TIN TỨC
icon bar

Đọc thơ Nguyên Hùng qua 100 ca khúc

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-23 07:13:45
mail facebook google pos stwis
790 lượt xem

Nguồn: 

HUỆ HƯƠNG HOÀNG

Trăm khúc hát một chữ duyên” là tuyển tập những bài thơ của Nguyên Hùng được phổ thành ca khúc. Cầm cuốn sách anh gửi tặng trên tay, tôi mỉm cười: ngày xưa mà có được cuốn sách như này là quý lắm đây. Vì ngày đó đi dạy, cứ mỗi lần nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ, là cô trò lại đi tìm một cuốn sách nhạc để tìm bài hát, rồi tập luyện cả tháng. Hài hước là sách nhạc ngày xưa, chỉ in lời bài hát mà không có bản nhạc (phù hợp với thế hệ chúng tôi, những người yêu nhạc nhưng không được học lý thuyết về nhạc, nên có bản nhạc cũng chả đọc được. Các bài hát chủ yếu là truyền miệng). 

Còn cuốn sách của Nguyên Hùng, với 81 bản nhạc (chọn lọc từ hơn 110 ca khúc phổ thơ), được in ngay ngắn bên cạnh những bài thơ, xinh xắn nhẹ nhàng, dễ thương. Tôi chợt nghĩ, đời sống thời hiện đại cũng sung sướng thật, đời sống vật chất, tinh thần đều đầy đủ. 

Nhà thơ Nguyên Hùng gọi trăm khúc hát từ thơ mình là duyên. Đúng thật. Là cái duyên đằm thắm của anh với thơ, với ca, với bạn bè văn nghệ sĩ, và với cuộc đời. Tôi cũng quen anh bởi cái duyên với ca khúc của anh, khi tôi nghe bài hát “Bến xưa”, là ca khúc của Lê An Tuyên phổ nhạc từ thơ anh. Một tình yêu quê, yêu con sông quê hương, yêu đời, yêu người dào dạt dâng lên trong lòng tôi khi nghe ca khúc ấy. Từ đó biết anh, và biết nữ nhạc sĩ Lê An Tuyên, rồi kết gắn, thành bạn bè thân thiết.

Sự giản dị và giàu tính nhạc

Thơ Nguyên Hùng giản dị và giàu nhạc tính. Và bởi vậy, khi những câu từ bay lên cùng nốt nhạc, ta mới thấy hết cái đẹp của nó: sự trong sáng của những cảm xúc và suy tư, lấp lánh như dưới ánh mặt trời: 

Ta sinh ra từ một dòng sông/ Sông dài rộng con đò ngang thì bé/ Đạn rít bom gầm cày nát thời thơ trẻ/ Khói lửa vừa tan mỗi đứa một phương trời/…/Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví giặm/ Giá mỗi chiều được về quê ngụp lặn/ ” (trích “Gửi dòng sông câu ví”). 

Bài thơ này được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc với tên ca khúc là “Gửi dòng sông”, hầu như để nguyên lời thơ, nghe thật đằm thắm da diết. Với nhạc sĩ Võ Xuân Hùng lại gợi một cảm xúc mênh mang, mênh mang dòng sông, mênh mang tình người. Nhưng phải nói, qua âm nhạc của Lê An Tuyên, với âm hưởng ví giặm và lời thơ đã được thay đổi ít nhiều, tạo nên trong lòng người nghe một xúc cảm bùi ngùi khó tả, một nỗi nhớ thăm thẳm không nguôi: “À ơi, chiều xưa trên bến dưới thuyền. Ai đợi ai lúc trăng soi mạn thuyền. Trăng soi đôi bờ dòng sông xanh. Dòng sông ấy, tuổi thơ ấy còn đây trong giấc mơ em. Hỡi dòng sông quê giữ bao kỷ niệm buồn vui”. Vì thế, khi nghe bài hát lần đầu, tôi đã phải gọi điện cho chị bạn trong Nha Trang, hỏi cho ra ai là tác giả của tuyệt phẩm này.       


Bìa sách “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng

Thơ Nguyên Hùng có duyên với nhiều nhạc sĩ. Chẳng thế mà có hơn trăm bài thơ của anh được phổ nhạc, trong đó có những bài được nhiều nhạc sĩ cùng phổ. Nhưng có lẽ Lê An Tuyên là người phổ nhạc thơ anh thành công nhất. Có lẽ nhờ cái duyên đồng hương, đồng ly quê nên đồng cảm. Vả lại, với trường cảm xúc phong phú nữ tính, âm nhạc Lê An Tuyên bổ sung cho cái chất nam tính hơi khô cứng của Nguyên Hùng. Một trong số đó là cặp bài thơ “Biển và em” và “Cửa Hội” được Lê An Tuyên phổ thành ca khúc “Sóng không từ biển”, với phong cách âm nhạc hiện đại, được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát.   

“Tuổi thơ anh trên sóng/ Nên say hoài biển xanh/ Biến đưa ngàn cánh võng/ Ru bồng bềnh, bồng bềnh tuổi thơ”.       

Tôi cho rằng đây là một trong những ca khúc về biển hay nhất, nó gợi cái mênh mang và dạt dào của biển, mênh mang và dạt dào của tình yêu tuổi trẻ. 

Nguyên Hùng thường “vẽ” bạn bè văn chương bằng những bài thơ chứa chan tình yêu mến. Một số trong đó được các nhạc sĩ phổ thành những ca khúc. “Trôi giữa cõi thiền” là bài thơ viết tặng nhà thơ Nguyễn Lê Trung, mà nét họa chính là những tác phẩm của nhà thơ được nhắc tên, làm nên một bức chân dung rất đỗi gây xúc động, nhất là với những ai đã từng quen biết ông: 

“Giá như ngày ấy đừng gàn/ Giờ đâu phải tiếc giọt thầm tuổi hoa/ Lớn lên thiếu vắng tình cha/ Hồn sông trầm tích hồn thơ lắng đằm/ Mẹ đi… chấp chới sông Lam/ Cánh cò một thủa xa xăm cuối trời…” 

Với bài thơ này, nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập đã phổ thành ca khúc mang âm hưởng của ca trù và đậm chất thiền. Qua giọng ca của ca sĩ Quế Thương, người nghe cảm thấy như những thanh âm cứ xoáy sâu vào tâm hồn mình, gợi liên tưởng về một nhân vật mang nặng nỗi đau thời cuộc và số phận, cũng mang nét tính cách quật cường như dòng sông dữ dội của quê hương.

Nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập cũng là người phổ nhạc nhiều cho thơ Nguyên Hùng, và tôi cho rằng hầu hết những ca khúc đó đều thành công, nâng được hồn cốt của thơ Nguyên Hùng lên một tầng nấc của thăng hoa. 

Lòng trắc ẩn và tình yêu quê hương

Nguyên Hùng viết nhiều về quê hương. Những bài thơ đầy ắp nỗi nhớ, tình yêu đối với chốn quê, nơi cửa sông mênh mang nước và trời gặp gỡ, nơi ký ức về cha về mẹ lam lũ tần tảo trên bến sông, và tuổi thơ như những con còng gió nghịch ngợm bé nhỏ trước cuộc đời. Và tình yêu đó đã chạm đến rất nhiều trái tim của các nhạc sĩ, để họ đồng cảm và viết nên những cánh diều thanh âm chuyên chở câu chữ của anh. Tôi đã nghe một loạt những ca khúc trong đây, thấy hầu hết đều đã được các ca sĩ hát lên, và hầu hết đều rất “đi vào lòng người”. 

“Cha là con của biển khơi/ Thay ông mất sớm, một đời nắng mưa/ … / Thương cha đi sớm về khuya/ Qua bom qua bão mang về mừng vui…” (trích “Nhớ cha”)

“Chiều Cửa Lò chúng mình bên nhau/ Bồng bềnh ẩn hiện đảo Lan Châu/ Thuyền ai nhè nhẹ duềnh con sóng/ Trăng cũng dần nghiêng phía dốc cầu/ Cửa Lò chiều chúng mình trôi đâu?” (trích “Chiều nghiêng Cửa Lò”). 

Chiến tranh cũng thường có mặt trong thơ của Nguyên Hùng, không chỉ là ký ức về một thời đạn bom. Có câu chuyện thú vị mà Nguyên Hùng kể với tôi. Đó là khi anh viết bài thơ “Chờ bố về”: 

“Bố đã bay rất xa/ Không hẹn ngày trở lại/ Mẹ chờ trong lệ nhòa/ … / Đợi bố về cùng ăn/ Mong bố về mua sữa” để tặng cho em bé con liệt sĩ phi công Trần Quang Khải, đã hy sinh trong một cuộc bay huấn luyện trên biển Cửa Lò. Nguyễn Ngọc Tiến, một nhạc sĩ của nhà thờ Thiên Chúa giáo, sống ở Mỹ đã phổ nhạc cho ca khúc này thành bài hát “Chờ cha về”. 

Ca khúc thực sự lay động lòng người vì nó mang âm hưởng của Âm nhạc Kitô giáo – thanh thoát và từ bi, nó cũng nhắc nhở cho người nghe về mối hiểm nguy: đừng tưởng chiến tranh đã xa rồi. Nó vẫn lẩn quất đâu đây quanh cuộc sống của con người, chực chờ gieo rắc thương đau cho chúng ta, cho thế hệ tương lai của chúng ta. Như câu thơ của Nhà thơ Võ Hải: “Chiến tranh chưa khép mắt bao giờ”.     

Nhiều khi, Nguyên Hùng cũng viết lời cho ca khúc được đặt hàng. Như viết cho bệnh viện AF, một bệnh viện chuyên về chữa trị Nam – hiếm muộn, và được Lê An Tuyên phổ nhạc. Hay đến bất ngờ. Trữ tình và thơ mộng, khiến tôi nghe mà không khỏi bật cười. Hay ca khúc “Khát vọng Bảo Lộc” được Đỗ Tiến Lập phổ nhạc: 

“Bảo Lộc đây thơm hương cà phê/ Bảo Lộc xanh Tâm Châu sắc trà/ Bảo Lộc mềm như lụa như tơ/ Mây giăng giăng mênh mang nỗi nhớ…”      

Rất phóng khoáng và rất hào hùng.

Chủ đề của thơ và ca khúc cũng rất phong phú. Chúng ta có thể thấy ở đây, những bài thơ – ca khúc cách mạng (viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết về Côn Đảo, chị Võ Thị Sáu, hay viết về những anh hùng thời nay). Nguyên Hùng cũng viết nhiều về nghề tư vấn thiết kế công trình, nơi anh gắn bó gần suốt cuộc đời với đầy cảm xúc ân tình. 

Một đời theo đuổi những áng thơ, Nguyên Hùng đã để lại cho đời hơn trăm ca khúc, bằng cái duyên rất đằm thắm của mình với bạn bè văn nghệ, mà đặc biệt là các nhạc sĩ. Để mỗi khi tiếng nhạc vang lên, những câu thơ của anh cũng lấp lánh cất cánh. Không như thơ của nhà thơ tôi, tâm đắc lắm cũng chỉ để cất vào tủ. Duyên lắm chứ!

Nguồn: 

Mời đọc:

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm