- Tin tức văn nghệ
- Nhà văn Trịnh Minh Hiếu và “Giấc cỏ dụ”
Nhà văn Trịnh Minh Hiếu và “Giấc cỏ dụ”
Cách đây tròn 10 năm, năm 2013, Trịnh Minh Hiếu ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013), tròn một năm sau, chị lại cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai mang tên “Thúy Mầu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014). Hai tập truyện ngắn có cá tính riêng của chị ngày ấy khuấy động làng văn chương không ít.
Tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cũng vào một ngày mùa thu tháng 10 như thế này, đã có một buổi giới thiệu sách của Trịnh Minh Hiếu rất trang trọng. Tôi nhớ buổi ấy, ý kiến chung các nhà văn nhà thơ là đáng giá cao văn chương Trịnh Minh Hiếu.
Tác giả Trịnh Minh Hiếu
Nhà thơ Dương Thuấn khẳng khái cho hay các tác phẩm của Trịnh Minh Hiếu là một sự đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Ngôn ngữ rất điêu luyện, tác phẩm nào cũng bật lên ý tưởng nghệ thuật lôi cuốn người đọc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đánh giá rất cao những nỗ lực, đam mê trong sáng tạo văn học của Trịnh Minh Hiếu. Ông cho rằng, để có được hai tập truyện ngắn chỉ trong thời gian cách nhau năm một, chứng tỏ Trịnh Minh Hiếu đã làm việc một cách say sưa, nhiệt huyết: “Mỗi ngày qua đi, các tác phẩm của chị tốt và hay hơn nhiều”.
Nhà văn trẻ Phạm Thanh Thúy (vốn trước đây là học trò của Trịnh Minh Hiếu tại khoa Viết văn – Báo chí) lại nhận định truyện ngắn Trịnh Minh Hiếu, văn chương dẫu có đa đoan, vẫn luôn nhân hậu và chân thành…
Thế rồi cũng đã 10 năm. Trên tay tôi lúc này là tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ”, tập truyện mới nhất của Trịnh Minh Hiếu mới xuất bản trong năm nay, 2023 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tập truyện bao gồm 15 truyện ngắn, mở đầu là “Độc thân”, và cuối tập là truyện “Ngày Covid”… Cũng có cái gì khang khác hai tập trước, khi bìa sách rực rỡ hơn, uốn éo hơn, gợi cảm hơn và văn chương bên trong cũng sắc sảo, dục lạc và mê đắm hơn: “Thôi, về đi, phàm kẻ Người khó giáo hoá! Các người khôn ngoan, ma quái, quỷ quyệt, nhưng cũng đớn hèn, dục lạc… Các người phàm trần hữu danh, hữu thực, một cõi trung dung. Vậy còn muốn gì hơn? GIỎI! KẺ NGƯỜI GIỎI! (Truyện Giấc cỏ dụ). “Phải chăng, đó là mê khúc cám dỗ ngọt ngào trong khúc cong cong, trong trò chơi zich zac của nghệ thuật. Mê khúc của những ảo tưởng, định mệnh, đã thăng hoa tâm hồn nghệ sỹ lên tầng cao của mây trắng, nắng vàng. Tầng ngự trị của những vì sao lớn toả sáng giữa bầu trời nhỏ bé (Truyện Bóng nghiệp)”.
Nhà văn lão luyện Tạ Duy Anh suy tư về những dòng văn này: “Khác với những tập truyện trước dựa chủ yếu vào cảm hứng, lần này tác giả Trịnh Minh Hiếu có ý thức rõ ràng trong “dựng truyện”, tức là muốn nâng tầm mình lên thành người phát ngôn,ít ra cũng là phát ngôn cho một lớp người cùng thời… Đọc những truyện trong tập đều dễ nhận thấy là tác giả tiếp tục định hình cho mình một giọng điệu, thứ mới chỉ manh nha ở những tác phẩm trước đây. Điều này luôn là quan trọng với bất cứ người cầm bút nào. Có giọng văn riêng, thứ giọng hơi phớt đời, có xu hướng trào lộng, là chuyện không phải cứ muốn là được…”
Bìa tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ”
Trong Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, chẳng hiểu thế nào bốn anh em Đại học sư phạm Văn Hà Nội chúng tôi lại ngồi chung một mâm: GS TS Trần Đăng Xuyền; TS Lê Thị Bích Hồng; Thạc sỹ Trịnh Minh Hiếu và kẻ viết đôi dòng này. Tôi và giáo sư Xuyền hơn tuổi Hồng và Hiếu, là bộ đội từ chiến trường về học, và học cũng trước các em mấy khoá. Nhưng tư chất của các thế hệ sư phạm Văn bao giờ cũng thế, đến băm bổ lính tráng như tôi mà cũng đã rất nền nã, có gì hơi trịnh trọng một chút, và bao giờ trong cư xử cũng lấy chữ Văn - Nhân văn làm đầu.
