- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Về tập thơ nhạc chọn lọc “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Về tập thơ nhạc chọn lọc “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Tập thơ nhạc chọn lọc “Trăm khúc hát một chữ duyên” đang được khẩn trương thực hiện công đoạn cuối để có thể trình làng. Đây là tập sách gồm 81 ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác từ 67 bài thơ của Nguyên Hùng. Sách dày 170 trang khổ 18cmx26cm, được cấp phép bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Chúng tôi xin phép sử dụng bài viết của cố nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từ 12 năm trước làm lời tựa cho cuốn sách và mượn bài viết chưa ráo mực của nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn làm lời bạt. Tác giả cũng rất vui khi được trích dẫn ý kiến của nhà văn Nguyễn Trường và Thạc sĩ, NSƯT Phan Thu Lan về mảng thơ phổ nhạc trong cuốn sách.
Trong phạm vi entry này, Cánh buồm thao thức xin giới thiệu LỜI THƯA của tác giả và các ý kiến nhận xét của nhà văn Nguyễn Trường và Thạc sĩ, NSƯT Phan Thu Lan.
LỜI THƯA
Sau 20 năm làm thơ, đến nay tôi đã in được 8 tập thơ. Chuyện này cũng chỉ là bình thường, nhưng có điều đáng nói là, tôi đã rất may mắn có hơn trăm ca khúc phổ thơ, trong đó nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hát tác phẩm của chúng tôi và đưa vào các album ca nhạc; một số danh ca dùng tên bài hát của chúng tôi đặt tên cho album; các đài truyền hình – phát thanh chọn tác phẩm thơ nhạc của chúng tôi làm chương trình Tác giả - tác phẩm; chương trình Đến với bài thơ hay. Chúng cũng được tham gia nhiều sân khấu ca nhạc, các sự kiện truyền hình trực tiếp, chương trình Giai điệu kết nối, như Bến xưa, Sóng không từ biển, Bảo Lộc khúc tình ca, Ngày bình yên sẽ đến, Lời hẹn tình quê…
Có được điều đó, tôi không ảo tưởng tự nhận thơ mình xuất sắc mà hiểu rằng do mình may mắn. Đúng hơn là nhờ thơ mình hiền lành và có DUYÊN với âm nhạc. Về điều này, mười hai năm về trước, khi tôi mới in 2 tập thơ và có vài chục ca khúc phổ thơ, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét rằng, thơ tôi có nhiều thi ảnh thân thương gần gũi và giàu nhạc tính nên được nhiều nhạc sĩ đồng cảm phổ thành ca khúc.
Không quá vui vì có số lượng ca khúc phổ thơ khá nhiều, nhưng tôi rất vui vì chúng không chỉ là các bản nhạc trên giấy. Đã có người nêu ý tưởng tổ chức một đêm nhạc từ thơ Nguyên Hùng, nhưng vì nhiều lý do tôi chưa tính đến việc này. Và tôi nghĩ rằng, xuất bản một tập thơ nhạc như cuốn “Trăm khúc hát một chữ duyên” cũng là một cách để gửi lời cảm ơn tới “các nhạc sĩ đã tín chấp nhạc của mình vào thơ Nguyên Hùng”, đồng thời có thể mượn cuốn sách thay những nén nhang tưởng nhớ các đồng tác giả đã qua đời vì bệnh tật – đó là nhạc sĩ NSƯT Quốc Nam (Hà Tĩnh), các nhạc sĩ Vũ Đức Quân (Bạc Liêu), Đoàn Vĩnh Phúc (TPHCM) và Thanh Hoàng (Bạc Liêu).
Khi làm cuốn sách “Trăm khúc hát một chữ duyên”, tôi không có tham vọng tập hợp tất cả hơn 110 ca khúc khởi nguồn từ thơ Nguyên Hùng, mà chỉ chọn ra 81 tác phẩm trong số đó, hầu hết đã được thu dựng và công bố qua các phương tiện thông tin.
Trong thực tế sáng tác thơ nhạc phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và địa phương, một số ca khúc được viết theo đặt hàng; khi đó nội dung bài hát có thể được trình bày dưới dạng phần ca từ dự thảo.
Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ cũng như những ý kiến góp ý xây dựng của quý bạn đọc. Trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, 4/2024
Nguyên Hùng
Nhà văn NGUYỄN TRƯỜNG
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên
Thơ Nguyên Hùng nhiều tâm trạng trước tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi đắm say thông qua hình ảnh biển - ẩn dụ về không gian, thời gian bao la, mênh mông, sâu thẳm, vĩnh hằng... nên chinh phục được trái tim độc giả. Ta hiểu vì sao đến nay đã có hơn 100 bài thơ của anh được phổ nhạc, trong đó hơn 70 bài đã thu dựng. Gần chục ca khúc từ thơ Nguyên Hùng đã được VTV, VTC, HTV… làm chương trình tác giả - tác phẩm hoặc chọn biểu diễn trong các chương trình ca nhạc. Anh có một số bài thơ được 3-4 nhạc sỹ cùng phổ thành ca khúc khác nhau. Nhiều bài phổ nhạc rất thành công như “Sóng không từ biển”, “Bến xưa”, “Em và biển”, “Hoa muống biển”… Riêng ca khúc “Lời hẹn tình quê” nổi tiếng đến nỗi trên YouTube có đến mấy ngàn MV và clip, trong đó có clip thu hút đến hơn 7 triệu lượt người nghe, 2 clip thu hút 4 triệu người nghe. Còn các clip vài trăm ngàn lượt nghe thì nhiều không kể xiết…
(Trích “Tâm thức biển trong thơ Nguyên Hùng”, ANTG cuối tháng 11/2022).
Thạc sỹ, NSƯT PHAN THU LAN
Nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Tôi biết đến tên Nguyên Hùng từ bài hát “Sóng không từ biển”, vì ông chính là tác giả phần lời của bài hát do nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ nhạc năm 2010. Đây là ca khúc được VTV chọn làm tên cho một chương trình ca nhạc sau đó một năm – “Sóng không từ biển – những ca khúc phổ thơ được yêu thích”, gồm các tác phẩm: Thuyền và biển, Mơ về nơi xa lắm, Mùa hoa cải, Sóng không từ biển, Trái tim và Khúc hát sông quê.
Những năm sau đó tôi lần lượt được nghe thêm rất nhiều bài hát được phổ nhạc từ thơ của ông.
Đọc thơ Nguyên Hùng, tôi thấy thơ ông chân thực và gần gũi với cuộc sống. Thơ Nguyên Hùng dạt dào cảm xúc yêu thương bởi ông là một người có tâm hồn thi sĩ và trái tim nhạy cảm, một tâm hồn thơ thuần khiết, mộc mạc và chân tình. Hình ảnh thơ, ý thơ nối tiếp liền mạch với những cung bậc cảm xúc về tình yêu con người, tình yêu quê hương... Không phải ngẫu nhiên mà thơ Nguyên Hùng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành công. Hồn thơ đầy tính nhạc của ông đã được nhạc chắp cánh!
Bình luận