- Nhà văn & Góc nhìn
- Để văn học Việt Nam cất cánh bay xa?
Để văn học Việt Nam cất cánh bay xa?
Nhà thơ Nguyên Hùng vừa xuất bản tập thơ “Ký họa thơ (81 chân dung văn học)” gây được tiếng vang trên văn đàn. Để viết được 81 chân dung các nhà văn, tác giả phải đọc rất nhiều tác phẩm, hiểu đến cội nguồn của rất nhiều tác giả mới có thể bắt được cái thần của tác giả, tác phẩm mà mình ký họa, lại là ký họa bằng thơ rất độc đáo, chứng tỏ ông là người hiểu tường tận dòng chảy của văn học nước nhà. Nhân dịp Xuân mới, “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyên Hùng về chủ đề “Làm sao để văn học Việt Nam vươn ra thế giới?”
Phóng viên (Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam): Chào nhà thơ Nguyên Hùng! Đầu năm mới, người ta thường hay nhắc về những kỳ vọng lớn. Vậy với ông, kỳ vọng nào đang được đặt ra cho sự phát triển của văn học Việt Nam trên trường quốc tế?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Chào bạn! Đúng là năm Ất Tỵ mở ra nhiều cơ hội mới. Văn học Việt Nam không chỉ là cầu nối văn hóa mà còn là tiếng nói đặc sắc của một dân tộc giàu bản sắc. Kỳ vọng lớn nhất của tôi là chúng ta có thể xây dựng được một hệ sinh thái văn học hoàn chỉnh, bao gồm sáng tác, dịch thuật và quảng bá ra thế giới.
PV: Câu chuyện đưa văn học nước nhà ra thế giới, là công việc vừa rộng lớn vừa “gai góc”. Theo ông, đâu là những yếu tố cản trở lớn nhất?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Chưa có nghiên cứu và dữ liệu đầy đủ về lĩnh vực này, nhưng cá nhân tôi cho rằng, rào cản chính không phải là văn chương chưa đủ hay, mà là chúng ta chưa đủ “thông minh” trong cách tiếp cận. Thứ nhất, rào cản ngôn ngữ. Dịch văn học không chỉ là dịch chữ, mà là dịch cả văn hóa, trong đó có cốt cách, tâm hồn. Rất ít người hiểu rõ ngữ cảnh Việt Nam mà vẫn truyền tải được cảm xúc ấy. Thứ hai, thiếu chiến lược quảng bá. Sách hay mà không ai biết đến thì cũng... như chưa xuất bản.
PV: Xin ông nói rõ hơn về chiến lược quảng bá.
Nhà thơ Nguyên Hùng: Chất lượng dịch thuật và chiến lược quảng bá đều rất quan trọng. Chúng ta cần học hỏi từ các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi văn học được đẩy mạnh qua các sự kiện văn hóa quốc tế, hội sách lớn và đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức xuất bản. Đơn cử: Chiến lược quảng bá văn học của Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc đưa nữ văn sĩ Han Kang đoạt giải Nobel Văn học 2024. Han Kang nổi bật với các tác phẩm khai thác sâu sắc về chấn thương lịch sử và sự mong manh của cuộc sống con người, như tiểu thuyết The Vegetarian, từng giành giải Booker Quốc tế vào năm 2016. Chính các hoạt động dịch thuật, quảng bá quốc tế mạnh mẽ và sự chuyển thể tác phẩm thành phim đã giúp Han Kang có được sự công nhận toàn cầu. Hàn Quốc đã tập trung vào việc dịch tác phẩm của các tác giả quốc nội sang nhiều ngôn ngữ, tạo điều kiện cho văn học Hàn Quốc tiếp cận thị trường sách, văn hóa phẩm quốc tế. Điều này không chỉ giúp các tác phẩm như The Vegetarian trở nên phổ biến mà còn tạo nền tảng cho Han Kang vượt qua nhiều ứng cử viên để giành giải Nobel Văn học. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá cao phong cách viết "đầy chất thơ và đổi mới" của bà, điều mà có lẽ không thể đạt được nếu không có chiến lược quảng bá văn học mạnh mẽ và nhất quán của Hàn Quốc.
PV: Có phải văn học Việt Nam còn quá nặng về văn hóa địa phương, khiến độc giả nước ngoài khó thẩm thấu?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Mỗi nền văn học đều có đặc thù riêng. Điểm mạnh của văn học Việt chính là chất dân tộc sâu sắc. Tuy cốt truyện, câu thơ sinh ra trong bối cảnh của một địa phương và mang hình hài bản địa, nhưng vẫn chứa đầy tính nhân văn, tinh thần chống chiến tranh, khát vọng hòa bình, tình yêu quê hương… Đây là những chủ đề mang tính phổ quát. Vấn đề là làm sao có thể chuyển tải giá trị tác phẩm bởi các bản dịch tốt để bảo đảm hấp dẫn độc giả quốc tế.
PV: Vậy theo ông, việc này cần được chuẩn bị như thế nào?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Như tôi đã đề cập ở trên kia, cần ba yếu tố: dịch thuật chất lượng, sáng tạo hình thức, và kết nối toàn cầu. Đầu tiên, dịch thuật phải do những dịch giả hiểu sâu về văn hóa Việt thực hiện, không chỉ là dịch nghĩa mà còn giữ hồn cốt tác phẩm. Thứ hai, chúng ta nên thử nghiệm những hình thức mới như văn học số, sách nói, và cả phim chuyển thể. Cuối cùng là tham gia các hội chợ sách quốc tế. Không đi ra khỏi biên giới thì ai biết đến ta?
PV: Nhắc đến hội chợ sách quốc tế, ông có thấy Việt Nam đang thiếu những “gương mặt đại diện”?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Văn học là bộ mặt văn hóa. Chúng ta cần những tên tuổi lớn tạo dấu ấn ở thị trường quốc tế, như một cách mở đường cho các tác giả trẻ. Hãy nhớ, Murakami của Nhật hay Mạc Ngôn của Trung Quốc đều từng bước đi lên như vậy.
PV: Ông có nghĩ rằng cần thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước không? Hay chỉ trông chờ vào nỗ lực của cá nhân?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Nhà nước chắc chắn nên có vai trò thúc đẩy, từ các quỹ hỗ trợ dịch thuật, đến các chương trình quảng bá văn hóa. Nhưng điều quan trọng là tạo được môi trường để người viết tự do sáng tạo và người dịch tự do phát huy. Nói vui một chút: “Hữu xạ tự nhiên hương, nhưng nếu có quạt thì sẽ thơm xa hơn chứ!”
PV: Ông có thể chia sẻ về những thành tựu gần đây của văn học của nước ta trong việc quảng bá ra thế giới không?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Gần đây, nhiều tác phẩm của chúng ta đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và phát hành ở nước ngoài. Ví dụ như "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, tựa đề tiếng Anh là "Endless Field", đã chinh phục độc giả quốc tế bằng câu chuyện đậm chất Nam Bộ. Tác phẩm này đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ tại Pháp với tên gọi "Plaine immense". Độc giả Pháp đánh giá cao cách viết vừa trữ tình vừa khắc nghiệt, thể hiện rõ nét những bi kịch gia đình và sự cô đơn giữa không gian đồng quê Việt Nam. "Plaine immense" được mô tả là một tác phẩm mang đậm tính nhân văn, sâu sắc và gợi nhiều suy tư. Cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của Nguyễn Ngọc Thuần cũng được dịch thành "Open the Window, Eyes Closed" và đã chinh phục độc giả quốc tế bởi sự tinh tế trong cách nhìn về tuổi thơ và cuộc sống làng quê Việt Nam. Tác phẩm mang lại cảm giác nhẹ nhàng, trong sáng nhưng sâu lắng, giúp người đọc thấu hiểu và trân quý những điều giản dị xung quanh mình. Hay tiểu thuyết "Mộng đế vương" của Nguyễn Trường đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề "A Glorious Dream". Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ bởi Book Writer Corner và phát hành rộng rãi qua 17 hệ thống phân phối lớn như Amazon, Apple Books, Barnes & Noble, Kobo, và Walmart. Câu chuyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Trường không chỉ tái hiện những nỗ lực hòa bình của ông Đạo Dừa giữa bối cảnh chiến tranh Việt Nam mà còn khám phá sự giao thoa giữa tín ngưỡng và quyền lực. Tác phẩm đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với cả giới phê bình và độc giả. Cuốn sách hiện đang thu hút sự chú ý từ cộng đồng văn học quốc tế và góp phần giúp văn học Việt Nam lan tỏa ra thế giới.
PV: Cuối cùng, ông kỳ vọng gì cho năm 2025?
Nhà thơ Nguyên Hùng: Tôi kỳ vọng sự đoàn kết và ý chí vươn lên của cộng đồng văn học Việt sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại, đưa tiếng nói Việt vang xa hơn trên bản đồ văn học thế giới. Và tôi luôn tin rằng văn học Việt có thể bay xa. Chỉ cần chúng ta biết giữ hồn dân tộc và biết cách “đón gió”. Qua tạp chí, kính chúc độc giả một mùa Xuân tràn đầy cảm hứng!
PV: Cảm ơn ông về buổi trò chuyện đầy cảm hứng này. Chúc ông một năm mới thành công!
Nhà thơ Nguyên Hùng: Cảm ơn bạn, chúc “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” luôn là địa chỉ yêu thích của nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam và chúc mọi người một năm mới hạnh phúc và nhiều thành tựu!