Trần Đăng Xuyền là Phó hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội, Lê Thị Bích Hồng là cán bộ cấp Vụ Ban tuyên giáo Trung ương, Trịnh Minh Hiếu cũng diện “có mày có mặt” ở Cục Biếu diễn nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Này. Sư phạm văn nhà mình quả thât bao giờ cũng là Âm rất thịnh ông nhỉ” - Tôi nói với Xuyền, khi thấy Lê thị Bích Hồng và Trịnh Minh Hiếu viết rất khoẻ và luôn hoạt động rất sôi nổi, “vua yêu chúa dấu” đã đành, mà đồng nghiệp anh em cũng rất trân trọng thân tình và cả nể.
Tôi lại phải viện dẫn nhời ông nhà văn tinh đời Tạ Duy Anh viết về Trịnh Minh Hiếu: “Trong làng văn, Trịnh Minh Hiếu là người khiêm tốn hiếm thấy. Chị ít khi xuất hiện trước đám đông trong tư cách một tác giả, mà luôn với tư cách độc giả. Hiền lành, hóm hỉnh, tốt bụng, chị cứ thản nhiên sống, và lặng lẽ quan sát, cóp nhặt những chi tiết đời sống góp lại làm vốn. Mặc ở đâu đó các đồng nghiệp cao đàm khoát luận về những điều to lớn, mặc ai đó dè bỉu thị trường văn chương mất giá và ngày càng ít sự hữu dụng, mà nạn dịch covid quái ác hoành hành và, cũng một cách lặng lẽ , chị bỏ lại phía sau mọi lời khen chê, chỉ cặm cụi sống với những kiếp người lầm lụi, bị lãng quên, bị gạt ra lề để tìm cho họ một khuôn mặt, một tính cách, một nhân cách, một tiếng nói, một thân phận…”
Nếu có gì tôi cần viết thêm về nữ nhà văn đồng môn này của chúng tôi thì là Hiếu học Đại học sư phạm Xuân Hoà. Sau về làm Thạc sĩ ở Đại học Sư phạm 1. Được thầy Nguyễn Đăng Mạnh hướng dẫn luận văn. Thầy Chu văn Sơn, cô Nguyễn Bình, Thầy Trần Đăng Xuyền dạy bảo, chỉ dẫn. Từ thời sinh viên hay khi về Hà Nội làm luận văn thạc sỹ, Hiếu đã rất lành hiền và kín đáo, tinh tế.
Phong cách văn chương Trịnh Minh Hiếu khá đa dạng, nhiều cảm xúc và suy ngẫm về cuộc đời rất sắc sảo nhưng cũng rất tinh tế, khi tai quái nhưng cũng có khi như ngọn lửa sưởi ấm lòng người. (Trong ảnh Trịnh Minh Hiếu bìa trái)
Đứng trên bục giảng – Hiếu đã dạy ở cả những giảng đường lớn cả văn chương báo chí, rất sôi nổi và kiến thức vững vàng. Ngay từ thời sinh viên, dù học sư phạm, chúng tôi luôn hiểu em là gái Bắc Ninh miền quan họ, lai sinh trưởng trong một gia đình nho nhã văn chương, thế nào rồi cũng có lúc cầm bút, và hẳn cái sự “ đa tình đa cảm đa đoan” này chắc chắn sẽ ám vào văn chương.
Là tôi cảm nhận từ ngày ấy như thế, chứ cũng chưa thấy hiện rõ ra qua các trang sách nào của Trịnh Minh Hiếu. Mà chỉ thấy con bé hiền lành dạo ấy, nay viết văn lại sắc sảo quá, bóc mẽ cuộc đời nhất, là giới trọc phú trưởng giả học làm sao cùng những quy luật đời chảng mấy ngại ngần, khiếp quá, như khi em viết truyện “Chuyện thời thế”: ”Tiền bạc của cải là chuyện nhỏ. Có khi nay tụ mai tán, phèo như bọt nước, Chỉ có danh mới đặng. Đời người hữu hạn nhưng danh lưu trường cửu. Có danh, tức có lợi. Danh sinh lợi. Giàu, nhưng phải sang danh, sáng giá. Giàu, không có danh, khác gì trọc phú chôn chĩnh vàng trong nhà không khác gì chĩnh tương chạn bếp…”
Kinh!
Nhưng đọc thiên truyện “Độc thân”, lại thấy ấm áp vô cùng. Không phải bỗng nhiên mục Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc truyện này, hiều thư gửi về khen ngợi lắm. Một phong cách viết khác hẳn, ấm áp và giàu cảm xúc. Chứng tỏ Trịnh Minh Hiếu phong cách văn chương khá đa dạng, nhiều cảm xúc và suy ngẫm về cuộc đời rất sắc sảo nhưng cũng rất tinh tế, khi tai quái nhưng cũng có khi như ngọn lửa sưởi ấm lòng người…
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật