TIN TỨC
icon bar

“Nhân” và “nghĩa” với Sài Gòn trong thơ Đinh Nho Tuấn

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-06 17:47:48
mail facebook google pos stwis
248 lượt xem

TUẤN TRẦN

Thơ Đinh Nho Tuấn (ĐNT) luôn có cảm tưởng về sự phôi pha. Cho nên dấy lên cuộc lật trở cho níu giữ hôm nay. Thơ Đinh Nho Tuấn luôn gắn chặt con người với thời/không gian, nơi chốn, mối liên thông, cộng hưởng giữa người và vũ trụ được quan sát từ cụ thể đến trìu tượng, cận gần đến phóng nhãn tuyến ra xa.

Nghệ thuật là tiếng lặng của lịch sử trên dòng thời gian vồn vã hay mảnh vải tự nhiên mang nét thêu thùa của trí tưởng. Nghệ thuật thơ Đinh Nho Tuấn luôn là vậy. Tiếng thơ anh luôn âm thầm, thủ thỉ những lời tự thuật đẹp đẽ. Tiếng thơ anh có sự lênh đênh lưu lạc, chứa đựng một nỗi chìm lặn tìm cầu danh phận nơi xứ người. Cuộc đời như sợi dây thun, đàn hồi, co giãn, chùng căng như muốn đứt lìa mà chẳng được phân rã:

Hai thi phẩm còn chưa “ráo phím” viết về nhân nghĩa đất phương Nam mà ĐNT mới đăng đàn để lại cho tôi những dấu ấn nội tâm vô cùng sâu sắc. Trước hết, là sự đồng điệu của những kẻ mang tâm thức của “gió” phải “bay” như cánh chim trời khát tự do và tất nhiên phải “đối mặt” với cú “đùa ác” giữa bời bời không trung. Sài Gòn (SG), cao đẹp, mênh mông, bao la tình người và tài nguyên sinh tồn. Nhưng Sài Gòn cũng không “dễ dãi” tiếp nhận những đứa con. Luôn có những thử thánh, những đòn đau giáng xuống tấm thân trần của kẻ vô lực, buộc họ phải thấm đẫm nỗi đau của khát vọng tồn tại và đẹp đẽ. Khi đã đủ “mặt dày mày dạn” SG mới hiền hòa ôm mang…

Cảm tưởng khuôn mặt SG như gương mặt của tiền/ cố nhân. Những gương mặt từ chốn thân thiết từng lưu trú nơi tuổi thơ ám mộng. ĐNT tạo cảm gương mặt của hôm nay qua dung dáng xưa cũ. Gợi lại một miền neo đậu, một chữ “hiến nhân” trong sâu thẳm tấm lòng.

Khi tôi viết bài thơ về thành phố 

Tôi thường nghĩ về những ngôi sao đổi ngôi 

Lúc sáng và lúc tối 

Tựa những đời người 

 

Khuôn mặt Sài Gòn 

Sao phảng phất khuôn mặt ông bà, cha mẹ tôi đến thế 

Những xóm nghèo già nua, khắc khổ 

Những con rạch đăm chiêu 

Những đường gân xe chạy ngoằn ngoèo khu phố 

Đêm đêm 

Tiếng ầm ì hơi thở gian truân

Thơ ĐNT đã làm tốt và làm nốt nghĩa vụ lớn nhất của thi ca là thấu cảm chữ “Nhân”, nhân đạo hóa kiếp người và nhìn vào chiều sâu bi kịch, vào cõi tinh thần của nhân sinh. Bài thơ đã “chú mục” nỗi đau thế thái nhân tình. Hình tượng của gian truân kiếp người, nông nổi bọt bèo, của nhàu nhĩ, khắc khổ được gợi tả bắt chặt người và cảnh tạo nên cái bức bối của không gian, lẫn những đa sự mưu sinh.

Cảm xúc thơ được chuyển đổi một cách đột ngột mà rất duyên dáng, nhịp nhàng. Từ chữ hiếu sang chữ tình, từ cái thương xót, trân quý sang cái cái ngọt ngào, thấm đượm như hoa. ĐNT đã tìm ra trong cõi sống cằn cỗi đó nụ chồi của sự nâng niu, thưởng thức. Chút tình tri ân và cõi lòng cao đạo đã khiến ý thơ giàu “sinh quyển”. Như cánh chim gặp đà bay, đôi cánh rẻ lối đường mây:

Khuôn mặt khác của Sài Gòn

Là khuôn trang người tôi yêu khắc họa 

Lấp lánh hạnh phúc 

Tươi vui và mãnh liệt 

Tay em đầy dấu nắng khuya 

Lời của em, lời nào cũng gió 

Chồi biếc và màu xanh 

Mùa Xuân dệt em tơ lụa 

 

Khuôn mặt Sài Gòn

Lấp loá như bao khuôn mặt 

Còn in dấu 

Những ngày thăm thẳm đêm 

Ngày hồi sinh 

Phố xá rùng rùng đứng dậy 

Những công trình trẩy hội 

Chạy đua thời gian 

 

Tôi biết tôi đã áp khuôn mặt mình 

Vào hơi thở Sài Gòn, khuôn mặt 

Cái nắng, cơn mưa là vòng tay ôm chặt 

Bao phận người và tôi.

                                    (Gương mặt Sài Gòn)

Sang thi phẩm Thành Phố của tôi, Sài Gòn hiện ra trên thân như những “gánh”. Đặt trên thân người những nhọc nhằn mưa nắng. Nhưng đó là gánh mưu sinh, tình người, gánh hi sinh thầm lặng. Gánh cuộc đời trên “mình hạc xương mai”:

Sài Gòn 

Ăn nắng để xanh

Khoác mưa ấm gió 

 

Ban mai 

Bên quán xôi 

Nâng ly cà phê thơm nóng 

Những người lao động 

Trầm ngâm ngắm khuôn mặt mình 

 

Như bạn, tôi đến đây với đôi tay 

Thành phố không chê tôi quê kiểng 

Tôi được làm chính mình 

Người dang đôi cánh Hạc*

Chở che ước mơ tôi 

 

Thành phố của những thế hệ cha ông đời giăng trên đất 

Bằng mồ hôi, máu người Nam Trung Bắc 

Bằng tiếng khóc của bà mẹ chiến binh 

Tấm tức hơn ba thế kỷ 

Thời gian làm phương thuốc hồi sinh 

 

Những con đường rầm rì không chịu chui vào đêm 

Ánh trăng đẫm từng con phố 

Tựa ngàn xưa Sài Gòn khó ngủ 

Bài hát cũ long đong 

Trên cả hai phương diện, hiện thực và tâm thức. Người SG chưa bao giờ chui vào bóng tối. SG là sống về đêm, càng đêm tối càng phô bày ra ngàn tiếng nói hình sắc. Những thân phận đang cần mẫn mưu cầu dục vọng. SG là nơi con người tìm đến để sống trước đã rồi mới viết. Và khi sống đớn đau bao nhiêu thì con người càng da diết thiết đời bấy nhiêu.

Bài hát thức đêm 

Đồng hành cùng bàn tay khối óc 

Giọt giọt mồ hôi hoà mưa mặn chát 

Thức dậy những công trình

ĐNT đã nhìn SG trong đêm, để thấy được “ngã rẻ” thân phận, thấy sự giằng co thiện- ác. Thấy được bản chất thực sự của những con người, có đớn hèn, thanh cao. Có vinh, nhục, hận sầu. Nhưng “chân lý ở trên đầu nhân loại”. Trước thời gian, lòng người vẫn nương neo, trên gương mặt, bàn tay vẫn nổi những đường gân xanh nhưng nhức tình đời, tình người…

Sài Gòn 

Không mùa đông, mùa thu 

Hai vai mang hai bình nắng 

Hai bình mưa 

Nghiêng xuống những phận người thầm lặng.

"Nghiêng xuống bao phận người thầm lặng": Sài Gòn đã thầm thỉ nằm nghe mưa nắng, bão giông lịch sử. SG trong thơ ĐNT có "tịch dương phận người". Phải chăng! những nhịp điệu thời/ không bức bối, buồn thương đang âm thầm nuôi nấng khối sầu đẹp đẽ.

Hai bài thơ "phô bày" gương mặt SG trong đêm. Nỗi niềm kẻ đơn chiếc mưu sự. Những gương mặt đời úa nhợt thời gian. Những thân phận bán sinh bán tử trong vòng tròn niên hạn của cuộc sống. Sau tất cả, tiếng thơ bật ra tiếng rao lanh lảnh máu thịt của người giữa đời, của nhà thơ giữa chợ thời (bao lật trở, thăng giáng). Lặng lẽ, chiêm nghiệm, bao dung....

Ở đâu trên trái đất này! Không buồn, không khổ nói nghe coi? Hai bài thơ thở tan loãng tiếng hình người ngàn năm gọi khổ. Hình ảnh thơ nhìn vào cái sâu khuất, cái bi thương của những thân đày biệt xứ. Cũng chỉ có nơi văn chương, nỗi khổ niềm đau của con người mới được gọi tên, vỗ về, lắng nghe, thấu cảm. Bài thơ diễn ngôn về sự hình thịnh của SG hôm nay, từ những mặn chát của ngày hôm qua. SG trong thơ ĐNT cũng như "hợp chủng quốc" lấp lánh máu tươi và cả lệ sầu. Lấp lánh sự sống của bao lớp người Bắc/ Trung / Nam tựu về xây- chống, cất- nâng...

Hai bài thơ không dài nhưng đủ. Đủ để lòng người “hoang hoải”. Thấm lắng cái vị đời đắng đót và dấy lên niềm hạnh phúc tuột cùng bởi những “châu báu” mà đời sống trải nghiệm đã ban phát. Sau tất cả, SG đã ban ơn cho tác giả, cho anh, cho em, cho tôi, cho chúng ta. Cho những úa tàn, máu xương, nước mắt, tiễn biệt được kết tụ, đơm bông và nở ra những thơm thảo tình người từng ngụp lặn đáy bể. Sự cắt tỉa và ý thức gọt đẽo âm, hình, ý, vị đã tạo nên một diễn đạt mạnh mẽ, dứt khoát, cảm xúc được phô bày mạch lạc. Nỗi đau và niềm hạnh phúc trần tình phơi trải ra đầy lạc quan, thấm thiá như “bài ca rầm rì ru đêm”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm