TIN TỨC
icon bar

Đọc thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” của Nguyên Hùng

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-06 17:46:12
mail facebook google pos stwis
941 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

 

TUẤN TRẦN

Nhà thơ Nguyên Hùng là tiền bối, người đồng hương của tôi. Nếu sử dụng một đại từ thân tộc lâm thời để hô gọi thì phải là “bác- cháu”. Tôi đọc thơ ông với tư cách là người con, người học trò với những chân thành, nỗ lực để hiểu phần nào về người cha, người thầy của mình nhằm bắt chặt sợi giây thế hệ. Tôi đọc thơ ông với sự trân trọng, tấm lòng ân nghĩa thuần phác, với sự cảm tạ về một con người đã lao động thơ một cách thành thực, róng riết, quyết liệt trong tìm tòi, khơi thông cái mới và oán ghét sự học nhờ đọc mướn cùng thói cắp tứ tráo chữ trong thơ ca và nghệ thuật nói chung.

Đọc thơ Nguyên Hùng tôi nhớ quê tha thiết, bởi cái hiền hòa, chân thành, ngọt ngào, thấm đượm như dòng Lam thanh bình, yên ả. Thơ Nguyên Hùng chảy mãi, dòng chảy của những hồi ức, của sử ca, của những con người chân lý, của cảnh đẹp quê hương. Của những tự sự với “Em” rất đong đưa, giao cảm. Thơ Nguyên Hùng đầy chiêm trải, cái vừa phải, chừng mực của những cảm xúc đã tạo ra những bản tình ca đẹp, đủ hoa và lửa dọc đường đi tới…

Đọc thơ Nguyên Hùng, trước hết phải để lòng mình thuần giãn, mới chạm được tiếng thơ thuần lành. Đọc thơ Nguyên Hùng là cơ hội hàn gắn những khoảnh khắc đã qua, đã lỡ, đã trật nhịp rồi: “Anh tìm em ngược dòng sông nhớ/ Tìm lại chốn xưa nơi gửi nụ hôn đầu/ Tìm những ước mơ theo cánh buồm nâu/Tìm dáng em chờ thuyền cha trên bến”. Mở đầu bài thơ Tìm em ngược dòng sông nhớ. Tác giả đã để hồn lần hồi trôi theo dòng sông hồi tưởng, nơi đó còn dấu vết của nụ hôn đầu, nụ hôn trần thế có sự chứng kiến của sông xanh cát trắng. Hình ảnh thơ mở ra một vùng phù sa nơi bến quê đầy ngọt ngào, yêu thương. Nơi những cánh buồm no gió đang từ từ đưa những giấc mơ ra khơi rồi mờ dần, mờ dần cho đến khi chỉ còn trong nỗi nhớ.

Hình bóng khách thể cảm xúc “Em” trong bài thơ vào độ tuổi trăng non, chờ cha trở về mang theo nồng nở vị xa xăm. Chờ chồng nơi bến vắng, chờ mẹ trở về từ đồng bãi, hay chờ ai đợi ai trên Trường Tiền… thì thật quen thuộc trong thi ca. Nhưng dáng em [thơ] chờ cha thì thực sự là một ảnh tượng nghệ thuật tinh khôi. Theo kịch nghệ Á Đông, con gái giống cha thì nhà có phúc hay hoặc là con gái là người tình kiếp trước của cha. Khi chưa nói lời yêu đầu đời thì thiếu nữ thường là bảo bối, được thừa tiếp tình thương và sự chiều nuông, nâng niu của cha. Dáng chờ cha trên bến quê vào lúc hoàng hôn hay bình minh đó đã làm động lòng người trai mới lớn đang trộm nhìn ái mộ. Dáng chờ cha đó mười, hai mươi năm sau có thể lặp lại, nhưng là chờ người đã gửi lại nụ hôn đầu, từ đó bặt vô âm tín. Người con gái đó ở cái độ trong trẻo, trắng ngần, chưa vướng bận một nỗi nhớ trong lòng, chỉ có cha là người đàn ông duy nhất mà cô tựa nương. Khoảnh khắc nụ hôn xảy ra ắt hẳn là nụ hôn đầu, đánh dấu người trai khác xuất hiện bên đời cô để cô nên người thiếu nữ. Nụ hôn của giấu ấn giao thời, gọi dậy thì con gái.

Tình cảm nẩy nở trên cái đậm đà, đằm thắm của biển xanh cát vàng. Chính vì thế nó lại càng để lại những khắc khoải khôn nguôi: “Anh đi tìm em lần theo hương biển/ Theo vị mặn mòi trong những câu ca”.  Đoạn này rất thơ, cảm xúc, hình ảnh được cất cánh bay cao. Hương vị của biển quyện trong nỗi lòng tìm em và phảng phất theo lớp sóng là lời lời, ý ý của những ngày em và tôi thương thầm nhớ vội đã thỏ thẻ với nhau những lời tỏ tình như lời thì thầm con sóng hôn mãi cát vàng. “Lời hẹn tuổi thơ ủ xanh nhẫn cỏ”: nhẫn cỏ là đích ước, thề nguyền đó chăng! Cả một bầu trời kỉ niệm chanh cốm hiện hữu trong câu thơ. Lời hẹn được ấp ủ trong nhẫn cỏ vẫn xanh màu tháng năm. Tình cảm đầu đời dẫu cất xếp, gói ghém trong đống tàn tro kỉ niệm vẫn có ngày rơi ra mà bận bịu nơi cõi lòng. Nhẫn cỏ ngày đó còn in hình, đong dáng trên bàn tay. Nếu gặp lại, cầm lấy tay nhau chắc sẽ hiện hữu lập tức những dấu yêu ngày nào nhưng nhức khối tình đời, tình người lỡ nhịp. Cầm lòng sao đặng với những kí ức vẫn xanh xanh diệu vợi đó.

“Em” gắn liền với hình cha, bóng mẹ. Tác giả đã đặt em trong mối quan hệ truyền thống, đặt em trong cái bình yên từ phía quê nhà. Khổ thơ thứ ba gợi về bổn phận của phụ nữ hiền thục đoan trang. Gắn liền cuộc đời với những canh cánh, những hi sinh, những vén khéo đảm đang: “Em gánh ước mơ theo mẹ chuyến chợ chiều”. Câu thơ đã viết nên một số phận. Số phận của người nữ đi liền với chữ “gánh”, gánh trên vai gầy những tần tảo mưu sinh, gánh cho chồng mình cả hậu phương trĩu nặng. Ước mơ người nữ nhỏ nhoi vậy đó, chỉ là chuyến chợ chiều, chỉ là bữa no cho gia đình, là bếp nồng lửa đỏ, cốm dậy mùi thơm. Hình ảnh mẹ tôi đã vào trong thơ. Cũng từng theo bà ngoại bán cá từ năm mười ba, nay đọc câu thơ hoài niệm đó mà tự nhiên thấy đời nhẹ khôn kham. Trong lòng nảy sinh những nỗi nhớ niềm thương. Thương cho người mẹ, người chị ta xưa đã hi sinh lòng riêng để tất cả vì tiền tuyến thân yêu! Người “Em” của tác giả không chỉ cần mẫn cho những cơm áo mà còn giàu tấm lòng dân gian, lớn lên nhờ nguồn sữa tinh thần ngọt bùi từ lời ca tiếng hát. Tiếng hát đã tạo nên cái đẹp trên nhiều phương diện của thân phận con người.

Khổ thơ tiếp theo tác giả nói về nguyên nhân vì sao hôm nay lại tìm về: Bởi ngày đó đã bị xa lìa. Do người ở lại theo gánh ước mơ của mẹ, kẻ ra đi góc bể chân trời. Càng thấm nghiệm bể dâu càng khát khao cái chân thành ngày đó. Ngày trẻ vì phận sự tìm danh đã tạo ra cái chia ly, ngày sau ngưỡng mộ mối tình đầu thấm đượm như hoa. Những lời ca thốt ra như chưa từng được nói, từ một trái tim chưa một lần biết yêu. Nhưng tâm thế của sự tìm kiếm hôm nay không hẳn là cái nồng nàn tha thiết đó, mà tâm sự lòng riêng nay đã hóa nỗi niềm chung về “tình quê”. Tình đôi lứa đã hóa tình quê hương, bao dung hơn, rộng lớn hơn, và đầy những thứ tha vấn vương chút nuối tiếc. Cái tìm về hôm nay không hẳn để khơi lại tàn tro mà nhen lò kỉ niệm, đơn giản để tri âm cố nhân. “Em”, biển, bến xưa,… là những mảnh ghép tạo nên hương quê vị quán. Giây phút cái hôn đầu đó đi theo suốt cuộc đời, sưởi ấm cho những khoảnh khắc cô đơn, quạnh quẽ trên cõi đời tất bật mưu sinh:

“Ngược sông nhớ tìm lại ngày đã mất

Gặp dáng em ngồi hát dưới chân trời

Gió lạnh lùa và tuyết trắng cứ rơi

Má em hồng trở về thơi thiếu nữ”

Tứ thơ được đóng lại, cảm xúc mênh mang như một dòng sông suy tưởng. Hình ảnh dáng em được lặp lại, nhưng động thái đã khác. Có lẽ thời gian đã tạo nên dáng hình, ngồi bùi ngùi hát dưới chân trời. Hình ảnh chân trời những tưởng về chân cội: Lá rụng về cội. Con người đã đi gần hết một đời, bao ngọt nhạt, phôi pha. Gió lạnh, tuyết trắng có chăng là một niềm đau, cái đau của sự đứt đoạn ngày xưa. Nay thấy em rồi, thấy cả thời xuân xanh rạng ngời đã mất đi. Thấy dậy về thời con gái đang chín đỏ trên đôi má em thương.

Bài thơ chẳng nhiều trách móc, cũng không thở than, hay sa vào những nỗi bộc bạch nuối tiếc. Nhưng ẩn mật sau đó là một vết thương. Vết thương tình tan mộng vỡ. Nay trở lại để nhận diện lại về con người, thời điểm, thời/ không gian ấy. Như nhắc nhớ về cái tri âm, tri kỉ ở đời. Phơi trải ra bao khúc tình đời, tình người lỡ nhịp. Hiển lộ bao nhiêu những sầu bi thế sự cũng như tình yêu đầu đời chẳng thành đôi nhưng lại thành thơ, những lời dang dở, dở dang mà ưu tư, lật trở. Bài thơ đẹp nhất ở “nỗi chờ”, chờ hai người đàn ông của người nữ: Cha và người thương. Nỗi chờ đầu bài thân thương, trìu mến, nỗi chờ cuối bài hoang hoải, hoài mong vọng về một cõi lòng man mác.

Nguyên Hùng đã đặt để những cảm xúc đẹp trong thơ. Những sầu muộn cũng được diễn đạt tươi mềm. Đó là thơ của lòng bao dung, cái nâng niu, quý dữ. Thứ thơ đó, có những số phận, những kiếp sống nhưng sẽ “chữa lành” chứ không làm đau một tấm lòng cộng hưởng nào.

T.T

Tìm em ngược dòng sông nhớ

Anh tìm em ngược dòng sông nhớ
Tìm lại chốn xưa nơi gửi nụ hôn đầu
Tìm những ước mơ theo cánh buồm nâu
Tìm dáng em chờ thuyền cha trên bến.

Anh đi tìm em lần theo hương biển
Theo vị mặn mòi trong những câu ca
Tiếng sóng thầm thì thao thức bờ xa
Lời hẹn tuổi thơ ủ xanh nhẫn cỏ.

Anh đi tìm khi bóng ngày vừa đổ
Em gánh ước mơ theo mẹ chuyến chợ chiều
Khơi bếp lửa hồng sưởi mái tranh nghèo
Em học hát và lớn khôn từ lời ru của mẹ

Mấy mươi năm cuộc đời bao dâu bể
Anh và em trôi dạt mấy góc trời
Nhưng tình quê đâu thể cạn vơi
Như sông quê sóng không thôi dào dạt

Ngược sông nhớ tìm lại ngày đã mất
Gặp dáng em ngồi hát phía chân trời
Gió lạnh lùa và tuyết trắng cứ rơi
Má em hồng trở về thời thiếu nữ.

Nguyên Hùng

Mời nghe ca khúc cùng tên: Tìm em ngược dòng sông nhớ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm