- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- “Đạo” của nhà thơ
“Đạo” của nhà thơ
(Cách đọc bài thơ Đừng sợ một mình của Trần Mạnh Hảo)
Chân dung nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Thế nhưng, đọc thơ Trần Mạnh Hảo là một thách thức, ít nhất với người trẻ. Dẫu vẫn là thơ đó, có đủ âm, hình, ý, vị. Dẫu khi đọc qua rất trôi chảy, tấm thảm thơ mềm mại không một gút sợi. Nhưng ẩn tàng trong cái diễn đạt với tư thái dân gian đó, là một đạo lớn xa xôi quá đỗi. Mà nếu không đủ vốn sống, vốn đọc, không đủ “ánh nhòm tỉnh thức” thì sẽ không thể nào đọc- cảm, thấu được tâm sự lòng riêng vì sự thể chung nơi thứ tiếng thơ nặng lòng non nước đó. Với tư cách là một người đọc bình dân, người đọc trẻ, người đọc còn nhiều năm tháng cho sự cúi mình đọc thiên hạ. Tôi, dẫu có “lo lắng” nhưng quyết tâm cho mọi nổ lực để “đọc” được thơ ông: Thứ chữ nghĩa vi diệu của nghệ thuật là công cụ để tỏ bày cái cao thâm triết học, của “đạo lớn” nơi người thơ đã sống qua những thăng giáng cuộc đời, nếm trải bao bạc lãnh bể dâu cả trong đời lẫn trong thơ.
Với tâm thái một người yêu văn, học văn và dạy văn. Dưới góc độ là người trẻ luôn thường trực nỗi đau đáu cho sự đọc văn hôm nay. Nhân danh cá nhân, quan điểm cá nhân. Theo tôi, để kể ra những cái tên có tầm vóc qua từng thời đại trong VHVN, ảnh hưởng đến định hướng văn học và văn hóa trên sân khấu văn chương nước nhà thì đương đại cái tên Trần Mạnh Hảo được nhắc đến hàng đầu.
Trần Mạnh Hảo viết, viết khỏe, viết không ngừng nghỉ, không chỉ là thơ mà còn nhiều những lĩnh vực quanh thơ khác. Và đã đốn mấy mươi rừng trúc để tỏ tường. Nhưng chữ của Trần Mạnh Hảo không có chữ nào là thừa, là viết cho có, phải là chữ “bút tre mực tàu”, mực thước trên nhiều phương diện. Cảm tưởng như ông đang viết ngày càng thiết, từng giọt mồ hôi như giọt máu lớn đổ xuống trang giấy. Yêu thương cũng hết lời mà phàn nàn cuộc đời cũng cạn lẽ. Độ gần đây Trần Mạnh Hảo đã phóng tuyến cảm quan với biên độ rộng hơn, càng ngày càng đi về phía đầu mút vũ trụ ôm trọn, quan chiêm, thiết lập rất riêng thứ “Đạo” của thơ, trở thành niềm kính tín cổ điển đậm đà thấm thía trong đảng tranh đương đại. Trong khuôn khổ bài viết, trong sự đọc có hạn, tôi thành kính hiểu thơ ông ở những lời “bắt gặp hữu duyên” tạo ấn tượng nội tâm mạnh mẽ nhất trong quá trình trải nghiệm văn bản:
“Mặt trời quá vĩ đại
Hạt sương quá nhỏ nhoi
Mặt trời không mang nổi
Dù một hạt sương rơi
Nhưng trong hạt sương ấy
Có bao nhiêu mặt trời?”
(Mặt trời và hạt sương)
Cặp phạm trù trời- đất, âm- dương, tiểu- đại nhất thể theo quan điểm nhà Thích Ca. Triết thuyết đó hiện hữu trong thơ Trần Mạnh Hảo với những biến tấu và quy tụ. Mượn ảnh tượng mặt trời, như thủ pháp “tá khách hình chủ” trong cổ thi để ca tụng giọt sương, cổ vũ cho điều tầm thường lớn lao và cũng là cách để rẻ khinh cái hư vinh ở đời. Cái nhìn tỉnh thức đó đi từ chiều sâu bi kịch của nhân sinh. Bản thân mặt trời vẫn là mặt trời, còn giọt sương thì vạn năng, vạn trạng: sinh ra từ đất, tụ từ hơi, tự hủy mình dưới nắng và hẹn hò những khiếp sống bất tận. Giọt sương mới là cái vĩnh cửu trong cái thường hằng vũ trụ. Bởi sự hóa thân khôn lường của nó: Lủng lẳng đu mình trên gân lá, đọng trên hoa, lóng lánh trên lưới nhện giăng giữa trời, kết tạo từ trời đất, thấm lắng qua bao vỉa tầng đời sống vẫn vô nhiễm. Ôm mang, đựng chứa, phản chiếu, hắt bật… mặt trời rồi lại mang cái biểu tượng lớn lao của vũ trụ đó tịnh vào đất, vỡ tan. Giọt sương chính là một “giác giả” đã thấu triệt chân tướng thiên địa. Thơ Trần Mạnh Hảo đã không còn nằm lại ở thế sự hay có thể tùy tiện gắn mác chính trị. Nó là thứ thơ của quá trình vén bức mành vô minh, của sự nhập cuộc với hóa sinh- sinh hóa điên đảo mà thâu lượm thứ nghệ thuật ở trạng thái đẹp oai, trong sáng uyên nguyên nhất.
“Tưởng đã tận cùng vẫn hút sâu
Chân mây góc bể lại ban đầu
Ngoài tinh vân tới em nghìn tuổi
Chợt vị thành niên mắt biếc đâu?”
(Phục sinh)
Bài thơ là một nhận thức về cái siêu nghiệm của vũ trụ. Hay nói cách khác nó là vũ trụ luận. Nhưng cái luận ra được ở đây lại từ “em”. Hình ảnh mắt biếc và cái sâu hút của vũ trụ đồng hiện. Tinh vân là thứ bắt đầu của một vì sao hoặc cũng có thể là một vì sao “hóa bụi” kết thúc vòng đời của nó. Ngoài tinh vân là ngoài sự sinh- hóa đến em ngàn tuổi chỉ cái vòng lặp lại không biên độ, giới hạn, khái niệm, định nghĩa, điểm đi, đến, kết thúc của chữ “duyên” ở đời. Em dẫu có nghìn tuổi vẫn làm em trong một niên hạn thanh xuân. Bởi thời điểm đó chính là cái làm nên em. Bắt đầu của cái nẩy lộc, bật nhú những nụ chồi trinh nguyên. Trong ánh mắt biếc đó, dẫu đẹp, dẫu trong sáng vô ngần vẫn lóe lên những hạt bụi tinh vân, bụi của cái buồn, cái không thể nắm bắt, lý giải, cái vô hạn mà hữu hạn của đời người. Cái vòng tròn chuyển hồi mãi mãi không bao giờ kết thúc của vạn vật. Chính vì thế, chăng tác giả đặt dấu hỏi cuối bài thơ. Để muốn nói về phục sinh là nên buồn hay nên vui? Nên khóc hay nên cười? Đẹp đẽ và khổ đau. “Tưởng”- “chợt” cặp quan hệ mới được cấu trúc nói về cái “ngờ ngợ” nhân sinh. Bài thơ như một khu vườn có vô số lối vào. Một mảnh đất thật ngắn mà lớp lớp, luống luống những ý vị uẩn súc, mở ra muôn ngã nghĩ ngợi.
Cái “đạo” trong thơ Trần Mạnh Hảo còn được thể hiện chân xác qua hình tượng “Mẹ”. Trần Mạnh Hảo dành vô số lời để hát trong thơ về mẹ. Như kẻ hát sáo trên sông, mẹ trong thơ ông luôn gắn liền với những mênh mông, nơi có phù sa, bờ bãi, còm cõi môt nỗi chờ con đến “tím cả chiều hoang”. Người mẹ của thơ ông là người mẹ của đánh giặc. Người mẹ đi liền với hai từ “canh cánh”. Nỗi canh cánh thường trực, xuyên suốt, cả đời ôm mang thân phận kẻ sinh ra những đứa con “bất hiếu”: Ngày chiến thắng bỏ mũ, áo, danh vọng và sinh mệnh chẳng trở về bên mẹ để dựng vợ, sinh con và báo đền công sinh thành.
“Mẹ ở lại với mái nhà dột nóc
Ếch tháng ba kêu xót ruột người già
Mẹ khóc, mùi hoa xoan cũng khóc
Đêm đen từ tro bếp lạnh đen ra
Ôi Tổ quốc
Tiễn con đi mẹ gục xuống hiên nhà”
(Tổ quốc của tình yêu)
Hiện thân của mẹ trong thơ Trần Mạnh Hảo đọc lên không chỉ là khóc thương mà gợi nỗi hận bầm gan, ứa mật. Một thời đất nước đằm máu và nước mắt mẹ. Trong từng âm thanh tự nhiên đến những màu sắc cuộc sống đều hót lên tứa máu. Xé ruột mẹ già chờ con đến non mòn biển cạn. Trước nỗi chờ con đến ráo lệ hôm nay là “ngày xửa ngày xưa” mẹ đã chuyển sinh con nơi “địa gan”. Để chúng con “buộc phải” “chân trần chí thép”:
“Có phải mẹ Âu Cơ đi vòng trái đất
Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng
Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp
Chọn vùng tâm bão để sinh con”
(Trường ca đất nước hình tia chớp)
Những câu thơ ở độ khái quát tuyệt đối. Khái quát cái đỉnh cao của niềm tự hào cao đạo và nỗi đau bi lệ tận cùng của những đứa con được sinh ra nơi “Tâm bão”. Có người mẹ nào sinh con, yêu con được như thế! Khi đã chọn gửi con nơi dải đất hình tia chớp để hi sinh, để gánh vác, để trải qua những máu tươi diễm lệ và hồi sinh bất tử như hôm nay. “Tia chớp”, “Tâm bão” đã nói lên cái định mệnh “đáng nguyền rủa” của dân tộc này khi phải sống trong chiến tranh, thiên tai, ly loạn nhiều hơn sống trong hòa bình. Nhưng cũng chính từ cái định mạng vô tiền khoáng hậu đó đã tạo ra cho đất những con người chào đời với một sứ mệnh duy nhất và cao nhất là “đánh giặc” vì chân lý và chính nghĩa. Và trong cái tồn- vong của vạn vật, trải qua biết bao biến đổi bể dâu. Dân tộc này, tuy nhỏ bé, nhược tiểu vẫn tồn tại một cách nghiên ngang. Không ngừng tỏa bóng mát như cây đời phải luôn luôn đấu tranh với loài cỏ dại.
Hình ảnh mẹ dân gian, đi tìm nơi sinh con đã trở nên tầm khái quát vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử và thời đại để nói về dân tộc anh hùng, ngàn năm không chịu khuất nhục trước “ngàn đao vạn đòn”. Sứ mệnh mẹ giao phó, các con không thể thoái thác. Và hình tượng mẹ dường như xuyên suốt các chương chuyện đời mà Trần Mạnh Hảo đã biên kể trong thơ, để muốn nói rằng “mẹ” luôn luôn bên cạnh, dõi theo bước chân trưởng thành của các con. Và mẹ hóa thân thành muôn hình hài, khả thể để nâng đỡ các con trong cuộc đấu tranh thành người đó. Mẹ mãi là vòng tay cho con nương náu, là sông dài, núi cao, địa hào, hầm hủ cho con trốn vào nơi mênh mông lòng mẹ:
“Trốn vào mẹ con trốn vào Nước Việt
Cả cuộc đời chạy trốn để sinh tồn
Súng vẫn nổ ngoài đầu làng khốc liệt
Đẻ con ra là mẹ hiến thân mình”
(Trốn vào mẹ)
Có thể nói người phụ nữ trong tương quan với sứ mệnh dân tộc được đặt lên tất thảy sự tôn vinh đẹp đẽ và cao đạo nhất. Những trang hùng ca trong hợp xướng đậm chất bi hùng về sự trường tồn bất tử của dân tộc nơi thơ Trần Mạnh Hảo luôn có hình ảnh “Mẹ”. Mẹ trở thành đạo lớn trong thơ, thành một thứ vũ trụ đủ sức dung chứa những nỗi niềm về đất, nước, con người.
“Chị làm dâu cuộc chiến tranh
Hòa bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi
Hứa hôn với lính lâu rồi
Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu”
Với Trần Mạnh Hảo, tất cả người phụ nữ đều là mẹ. Họ xứng đáng là mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng ta thường nhắc tới khái niệm hậu phương, thường ca ngợi mẹ. Nhưng có lẽ chưa bao quát được hết, một lực lượng vô hình những người “thiếu nữ” họ mới chỉ được nắm tay lần đầu và cũng là lần cuối. Để rồi người yêu, người chồng của họ ra đi, nằm lại trong thổ nhưỡng quê hương. Chính người “thiếu nữ” ngồi nghĩa trang làm dâu đó đã nuôi trong lòng bao người trai chí lớn một niềm tin son sắc, họ khao khát chiến đấu hơn bao giờ hết để nhanh trở về với người gái đang can trường, thủy chung đợi chờ.
Trần Mạnh Hảo đủ tư cách và thực tế đã là một tác gia. Nghĩa là một nhà văn hóa lớn. Bởi thơ ông đã tạo ra một nếp sống, nếp nghĩa cho thi dân, văn dân. Họ hướng về nơi ông như mảnh đất để ngợi ca, suy nghiệm, bảo tồn, tô bồi cho vẻ đẹp tâm hồn nơi họ và thể nghiệm, soi ngắm chính họ trong thơ. Chưa kể sự “chiếu tướng” của Trần Mạnh Hảo tới những “ngõ ngách” đời sống nhằm vén nhẹ, lột trần, phô bày những thực tại có cả đớn hèn và vô liêm sỉ của những lớp người. Sau tất cả, Trần Mạnh Hảo chỉ muốn đời sống “hảo”, hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn và ông đã nổ lực “cứu vớt” với sứ mệnh của mình.
Trân trọng!