TIN TỨC
icon bar

Khi có một người đi khỏi thế gian | Nguyễn Quang Thiều

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-01 15:59:38
mail facebook google pos stwis
2835 lượt xem

NGUYỄN QUANG THIỀU

Có thể là buổi sáng khi chúng ta đang uống cà phê, có thể là một buổi chiều khi chúng ta đang trở về ngôi nhà của mình, và có thể một buổi tối khi chúng ta đang ngủ… chúng ta bỗng nhận được tin nhắn hoặc một cuộc gọi thông báo về một người bạn vừa rời bỏ thế gian. Hoặc trong suốt thời gian thức của mình, chúng ta luôn luôn nghe hoặc đọc những lời cáo phó trên đài truyền thanh, trên báo và trên tivi.

Những lúc đó, tôi thường có một khoảnh khắc sống trong im lặng và toàn bộ thế gian mênh mông hiện ra trước mắt. Trên thế gian mênh mông ấy, có một người quay lại nhìn tôi rồi lặng lẽ ra đi vĩnh viễn. Có thể tôi khóc lặng lẽ, có thể tôi thấy một cái gì đó như sự hư vô ùa qua mình, có thể là một ý nghĩ mới về đời sống, có thể là một nỗi tiếc nuối mơ hồ nhưng dai dẳng, có thể là sự thức dậy của ký ức về người đó, có thể là một câu hỏi vô nghĩa nhưng hình như không còn cách khác: “Vì sao người ấy lại ra đi?”. Và có thể nó lại là sự an ủi cho người vừa mất và cả người còn sống.

Quả thực, trong cách nghĩ thô thiển của mình, tôi luôn luôn bị ức chế bởi thế gian này quá chật chội. Chật đến nỗi cả trong giấc ngủ cũng thấy mình ở trong chen chúc, nồng nặc mùi mồ hôi kẻ lạ và bị vây bủa bởi ngàn vạn con mắt ngờ vực, soi xét. Nhưng khi biết có một người vừa rời khỏi thế gian, kể cả đó là người không hề có bất cứ mối quan hệ nào với mình thì mình cũng cảm thấy thế gian bị bắn thủng và để lại một lỗ hổng.

Nhưng trùm phủ lên tất cả những gì tôi vừa nói trên là một lời nhắc nhở của ai đó. Lời nhắc nhở đó cụ thể là: “Ngươi hãy xem lại cuộc sống của ngươi”. Với cá nhân mình, tôi thường được nghe lời nhắc nhở đó. Chính thế, tôi nghĩ về sự ra đi khỏi thế gian này của con người là lời nhắc nhở của Tạo hóa đối với chúng ta. Hầu hết con người sống trên thế gian này, trong đó có cá nhân tôi, rất hay quên mình phải sống như thế nào với người bên cạnh.

Có lần, một người bạn tôi đặt một câu hỏi nghe có vẻ rất “ngớ ngẩn”: “Tại sao chúng ta không sống với người đang sống như sống với người đã chết?”. Hình như câu hỏi này có điểm nào đó bất hợp lý nhưng tôi chưa biết bất hợp lý ở điểm nào. Nhưng nó có lý ở phía lý tưởng sống của con người. Đó là sự chia sẻ, cảm thông, hiểu biết, nhường nhịn, công bằng và thiện chí. Điểm hợp lý này đã trở thành cái đích của xã hội loài người mà con người trong suốt chiều dài lịch sử của mình luôn luôn tâm niệm và tìm cách đi tới.

Trong thâm tâm chúng ta ai cũng có lần suy ngẫm lại hành xử của mình đối với một đồng nghiệp, một người bạn hay một người thân khi người đó rời bỏ thế gian ra đi mãi mãi. Chúng ta nghĩ nếu người đó sống lại chúng ta sẽ không bao giờ hành xử thiếu thiện chí, bất công, ngờ vực, đố kỵ, thiếu chia sẻ, dửng dưng… với người đó như một đôi lần khi người đó còn sống. Chính thế mà ở một phía ý nghĩa của cái chết, tôi nghĩ rằng: việc thi thoảng có một người đi khỏi thế gian là một cách Tạo hóa nhắc nhở sự quên lãng những ý nghĩa nhân văn trong đời sống của con người. Vậy tại sao khi người đó còn sống ở bên cạnh chúng ta trong gia đình, trong công sở, trong làng xóm hay trong khu phố thì chúng ta lại cảm thấy khó chịu, thấy ngờ vực và đôi khi căm ghét?

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho chúng ta quên lãng những phẩm chất tốt đẹp vẫn luôn luôn trú ngụ trong con người chúng ta là tính sở hữu dục vọng của mình. Chúng ta muốn sở hữu danh tiếng, sở hữu công việc, sở hữu một vị trí, sở hữu trí tuệ, sở hữu sự sáng tạo cho đến sở hữu một chiếc xe, một chỗ ngồi, một lối đi trước nhà mình, thậm chí sở hữu cả một cái bàn ăn trong một tiệm ăn. Nhưng thế gian lại không chỉ có một mình chúng ta. Thế là chúng ta tìm nhiều cách chống lại những người khác mà chúng ta cho rằng người đó là nguy cơ chiếm mất những gì chúng ta thèm khát sở hữu như một sự độc quyền.

Tranh của Nguyễn Quang Thiều

Có rất nhiều người khi ra đi khỏi thế gian này thì mới được người còn sống tin rằng anh ấy hay chị ấy là một người tốt. Cũng chỉ vì đến lúc đó chúng ta mới “thở phào” nhẹ nhõm rằng những nguy cơ cướp mất sự sở hữu của chúng ta không còn nữa. Nhiều lúc, chúng ta giống một con gà mái nuôi con xù lông tấn công một con trâu đi qua với ý nghĩ con trâu sẽ ăn thịt đàn con của nó. Nhưng con trâu chỉ biết ăn cỏ và nó không ăn thịt gà chấm muối chanh bao giờ. Nhưng con gà mái không tin chuyện đó. Có lẽ nó bị hình bóng những con cáo hay những con mèo ám ảnh.

Không ít những người đã và đang nghĩ rằng: cái chết là một điều gì đó khác với những gì chúng ta vẫn suy nghĩ lâu nay. Có người nghĩ rằng: đời sống chúng ta đang sống là một cánh đồng. Còn cái chết là một cánh đồng bên cạnh mà chúng ta chưa hề biết. Vậy khi chúng ta đã sống một cách trung thực và không ân hận với đời sống hiện tại thì khi ra đi khỏi đời sống này chúng ta sẽ thanh thản. Chúng ta chưa có ân huệ gặp lại một người trở về từ cánh đồng bên cạnh (sau cái chết) kể cho chúng ta về đời sống ở nơi chốn đó như một người đã đến thăm những khu phố cổ ở Stockhome trở về và kể lại. Ngay sau đó, chúng ta có ước muốn đến thăm những khu phố cổ ấy. Nếu khi chúng ta nghĩ và tin sau cái chết là một cánh đồng sự sống khác thì chúng ta sẽ bớt đi lòng tham và sự ích kỷ của chúng ta.

Có một hiện thực luôn luôn hiện ra trước chúng ta toàn bộ sự thật của nó là cái chết. Và trước sự ra đi khỏi thế gian này của đồng nghiệp, bạn bè và những người thân, quả thực chúng ta có những giờ phút sống chân thực. Và những phẩm tính tốt đẹp trú ngụ trong bóng tối dục vọng của chúng ta thức dậy và tỏa sáng. Nhưng rồi chúng ta lại quên ngay những điều kỳ diệu đó. Thế là, chúng ta lại hành xử với một người còn sống khác bên cạnh chúng ta với toàn bộ sai lầm mà chúng ta đã mắc phải với người đã ra đi trước đó. Bởi thế, cái chết, một quy luật tất yếu của thời gian đối với con người, có chứa đựng một lời nhắc nhở những người còn sống hãy sống tốt hơn như con người có thể.

 (Rút từ cuốn Có một kẻ rời bỏ thành phố)

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm