- Thơ Nguyên Hùng
- Lẩn thẩn bên tượng Nguyễn Du
Lẩn thẩn bên tượng Nguyễn Du
LẨN THẨN BÊN TƯỢNG NGUYỄN DU
Sinh thời đi sứ nhiều năm
Hẳn là Cụ hiểu dã tâm người Tàu
"Bạn vàng" tử tế gì đâu
Hớ hênh mình hóa chư hầu họ ngay
Thế mà con cháu thời nay
Mở toang cửa ngõ dang tay đón mời
Láng giềng ùa đến khắp nơi
Phá rừng, lấn biển… chờ thời đổi vai.
Cháu xin hỏi Cụ: Những ai
Coi Tàu như bạn, đúng sai thế nào?
Quý ngài ngồi tít trên cao
Có xin chữ Cụ khi vào dâng hương?
...
Ngẫm đời Từ Hải mà thương
Cả tin - sập bẫy, hết đường thoái lui
Anh hùng khuấy nước chọc trời
Cũng đành chết đứng vì lời ngọt ngon!
9/2014.
MÓNG CÁI
Móng Cái đây rồi, Móng Út đâu?
Bàn chân tấy đỏ cố quên đau
Trà Cổ một chiều bên biển vắng
Tóc em xõa rối dải địa đầu.
2/2014.
HÀ TIÊN
Mỗi lần đến với Hà Tiên
Ngấm thêm hương vị của miền biển Tây
Mặt Trời ôm biển trọn ngày
Chiều còn ngụp lặn đắm say đêm nồng.
11/2016.
Nguyên Hùng.
Cảm nhận của nhà báo nhà thơ PHAN NGỌC QUANG
Lẩn thẩn bên tượng Nguyễn Du – bài lục bát lạ
Tôi đã đi qua rất nhiều cảm xúc của các thi nhân bằng những vần thơ của họ khi đứng nghiêng mình kính cẩn bên tượng đại thi hào Nguyễn Du với mẫu số chung là sự thương cảm tột cùng với số phận của nàng Kiều và tác giả. Thế nhưng khi đến đây, nhà thơ Nguyên Hùng lại đứng ở một góc nhìn khác để viết nên bài thơ lục bát lạ. Nét lạ của bài thơ không phải ở cách gieo vần hay làm mới thể thơ mà là cách làm mới suy nghĩ của một khách tham quan khi đến thăm viếng đại thi hào trong một công trình kiến trúc ngay giữa quê hương ông. Càng đọc từng câu càng giật mình vì tác giả dám nói ra tất cả sự thật thời thế mà không phải ai cũng dám phô diễn được như thế. Mỗi câu thơ đọc lên đều có sức nặng của quá khứ và bóng dáng của lịch sử mà dân tộc đã đi qua nhất là trong đêm trường tối tăm nghìn năm Bắc thuộc.
Dân tộc ta có truyền thống “bán anh em xa, mua láng giềng gần” không ngoài mong muốn giữ hòa khí láng giềng. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng mua được láng giếng gần bởi vì: “Bạn vàng tử tế gì đâu/ Hớ hênh mình hóa chư hầu họ ngay”. Đó không phải là lời hù dọa mà thực tế đã từng như thế để cho “bạn vàng” hóa thành “bạn vện”. Cắt bổ câu thơ ra, từ “hớ hênh” được Nguyên Hùng đưa vào đây đủ chừng mực và đắt giá lắm. Một khổ thơ tiếp với hàng loạt câu hỏi như bắt người đọc trả lời vừa có giá trị tu từ nhưng đó cũng cách chất vấn thế sự mà chỉ có những ai nặng lòng với vận mệnh quốc gia mới hỏi được như thế. Dù có chê trách ai thì tất cả cũng vì sự tồn vong của tương lai mà lúc nào cũng cần thế đứng vững chãi và tự tại.
Thơ Nguyên Hùng vẫn đắt giá ở phần vĩ thanh. Bốn câu cuối vừa là bức tranh minh họa nhưng cũng ngân lên tiếng chuông cảnh tỉnh đã vang lên trong Truyện Kiều. Cuộc đời nàng họ Vương chịu bao nỗi nhục ê chề nhưng đến màn: “Thúy Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến” thì nỗi ê chề nhục nhã đã vượt đỉnh vì: “Giết chồng rồi lại lấy chồng như chơi”. Bài học cả tin vẫn còn nguyên giá trị khi những lời nói có cánh còn ngọt hơn cả đường mà “bạn vàng” phản trắc. Câu chuyên Mỵ Châu – Trọng Thủy “trái tim lầm chỗ để trên đầu” tuy nhà thơ không đưa vào đây nhưng người đọc có quyền liên tưởng bởi hậu quả của “mật ngọt chết ruồi” không có giới hạn thời gian. Bài học nặng tính lịch sử và mang rộng tính thời đại qua mấy vần thơ lẻ vẫn không hề xưa cũ. Nếu nghe được mấy câu thơ này của Nguyên Hùng, chắc Thúy Kiều sẽ bớt ôm hận nơi chín suối và tôi nghĩ nếu anh đọc cho Nguyễn Du nghe trên đất Tiên Điên thì chắc chắc bức tượng kia không còn là vật vô tri nữa và biết đâu Cụ cũng cúi đầu gật tán thành.
Bình luận