- Nhà văn & Góc nhìn
- Nguyễn Trường viết về quê hương và người lính
Nguyễn Trường viết về quê hương và người lính
Mới đây, trong cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ giai đoạn 2015 - 2017, nhà văn Nguyễn Trường đã giành giải nhất với chùm tác phẩm: “Quà tặng tương lai”, “Vương quốc mộng mơ”, “Mùa thanh long”. Là một cây bút chủ yếu viết tiểu thuyết, lần này Nguyễn Trường bất ngờ nhận giải thưởng cao ở thể loại truyện ngắn. Câu chuyện của anh là chuyện một người lính cầm bút.
Bắt đầu từ nỗi nhớ về mẹ
Nhà văn Nguyễn Trường tên thật là Nguyễn Xuân Trường, sinh năm 1959 tại một làng quê bên bờ sông Mã ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Mười sáu tuổi, chàng trai xứ Thanh lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Đóng quân ở Đồng Tháp Mười, anh bắt đầu viết cả truyện ngắn và thơ. Đi qua cuộc chiến tranh đến ngày toàn thắng, Nguyễn Trường lặng lẽ sáng tác.
Năm 1992, cuốn tiểu thuyết đầu tay “Mộng đế vương” được xuất bản thì năm 1993 anh bộ đội Nguyễn Xuân Trường trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng từ đó, ông lấy bút danh Nguyễn Trường. Khoác ba-lô từ miền nam ra miền bắc, nhập học khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du, ông kể, trong lớp chỉ có ông và nhà văn Dạ Ngân đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong mắt thầy cô, bạn bè, Nguyễn Trường là người chân chất, nhu lành. Là hội viên, lại từng kinh qua bộ đội, ông được bầu làm lớp trưởng kèm theo lời nói đùa của mọi người: “Chỉ nhìn qua là biết có tư chất làm lãnh đạo!”.
Tốt nghiệp trường viết văn, Nguyễn Trường trở vào nam, lần lượt làm công việc phóng viên, rồi biên tập viên chi nhánh phía nam của nhà xuất bản Thanh Niên. Công việc báo chí xuất bản gần như chiếm trọn quỹ thời gian của Nguyễn Trường, nhưng từ sâu thẳm ký ức về quê hương, đồng đội vẫn như vang vọng trong ông một lời giục giã phải cầm bút, viết và viết.
Hai chủ đề lớn trong sáng tác của Nguyễn Trường là quê hương và người lính. Truyện ngắn “Quà tặng tương lai” trong chùm tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi của báo Văn Nghệ có “sự tích” khá đặc biệt. Nhà văn Nguyễn Trường kể lại: “Cái tứ của truyện ngắn này bắt đầu bằng nỗi nhớ của tôi về mẹ mình. Ngày xưa, thời chiến tranh, bộ đội về làng tôi được nhân dân, đặc biệt là những bà mẹ thương yêu, chăm chút như con đẻ. Nhiều người mẹ trong số đó đang là vợ lính, mẹ lính. Có người chiến sĩ trước khi lên đường vào chiến trường đã gửi mẹ tôi một bọc vải đựng kỷ vật cá nhân, hẹn ngày hòa bình sẽ trở về xin lại. Mẹ tôi đã giữ bọc vải ấy nhiều chục năm sau hòa bình chờ người lính quay lại, không cho ai mở ra vì bà tin chú bộ đội năm xưa sẽ trở về và lo nếu tự tiện mở bọc vải có thể khiến “các chú nghĩ mình không tốt”.
Câu chuyện này ám ảnh mãi trong tâm thức Nguyễn Trường, nhiều năm trăn trở mà chưa thể viết ra được. Năm 2015, chứng kiến mẹ hấp hối và qua đời thì cảm xúc trào dâng, Nguyễn Trường chọn thủ pháp kể chuyện, bằng giọng một người con kể cho mẹ nghe câu chuyện hai mẹ con từng chứng kiến phút giây bà hấp hối. Niềm xúc động chân thật của tác giả gửi vào truyện ngắn đã lay động, chinh phục được trái tim nhiều độc giả.
Người hay dịch chuyển
Nhiều người nhận xét, văn Nguyễn Trường chân chất, mộc mạc đúng như con người ông nhưng thực tế, có nhiều tác phẩm ông viết bằng bút pháp hiện đại, trong đó phải kể đến “Vương quốc mộng mơ” thuộc chùm truyện đoạt giải. Truyện có lối kể hiện đại, bố cục chặt chẽ, tinh tế. Ngoài ra, trong “gia tài” tác phẩm về đề tài chiến tranh, nhà văn Nguyễn Trường còn có những tác phẩm đáng chú ý như “Đêm chiến tranh” - câu chuyện của một người lính nhìn về cuộc chiến với tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù.
Nói về Nguyễn Trường, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng Biên tập, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ, nhận xét: “Đây là một tác giả rất sung sức. Ông thuyết phục được Hội đồng chung khảo với ba truyện ngắn đều có cấu tứ chặt chẽ, lối diễn đạt thông minh, ngôn ngữ gợi cảm”. Sáng tác của Nguyễn Trường thuộc kiểu “mưa dầm thấm lâu”, càng nhẩn nha, chậm rãi đọc càng thú vị.
Cuộc đời của nhà văn Nguyễn Trường gắn với nhiều dịch chuyển. Từ một anh bộ đội viết văn khoác ba-lô ra bắc đi học, tốt nghiệp lại trở vào miền nam sinh sống, khi công việc, cuộc sống gia đình tưởng đã yên vị với nắng gió phương nam thì anh lại có quyết định chuyển ra Hà Nội làm Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên vào tháng 5-2015. Ở giai đoạn khó khăn của ngành xuất bản, Nguyễn Trường vẫn vững vàng chèo lái con thuyền.
Về công việc, ông chia sẻ rất mộc mạc: “Ngành xuất bản, tôi chú ý song song hai việc là chuyên môn và kinh doanh. Về chuyên môn thì tuyệt đối tránh để xảy ra sai sót, còn kinh doanh phải làm sao thu được hiệu quả kinh tế để vận hành bộ máy, có lợi nhuận cho Nhà xuất bản tiếp tục phát triển trong thời đại công nghệ, nhà nhà người người đọc sách, báo, tạp chí online. Thỉnh thoảng, trong tác phẩm của tôi cũng có xuất hiện nhân vật doanh nhân. Họ được khắc họa với những phẩm chất kiên định, trí tuệ, bản lĩnh và mưu trí. Tôi nghĩ, tuýp nhân vật doanh nhân cần được viết nhiều hơn trong tương lai bởi có nhiều vấn đề đáng khai thác”.
Nói về giải nhất mình vừa được nhận, nhà văn Nguyễn Trường thẳng thắn: “Giải thưởng là đánh giá của một hội đồng căn cứ trên tiêu chí của cuộc thi, còn đánh giá một nhà văn phải bằng sự nghiệp văn chương đóng góp cho đời và phải được độc giả đánh giá trong khoảng thời gian dài với nhiều tiêu chí khác”. Ông cũng đưa ra quan niệm về một truyện ngắn hay “phải đặt ra những vấn đề cốt tử của dân tộc, của đất nước ta hiện nay, trong bối cảnh giao thoa với nhiều nền văn hóa thế giới”; “Ta là người Việt nên làm văn chương trước hết cũng phải phấn đấu tạo ra cái chất “thuần Việt” đã, để cho hơn 90 triệu người Việt đọc”.
Bình luận