- Truyện ký - Tản văn
- Ngài Nghệ chơi phây
Ngài Nghệ chơi phây
VĂN CÔNG HÙNG
Phây búc thì giờ cả triệu người chơi mỗi ngày, ai cũng như ai, có gì đâu lạ mà lại tách riêng ra “Ngài Nghệ chơi phây”, là tôi tự hỏi mình khi tự nhiên lạc vào rừng phây của ngài xứ Nghệ.
Tiếng nói người Việt nặng dần về phía Nam. Tôi không rõ lắm giới ngôn ngữ họ giải thích hiện tượng này như thế nào, nhưng cái hiện tượng càng đi về phía Nam tiếng người Việt nặng dần là có thật. Qua khỏi đèo Tam Điệp, bước vào đất Thanh Hóa là tiếng bắt đầu khác, như là bước đệm để đến xứ Nghệ là trọ trẹ. Hết xứ Huế, gặp con đèo Hải Vân thì giọng trọ trẹ dừng lại nhường cho giọng Quảng, rồi cứ thế vào tới Cà Mau, một kiểu tiếng/ giọng về cơ bản là tương đương nhau.
Người Nghệ cùng nhóm với Tĩnh, Bình, Trị, Thiên là quãng đệm giữa giọng Bắc và giọng Nam.
Nó có cái lạ đầu tiên là thế này, các giọng khác rất khó chuyển thành giọng Bắc, nếu chuyển nó lơ lớ, rất khó nghe, thành pha tiếng ngay, ăn chửi ngay (chửi cha không bằng pha tiếng). Trừ giọng Nghệ.
Người Nghệ mà ra Hà Nội thì có thể nói tiếng Hà Nội chuẩn được, vào Nam thì ít hơn nhưng tôi cũng đã từng ngồi với một ông nói đặc giọng Sài Gòn, cứ tưởng ông gốc 3 đời Sài Gòn, tới lúc hỏi kỹ, ổng mới Sài Gòn hai chục năm.
Hôm nọ ông bạn phây Ngô Đức Hành, quê Trảo Nha nên có thời lấy nick “Dân Trảo Nha” thông báo trên phây mừng hai ông nhà báo ngài Nghệ nhậm chức mới. Ông Minh Tổng biên tập báo Nhân Dân thì tôi mới nghe ổng trả lời phỏng vấn, ông Minh truyền hình quốc hội thì từng là biên tập viên nói trên sóng hàng ngày. Và cả hai ông đều tiếng bắc chuẩn, nhẹ và dẻo, trong và mượt. Nếu ông Ngô Đức Hành không nói thì không ai biết các ông là ngài Nghệ.
Lại mấy cô biên tập viên xinh đẹp dẫn chương trình trên truyền hình quốc gia, cũng dân Nghệ, cô dẫn Đường lên đỉnh Olimpia, cả cô mới và cô cũ, cô dẫn Chúng tôi là chiến sĩ vân vân ôi giời, nếu không nói thì không ai biết các cô ấy dân Nghệ.
Hôm chung kết chương trình “Đường lên đỉnh Olimpia” năm 2021, cô dẫn chương trình đầu cầu trường Phan Nghệ An là MC Vy Khánh cũng xổ 1 tràng tiếng Nghệ trong khi đang dùng tiếng Bắc rất chuẩn. Và đã phát thanh viên hoặc dẫn chương trình VTV thì phải tiếng Bắc chuẩn.
Lại mấy cô nhà báo vừa tài vừa xinh vừa trẻ tôi quen, cũng Nghệ, đang sống ở Hà Nội, cũng tiếng Bắc véo von, nhưng khi có điều kiện tụ với nhau thì líu lo giọng Nghệ ngay, là nỏ là rành, là mi tau chắc trốôc cúi cươi ngay...
“Cái dân Nghệ, tỏa đi khắp thế giới, mần đủ nghề, sống đủ kiểu, nhưng cấy gốc Nghệ hắn kinh lắm”, một anh bạn Nghệ vừa ăn cháo lươn Vinh với tôi tại Pleiku vừa nói dù tôi biết thừa, cái gọi là lươn Vinh ấy ngay ở Vinh cũng không phải lươn Vinh, bởi thành phố Vinh thì lấy đâu ra lươn, huống gì Pleiku, nhưng cái thương hiệu ấy nó lừng vang rồi, cũng như tên cam Vinh nhưng nó lại ở Nghĩa Đàn chẳng hạn.
Thì cái dân Nghệ ấy, tài là, họ tạo ra một hệ ngôn ngữ Nghệ trên phây. Họ tôn vinh tiếng Nghệ, cả những từ phương ngữ một thời có người cố giấu khi ra phố, những từ mà ngay cả người Nghệ nhưng không ở nông thôn có khi cũng chả biết, giờ trở thành ngôn ngữ... toàn quốc.
Các nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Cát, Nguyễn Bùi Vợi... từng làm những bài thơ về tiếng Nghệ rất nhiều người thích, nhưng đến một cô giáo dạy toán ở Cần Thơ là dân Nghệ gộc, làm một bài thơ tiếng Nghệ đăng trên phây có hàng triệu lượt người đọc, hàng vạn lượt chia sẻ thì tiếng Nghệ đã trở thành... một thế lực:
“CHÈ CHÁT HƯƠNG QUÊ: Ả ơi, cu ơi, hoe gì ơi/ Chè xanh trên rú, bứt rành tươi,/ Đem ỏm vô bình, nóng bỏng lại/ Bàn ghế rinh ra để trửa cươi!/
Mời ả mời anh qua uống nác/ Điếu đóm bên ni đạ sặn sàng/ Bật lả của tui ga hấn hết/ Thuốc lào bác cụng nhớ đưa sang!/
Rọng bừa chưa nạ, khi mô cấy/ Vưng, lạc, độ xanh… được mấy lô?/ Mùa ni nhà mự mần năng nấy?/ Nắng ri, phơi ló chắc mau khô!/
Tru của thằng tê ăn dưới hói,/Trụt chạc chạy vô, chận troạng nương!/ Hấn mà nỏ sửa, cho ăn mói/ Cà cưởng với tui, cức muốn dơng/
Gấy con nhà bác ra răng hậy?/ Nhà nớ du ngoa chưởi mụ gia/ Thằng nhôông chộ rứa, cho hai vả/ Cha tổ cha cha, hấn ả nà!/
Ôông mụ tê tề, vưa đập chắc/ Chắt nớ vô Nam, để gấy rồi/ Con dượng chi chi, rành lớp tớp/ A rứa bỏ truông, khái hấn lôi!/
Nắng nôi ra rứa ngài rành nhọc!/ Cơm cênh mà hại, nót cò vô/ Bổ cấy toạc chưn khi gánh ló/ Trốc cúi, ắc lè… sót lộ mô!
Con nớ vơ trời, ngong rành sọi/ Nỏ biết nhà ai đạ bỏ trù/ Thằng cháu ả hoe rành hợp chắc/ Nậy rồi, cứ hỏi hấn mần du!
Con o chắt ở khu công nghiệp/ Côông lắm tóm ngài, lưa nạm xương/ Lại thêm cấy bệnh hay đau trôốc/ Nhủ nghỉ… va còn tiếc trự lương!
Về quê một chắc, khi mô đó?/ Túi xuông mà nhởi ở nhà choa/ Ga, vịt trong truồng lưa bảy ổ/ Sặn nhút, lộc thơm, rượu của nhà!
Chú ở ngoài tê, gưn có chộ/ Các bác trung ương họp nói chi?/ Bàn răng vận cứ bầy tui khổ/ Nhật, Hàn, Mỵ, Úc sướng ra… ri!
Ngong cảnh ti vi, thương đứt rọt/ Đánh bom, khủng bố nỏ trừa ai,/ Ác chi ác lạ quân…IS/ Tắn độc, quỷ ma khác giống ngài!
Ngay mốt mự đi cho bác gưởi/ Có lượng hành tăm, chục trớng ga/ Kèm thêm mấy cổ gầng, chanh lá/ Trong nớ mần chi sặn như ta!
Bên đọi nác chè xanh sóng sánh/ Nửa đúa khoai lang, địa mói vừng/ Lạc loọc một tô, dăm mánh bánh/ Ta, Tây, làng, xóm…chuyện vòng quanh!
Vơ trời, tôi học đại học Ngữ Văn, đi rất nhiều nơi, nghe hiểu rất nhiều thứ tiếng địa phương, phương ngữ, có thể phân biệt được tiếng Ninh Bình với tiếng Hà Nam, mà đọc bài này xong, ung trốốc thật. Cô giáo này mãi gần đây tôi mới biết tên thật là Phương Lan, giờ về hưu nhưng vẫn... hăng hái làm thơ đăng phây, có rất nhiều bạn phây họa với cô.
Giờ lại cũng có cái mốt, không phải dân Nghệ nhưng khi viết phây, hay đệm tiếng Nghệ, như nạ, cụng, ngài, rành, sèm vân vân, và người đọc đều hiểu chứ không như ngày xưa cứ ngơ ngác không biết hỏi ai?
Chưa hết, tiếng Nghệ còn “đồng hóa” tiếng Bắc mà trường hợp cụ thể nhất là nhà văn Phạm Thùy Vinh, tổng biên tập Tạp chí Sông Lam. Cô này người Thái Bình, lấy chồng Nghệ, về Nghệ sống, và giờ nói đặc giọng Nghệ đã đành, viết cũng rất Nghệ. Nếu không biết trước, khi gặp nói chuyện cứ nghĩ bạn này Nghệ ba mươi đời.
Trong số những ngài Nghệ có công truyền bá tiếng Nghệ lên phây không thể không nhắc tới “phây thủ” Phạm Xuân Cần. Ông ni không cần giới thiệu thì nhiều con dân xứ Nghệ cũng biết. Cái cách ông viết bằng tiếng Nghệ hắn như ri: “Ôi giời! Tau nói thật với mi anh nhà choa hiền quá đi. Đàn ông thì phải mạnh mẹ, chơ đằng ni thật nỏ ra răng cả. Thà thỉnh thoảng hắn phang cho gộc, chơ hiền quá ra ri tau cũng chán!
Đến lượt vợ mình:
- Rứa thì không bù cho ông Cần nhà tau. Suốt ngày lầm lầm lì lì. Ra xạ hội phét lác ở mô, chơ về nhà cả ngày có khi nỏ nói một câu. Mà, có nói thì cụng như chặt trốc ếch. Nỏ tình cảm chi cả”.- Một đoạn ông tả vợ ông nói chuyện với bạn trên phây của ông. Đọc rất thú và ai cũng hiểu, đầy phương ngữ nhưng lại cũng rất phổ thông.
Một ngài Nghệ nữa là nhà thơ Nguyên Hùng, giờ đang ở Sài Gòn cũng rất miệt mài truyền bá văn hóa Nghệ trên phây. Mà chả cứ ông Nguyên Hùng, và nếu liệt kê những người như ông Nguyên Hùng e phải cả ngày, bởi tất cả những ngài Nghệ dẫu xa hay gần quê, thì họ luôn cảm thấy trách nhiệm cao cả của họ là truyền bá văn hóa Nghệ, tiếng Nghệ, dẫu có thể tiếng Nghệ giọng Bắc hoặc Nam. Hà Nội có hẳn một hội “úp mặt sông quê” nghe tên đã biết ngay Nghệ dù thủ lĩnh nhóm này là ông Ngô Đức Hành, dân Trảo Nha, Hà Tĩnh, và trong nhóm có nhiều ông không Nghệ nhưng bị Nghệ đồng hóa.
Các quan chức xứ Nghệ cũng rất cởi mở khi chơi phây. Nhớ năm kia năm kìa gì đấy, một bạn nhắn tôi: cái người vừa còm vào nhà anh ở bài ấy là phó bí thư trực tỉnh Nghệ An đấy. Ôi giời tôi nể. Nhiều tỉnh, các bác cũng chơi nhưng cứ lén la lén lút. Lại anh bạn Võ Văn Dũng, thời làm bí thư thị xã Hoàng Mai, dùng phây để làm việc rất tốt. Chính anh qua phây nhắn cho tôi biết 600 năm trước, ông tổ của tôi là người Hoàng Mai, và sắp giỗ tổ tôi nên về nhận tổ. Trước đấy tôi cứ nghĩ mình là người Huế, và gốc thì là Chăm như giáo sư Trần Quốc Vượng nói với tôi. Giờ là phó ban Tuyên giáo tỉnh ủy, anh vẫn chơi phây như một phần công việc của mình.
Thì ông thủ tướng Singapore năm nào ở một hội nghị thượng đỉnh đã gom mấy ông nguyên thủ lại, có thủ tướng Việt Nam, seo phi một nhát rồi đăng phây. Ông Trump không phây nhưng chơi Tuýt tơ (Twitter), còn để điều hành cả nước Mỹ một thời...
Bài trên báo Nghệ An số tết 2022, xuân Nhâm Dần.
Nguồn: https://www.vanconghung.com/.
Bình luận