nhạc họa: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh, nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Rõ ràng đây là một bức tranh xuân đầy hơi thở ấm nồng, chứa chan lòng yêu đời và tinh thần lạc cách mạng của cán bộ và chiến sĩ ta trong suốt chín năm kháng chiến gian khổ ở núi rừng Việt Bắc. Ngay cả những bài thơ họa ngày xuân của Bác với bằng hữu cũng là những bức thủy mặc thiên nhiên rất hữu tình, sinh động, như rộn ràng tiếng ca vui, cô đọng tính nhân văn: Đọc sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài. Nhà thơ Sóng Hồng (1907-1988) biểu lộ lòng yêu đời tha thiết về hoạt động kháng chiến trong những ngày xuân tươi đẹp của đất nước. Nhà thơ cách mạng nuôi chí lớn nhìn mùa xuân đến với vạn vật bằng tất cả lòng hy vọng chứa chan: “Sáng nay Xuân đã về/ Gieo mầm non hoa thắm khắp sơn khê/ Và gió thổi ấm vào tâm hồn chiến sĩ/ vì nhân quần nên chiến đấu say mê…/ Rất đậm hương và tràn ngập ý thơ” (Xuân đã về). Muốn đạt được mục đích, nhà thơ Lê Đức Thọ (1911-1990) thể hiện dạt dào cảm xúc tươi trong ấm áp như không khí trời xuân trong nhiều bài thơ: Ý xuân, Rừng mai, Lòng xuân chiến sĩ, Rượu xuân, Tin xuân, Những mãnh lòng xuân… Trong những mùa xuân trước ngày cách mạng thành công, nhà thơ còn nhìn cảnh mất nước thê lương với nỗi buồn đau đáu: …Xóm làng đã vắng bóng cây nêu/ Pháo im tiếng pháo không giòn giã/ Những túp lều tranh ng khói chiều/…Của bao kiếp sống đang quằn quại/ Giữa cảnh điêu tàn của máu xương (Ý xuân). Nhưng nỗi khổ đau nơi tác giả đã hun đúc ý chí chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù xâm lược: …Máu hận phun lên lửa bất bình/ Muốn đập cho tan xiềng xích cũ. Xuân về xóa hết vạn điêu linh (Ý xuân). Nghĩ đến ngày cách mạng thành công, Lê Đức Thọ, nhà thơ – chính khách Giải Nobel hòa Bình năm 1973 cảm nhận mùa xuân năm ấy đã lóe lên ánh sáng rực rỡ từ tấm lòng đầy nhiệt huyết con người làm cách mạng, hừng hực thổi lên ngọn lửa tin yêu hy vọng khi mùa xuân chiến đấu đang tới: Một mùa xuân mới không xa nữa/ Nó đã đương về với thế gian/ Trăm cánh hoa lòng đều hớn hở/ Không còn tiếng khóc với lời than!


Nhà thơ Tố Hữu

Với Tố Hữu (1920-2002), lá cờ đầu đỏ thắm của thi ca kháng chiến, trong bài thơ Theo chân Bác, một trong những thi phẩm hay nhất của tác giả trường ca “Việt Bắc”, mỗi ý thơ trong câu là một lời hứa sắt son, một bước chân mạnh mẽ, sảng khoái nhịp đều theo từng bước chân của Bác – Một cuộc đời đầy thử thách gian lao, một sự nghiệp vĩ đại và trong lời nguyền đinh ninh và ý chí sắt đá với tình yêu thương tổ quốc vô bờ. Theo chân Bác là biểu tượng tấm lòng sâu nặng, thắm thiết của Tố Hữu với Bác Hồ, vị cha già muôn vàn kính yêu của toàn dân ba miền: Bác đi… Đâu cũng nghe chân bước/ Như gió xuân về, đất nở hoa. Đại ngàn hùng vĩ của chiến khu “Việt Bắc” với Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù vào mùa xuân hoa ‘mơ nở trắng rừng’: Mùa xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi dan…  luôn nằm trong nỗi nhớ nhung da diết của nhà thơ chiến sĩ cách mạng trung kiên suốt đời đinh ninh với một màu cờ, một lòng theo con đường Bác đi và Đảng gọi: Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước, từng giờ…/ Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại (Sáng tháng Năm).

Khi mô tả vùng rừng núi Tây Bắc, nhà thơ trí tuệ Chế Lan Viên (1920-1989) đặc biệt nhớ đến những sinh hoạt, hình ảnh của cảnh vật: cỏ cây, hoa lá, núi rừng… Mùa xuân đếnnhững cánh chim rừng có màu lông đẹp hơn và tiếng hót như càng thêm thánh thót líu lo: Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương (Tiếng hát con tàu). Nhà thơ Tố Hữu hồi tưởng lại những ngày vui vừa ngộ ra lý tưởng Đảng, đã ví mình như con chim én mới tìm được không gian mùa xuân nơi cánh đồng chiêm, giống như ‘đời ta gương vỡ lại lành’: Mùa xuân đó, con chim én mới/ Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh/ Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Và từ ấy, nhà thơ tràn trề hy vọng vào ngày chiến thắng của cách mạng: Ai cản được những đoàn chim chiến thắng/ Sắp về đây tắm nắng xuân hồng (Xuân đến).

Trong bài thơ “Nguyên tiêu” sáng tác bằng chữ Hán, theo thể thơ tứ tuyệt mang phong cách Đường thi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc viên mãn của mình bằng những hình tượng mênh mông, bát ngát qua cách sử dụng những từ: xuân giang, xuân thủy, xuân thiên, nguyệt chính viên, nguyệt mãn thuyền… và tu từ như những điệp khúc mùa xuân rạng rỡ, mùa trăng chan chứa… Bác Hồ muốn nói lên tinh thần lạc quan trong chiến đấu và tin yêu hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, ngày thắng lợi của cách mạng: Kim dạ nguyên tiêu, nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền – Xuân Thủy dịch). Ta thấy bác bàn việc nước, việc quân nhưng tâm hồn ngập tràn xúc cảm thi ca, mùa xuân đã trở thành biểu tượng cho một ngày chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Với tinh thần lạc quan, Bác Hồ coi một năm cả bốn mùa đều là xuân: Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân. Tố Hữu cũng coi mùa xuân tượng trưng cho thành tựu kháng chiến. Mùa xuân trong thơ tác giả “Từ ấy” mang ý nghĩa những chiến công của cách mạng, thắng lợi của dựng xây chủ nghĩa xã hội, của hoa thơm, trái ngọt, lộc biếc, chồi xanh (Các bài: Xuân đến, Xuân sớm, Xuân nhân loại, Trên miền Bắc mùa xuân, Tiếng hát sang xuân, Bài ca xuân 1961, Bài ca xuân 1967/ Bài ca xuân 1968…) Dù vậy, nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), tác giả bài thơ Tây Tiến cũng có lúc nhìn sắc xuân với niềm tiếc nuối: Em mãi là hai mươi tuổi/ Anh mãi là màu xuân xưa (Không đề) trong lúc thi sĩ Hữu Thỉnh (sinh năm 1942) ngậm ngùi trở lại đón xuân trong hy vọng: Sau vết bỏng chiếc hôn đầu ngày ấy/ Ở cuối vườn có một nụ tầm xuân (Trở lại mùa xuân).

Mùa xuân là biểu tượng của thành quả kháng chiến. Mùa xuân chiến thắng trong Tổng công kích năm Mậu Thân (1968) cũng khắc đậm nét chân dung Anh chiến sĩ Giải phóng quân với lòng dũng cảm và khí phách anh hùng bằng những dòng đại tự trong thi phẩm của nhà thơ – chiến sĩ – liệt sĩ Lê Anh Xuân (1940-1968): Ôi anh Giải phóng quân/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân (Dáng đứng Việt Nam), đã khiến tên anh đã thành tên đất nước. Với Nguyễn Đình Thi, qua bài thơ Mùa xuân (1977), tác giả như muốn đánh thức xúc cảm nơi người đọc để cùng nhà thơ hội ngộ một nhà, vui mừng với non sông ba miền thay da đổi thịt đã về chung một mối: Lá non đã xanh rờn mặt đất/ Mùa xuân đang nói về hạnh phúc/ Cánh chim bay trên sông núi lạ lùng/ Giữa ngàn cây/ Gội sương giá tình yêu đến. Tác giả bài thơ “Đất nước” không chủ ý làm thơ với vần điệu du dương, ngôn từ hoa mỹ mà chỉ muốn chân thành bày tỏ niềm vui trước một tổ quốc tươi đẹp đã sạch bóng quân thù.

Ta đã biết những nhà thơ tiền phong như Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Hoàng Trung Thông (1925-1993), Chế Lan Viên… thường tập trung ca ngợi thành tựu của cách mạng, công lao của Đảng và Bác Hồ. Từ năm 1954, trong thời kỳ chống Mỹ, thế hệ Nguyễn Khoa Điềm (sinh năm 1943), Phạm Tiến Duật (1941-2007), Lưu Quang Vũ (1948-1988), Xuân Quỳnh (1944-1988), Lê Anh Xuân, Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949)… cảm nhận mùa xuân với sắc thái tươi trẻ phóng khoáng hơn’. Thi ca mùa chống Mỹ nói nhiều đến nỗi thao thức của tuổi trẻ trước thực tại xã hội chiến đấu và xây dựng: Bao cực nhọc buồn lo/ Chúng ta chẳng cúi đầu già cỗi/ Tháng giêng tới, mầm cây non bật dậy/ Tiếng hát của mùa xuân bất phục (Lưu Quang Vũ), đến sự sống  đời thường: Đầu năm về thăm mẹ/ Áo còn vươngchiến hào/ Chân lội qua con suối/ Nghe mùa xuân xôn xao (Tiếng mùa xuân – Lâm Thị Mỹ Dạ) và đến biểu trưng của tình yêu đôi lứa: Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy/ Súng trên vai cũng đẹp như em (Trở về quê nội – Lê Anh Xuân). Thật vô cùng cảm động ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứ mỗi lần xuân về với dân tộc, quê hương, Người đều cảm xúc sáng tác một bài thơ chúc Tết như một thông điệp thiêng liêng để nhắn gửi, kêu gọi đồng bào bao điều thiết tha tâm huyết.

Chung kết lại, ta có thể nói mùa xuân là chủ đề đắt giá của nghệ sĩ thi nhân ở mọi không gian. Trong văn chương thời thanh bình hay giai đoạn đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, thi ca nói về mùa xuân luôn thể hiện một ý nghĩa mạnh mẽ thanh cao. Quỹ đạo tư tưởng bộ phận thi ca này thường mang chủ đề lớn chủ yếu là tình yêu non sông gấm vóc, ca ngợi dân tộc anh hùng biểu lộ qua: tình yêu các danh lam thắng cảnh tươi đẹp của quê hương, tinh thần lạc quan trong chiến đấu và lao động xây dựng đất nước, ý chí đấu tranh chống giặc, bảo vệ tổ quốc, tấm lòng yêu nước, trung kiên với Đảng và Bác Hồ. Trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ hôm nay, ai cũng ước mong sao cho những vần thơ đẹp nồng ấm tình xuân đó sớm biến thành lời động viên mọi người thể hiện được những tình cảm trong sáng qua lao động xây dựng và chiến đấu bảo vệ đất nước. Trước cảnh xuân nồng ấm, thưởng thức những vần thơ xuân tuyệt bút ngào ngạt hương xuân, làm sao ta được xứng đáng với tấm lòng kỳ vọng của vua Hùng dựng nước, của tiền nhân hào kiệt và của Bác Hồ vĩ đại kính yêu: “Còn non, còn nước, còn người/ Chiến thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” để ta thực sự có được không gian thiêng liêng kỳ diệu: “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

 02.10.2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm