- Truyện ký - Tản văn
- Hoa hậu - điệp viên Thu Trang (kỳ 3)
Hoa hậu - điệp viên Thu Trang (kỳ 3)
Truyện ký của Đinh Quang Tỉnh
KỲ III (hết)
XA TỔ QUỐC
Trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm với đạo luật 10/59 bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người tham gia cách mạng trước đây, nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà đã khuyên bà nên rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.
Cũng là một cơ duyên, cuối năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Ngô Đình Diệm giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Paris tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có kịch bản. Được Đại sứ Pháp tại Sài Gòn can thiệp, nên mọi thủ tục visa hoàn tất rất nhanh chóng. Tháng 11 năm 1960, bà qua Pháp. Khi đến nơi, Thu Trang mới biết họ muốn bà đóng trong bộ phim ca ngợi thời vang son của thời kỳ thực dân đô hộ và “chống Cộng”, nên bà đã từ chối. Thu Trang cũng không thể trở về trong thời kỳ nghiệt ngã với Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm. Bà đã quyết định ở lại sinh sống lâu dài tại Pháp.
Khi biết tin điệp viên Công Thị Nghĩa đã đi nước ngoài trót lọt, Trần Lệ Xuân, Chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Đảng Cần lao Nhân vị đã ném cả cốc nước trà vào mặt Tổng Nội vụ thời đó và quát: “Tại sao các ông lại cho con Việt cộng nằm vùng đó trốn thoát!”
Hai mẹ con bà Thu Trang lo được nơi ăn chốn ở tạm thời tại Paris. Muốn tồn tại ở một nước văn minh như nước Pháp, việc trau dồi kiến thức và ngoại ngữ là quan trọng nhất, nên bà đã tham gia những khóa học tiếng Pháp đầu tiên tại Sorbonne và may mắn được GS Durand - nhà ngôn ngữ học và sử học kèm cặp. Đến năm 1964, bà chính thức ghi tên vào khoá học của GS Durand tại Trường cao học Ngôn ngữ và sử học Đông Dương. Sau đó, bà xin vào học Trường Cao học về Lịch sử và Triết học - thuộc trường Đại học Sorbonne - École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques. Vì số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt, bà đành phải vừa đi học, vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho hai mẹ con.
Tại Pháp, bà Thu Trang đã khám phá ra những hoạt động của các trí thức (cả Nho học và Tân học Việt Nam), họ thu được rất nhiều kết quả khả quan, đã dấy lên tình yêu nước chống thực dân trong giới Việt Kiều và đánh thức dư luận Pháp về chế độ thuộc địa. Chính vì thế khi tốt nghiệp cao học, bà chọn đề tài làm luận án về Phan Châu Trinh. “Trong tâm trạng của một người dân mất nước, tôi say sưa nghiên cứu về khoảng thời gian Pháp đô hộ Việt Nam…”. Và chính những nghiên cứu ấy đã như một liều thuốc dưỡng sinh, như một dòng nước mát giúp bà hiểu biết nhiều điều, vén bức màn bí mật để tìm ra chân lý.
Bà tập trung vào nghiên cứu về Bác Hồ và Phan Châu Trinh tại Pháp… Năm 1978, bà bảo vệ thành công đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh" và trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII. Khi hoàn thành luận án, bà đã thu lược và viết thành sách với tựa đề: “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 – 1925” được ấn hành tại Pháp năm 1983. Sau này, cuốn sách được Trung tâm Quốc học tái bản và in lần đầu tại Việt Nam với nhiều tài liệu bổ sung. Một phần do chính tác giả sau những tìm tòi và có thêm sự trợ giúp của chính gia đình Phan Châu Trinh, cộng với một số tài liệu của bà Lê Thị Kinh, một trong số cháu ngoại của cụ Phan đã sang Pháp sưu tầm thêm. Còn cuốn “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 – 1923” đã được in trong nước từ những năm 1990. Hai tác phẩm này sau đó đều đã được dịch ra tiếng Pháp. Không chỉ là những tác phẩm nghiên cứu sử học, bà còn cho ra mắt một tập thơ mang tên “Nói sao cho vợi”. Đó là những nỗi niềm tâm sự gửi gắm của một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bà nói, những năm cuối 1990, trong một buổi gặp gỡ nhóm các nhà thơ, nhà văn Việt Nam được tổ chức tại Huế, bà đã được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt nam được yêu mến của thế kỷ XX. Trước đây, ngoài những hoạt động xã hội và công việc của mình, trong một thời gian dài, bà không những là một cây viết tích cực mà còn là biên tập viên của tạp chí Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Pháp. Bà cũng miệt mài làm việc và tham gia vào các phong trào giúp đỡ các em học sinh, sinh viên mới sang Pháp du học. Bà từng là thành viên đoàn chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học xã hội Hội Người Việt Nam tại Pháp. Ngoài những hoạt động trên, bà thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi trở về thăm quê hương đất nước.
Bà Thu Trang đã tham gia trong một cuộc biểu tình cho nền độc lập của Algérie bị cảnh sát đàn áp, ước tính có từ 32 tới 325 người chết. Từ sự kiện đó, một phong trào sinh viên, bắt đầu từ Đại học Nanterre, lan dần tới khu phố La Tinh rồi trở thành một vụ bạo loạn. Cuộc biểu tình này có 800.000 người chống lại cảnh sát. Phải sau hai tháng, tình hình mới yên ổn trở lại. Chính tại đây, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam. Trong nhóm sinh viên đó có Marcel Gaspard - một sinh viên y khoa, sau này trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học là người bạn đời của bà Thu Trang. Cuộc sống của hai mẹ con bà bên Giáo sư y khoa Marcel Gaspard nơi đất Pháp khá hạnh phúc và an yên.
Để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, bà Thu Trang bắt đầu vẽ từ những năm 1962 - 1963, và đã có cuộc triển lãm riêng để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật ở Paris, tại trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp và một số tỉnh lân cận Paris. Bà như một họa sĩ chuyên nghiệp, mỗi lần tổ chức triển lãm, tranh của bà được đánh giá cao và đều bán được.
Năm 2010, bà cho xuất bản cuốn hồi ký “Một thời để nhớ”, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Cuốn sách gần 600 trang là những câu chuyện thú vị với nhiều giai thoại về cuộc đời một người đẹp, một trong những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, gắn liền với những biến cố của dân tộc. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nga.
Từ những năm đầu của thập kỷ 1980, bà thường xuyên về Việt Nam, đi từ Nam ra Bắc, để tham gia giảng dạy trong các trường Đại học và tổ chức các cuộc hội thảo về văn hoá du lịch.
Ngoài ra, bà luôn tranh thủ những lần về nước để làm từ thiện. Với chức danh của mình, từ những năm 1983, bà đã đi quyên góp tiền ủng hộ xây dựng một số trường lớp cho trẻ em lang thang ở TP. Hồ Chí Minh, hay đến tặng quà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam tại làng Vân Canh…
CUỘC TÌNH ĐƠN PHƯƠNG
Gọi Bùi Giáng là "người thơ" vì chất thơ ông thuần Việt, với đặc trưng dân dã, bụi bặm, gần gũi với đông đảo quần chúng. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại, chưa từng có một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Tuy Bùi Giáng hai đời vợ nhưng trái tim ông vẫn còn hừng hực ngọn lửa tình yêu, hơn nữa Bùi Giáng lại yêu toàn những nhan sắc nổi tiếng đương thời. Đặc biệt là mối tình “đơn phương” với nghệ sỹ Kim Cương khi bà mới 19 tuổi. Sài Gòn truyền tụng câu thơ: “Anh yêu em như Bùi Giáng yêu Kim Cương”. Kỳ nữ Kim Cương không xiêu lòng nhưng cảm động. Vì lẽ đó bà mới tiếp ông mỗi khi ông tới đập cửa nhà mình. Đến độ cái gì ông cũng mau quên, chỉ nhớ độc số điện thoại nhà riêng của Kim Cương
Những tưởng thi sỹ Bùi Giáng trọn vẹn mối tình với nghệ sỹ Kim Cương suốt cuộc đời, chẳng ngờ vừa mới gặp hoa hậu Thu Trang lớn hơn Kim Cương 5 tuổi, như tiếng sét ái tình khiến Bùi Giáng ngày đêm mê đắm đến quên ăn quên ngủ. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt”, vẻ đẹp kiêu sa của cô gái Hà Nội với giọng nói nhẹ như hơi thở đầy ắp sức quyến rũ, Bùi Giáng như lạc vào vẻ đẹp uy lực của hoa hậu Thu Trang. Trước ngày bà Thu Trang lên đường sang Pháp, bà ngỡ ngàng trước lời tỏ tình của thi sĩ Bùi Giáng.
Bùi Giáng đã tức cảnh sinh tình làm nhiều thơ tặng Thu Trang. Giới văn nghệ sĩ Sài Gòn đoán chắc rằng câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một đứa con trai tên Tống Ngọc Vân Tiên. Chứ tuyệt nhiên không liên quan gì đến chuyện nhãn cầu cả. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng, thì ai suy nghĩ sao cũng cũng có lý của nó cả. Câu thơ nổi tiếng này còn thảng thốt ẩn sau nốt nhạc buồn đắng đót trong ca khúc “Con Mắt còn lại” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho Thu Trang, có bài đã công bố, có bài chưa. Như trong tập "Mưa nguồn" in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau:
"Không biết nữa trời tròn hay méo,
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay,
Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay,
Trời bên kia
Nhan sắc ở bên này".
Họa sĩ Bửu Ý có chép lại bài thơ mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho người đẹp, tựa đề là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách:
"Trang của tờ giấy cũ,
Của vầng tóc ban đầu,
Trang của hồi vàng tụ,
Về mệt mỏi mai sau,
Anh nhớ em vô cùng,
Đất sầu không xiết kể,
Anh kêu gọi mông lung,
Thu Trang như “chim dính ná”, một lần lỡ dở tiếng xấu để đời, không người cảm thông với hoàn cảnh éo le của bà, nên “ái tình” đối với bà bây giờ là điều tội lỗi mà bà luôn tìm cách xa lánh, khước từ. Mặc dù có gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương với thi sỹ Bùi Giáng, nhưng bà nhất mực cự tuyệt tình yêu của ông. Bùi Giáng ôm trong lòng mối tình đơn phương, tuyệt vọng lẫn hờn trách, oán than.
Có một chuyện tình đã thành huyền thoại, ấy là khi Bùi Giáng biết Thu Trang chuẩn bị cùng con trai đi Pháp. Ông đến nhà thăm bà trong một ngày Sài Gòn mưa buồn. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ cục” của ông hôm đó, bà viết: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ mà tôi dùng đi trong nhà, lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: “Tôi về!”. Bùi Giáng thân hình nhỏ thó, với bộ đồ lã tọa, dị hình, nách cắp gói dép, bước đi liêu xiêu trong chiều Sài Gòn cô tịch, dường như ông một mình “làm cả cuộc phân ly”! Hình ảnh thi sỹ Bùi Giáng trong phút chia phôi ấy cứ hằn vào tim bà vương vấn mãi trên đường tha hương.
Đằng sau tất cả những việc làm của cựu Hoa hậu, Tiến sĩ Sử học, Thi sĩ và Họa sỹ Thu Trang là tâm nguyện được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Khổ thơ sau được trích trong bài “Nói sao cho vợi”, bà viết từ năm 1969, đã phần nào nói lên được nỗi lòng của một người con xa xứ:
…Giữa muôn hương sắc huy hoàng
Tôi không thấy mùa xuân sang
Hồn tôi ở phương trời ấy
Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!
Người phụ nữ giàu nghị lực ấy, giờ đây đã chạm tuổi 90. Người con gái làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội - Người phụ nữ Việt Nam yêu nước, kiên trung và nhân hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa – Người điệp viên dũng cảm năm xưa giờ đây vẫn sống thanh đạm, giản dị và lặng lẽ ở một ngôi nhà nhỏ ngoại ô Paris xa xôi, tránh xa mọi vinh hoa, phú quý, không một tấm huân chương trên ngực. Nhưng bà vẫn thấy mình hạnh phúc vì đã sống cuộc đời có ích cho quê hương, đất nước. Rồi đây, lịch sử tình báo Việt Nam sẽ phải “giải mã” cho nhiều cuộc đời của nhiều chiến sỹ tình báo trên mặt trận thầm lặng, đầy cam go và hiểm nguy, đã bị bụi thời gian khỏa lấp, trong đó có tên tuổi điệp viên Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Cuộc đời bà đã tạc vào lịch sử Hoa hậu Việt Nam một hình ảnh cao quý và ngời sáng - một biểu tượng đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam yêu nước./.
Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) Viết tại ngoại ô Hà Nội tháng 7 năm 2021.
HẾT.
Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu tham khảo: Sách “Một thời để nhớ”, Hồi ký của bà Thu Trang; Tư liệu phỏng vấn của Hoàng Phước đăng trên “Kịch Ảnh” năm 1957 và một số tư liệu của đồng nghiệp.
Mời đọc Kỳ II Ở ĐÂY.
Bình luận