- Truyện ký - Tản văn
- Minh Châu tỏa sáng
Minh Châu tỏa sáng
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuồn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
Minh họa: Tô Chiêm |
Ngồi cả tiếng đồng hồ, be rượu nửa lít đã gần cạn, càng uống càng tỉnh. Ông nhớ lần khai quật ngôi mộ cổ, khi bật nắp quan tài, một làn hơi độc xì ra làm ông và những người phụ tá tối tăm mặt mũi, khó thở rồi ngất xỉu. Sau khi người ta đã khử hết khí độc, đọc những dòng chữ Hán, xem quần áo, đồ tùy táng bên trong quan tài, ông xác định là ngôi mộ của Thái tử Cảnh, thời vua Gia Long. Thái tử chết do bệnh đậu mùa. Bởi vậy trong và ngoài quan tài chôn theo nhiều loại thuốc khử độc. Khai quật mộ cổ là việc làm nguy hiểm, dù tuân theo quy trình chặt chẽ, vẫn có sự cố.
Mới hôm qua, ông tham gia đoàn khảo cổ ngôi mộ ở Vườn Chuối, mộ đơn táng, choán một phần lòng lề đường nên yêu cầu phải giải tỏa. Ngôi mộ này xây bằng hỗn hợp ô đước. Hổn hợp này được người xưa sáng tạo ra gồm vôi, vỏ sò, san hô giã nhuyễn cùng giấy dó, than hoạt tính… trộn với chất kết dính là mật ong rừng, nhựa dây tơ hồng… tạo thành một hỗn hợp dẻo đắp lên quách và mộ, khi khô có màu trắng như vôi, có độ bền hơn cả bê tông cốt thép lại không bị nước hủy hoại. Đục, xà beng bổ xuống, nảy lên, làm bỏng tay. Bảy thanh niên trai tráng làm việc cật lực một tuần liền mới phá dỡ được ngôi mộ. Khi áo quan lộ ra, nó được đóng bằng gỗ tốt đã ngả màu đen xỉn Theo quy trình, phải chuyển quan tài về bệnh viện để khử khuẩn trước và sau khi mở ván thiên. Chuyên gia phòng dịch buộc các nhà khảo cổ mặc bộ đồ phòng hộ kín như phi hành vũ trụ.
Giây phút bật ván thiên làm mọi người ngạc nhiên vì bên trong không có gì đáng chú ý. Không có đồ tùy táng nào quý giá, ngoài chiếc quạt còn trơ lại mười mấy chiếc nan bị mủn khi ông cẩn thận nhấc lên. Không tìm ra dòng chữ, thẻ bài nào của người quá cố. Bộ khung xương lớn, nhưng xốp, vùng xương chậu hẹp, đo thể tích hộp sọ… cho thấy đó là bộ xương của nam giới đã cao tuổi. Tín hiệu ít ỏi để có thể lần ra manh mối người chết là xương cổ bị đứt rời vì lực cơ học và khớp lại khít với nhau, chứng tỏ nạn nhân bị chặt đầu; phù hợp với giả thuyết ngôi mộ khai quật chôn Huỳnh Công Lý, vì ông ta đã bị xử chém.
Ông Đình nâng ly rượu uống cạn, người lâng lâng, mơ màng. Qua màn sương khói, một người dong dỏng, mặc bộ áo quan triều Nguyễn thời Gia Long, mũ đầu hổ chạm thêu kỳ lân. Áo bào màu xanh lục thêu con mãng. Thân đai màu đỏ, thuần bằng vàng, mặt chạm con mãng bốn móng. Tiếng ông yếu ớt như một đoạn băng bị nhão:
- Các ngươi đã phá mộ phần của ta, nhà người sẽ bị trị tội.
Ông Đình toát mồ hôi, đứng dậy chắp tay vái:
- Thưa đại quan, phần mộ của đại quan bị lộ cái quan phạm vào, chính quyền không muốn xe cộ từ xa cứ lao thẳng vào quý mộ, nhất là ban đêm rọi đèn pha vào khiến thất lễ. Đã cho rước vào chỗ yên tỉnh, trang nghiêm; lại yên ổn cho phần mộ của đại quan được vĩnh hằng.
Tiếng vị đại quan mỏng như gió thoảng, nhưng không hiểu sao, ông Đình nghe rõ ý:
- Ta hẹn nhà ngươi tại cù lao Ông Hổ, ở đó có phần mộ của ta…
Hình vị đại quan mờ dần, rồi biến mất như một làn sương khói. Ông Đình bừng tỉnh, nhận ra mình vẫn còn đứng, chắp tay trước ngực. Rượu đã ngấm, qua giây phút bàng hoàng, ông ngã nhào từ lan can tầng một xuống đất. Người đi đường la hét, cuống cuồng đưa ông vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu. Bà con lối phố lo lắng cho người cao tuổi, té từ trên cao xuống, nguy cho tánh mạng. Như có quý nhân phù trợ, ông chỉ ngất, chân phải bị gãy. Sau này, có người còn độc miệng cho rằng do ông tham gia phá mộ Phó Tổng trấn thành Gia Định nên bị ngài trừng phạt.
*
Ông Đình nằm viện gần tháng, được về nhà. Phần xương gãy được bó bột cố định… Ông phải nằm nhà hơn hai tháng mới đi lại được. Thời gian trị chấn thương ông vẫn canh cánh bên lòng lời hẹn của vị đại quan, gặp nhau ở cù lao Ông Hổ. Ở đó mới là ngôi mộ của ông. Thật thế sao? Còn ngôi mộ ông khai quật ở Vườn Chuối, có đầy đủ hài cốt lại không phải là mộ của Huỳnh Công Lý? Thế thì tại sao ông lại cảnh báo “Các người phá phần mộ của ta”.
Suốt thời gian dài, ông Đình cứ vẫn vơ hoài về việc gặp ngài Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý. Ngài hẹn gặp ở cù lao Ông Hổ là ở đâu? Qua xác minh, cù lao Ông Hổ khá nổi tiếng thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ông Đình bàn với con cháu ý định về An Giang tìm mộ Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý. Lúc đầu ai cũng cản, cho đó là giấc mơ huyền hoặc. Vã lại ông còn yếu, đi xa như vậy sức khỏe liệu có đảm bảo. Nhưng thấy ông cứ áy náy hoài, đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên buộc con cháu đổi ý: Thôi cứ cho ông đi, thoải mái tinh thần ông sẽ khỏe ra.
Út thuê xe ta xi chở ông đi. Lái ta xi là một người đàn ông trung niên có đôi mắt lé. Út nghĩ “Nhất lé nhì lùn”, bác tài này có nhiều chuyện để nói đây. Quả nhiên bác tài cởi mở:
- Nước mình kể cũng lạ, nghề nào cũng có thêm phần thu nhập phụ. Thu nhập phụ lại quan trọng hơn thu nhập chính.
- Nghề ta xi cũng có thu nhập phụ nữa sao? - Út hỏi lại.
Bác tài nhấn ga cho xe vượt qua một đoàn xe tải chạy lấn làn xe tốc độ cao rồi mở lòng:
- Không nói giấu gì bác và em, nghề của cháu có cái khoản khách bỏ quên trên xe là thu nhập chính. Có lần cháu nhặt được cái túi bên trong hơn hai trăm triệu đồng. Còn điện thoại khách bỏ quên trên xe thì thường xuyên, có tháng cả bốn năm chiếc.
Sực nhớ chuyện đào mộ, bác tài nói:
- Cách đây nửa tháng cháu chở một đại gia từ sân bay về Phú Mỹ Hưng. Ông ở tòa biệt thự đồ sộ, đắt nhất khu đô thị này. Ông ta làm nghề khai quật mộ.
- Ba tôi có hơn năm mươi năm làm ghề khai quật mộ. Ổng nghèo, ở nhà cấp bốn. Má tôi mất, ổng đến ở với chúng tôi.
- Ông đại gia đó kể những chuyện đi đào mộ ly kỳ lắm. Đội của ông thích đào mộ cổ, vì người xưa hay chôn theo người quá cố tiền, bạc, vàng. Còn đồ tùy táng nhiều thứ giờ trở thành đồ cổ, rất có giá. Nhưng mộ cổ của nhà giàu thường xây bằng ô đước, chắc hơn đá xây. Đội của ổng đã phá được chỉ trong một đêm. Vụ này rất nguy hiểm. Nhưng ở đời, nghề nào nguy hiểm thì mới có thu nhập cao. Những lần khai quật mộ cổ, đội của bác không gặp đồ tùy táng sao?
Ông Đình bật cười:
- Có chứ, nhưng chúng tôi lập biên bản, bàn giao lại cho Nhà nước.
- Sao các bác không để ngoài danh sách đồ quý hiếm? Vậy các bác đi khảo cổ để làm gì?
- Chúng tôi tìm thứ mà có nói anh cũng không hiểu được đâu. Nó rất quý, bằng tuổi này mà tôi vẫn đang tìm, hy vọng là trước lúc về thế giới bên kia tôi sẽ tìm thấy nó - Ông Đình nói một cách bí hiểm.
*
Xe qua con phà nhỏ sang cù lao Ông Hổ. Đến khu bảo tàng di tích cụ Tôn Đức Thắng. Cụm di tích gồm nhà sàn, mảnh vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái, một thời thơ ấu của cụ Chủ tịch Nước. Hỏi thăm mộ Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, người ta chỉ nó nằm ở vườn nhà ông Ba, ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Tức là cũng trên cù lao Ông Hổ này không xa. Nghe vậy, Út dựng tóc gáy.
Ông Ba năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi, tóc râu bạc trắng, vẫn còn nhanh nhẹn. Ông có mảnh vườn khá rộng, bên bờ sông nước đục ngầu phù sa, cuồn cuộn chảy. Giữa đám vườn cây cối sum sê là ngôi miễu thờ Huỳnh Công Lý. Ông Ba đẫn đoàn bước vào miễu.
Bàn thờ, khói trầm nghi ngút trên bát nhang. Sau bộ ngũ sự bằng đồng cổ là cuốn thư bằng đồng. Đỉnh cuốn thư khắc rõ tên và tước vị bằng chữ nôm. Có điều lạ, tước vị để ở dưới tên ngài được khắc khiêm tốn do cỡ chữ nhỏ hơn:
HUỲNH CÔNG LÝ.
Phó Tổng trấn Gia Định
Câu đối ở hai bên cuốn thư: “Thần ân bão ngã dân thái bình” - “Chánh lãnh thiên thu còn để lại”. Hai bên bàn thờ chính còn có bàn thờ tả hữu của ngài tướng quân.
Ngôi miễu nay có từ lâu, khi ông Ba lớn lên đã có rồi, và nhỏ như cái am. Cách đây dăm năm, có đứa cháu dâu ở Vũng Tàu về thăm ông. Cháu chưa biết nhà mà lại đi thẳng ra miễu, cúng vái một hồi, bước ra cửa. Gặp ông Ba, cháu sựng lại, nói to, giọng ồm ồm: “Con lại đây ông biểu”. Những người ngồi trước miễu dõng tai nuốt lấy từng lời: “Qua hai sáu (ngày 26 tháng 5 âm lịch) nầy phá cái miễu đi, làm lại cho to hơn!”. Ông Ba thất kinh, ấp úng “Phá miễu của ông, ai dám…”. Vẫn tiếng oai vệ của người đàn ông: “Đã biểu thì làm, không được hỗn. Tiền bạc không thiếu, làm rộng lớn lên”. Rồi cô cháu dâu ngã vật xuống đất, một lúc mới tỉnh lại.
Tiếng dữ đồn ba ngày đường. Không cần phải đứng ra huy động; tiền bà con dòng họ, người vài trăm ngàn, người khá thì cúng vài ba triệu, có cả những người bà con bên Úc, bên Mỹ gửi về. Họ đều khẳng định có nhiều người nghe rõ ràng Ông về báo mộng biểu gom tiền xây miễu. Quả nhiên trước ngày 26 âm lịch tháng sau, ông có số tiền dư dã để xây lại ngôi miễu như bây giờ.
Còn nhiều chuyện linh thiêng xung quanh ngôi miễu làm ông Đình bán tin bán nghi. Ông nói với ông Ba:
- Hồi tháng giêng, ngài Phó Tổng trấn báo mộng, biểu tôi về đây thăm mộ.
Ông Ba dẫn mọi người ra phía sau miễu. Mộ ông Lý đơn sơ, trồi lên mặt đất chừng ba chục phân, xây cất bằng xi măng. Phía trên mộ phẳng như mặt bàn. Ông Ba nói:
- Hồi trước còn là ngôi mộ đất, cha tôi đã cho xây lại mới được như vầy.
Ông Đình nhớ lại ngôi mộ bề thế của Ngài Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý trên Sài Gòn, khá tốn kém, khác hẳn ngôi mộ đơn sơ nơi này. Ngôi mộ này có thật là của Ngài?
*
Tối đó ông Ba giữ bằng được ông Đình ở lại nhà mình uống rượu vì lý do ông Đình có tư cách là người của ngài Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý phái đến.
Nửa đêm, vị đại quan hiện ra, ông Đình nhận ra đó là Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý. Ngài ngồi đường bệ trên ghế, sắc phục giống hồi ông gặp trên Sài Gòn, tiếng trầm nhưng rõ ràng, khác hẳn với đường nét và giọng nói yếu ớt lúc ông gặp lần trước:
- Khá khen cho ngươi đã làm theo lời của ta.
Ông Đình trộm nhìn, phân vân: Ngài không thật sinh động; đoạn cúi đầu kính cẩn:
- Thưa đại quan, người đời vẫn truyền nhau giai thoại của ngài và Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Hậu thế không biết nội tình, mong ngài cho biết.
Chợt có tiếng người phụ nữ trong trẻo vọng ra:
- Tướng công của ta bị oan.
Một người đàn bà mặc áo lụa trắng thướt tha hiện ra. Bà ta khoảng ba mươi tuổi, tóc dài đen mượt chảy trên bờ vai tròn lẵn, làn da trắng, khuôn mặt thanh tú, môi má ửng hồng, đôi mắt sắc lẽm làm ông Đình bàng hoàng. Trong đời ông chưa bao giờ được thấy một người đàn bà tuyệt sắc khuynh thành đến thế. Ông Đình chưa kịp kính cẩn cúi chào; người đàn bà nói luôn:
- Ta là phu nhân của Huỳnh tướng quân.
Hóa ra đây là bà vợ thứ của Ngài, ông kính cẩn:
- Thưa phu nhân, nhờ cho biết cớ sao Huỳnh tướng quân có mộ trên Sài Gòn, còn nguyên hài cốt trong phần mộ, lại có cả mộ ở đây?
Người đàn bà cao giọng:
- Ngày còn làm Phó Tổng trấn thành Gia Định, Huỳnh tướng quân đánh nhau với quân Chân Lạp ở trấn Phiên An. Duyên tiền định, Ngài gặp ta ngoài đó, rồi hỏi cưới ta làm thứ. Khi tướng quân về thành Gia định, muốn đưa ta theo, nhưng ta còn cha mẹ già, lại vướng chuyện bà cả trên đó nên đành lòng ở lại quê nhà.
Giọng bà chùng xuống:
- Ngày tướng công bị trảm, ta chỉ muốn chết theo. Hiềm nỗi vong linh ngài đang đau đớn chờ thủ cấp chuyển ra kinh đô Phú Xuân, chờ ráp thủ cấp vào thi hài mới di quan. Đường xa xôi, cả tháng trời đi giữa núi đồi, hổ báo có khắp trên đường. Làm sao ta chắc Ngài ra được Kinh đô rồi về lại Gia Định thành. Ta đành cho làm hình nhân của tướng quân mai táng trước. Linh hồn của Người nhập vào mà ở mãi nơi thôn quê với ta. Ta phải sống để thờ phượng chồng…
- Thưa phu nhân, Huỳnh tướng quân ở đây nhìn rõ hơn trên Sài Gòn. Linh hồn của tướng quân mãi mãi bên phu nhân - Ông Đình xác nhận - Có phải Huỳnh tướng quân bị oan khuất?
- Ngươi nói không sai - Giọng bà vang lên đầy uất ức - Tướng công của ta đã từng xông pha hòn tên mũi đạn, trăm trận trăm thắng, được Thế Tổ Hoàng đế khen ngợi, trọng thưởng, giao lĩnh chức Phó Tổng trấn thành Gia Định. Một người không tiếc xương máu, vào sinh ra tử há lại tham ô mấy vạn quan tiền như những lời xằng bậy ư?
- Tổng trấn Lê Văn Duyệt giết oan Huỳnh tướng quân thì phải có điều chi hiềm khích với Ngài?
- Ngươi nói không sai, chỉ tại Tổng trấn Lê Văn Duyệt nghi ngờ tướng công ta trêu ghẹo phu nhân của Lê Công. Đó là do một lần quá chén, Huỳnh tướng quân buột miệng nói ra với thủ hạ sự thật Lê Công liên giới tính. Nam nhi coi đó là nhục lớn nhất, phải dấu kín. Đến tai Lê Công, Tổng trấn chịu hết nỗi, quyết chí báo thù. Lê Công ý đồ thâm hiểm, biết gửi bản tấu cáo bạch Huỳnh tướng quân ra kinh đô, Hoàng đế anh minh sẽ bất lợi. Sẵn có thượng phương bảo kiếm, Lê Công tiền trảm hậu tấu.
Bữa ấy trên đường về, anh tài xế lên tiếng phá tan im lặng:
- Chuyến này bác thất thu rồi. Ngôi mộ bác tìm nghèo, không có gì quý giá để mà khai quật, phải không bác?
*
Trước đây ông Đình vốn là người dễ ngủ, bởi vậy ngoài tám mươi rồi, vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như người còn trẻ. Sau chuyến đi, ông Đình bất an, trằn trọc không ngủ được. Lẽ nào Lê Văn Duyệt lại chấp pháp không nghiêm? Một ông tướng có công vào bậc nhất triều Nguyễn mà lòng dạ nhỏ nhen? Không chịu nỗi sự day đứt, ông Đình tìm các loại sách sử thời Gia Long - Minh Mạng để đọc. Ông để nhiều thời gian vào bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử quán triều Nguyễn từ đời Minh Mạng thứ hai đến đời vua Duy Tân thứ ba biên soạn, khắc in và tìm thấy nhiều điều.
Trận Thiên hạ đệ nhất vũ công đầm Thị Nại rằm tháng Giêng năm Tân Dậu. Lúc Lê Văn Duyệt làm tướng tiên phong chỉ huy đại quân tiến công dữ dội vào các chiến thuyền của quân Tây Sơn do Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng chỉ huy. Bị quân Tây Sơn chống cự mãnh liệt, đại bác bắn xuống như mưa khiến quân Gia Định bị thương vong nặng nề. Tướng Võ Duy Nghi bị đạn pháo bắn trúng, bay mất đầu, giãy đành đạch trên thuyền làm quân Nguyễn hoảng loạn, thối lui. Ngay lúc đen tối đó Nguyễn Vương cho tiểu sai cầm lệnh bài đến ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Lê Văn Duyệt không tuân lệnh vua, vẫn hô hào quân sĩ liều chết xông lên. Nếu trận đó quân Gia Định không chiến thắng thì Lê Công chắc chắn sẽ nhận án chém đầu. Quân Nguyễn toàn thắng, tạo bước ngoặt để quân Gia Định kéo thẳng về Phú Xuân, chiếm lại kinh đô cũ làm nên công trạng của Lê Văn Duyệt.
Một người mưu trí, dũng cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy sao còn có lòng dạ nhỏ nhen?
Thời Huỳnh Công Lý làm Phó Tống trấn thành Gia Định xảy ra tham nhũng, thì Trịnh Hoài Đức đang là Hiệp Tổng trấn rồi Quyền Tổng trấn Gia Định thành. Trịnh Hoài Đức có biết không? Nếu biết tại sao ông ta không xử, không trình tấu về triều đình mà mãi đến khi Lê Văn Duyệt được điều về làm Tổng trấn mới mang vụ này ra xét xử? Chi tiết này càng củng cố thêm mối nghi ngờ của ông Đình. Tại sao Trịnh Hoài Đức đang là Quyền Tổng trấn, một bước nữa là lên chức Tống trấn, cai quản cả một vùng Nam bộ trù phú, lại xa kinh thành, như là vua một cõi thì bị điều về kinh. Có phải Phú Xuân đã biết Trịnh Hoài Đức bao che, hoặc cùng cánh với Huỳnh Công Lý mà bị thuyên chuyển?
Triều Nguyễn không có chức tể tướng để phòng nguy cơ tập trung quá nhiều quyền hành trong tay một người, dễ dẫn đến chuyên quyền. Tấm gương tày liếp thời quyền thần Trương Phúc Loan, làm suy sụp cả triều đình của Vũ vương còn đó. Nhưng tại sao đến thời Minh Mạng trị vì lại phá luật không thành văn này để trao cho Trịnh Hoài Đức hai chức thượng thư của hai bộ cực kỳ quan trọng?
Lê Văn Duyệt và Trung quân Nguyễn Văn Thành đã can Thế Tổ hoàng đế: Anh Duệ Hoàng thái tử (Thái tử Cảnh) mất thì con là Nguyễn Phúc Mỹ Đường nối ngôi mới là đích tôn thừa trọng. Nhưng vua Gia Long đã không nghe lời hai vị khai quốc công thần này. Minh Mạng là thái tử thứ Tư, (Hoàng tử Cảnh, hoàng tử Hy, hoàng tử Tuấn đều nối nhau mất), vẫn được ngôi chí tôn. Không lẽ Minh Mạng lại không để bụng việc này?
Lại nữa, Huỳnh Công Lý có con gái là ái phi của ngài Ngự, liệu ông ta có dám chém đầu cha vợ? Vậy thì so với việc được tiếng quân pháp bất vị thân mà người Trung Hoa kính trọng, sẽ lu mờ với người Việt chỉ vì họ cho rằng cha vợ như cha mình, sẽ mang tiếng là vị vua mất nhân tâm?
Hôm sau, ông Đình tắm gội sạch sẽ vào viếng lăng Lê Văn Duyệt. Lăng Ông nằm trên khu đất cao vum lên như hình lưng rùa, gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Một khu đất rộng, bốn cạnh là có bốn con đường bao quanh đều bố trí bốn cổng theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Qua tam quan, không gian yên tĩnh, dịu mát bởi rất nhiều thốt nốt như cây cọ vươn thẳng lên trời, vượt qua những tán cây cổ thụ rợp bóng, tiếng chim ríu ran.
Tả quân Lê Văn Duyệt mất năm Nhâm thìn (1832), an táng tại đây. Năm1849, thời vua Tự Đức, người cháu của ông xây dựng miếu thờ gồm ba gian nhỏ. Sau nhiều thời kỳ xây dựng, trùng tu, Lăng Ông mới có diện mạo to đẹp gồm tiền điện, trung điện và chánh điện như ngày nay.
Ông Đình thắp nhang lạy trước bàn thờ Tả quân và bàn thờ các quan tả hữu. Bức tượng tả quân bằng đồng uy nghi toát lên nét nghiêm nghị, quyết đoán. Ông ra trước lăng viếng mộ quan tổng trấn, ngôi mộ được xây bằng vật liệu ô đước vẫn giữ được màu trắng toát qua mấy thế kỷ nắng mưa. Cạnh mộ của tả quân là mộ của bà Đỗ Thị Phận, vợ ông. Hai ngôi mộ như hình hai con rùa song đôi nhau ngàn thu yên nghỉ. Ông Đình thắp nhang rồi bước lại bái đình trước mộ, kính cẩn cúi đầu.
Một làn gió thoảng đưa mùi hương đến khiến ông Đình lơ mơ. Ông cứ quỳ trước ngôi mộ ngài như hóa đá. Đại quan dáng người nhỏ bé, rắn chắc đến bên. Ông đội mũ thường triều đầu hổ, trang sức nhiều mảnh vàng lấp lánh. Áo bào sắc tía. Ông thắt đai màu đỏ, mặt đai chạm con mãng bốn móng. Xiêm của ngài màu xanh, thêu hoa đỏ và tiên hạc màu vàng. Ngài đi đôi hia màu đen, bước đi thoăn thoắt. Khuôn mặt ngài thon nhỏ, cằm nhọn, chiếc mũi thẳng, chuẩn đầu che kín hai lỗ mũi, miệng rộng, tai to, thùy châu dài, khỏe khoắn và oai vệ. Ngài có đôi mắt to, hàng chân mày mảnh như chân mày phụ nữ thời hiện đại. Giọng hơi the thé, ngài phán:
- Ta biết trong lòng nhà ngươi vẫn đang hồ nghi tội của Huỳnh Công Lý.
Ông Đình cúi đầu:
- Dạ thưa tướng quân, quả là hậu thế vẫn còn phân vân về việc này mà không biết hỏi ai.
- Hồi Huỳnh Công Lý làm Tả thống chế quân thị trung đã lợi dụng chức vụ, bắt quân lính xây nhiều lò gạch bên bờ sông Hương để thu lợi riêng nên có nhiều người dâng sớ tấu trình. Ngựa quen đường cũ, đến năm Canh Thìn, (1820) ở Gia Định lại có nhiều đơn trình bẩm nói Huỳnh Công Lý tham lam, số tiền lên đến ba vạn quan. Luật tiên triều ghi: người nào tố giác không đúng sự thật sẽ bị nghiêm trị, vì lẽ đó, rất ít người tố giác sai. Ta đã cho người đi điều tra cẩn thận mới dâng sớ về triều đình. Hoàng Thượng cẩn trọng cho quan bộ Hình vào Gia Định điều tra lại.
Tả quân ngậm ngùi:
- Hậu thế có rất nhiều kẻ viết sách báo, có cả tuồng nói xằng rằng ta tự ý dùng thượng phương bảo kiếm chém đầu Huỳnh Công Lý rồi mới tấu trình. Người đi theo ta.
Ông Đình bỗng thấy người nhẹ bỗng, bay vut vút trên không trung, những dòng sông, những ngọn núi, những cánh đồng lướt nhanh phía dưới. Chớp mắt họ đã đến kinh đô Phú Xuân. Kinh thành tấp nập, trên bến dưới thuyền san sát. Lá đại kỳ bay phấp phới trên Đại Nội. Ông Đình thấy mình ở trong điện Cần Chánh. Ông ngước nhìn một vòng nội điện rực rỡ nơi thường triều của trung ương nhà Nguyễn. Rường cột, đòn tay, liên ba… bằng gỗ lim, chạm trỗ, trang trí tinh xảo, sơn son thếp vàng. Trong điện trưng bày nhiều cổ vật lạ đẹp mang mầu sắc tự nhiên…
Đang buổi thiết triều. Vua Minh Mạng ngồi trên ngai vàng lấp lánh nơi chánh điện, ngài đội mão xung thiên, có nhiều con rồng vàng quấn quýt cạnh các viên ngọc đỏ, trắng, lóng lánh. Ngài mặc áo long bào thêu rồng 5 móng, trang trí hồi long triều nhật. Ông Đình nhìn thấy các chữ Phúc Lộc Thọ, theo lối chữ triện được thêu nổi trên áo ngài. Ông không dám nhìn kỹ mặt rồng, chỉ thoáng thấy khuôn mặt uy nghiêm, tươi nhuận, mũi cao, mắt sáng, lộ rõ một vị vua uy nghiêm và sáng suốt.
Dưới điện đại quan Trịnh Hoài Đức đang quỳ. Ông mặc sắc phục ban văn, mũ phốc tròn, trên mũ có cầu vàng, đính đóa hoa bằng vàng, áo bào thêu tiên hạc, thắt đai thân sắc đỏ, đi đôi hia màu đen, đầu vuông, tất gấm, tay cầm hốt ngà. Ông có khổ người to lớn, khuôn mặt phương phi, chân mày dày rậm, râu dài, mũi thẳng, mắt sáng. Dưới sân chầu, bá quan văn võ đang đứng thành hai hàng, trang nghiêm.
Giọng vua Minh Mạng vang như chuông:
- Khanh từng lĩnh tổng trấn ấn vụ thành Gia Định, chắc hiểu rõ dân tình trong nớ. Hiện chừ có nhiều người dâng sớ nói Phó tổng trấn thành Gia Định là Huỳnh Công Lý, tham nhũng, lạm quyền. Tổng trấn Gia Định Thành cũng vừa dâng sớ lên cho trẫm. Lý là người nhiều công làm trẫm chưa thể định được tội để xét xử thấu tình đạt lý…
Quả như Trịnh Hoài Đức tiên liệu, Huỳnh Công Lý là người có nhiều công lao, nhất là thời làm phó Tổng trấn, đánh thắng giặc Sư Kế - kẻ lôi cuốn được hàng ngàn người Chân Lạp bởi mê tín kéo sang đánh phá trấn Phiên An. Trước đó, tướng Đào Quang Lý mang năm ngàn quân đi đánh dẹp, mấy trận đều thua. Huỳnh Công Lý cũng có công lĩnh 10 vạn dân binh đào An Thông hà và Bảo Định giang, mang lại nhiều lợi ích giao thông đường thủy cũng như tưới tiêu, giải lũ cho miền Tây Nam bộ. Nhưng chính trong thời kỳ đào kinh này, Công Lý đã nhũng nhiễu dân binh, ăn hối lộ nhiều vạn quan tiền. Thời gian này Trịnh Hoài Đức đang là Hiệp Tổng trấn rồi Quyền Tổng trấn thành Gia Định, có biết chuyện của Huỳnh Công Lý, nhưng chưa có đơn tố giác. Nay Lê Văn Duyệt có bản tấu trình. Huỳnh Công Lý, dựa vào thế là cha vợ vua mà tiếp tục làm liều chăng? Liệu ngài Ngự có muốn làm đến cùng vụ án này hay đang nhờ mình tham mưu cho ngài gỡ rối? Nghĩ nhanh như vậy, Trịnh Hoài Đức khẳng khái tấu trình:
- Bẩm bệ hạ, thần trộm nghĩ bệ hạ cử Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh vào Gia Định điều tra cẩn thận rồi xét xử, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý sẽ tâm phục khẩu phục...
Cả sân rồng tả hữu lặng im phăng phắc.
Vua Minh Mạng chau mày nghĩ ngợi: Duyệt quả là cao tay, ông ta trình tấu vụ Huỳnh Công Lý cho ta phán xử, để tỏ ra người chấp pháp thận trọng. Có thượng phương bảo kiếm trong tay, ông ta được tiền trảm hậu tấu, nhưng không làm không phải để tỏ lòng tôn kính, mà ông ta sợ miệng tiếng thế gian. Còn ta không sợ miêng lưỡi thế gian ư khi xử tử cả cha vợ? Người khôn quá cũng lại làm khó cho ta.
Nghĩ lại, mấy bữa nay Huệ phi khóc lóc van xin ta tha tội cho cha nàng. Nàng tâu, phụ thân nàng bị Duyệt tư thù. Họ Lê muốn nhân cơ hội này trừ khử đối thủ. Nàng dám nói lên điều đó bởi nghĩ rằng ta không ưa gì Duyệt vì năm xưa Tả quân không muốn ta lên ngôi. Đành rằng nàng sắc nước hương trời hơn hàng trăm phi tần của ta. Nếu cha nàng bị trảm thì nàng không thể ở lại trong cung. Mất nàng, như mất một báu vật duy nhất trên thế gian này! Nếu nàng hiểu cho ta không thể để mất thanh danh của vương triều vì một người cha vợ tham lam quá mức làm hại dân đen; các quan khác theo gương xấu của cha nàng, giang san sẽ rơi vào loạn lạc. Qua lời tấu, ta càng hiểu được ý của Trịnh Hoài Đức.
Nhớ lúc Đức đang là Quyền Tổng trấn Gia Định, việc lên chức tổng trấn chỉ còn một bước, nhưng ta đã điều Duyệt về thay cho Đức. Bù lại ta cho Đức giữ chức thượng thư hai bộ to nhất trong triều mà trong lòng vẫn chưa hết phân vân. Đức vẫn có thể tiến cử cho ta một ông quan có tư thù với Duyệt để vào điều tra, làm thay đổi tội danh Huỳnh Công Lý? Đây là cơ hội họ Trịnh trả thù họ Lê, nhưng ông ta lại không nắm lấy.
Đức đề cử Thịnh vào điều tra vụ này là công minh. Lẽ ra Đức đề cử Lê Bá Phẩm, Thượng thư bộ Hình, những Phẩm già ốm, đã xin từ quan, nhưng ta chưa cho nghỉ, bởi vậy Thẩm không đủ sức khỏe mà vào Gia Định. Thịnh là một người chấp pháp nghiêm minh, rất trung thành, được Tiên đế khen ngợi khi làm tri phủ Thái Bình. Nếu cử Thịnh vào điều tra, thì tội trạng không được bỏ qua mà quần thần sẽ tâm phục khẩu phục. Kế của Đức giúp ta giữ nghiêm phép nước mà không để mất nhân tâm. Trịnh Hoài Đức, làm quan mà biết buông bỏ tình riêng để lo việc lớn của xã tắc, lẽ nào ta là vua một nước mà vẫn còn lấn cấn việc năm xưa Duyệt đã không muốn đề cử ta nối ngôi. Lại còn mũi lòng chuyện thê thiếp? Sao ta không là một ông vua công minh, làm gương cho trăm họ, cho hậu thế?
Hoàng thượng đưa ánh mắt nhìn các quan văn võ đang kính cẩn chờ đợi vua giữ nghiêm phép nước như dân cày lúc trời hạn mong mưa, cương quyết phán:
- Trẫm chỉ dụ cho Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh, vào Gia Định điều tra lại.
- Hoàng thượng thánh minh! - Bá quan văn võ đồng thanh cất lên vang dội.
*
Ông Đình giật mình bừng tỉnh. Nén hương đã cháy tàn mà mùi thơm vẫn còn sực nức. Ông ngơ ngẩn nhìn vào bức bình phong hậu có đắp nổi hình con rồng, bốn móng chân như đang cào vào hư vô. Xao xuyến kỳ lạ, ân hận vì có lúc dại dột nghi ngờ Tổng trấn Lê Văn Duyệt, người đã được dân thờ, dù ông biết rằng việc xét lại lịch sử sẽ chỉ làm cho lịch sử được rõ ràng hơn, khắc sâu hơn… Ông đứng lên lòng đầy hứng khởi giơ hai tay về phía bình phong tiền của ngôi mộ có hình Lưỡng long tranh châu như đón nhận hạt minh châu đang tỏa sáng muôn màu muôn sắc. Ông vô cùng hạnh phúc, vì cuối đời đã thấy báu vật, không phải dưới đáy mồ sâu.
Nguồn: Văn nghệ số 35+36/2021
Bình luận