TIN TỨC
icon bar

Nhà không có đàn ông

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-11 17:06:07
mail facebook google pos stwis
825 lượt xem

ĐÀO PHONG LAN

Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm 3 tuần lễ. Bà chỉ ốm 3 tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.

Làng tôi chạy dọc ven bờ sông, những cánh đồng lúa xanh um chạy xa hút tầm mắt. Tôi lớn lên giữa đám trẻ làng. Tôi bơi lội giữa sông với người và trâu bò, lăn lê bò toài trên đất với mèo, gà và chó. Tôi chơi khăng, chơi bi, chơi đáo và cắt tóc con trai, nhưng bà vẫn không quên tôi là con gái.

Ngôi nhà của chúng tôi không ồn ào như những ngôi nhà khác. Nó thường vắng lặng. Bà luôn ngồi bất động ở cái tràng kỷ to lớn ở góc nhà, mắt hắt một thứ ánh sáng bất hạnh. Mẹ tôi kết thúc công việc của một ngày, lại đem áo quần rách ra vá dưới ngọn đèn dầu leo lét. Còn cô tôi ngồi sâu vào góc giường, nơi ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn không bao giờ vươn tới, tỉ mẩn ngồi chải tóc. Tôi nằm gối đầu bên lòng mẹ, vẽ những chữ o vô hình trên tường và tập đếm. Lần đầu tiên tôi biết đếm đến bốn cũng là lần đầu tiên tôi biết nhà tôi có bốn người.

Bản tác giả tự đọc:

Ngày lại qua đi, tôi lớn lên như cỏ cây trong vườn. Ngôi nhà của chúng tôi không đông đúc như những ngôi nhà khác, nó thường vắng lặng. Tôi không có ai để gọi bằng cha hay bằng chú. Cái bàn thờ của ông tôi vẫn thả lên khoảng không những làn khói hương dày đặc, bền bỉ và nhẫn nại. Ông vẫn cười rất tươi trên bàn thờ, như tha thứ cho tất cả thế gian.

Cuộc sống vẫn lặp đi lặp lại những vòng tròn bất dịch, chỉ có tôi lớn lên từng ngày từng giờ. Tôi đã thôi đếm số người trong nhà, tôi đếm sang nhà hàng xóm, nhà bên ấy có mười một người. Ba thằng con trai sàn sàn tuổi tôi, chúng nghịch như quỷ sứ.

Cô tôi là cô giáo dạy cấp hai ở làng. Tôi không biết cô dạy môn gì ở trường. Cô ít nói, trầm mặc, lặng lẽ. Có lẽ cô dạy môn địa lý. ở trường tôi, tất thảy thầy cô dạy địa lý đều như thế. Các đường nét trên khuôn mặt cô đều đặn và đoan chính, chúng không bao giờ nổi loạn. Tóc cô cũng óng ả và cũng theo một trật tự, chúng luôn kết thành hai chiếc bím dày.

***

Khi tóc cô vừa chấm eo lưng thì cô trở về cùng với một người đàn ông, chú Hoạt. Đó là một buổi chiều thứ bảy cũ kỹ và quen thuộc. Những hạt bụi vẫn nằm yên ắng trong góc nhà với đám mạng nhện. Mẹ đang dọn cơm, tôi quấn lấy mẹ, bà vẫn ngồi đếm từng khắc trôi qua trên tràng kỷ. Cô về nhà với những bước chân vội vã đầy e thẹn. Cô dừng lại một chút bên cây bưởi, điều mà trước đây cô chưa hề làm. Người đàn ông dắt xe đạp phía sau cô cũng bước vào sân với nụ cười cởi mở, đôn hậu. Bà cũng cười, mắt thôi hắt quầng sáng bất hạnh. Bà rời chỗ ngồi muôn thuở, xăm xắm đi lại, tất bật rộn rã. Lần đầu tiên khi tôi sinh ra, mâm cơm có 5 người.

Đó quả là một sự kiện. Hình như có một luồng sinh khí mới trong nhà, ấm chén trên bàn sáng bóng, mùi trà xanh dịu ngọt toả ra thơm phức. Chú Hoạt cho tôi những viên kẹo xanh đỏ, bế tôi lên lòng. Đó là người đàn ông có khuôn mặt và nụ cười ấm áp, gợi nhớ đến màu đỏ non tươi của viên gạch mới ra lò.

Cha tôi xưa cũng là người đàn ông như thế. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cha trở về làng dạy học rồi vào bộ đội. Mẹ tôi hồi đó là văn công. Hai người cưới nhau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Cha đưa mẹ về sống với bà. Đó là quãng thời gian êm ả và bình yên nhất trong cuộc đời của mẹ.

Cuộc sống cứ bình thản trôi đi. Cha tôi là người đàn ông tốt và có trách nhiệm với lời nói của mình. Và có lẽ vì vậy nên sau câu thú nhận: "Anh đã yêu người khác. Hãy tha thứ cho anh!", cha đã bỏ đi theo người đàn bà nào đó.

Bà xem như không có cha nữa. Bà ốm 3 tuần lễ. Bà bình phục hẳn khi biết rằng mẹ đã có mang. Bảy tháng sau, tôi ra đời. Đó là người đàn ông đầu tiên và cuối cùng của mẹ!

Ngôi nhà của chúng tôi không im ắng và buồn tẻ như xưa nữa. Nó ấm áp và rộn rã như một ngọn lửa. Mỗi tối, mẹ ngồi vá áo quần, bà ngồi bên tràng kỷ, cả hai đều lắng nghe cô tôi nói. Cô vừa ríu rít vừa chải những lọn tóc óng ả vừa kết thành hai bím dày.
Khuôn mặt cô bừng lên một thứ ánh sáng lạ mà tôi chưa bao giờ thấy. Chú Hoạt vẫn đến nhà vào sáng chủ nhật. Đó là những chuỗi ngày đầy ắp tiếng cười nói. Bà như trẻ lại. Sông xanh hơn và mảnh vườn trước nhà bật lên màu óng ả non tươi.

Đề tài của câu chuyện mỗi tối là chú Hoạt. Cô vừa đưa những nhát lược vào mớ tóc vừa nói:

- Anh Hoạt chưa nói gì với con cả! Nhưng con tin anh ấy rất thương con. Anh ấy còn mẹ già và em gái ở quê, anh vẫn nói với con rằng, mỗi lần đến nhà ta, cảm thấy mình như được trở về nhà! Anh ấy bảo tính con giống tính em gái anh ấy lắm!

Những lúc âý bà cười hiền hậu, mẹ mủm mỉm cười nhìn cô. Còn tôi lúc ấy chợt phát hiện ra sao mà cô xinh đẹp thế!

***

Chú Hoạt vừa về quê lên. Chú đem biếu bà tấm khăn nhung, tặng cô cái cặp đựng giáo án, tôi được gói kẹo rất to. Phần của mẹ là một tấm vải màu hoa cà. Chú bảo, chỉ có màu tím ấy là hợp với mẹ. Nó đẹp mộc mạc, giản dị và cũng rất dịu dàng. Mẹ nhờ cô hàng xóm may một chiếc áo. Khi mẹ mặc chiếc áo ấy, cả nhà ngẩn người nhìn mẹ. Chiếc áo kỳ diệu đem lại cho mẹ vẻ dịu dàng đằm thắm, và tôi như thấy một vườn hoa cà tím trải mãi về phía chân trời.

Hình như chú Hoạt cũng cảm thấy như tôi, chú rất hay nhìn mẹ. Mỗi khi đến nhà, chú hay giúp mẹ tôi làm cỏ ngoài vườn, cho lợn gà ăn hoặc chẻ củi. Chú thái rau khoai rất nhỏ và quét nhà rất sạch. Cô ríu rít ra vào và rất hay bẹo má tôi.

Một hôm, nằm ngủ quên trong đống rơm ở góc vườn, tôi tỉnh dậy khi đã về chiều. Gió hiu hiu thổi, những tia nắng cuối cùng của ngày ngả mình mơn trớn những ngọn cây, bầy chim lách chách trong vòm lá. Bỗng tôi nghe tiếng chú Hoạt:

- Tôi thương Nhài từ lâu! Nhài ạ! Xin Nhài hãy nghe tôi nói! Người tôi yêu là Nhài! Bao lâu nay tôi chỉ xem Lam là em gái thôi.

Tôi sửng sốt nhổm hẳn người dậy. Mẹ đang níu lấy gốc xoan, mặt mẹ tái xanh, hằn nét kinh ngạc. Mẹ không nói nổi câu nào. Chú Hoạt vẫn tha thiết:

- Gần 1 năm nay tôi đến đây chỉ vì Nhài. Tôi chưa bao giờ yêu Lam và không hề ngỏ lời nào với cô ấy. Tôi thương bé Ngâu như con gái mình! Nhài đừng lo ngại rằng...

- Không! Không! Anh đốn mạt lắm! Khổ thân Lam! Trời ơi... Tôi không ngờ...

Mẹ chạy vụt vào nhà, tức tưởi và đâm sầm vào cô tôi từ trong nhà bước ra. Cô sững lại:

- Chị làm sao thế? Chị Nhài! Có chuyện gì vậy?

Chú Hoạt cũng vừa đuổi kịp mẹ. Chú buồn rầu nhìn cô tôi, rồi nói:

- Lam ạ! Tôi vừa nói với chị cô rằng tôi yêu chị ấy!

Cô tôi đổ vật xuống. Tôi ngồi trơ ra giữa đống rơm và xé những chiếc lá vàng tung lên theo gió. Lòng tôi cũng tan tác, có một cái gì đó đã theo gió bay đi.

***

Chú Hoạt không đến nữa. Ngôi nhà tối lại. Bà ngồi bất động trên tràng kỷ, thở dài. Mẹ cắm cúi vá áo và không ngẩng lên bao giờ. Cô ngồi sâu vào góc giường như tránh làn ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn dầu đang vươn tới. Tôi loay hoay giữa cô, giữa bà và mẹ, không biết nói gì. Tôi vừa mới lên 10 tuổi.

Thời gian lặng lẽ trôi đi. Những mụn vá của mẹ dày lên theo năm tháng. Cô vẫn cặm cụi chải tóc, những lọn tóc mỏng dần. Chúng thôi óng ả. Cô không tết thành bím mà cặp sau lưng. Mỗi khi cô bước đi, mớ tóc lại đập nhè nhẹ vào lưng, buồn bã cam chịu.
Và chúng tôi cứ sống như thế. Khi tôi tròn 15 tuổi thì bà tôi mất. Bà chết ngồi trên tràng kỷ. Trước đó, bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng, bà muốn sau khi chết, hãy đặt xác bà lên chiếc bè rồi thả xuôi theo dòng sông và chỉ chôn bà ở chỗ nào chiếc bè dừng lại. Chúng tôi theo chiếc bè xuôi dòng, đi mãi. Chiếc bè trôi đến chân ngọn núi có mộ của ông tôi thì dừng lại. Dân làng đặt bà bên cạnh ông. Giờ đây bà không còn ngồi lặng lẽ trên tràng kỷ nữa, bà đã nằm bình yên trong đất.

Vài năm sau, tôi lên thành phố học đại học. Ngôi nhà rộng thêm, hun hút. Mảnh sân ngày một sậm rêu. Hai người đàn bà của tôi ở lại nhà. Ngôi nhà cho đến bây giờ vẫn không có đàn ông./.

1992

(Đăng báo Tiền Phong năm 1995)

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm