TIN TỨC
icon bar

THƯƠNG | Truyện ngắn của Đặng Tố Nga

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-20 16:33:19
mail facebook google pos stwis
4561 lượt xem

ĐẶNG TỐ NGA

KTS Đặng Tố Nga trên bìa một cuốn sách của mình


05.00 chiều, Sơn chuẩn bị đóng cửa studio thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, rụt rè. Một cô gái, đúng hơn là một thiên thần xuất hiện. Cô gái có đôi mắt to lạ thường. Theo giải phẫu học thì cầu mắt và độ cong bán phần trước của tất cả mọi người châu Á đều có kích thước gần như nhau. Mắt to hay nhỏ là do độ mở của mí mắt. Do vậy những người châu Á mắt rất to thường bị lồi vì bán kính cong vỏ nhãn cầu nhỏ mà độ mở mí mắt lớn. Ấy vậy mà đôi mắt to tròn này lại sâu thăm thẳm làm Sơn ngỡ ngàng đến mức quên cả việc chào hỏi.

- Chào anh! Cô gái có vẻ lúng túng.

- Ồ, chào em! Em muốn chụp ảnh à? Hết giờ rồi nhưng anh vẫn sẵn lòng chụp cho em.

- Dạ không, em muốn book lịch chụp ảnh cô dâu cơ.

- Ok, em có yêu cầu gì đặc biệt không hay để anh đạo diễn cho em một bộ ảnh theo cách anh cảm nhận về vẻ bên ngoài của em?

- Em muốn chụp ngoài trời, phong cách đơn giản và tốt nhất là làm sao để chi phí không quá cao. Em không có nhiều tiền...em là sinh viên.

- Vậy mình sẽ chụp ở Bách Thảo nhé? Thứ bảy này anh đang trống lịch. Em cùng với chú rể đến đó nhé. Sẽ có một bộ ảnh tuyệt vời.

Sơn nói và tưởng tượng sẽ cho đôi trẻ đi bên kia hồ và anh từ bên này hồ dùng ống tele chụp sang, tự nhiên, không dàn xếp, không diễn. Cô gái quá đẹp, không góc chết, thêm nữa mùa này mặt trời thấp nên ánh sáng hoàn hảo, chắc chắn anh sẽ có một bộ ảnh ấn tượng.

- Không có chú rể, em chỉ muốn chụp ảnh cô dâu, một mình thôi ạ.

Nếu đôi mắt cô gái không đặc biệt đến mức biết nói như thế hẳn là anh đã nghĩ rằng bọn trẻ bây giờ thật phù phiếm, muốn chụp ảnh cô dâu đơn để đăng Facebook đây mà. Nhưng không phải vậy, đôi mắt ấy đang kể cho anh một câu chuyện buồn vô hạn. Bản năng hiệp sĩ trỗi dậy khiến Sơn nắm chặt vai cô gái và dịu dàng nói:

- Được rồi, anh sẽ chụp cho em ảnh cô dâu đơn, nhưng cô dâu này là một nàng công chúa xinh đẹp.

Anh mở điện thoại để viết vào phần nhắc việc: "chụp ảnh cô dâu đơn, cho..."

- À xin lỗi em tên gì nhỉ?

- Dạ, Thương, em tên Thương.

- Chiều thứ bảy, 2 giờ em đến đây nhé, rồi anh sẽ chở em tới địa điểm chụp.

***

Thương và mẹ sống trong một căn phòng nhỏ tối om, ẩm thấp ở tận cùng của một ngõ nhỏ trên phố Bà Triệu.

Mẹ của Thương không phải là một người phụ nữ bình thường như mọi người. Bọn trẻ con ở phố gọi bà là "bà Lan điên". Thực ra thì bà không điên, trí não bà hơi kém phát triển thôi. Bà luôn cười ngô nghê trong bất kỳ hoàn cảnh và trạng thái cảm xúc nào, dù vui hay buồn. Tuy ngớ ngẩn vậy nhưng bà cũng hiểu khá nhiều điều và biết làm việc nhà như quét dọn, lau chùi, nấu ăn. Bà Lan sinh ra và lớn lên trong căn nhà này cùng với hai người anh trai nữa. Mẹ bà thương bà lắm nhưng hai người anh trai thì không như vậy. Bà như cái gai trong mắt họ, nhất là khi bố mẹ của bà về hưu và họ phải gánh vác việc nuôi bà.

***

Năm "Lan điên" 28 tuổi, một người quen của gia đình xin được cho cô một chân quét dọn vệ sinh ở bệnh viện. Công việc này giúp cô có chút tiền nuôi thân và được giao tiếp với nhiều người. Khuôn mặt, ánh mắt của cô từ đó cũng trở nên linh hoạt hơn.

Nếu không bị ngớ ngẩn như thế hẳn Lan sẽ là hoa Khôi của phố Bà Triệu này. Khuôn mặt cô thanh tú với đôi mắt to, đen láy và làn da trắng như trứng gà bóc. Dáng người cô cao, thon thả và ngực nảy nở tới mức khác thường. Có lẽ ông Trời nhầm tưởng rằng ban cho cô vẻ đẹp đó là bù đắp cho sự thiếu hụt về trí não của cô. Ai ngờ đâu rằng điều đó đã làm hại cô. Một buổi tối cô trở về nhà quần áo xộc xệch, tóc rối tung và đôi mắt đờ đẫn. Mẹ cô thấy vậy ôm cô và gào lên:

- Ai? Đứa nào đã làm gì con tôi thế này?

Cô cừoi ngờ nghệch và lắp bắp:

- Con không biết, con đau lắm.

Mẹ cô khóc ngất đi:

- Nó không bình thường mà, sao ai nỡ hãm hại đời nó thế này Giời ơi!

Thế rồi điều mà mẹ cô lo lắng đã tới: bụng cô to dần lên mỗi ngày. Đủ tháng đủ ngày, cô sinh hạ một bé gái đẹp như một thiên thần với đôi mắt to đen láy của cô. Bà ngoại đặt tên cho bé là Thương, với ẩn ý: đau thương. Ai đến thăm cũng trào nước mắt khi nhìn thấy cô mỉm cười hạnh phúc với đứa con bé bỏng, khác hẳn nụ cười ngô nghê ngày thường. Hễ thấy con khóc là cô bế con lên cho bú ngay. Cô rất thương con, biết bế con, nựng con nữa.

Bé Thương lớn nhanh, khoẻ mạnh và thông minh lắm. Bà ngoại dành cho mẹ con Thương 1 căn phòng nhỏ trong căn hộ vốn đã chật chội của gia đình. Bà quyết định để toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình cho Thương ăn học. Điều này càng gây khó chịu cho hai bác của Thương. Họ không thừa nhận Thương là cháu. Họ cấm con cái họ chơi với Thương. May sao Trời phú cho Thương một ý chí kiên cường, mặc bạn bè trong phố chế giễu vì con bà điên, mặc gia đình hắt hủi, con bé vẫn lớn lên xinh đẹp và học rất giỏi.

Hết cấp 3, Thương thi đỗ thủ khoa Đại học kinh tế. Lúc này hai bác của Thương mới bắt đầu nhận Thương là cháu.

Vì Thương xinh đẹp như vậy nên có rất nhiều bạn trai để ý. Nhưng bố mẹ của các cậu bạn trai này khi biết được gia cảnh nhà Thương liền lập tức cấm con trai của họ giao lưu với Thương. Thương vùi đầu vào học để quên đi tất cả.

Mỗi khi Thương có chuyện buồn, mẹ Thương đều cảm nhận được. Bà ôm cô vào lòng và cười ngô nghê. Thương khóc, vừa tủi cho số phận mình, vừa thương mẹ.

***

Đúng hẹn, Thương có mặt tại studio của Sơn, xách theo vali váy cưới.

- Em vào trong thay váy rồi mình đi nhé. Có chị Hương sẽ giúp em.

"Lạ thật, đẹp thế này mà không có anh chàng nào vo ve bên cạnh" Sơn thầm nghĩ. Cô gái với đôi mắt chứa đầy tâm sự này làm Sơn vừa tò mò vừa xót xa. "Hai mươi tuổi, bạn có khuôn mặt của tạo hoá, 40 tuổi bạn có khuôn mặt do cuộc sống đem lại", Coco Chanel đã nói, nhưng Thương mới 20, và ánh buồn trong đôi mắt của cô ấy không phải của tạo hoá. Đôi mắt của cô mang nỗi sợ của một người sắp sửa nghe một tin gì đó vô cùng xấu. Điều đó khiên Sơn muốn an ủi, muốn trao cho cô sự đảm bảo, hay đưa cho cô một bàn tay.

Thương xuất hiện trong bộ váy trắng tinh khôi, tóc buộc gọn gàng phía sau một cách đơn giản.

- Nào ta đi thôi.

Sơn nói với Thương và hai bạn phụ việc. Tất cả lên xe. Thương ngồi phía trước, hai bạn phụ việc ngồi phía sau.

Sơn vẫn tư lự suốt đường lái xe đến địa điểm chụp. Anh luôn nhìn nhận rất nhanh tính cách của mẫu để có thể tìm ra góc chụp và phong cách ảnh phù hợp. Nhưng cô gái này làm anh thấy thực sự khó hiểu. Thoáng nhìn thì rất trong sáng thánh thiện nhưng nhìn kỹ thì thấy một gương mặt ẩn giấu của Madame Butterfly*.

Anh vẫn chưa tìm được ý tưởng nào cả.

Thay vì chụp ở Bách Thảo, họ tới Yên sở, nơi có một mặt hồ rộng và rất đẹp. Cây cối xanh mướt tự nhiên, không cắt tỉa như ở công viên Yên sở bên kia đường. Sơn chụp một bộ ảnh bình thường với rất nhiều ảnh chân dung. Anh không hài lòng chút nào nhưng thôi, coi như ảnh chụp nghiên cứu, và anh sẽ làm lại một bộ khác.

Quay về studio, Sơn bật máy tính và cho Thương xem những bức ảnh vừa chụp. Không ngờ Thương mừng rỡ reo lên sau mỗi lần nhấp chuột của Sơn để mở một bức ảnh mới:

- Ôi đẹp quá! ...Đẹp quá!...Ảnh này cũng đẹp!

- Em thích thật sao? Thú thực là anh chưa vừa lòng với bộ ảnh này nhưng việc em thích chúng làm anh được an ủi. Anh tặng em đấy. Anh muốn chụp lại bộ khác. À mà em có muốn làm mẫu cho anh không? Em sẽ có lương như một người mẫu thực sự.

- Vâng, nếu em có thể làm được. Thương trả lời không chút do dự.

- Mình ra bàn ngồi uống nước và bàn chuyện chút nhé?

Sơn chỉ tay về phía bộ sofa bằng da màu trắng ngà ở góc phòng rồi mở tủ lạnh lấy bình trà sữa rót vào 2 cốc.

- Tại sao em lại có ý định chụp ảnh cô dâu đơn? Sơn hỏi, cảm thấy mình hơi đường đột nhưng đã quá muộn để rút lại lời nói. Anh bị cuốn vào câu hỏi đó từ hôm gặp Thương lần đầu cho đến nay.

- Vì em bị bệnh, em sắp chết và em muốn một lần được mặc áo cô dâu. Thương trả lời với giọng khá bình thản, duy có ánh mắt không giấu được sự đau đớn.

Sơn quá bất ngờ với câu trả lời. Anh thấy thương cô bé vô hạn. "Em bị bệnh, em sắp chết"...anh bắt đầu chất vấn mọi thứ, vậy cái chết là gì? Có lẽ nó không phải là điều mà từ bao lâu nay anh vẫn hiểu. Lần đầu tiên anh nói chuyện với một người biết mình sắp chết và nói về điều đó một cách đơn giản như việc ta nhắm một mắt lại và không nhìn thấy ai nữa. Cô ấy sẽ không bao giờ chết nếu người thân của cô vẫn thấy cô trong tâm trí. Tuy nhiên thuyết duy ngã cũng có giới hạn của nó. Liệu cách nhìn của anh về Thương có gần với hiện thực hay anh đã bị mất năng lực đánh giá?

Sự thực Thương là ai và từ đâu tới?

Sơn nắm tay Thương, muốn nói một lời an ủi có ý nghĩa nhưng Thương đã tiếp tục:

- Mẹ em không phải một người phụ nữ bình thường. Người ta đã hãm hại mẹ em và em là kết quả của điều xấu xa đó. Chính vì vậy mọi người nhìn em không chút thiện cảm. Một số người tốt thương hại em, những người còn lại xa lánh em. Trong một lần xuống xe bus khi đến trường mấy tháng trước, em bị ngã trượt xuống đường và một xe máy đi ngay sau đó không kịp phanh đã đâm vào em, làm em bị chấn thương cột sống. Khi chiếu chụp xương sống, các bác sĩ đã phát hiện một khối u. Họ kết luận em bị ung thư tuỷ. Em không có tiền chữa chạy nên em cứ sống đến ngày em buộc phải ra đi thôi. Anh xem phim "Một lít nước mắt chưa?". Em sẽ nỗ lực để sống tốt cho tới ngày qua đời, như cô bé trong phim.

Sơn thấy sống mũi cay xè. Tại sao có một con người bất hạnh đến mức này ở trên đời? Đôi mắt Thương toát lên sự cô đơn vô hạn. Chính vì thế mà bình thường cô trầm tư ít nói nhưng khi được hỏi đến thì lập tức cô trải lòng không ngần ngại. Cô cần được nói, được chia sẻ. Một tay Sơn vẫn nắm chặt tay Thương, tay kia anh đặt nhẹ lên bàn tay cô trong tay mình, an ủi:

- Ung thư không phải là bản án tử hình. Nhiều người có khả năng tự khỏi. Nếu em vui tươi lạc quan, em sẽ khỏi hoàn toàn. Anh đã đọc rất nhiều sách về bệnh ung thư. Các phương pháp chữa bệnh mới hiện nay là không can thiệp gì cả.

Bỗng nhiên như hoảng sợ, cô nhích tay ra chỗ khác. Có lẽ điều bất hạnh của mẹ cô đã làm cho cô trở nên cẩn trọng với đàn ông, kiềng canh nóng mà thổi cả rau nguội.

***

Bắt đầu vào mùa hoa súng chùa Hương. Chiếc thuyền chở Sơn và Thương chầm chậm lướt đi trên dòng suối Yến. Lúc này đang là sáng sớm, thôn Yến Vĩ bình yên, mơ màng như cõi thiên thai. Sơn giơ máy lên bấm liên tục. Tà áo dài trắng thướt tha của Thương làm nổi bật màu hồng tím của những bông hoa súng tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Thương lấy tay chạm nhẹ vào những bông hoa đang kiêu hãnh vươn lên mặt nước, mắt cô long lanh khác hẳn bình thường.

- Đẹp quá! Em không bao giờ có thể tưởng tượng một nơi như thế này tồn tại, giống như một thiên đường! Em có thể sống hết đời ở đây.

Thương thở dài.

- Em ổn chứ? Sơn lo lắng hỏi.

- Vâng, em vẫn ổn, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Cảm ơn anh đã đưa em tới đây. Nếu không có anh, em sẽ không bao giờ biết đến một nơi đẹp như thế này.

- Anh sẽ đưa em đi nhiều nơi nữa, đẹp không kém như thế này. Sau mùa hoa súng chùa Hương sẽ đến mùa Tam giác mạch Hà Giang, rồi mùa hoa mận Mộc Châu, hoa Đào Tây bắc... Anh là dân ảnh mà, không mùa nào anh vắng mặt.

Trên đường lái xe trở về, Sơn cảm thấy một cảm xúc lạ lùng. Lẽ nào là tình yêu? Làm sao có thể nói đến tình yêu khi anh mới gặp Thương qua 2 buổi chụp hình. Tình yêu hay sự thương cảm đơn thuần? Ngoài số phận bất hạnh của Thương, Sơn còn chưa hiểu mấy về con người cô. Nhưng chẳng phải chúng ta thấy yêu một ai đó vì chúng ta muốn tìm hiểu, khám phá sự bí ẩn của người đó sao?

Suy nghĩ về Thương không ngừng ám ảnh Sơn những ngày sau đó. Anh cảm nhận tình yêu một cách đột ngột nên anh nghi ngờ nó. Anh sợ nó không phải tình yêu đích thực. Hơn nữa, làm sao để yêu một người sắp chết? Làm sao để vượt qua nỗi đau sau khi người ấy ra đi?

Anh muốn nhắn tin hoặc hẹn gặp Thương nhưng anh sợ làm tổn thương cô, vì cô đã chịu quá nhiều đau khổ rồi. Chiếc điện thoại bắt đầu tra tấn anh. Sơn không ngừng cầm nó lên rồi lại đặt nó xuống. Anh mở Facebook của Thương, xem những tấm hình do chính anh chụp, đọc những dòng comment của bạn bè cô. Có lẽ Thương sẽ vui vì những lời khen ngợi này. À phải rồi, anh sẽ chụp cho cô thật nhiều ảnh đẹp, để cô có niềm vui post ảnh mỗi ngày.

- "Chào em, tuần này em rảnh ngày nào? Anh cần đi chụp ảnh cánh đồng lúa chín ở Hà Tây". Sơn nhắn cho Thương.

- "Em chỉ có chiều nay rảnh thôi, cả tuần em bận rồi."

Chiều nay Sơn có kế hoạch khác rồi, nhưng kệ thôi, anh sẽ hoãn, sẽ huỷ tất cả để gặp Thương. Anh bắt đầu bồn chồn, hồi hộp. Còn mấy tiếng nữa mới tới giờ hẹn nên anh định sẽ chỉnh nốt bộ ảnh của khách anh mới chụp. Nhưng anh chẳng thể làm được gì cả. May là Thương hẹn chiều nay, chứ nếu hẹn cuối tuần thì không biết anh sẽ làm sao để sống sót tới ngày đó.

***

Đây là lần đầu tiên Thương được thấy tận mắt cánh đồng lúa chín. Cả một biển vàng mênh mông lấp lánh dưới ánh mặt trời. Từ nhỏ đến lớn sống trong ngõ nhỏ chật hẹp nên khoảng không bao la này làm Thương thấy mình tự do như được bay lên. Cô dang tay ra và chạy trên cánh đồng, hít đầy lồng ngực mùi thơm của lúa chín. Nụ cười nở trên môi cô rạng rỡ. Những hình ảnh đó đã được Sơn ghi lại, không chỉ bằng máy ảnh mà bằng cả con tim.

Chiều muộn, Sơn đưa Thương về nhà trong ánh hoàng hôn. Qua một cái ao lớn như một cái hồ, Sơn dừng lại cho Thương ngắm bóng mặt trời in trên mặt nước. Thương cảm động lắm, từ ngày biết Sơn, cô được biết bao nhiêu điều đẹp đẽ trên đời. Trước đây, cuộc đời cô toàn một màu xám xịt, chỉ có kết quả học tập là có chút ánh hồng thôi.

- Cũng muộn rồi, mình đi ăn tối luôn nhé?

- Em không thể, em phải về nhà ăn với mẹ. Em chưa bao giờ để mẹ ăn tối một mình.

- Vậy thì ta về đón mẹ cùng đi ăn nhé? Anh muốn được gặp mẹ em.

- Nhưng...mẹ em...có bình thường đâu. Thương ấp úng, một màn mưa vụt kéo qua mắt cô.

- Thì sao chứ, anh muốn mời mẹ đi ăn cùng chúng ta. Em đừng nghĩ linh tinh nữa. Mình qua nhà đón mẹ em rồi qua quán cơm Việt Nam ngay gần nhà em ăn tối nhé.

Sơn đỗ xe ngoài ngõ, đợi Thương vào nhà đón mẹ. Phải đến 20 phút sau, Thương cùng với mẹ đi ra. Sơn vội xuống xe.

- Cháu chào cô! Cháu là Sơn.

Mẹ Thương nhìn Sơn cười ngờ nghệch, rồi thân mật bắt tay Sơn. Thương đứng trân trân nhìn Sơn và mẹ, hai hàng nước mắt tuôn rơi.

Quán ăn khá đông người. Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía mẹ Thương nhưng Thương tỏ ra bình thản. Điều cô lo ngại nhất là Sơn thôi chứ thói tò mò của thiên hạ cô đã quá quen rồi. Thương cảm động về những gì Sơn làm cho cô. Trừ bà ngoại ra, chưa có ai đối xử với cô tốt như thế.

"Mẹ em thế nào? Có vui không?" Sơn nhắn cho Thuơng khi về đến nhà.

"Mẹ em vui anh ạ. Em cũng rất vui. Cảm ơn anh rất nhiều"

"Anh nhớ em quá! Em có nhớ anh không?"

"Em có. Em vẫn nhớ anh, gặp lại chắc chắn em vẫn nhận ra anh"

"Ha ha, anh thua em 1-0 rồi. Em thật đáng yêu. Chúc em ngủ ngon nhé"

"Chúc anh ngủ ngon"

Thực ra là Thương cũng rất nhớ Sơn. Cô thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn sự chia sẻ, sự đồng cảm nên chỉ cần một sự quan tâm nhỏ với cô cũng là một kho báu rồi. Cô ôm mẹ thì thầm "mẹ ơi, con yêu rồi mẹ ạ". Mẹ cô ôm cô và cười ngây ngô.

***

Chiều hôm sau, hết giờ học Thương qua studio của Sơn để xem bộ ảnh cánh đồng lúa. Lúc này các bạn cộng tác viên đã đi về hết, chỉ còn mình Sơn ở lại đợi Thương.

Vừa bước vào cửa, Thương ngạc nhiên thấy nột bức ảnh khổ lớn treo trên tường: cô trong chiếc áo sơ mi trắng đang dang tay chạy như một cánh cò bay trên thảm lúa vàng.

- Đẹp quá! Cô reo lên. Mắt rưng rưng xúc động.

Sơn lại gần, cầm tay Thương và nhìn sâu vào mắt cô, anh cảm thấy mình đang chìm trong đôi mắt ấy.

- Có lẽ đây là bức ảnh mà anh thích nhất từ khi biết chụp ảnh đến giờ. Cảm ơn em đã thổi hồn cho bức ảnh.

Sơn ôm Thương. Sự gần gũi này khiến Thương run lên vì hạnh phúc. Những đứa trẻ được bú mẹ trong thời gian dài khi trưởng thành rất thích được ôm ấp vuốt ve. Tuy hoàn cảnh của Thương như vậy nhưng cô đã được mẹ cho bú suốt ba năm đầu đời và luôn ôm cô trong tay. Vòng tay của Sơn lúc này cho cô cảm giác vô cùng ấm áp và tin cậy như người mẹ. Sơn chạm lên môi Thương và họ có một nụ hôn tuyệt vời nhất mà loài người từng biết đến. Đó là nụ hôn đầu đời của Thương.

***

- Em có thể thu xếp đi cùng anh 2 ngày được không? Anh muốn đưa em lên Mai châu. Mùa này cả thung lũng chìm trong sắc vàng của lúa, đẹp vô cùng. Sơn hỏi Thương

- Vậy để em nhờ bà chăm sóc mẹ. Thực ra thì mẹ không cần sự giúp đỡ của ai cả, em chỉ sợ mẹ buồn thôi.

Thương háo hức lắm. Từ ngày yêu Sơn, cuộc sống của cô sang trang mới. Cô được yêu thương, được biết thêm bao nhiêu điều đẹp đẽ.

***

Sơn nắm tay Thương đi giữa thung lũng Mai Châu, cùng cảm nhận mùi hương của lúa và không gian tràn ngập sắc vàng, xa xa là những nếp nhà sàn yên bình. Thỉnh thoảng anh dừng lại để hôn cô. Lòng Thương ngập tràn hạnh phúc, nhưng vẫn có thứ gì làm gián đoạn thiên đường này. Đó là ý thức của Thương thật hoang lạ khi cô nhận ra rằng cô đột ngột có được hạnh phúc sau bao nhiêu năm tháng chìm trong các nỗi bất hạnh, một phản ứng của con người chống lại khả năng mất mát. Nhưng nụ hôn tiếp theo của Sơn lại tới, ngọt ngào tới mức tâm trí Thương nhường hoàn toàn quyền kiểm soát cho thể xác.

Đêm đó, từ thiếu nữ Thương trở thành đàn bà. Cô dâng hiến hết mình cho Sơn để đáp lại niềm hạnh phúc anh đã mang lại cho cô.

Có lẽ, với tất cả những ai đang yêu, không có gì đẹp hơn bầu không khí của buổi sáng sau đêm đầu tiên. Sơn bọc mình trong hình hài và mùi hương của cơ thể Thương. Anh cảm thấy yêu cô hơn bao giờ hết. Phải đến lúc cận kề với cái chết, người ta mới có thể biết chắc được rằng ai là tình yêu của đời mình. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi gặp Thương, anh đã cảm nhận được Thương chính là người phụ nữ ấy. Phải chăng Marsilio Ficino* đã đúng khi định nghĩa của về tình yêu là"niềm khao khát sắc đẹp"? Sắc đẹp của cô đã dẫn anh đến tìm hiểu con người cô: một cô gái trung thực, thông minh, mạnh mẽ nhưng rất dịu dàng.

- Anh yêu em đến mức lúc nào cũng muốn được ở bên em. Chúng mình làm đám cưới nhé. Sơn nói, nước mắt ứa ra từ khoé mắt khi nghĩ đến ngày Thương sẽ được mặc váy cưới đi bên anh chứ không phải đến để thuê anh chụp ảnh cô dâu đơn nữa.

Thương oà khóc. Cô quá bất ngờ và xúc động về lời cầu hôn này. Bỗng cô co rúm người lại, vẻ mặt biểu lộ sự đau đớn.

- Thương! Em làm sao thế? Sơn hốt hoảng

- Em lại bị đau rồi! Có lẽ do em di chuyển đường xa.

- Lại bị đau là sao em? Em bị đau từ bao giờ? Sao em không nói gì cho anh biết?

- Anh đừng lo, một lúc em sẽ ổn thôi.

Sơn xoa lưng cho Thương. Anh nằm áp sát vào người Thương hy vọng hơi ấm của anh sẽ làm dịu cơn đau. Ba mươi phút trôi qua mà cơn đau của Thương không khá hơn. Không hiểu Thương đau đến mức nào, nhưng nhìn cô oằn mình chịu đựng, Sơn quyết định đưa cô đi bệnh viện.

Sơn đưa Thương đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Tại đây, bác sĩ Chu Mạnh Quang, một bác sĩ có bằng cấp rất cao tại Pháp nhưng tình nguyện về bệnh viện địa phương, trực tiếp khám và chỉ định làm một loạt xét nghiệm cho Thương. Sơn lo lắng chờ đợi ở bên ngoài. Đến tận chiều Sơn mới được gặp bác sĩ:

- Tôi đã cho uống thuốc giảm đau, bây giờ cô ấy đang ngủ. Cô ấy có 1 khối u tủy sống lưng từ D12 đến L3, kích thước 6cm.

- Cô ấy sẽ ổn chứ bác sĩ? Liệu có nguy hiểm đến tính mạng?

- Cô ấy bị ung thư tuỷ sống nhưng anh đừng lo lắng quá. Đây là một bệnh của tế bào tạo máu, nên cần loại trừ các tế bào máu có chứa gen BCR – ABL bất thường gây tăng sinh tế bào máu bị bệnh. Hiện nay phương pháp trị bệnh bằng Ghép tế bào gốc là cơ hội duy nhất để người bệnh lấy lại được cuộc sống khỏe mạnh. Khi về Hà nội, anh nên đưa cô ấy đi khám tại bệnh viện ung bướu, ở đó các bác sĩ chuyên ngành sẽ tiến hành phác đồ điều trị cho cô ấy.

Sơn quyết tâm dồn hết tiền bạc để chữa chạy cho Thương, dù anh có phải bán hết cả nhà và xe. Sức khoẻ của Thương lúc này là điều quan trọng nhất đối với anh.

***

Thương tỉnh dậy, thấy Sơn đang ngồi bên cạnh giường cô. Anh mỉm cười dịu dàng:

- Em dậy rồi à? Em còn đau nữa không? Bác sĩ nói khi nào em tỉnh dậy mình có thể về.

- Em hết đau rồi anh ạ.

- Anh xin lỗi, anh vô tâm quá. Anh đã không đưa em đi khám. Anh đọc ở đâu đó rằng tế bào ung thư sợ nhất là tình yêu, nên anh nghĩ, bằng tình yêu của mình anh sẽ làm cho em khỏi bệnh. Anh biết rằng việc hoá trị hay xạ trị có hại nhiều hơn có lợi, nên anh không muốn em thực hiện nó. Nhưng bây giờ anh mới biết về phương pháp ghép tế bào gốc. Em sẽ khỏi Thương à. Anh biết em kiên cường lắm, phải không tình yêu của anh?

***

Sau khi Hội chẩn, các bác sĩ của viện K Hà nội quyết định sẽ dùng phương pháp Dị ghép (Allogeneic) bằng tế bào từ cơ thể một người tương hợp (matched) với bệnh nhân. Một bác sĩ giải thích cho Sơn như vậy.

"Trong phương pháp này sự tương hợp giữa người cho và người nhận rất quan trọng. Thường thì người cho phù hợp nhất là những người thân trong gia đình, họ hàng. Nếu không có thì sẽ dựa vào số liệu đăng ký từ những người tự nguyện ở các trung tâm chuyên về cấy ghép mô, tế bào."

Ngay lập tức Sơn đưa mẹ Thương đến bệnh viện để làm xét nghiệm xem tế bào của bà có phù hợp hay không. Nhưng thật đáng tiếc kết quả cho thấy không có sự tương hợp.

Sơn đã đến gặp bà ngoại của Thương để nhờ bà thuyết phục tất cả những người trong gia đình hiến tế bào gốc của họ cho Thương. Tất cả mọi người kể cả hai bác ruột của Thương cũng tình nguyện giúp cô. Nhưng kết quả vẫn là không ai có tế bào thích hợp.

Sơn đăng bài trên Facebook tìm người tình nguyện giúp Thương. Một làn sóng hiến tế bào gốc lan rộng khắp Hà nội. Nhưng Thương không phải là người có số phận may mắn.

Trong tuyệt vọng, Sơn chợt nghĩ đến cha của Thương. Người đó là ai và đang ở đâu? Anh liền cho đăng tất cả các báo tìm người, kèm theo hình ảnh của mẹ Thương và câu chuyện về sự ra đời của Thương. Đồng thời, Sơn cũng in mẩu tin đó làm nhiều bản và tới bệnh viện Y học cổ truyền, nơi mẹ Thương năm xưa từng làm quét dọn để dán khắp bệnh viện, cả trên những đoạn đường từ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm về nhà Thương.

"Tháng 5/1998. Một người phụ nữ có biệt danh Lan điên (trong hình) đã bị cưỡng hiếp và sau đó đã sinh ra một bé gái. Hiện tại cô bé bị ung thư tuỷ và tính mạng bị đe doạ từng ngày, cần phải làm phẫu thuật cấy ghép tế bào gấp, cha ruột của cô bé chính là niềm hy vọng duy nhất để cứu sống cô, hy vọng người năm xưa sau khi đọc được lời nhắn này, hãy mau chóng liên hệ với Sơn, số điện thoại..."

Hơn một tháng trôi qua, người đàn ông Sơn cần tìm vẫn chưa xuất hiện. Anh gầy rộc đi trong đau khổ nhưng mỗi khi gặp Thương, anh vẫn cố gạn lên những ánh cười trong ánh mắt cho cô.

Không nản lòng, Sơn tiếp tục đăng báo, tiếp tục dán lại những tờ thông báo ở những chỗ đã bị bóc đi hoặc nước mưa làm rách nát.

***

Một buổi chiều, ở Thái Bình, một người đàn ông ngồi đọc báo trong vườn hoa mẫu đơn của mình. Ông trồng hoa Mẫu đơn để dâng Phật mỗi ngày. Bỗng ông thấy dòng tin về Thương và hình ảnh của mẹ Thương, lòng ông dậy sóng.

***

Chuông điện thoại reo vào lúc sáng sớm. Sơn bật dậy. Từ khi Thương ngã bệnh, anh không bao giờ tắt điện thoại khi ngủ. Mỗi lần chuông reo là một lần Sơn hy vọng.

- Chào anh, tôi mới đọc mẩu tin trên báo của anh. Tôi muốn gặp anh. Hiện tôi ở Thái Bình, và tôi sẽ đi xe khách lên Hà Nội vào trưa nay.

Toàn thân sởn gai ốc, Sơn linh cảm điều anh mong đợi bấy lâu đã tới.

- Vâng, cháu sẽ ra bến xe đón bác. Khi nào tới nơi bác gọi cho cháu.

***

Ông Long, người Sơn vừa đón ở Bến xe về quán cafe này, đang ngồi trước mặt Sơn, vẻ mặt rất đau khổ.

- Hơn 20 năm trước, tôi làm nghề xe ôm và thường đứng đón khách trước cổng bệnh viện Y học dân tộc. Hàng ngày tôi vẫn hay gặp cô Lan điên này ra vào bệnh viện. Cô ấy làm lao công. Một hôm, tôi nhận được tin vợ tôi ở quê đã bỏ tôi theo một thằng trong làng. Trong khi tôi ở Hà nội vất vả nắng mưa chắt chiu từng đồng gửi về cho vợ con thì nó lại bỏ nhà theo giai. Tôi đau khổ. Tôi căm thù đàn bà. Và tôi đi uống rượu. Chiều tối muộn ngày hôm đó, trong cơn say, tôi thấy Lan điên đi qua, ngực thây lẩy, lúc lắc theo mỗi bước chân lạch bạch. Điều đó quá khiêu khích tôi. Tôi liền đi theo cô ấy và trêu ghẹo. Cô ấy cứ cười cười. Đến đoạn đường vắng, tôi ép cô ấy vào tường. Cô ấy vẫn cười. Tôi đang say nên không kiểm soát được hành động của mình, và tôi giờ trò đồi bại với cô ấy. Đến lúc cô ấy hiểu ra chuyện và giãy giụa thì đã quá muộn, tôi không thể dừng lại được nữa. Sau đó, tôi trốn về quê, tôi sợ người ta sẽ bắt tôi bỏ tù. Tôi không hề biết rằng cô ấy đã mang trong mình đứa con của tôi. Tôi luôn bị ám ảnh về tội ác đó. Ngày ngày tôi tụng kinh niệm Phật xin được xám hối. Chiều hôm qua, tôi đọc được mẩu tin của anh, tôi định gọi cho anh ngay nhưng rồi lại thôi. Cả đêm tôi không ngủ được. Tình thương của người cha đã bùng lên từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn tôi, tôi muốn cứu con gái mình. Tôi đã phạm sai lầm một lần rồi, bây giờ không thể phạm sai lầm tiếp nữa. Và vì thế tôi đã gọi cho anh vào sáng sớm nay.

Ông Long khóc, hai vai ông rung lên bần bật. Sơn không còn cảm thấy giận ông nữa, dù sao ông cũng là một người đáng thương, và ông lại là cha của Thương. Sơn đưa ông Long đến ngay bệnh viện để làm các xét nghiệm.

Sơn không muốn cho Thương biết việc này, Anh sợ cô bị ảnh hưởng tâm lý trước cuộc phẫu thuật nên anh chỉ thông báo tin vui cho Thương là đã tìm người có tế bào gốc tương thích với cô. Thương oà khóc vì vui mừng. Chưa bao giờ cô cảm thấy muốn sống như lúc này.

***

Thời khắc mà Sơn mong đợi đã đến. Tế bào gốc của cha Thương đã được cấy ghép vào tuỷ sống của cô. Một tuần sau, Thương xuất viện. Sơn đón Thương và cả mẹ Thương về nhà anh để tiện chăm sóc.

Được sống trong tình yêu thương của Sơn và của mẹ, dần dần Thương khoẻ mạnh trở lại. Tế bào của cha cô có một sức sống mãnh liệt trong cơ thể cô, chúng đã tiêu diệt hết các tế bào ung thư. Khi đến hẹn khám lại, tất cả các xét nghiệm của Thương đều cho thấy cô đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Một buổi tối, Sơn và Thương ngồi trên sân thượng hóng mát. Sơn hỏi Thương:

- Em có bao giờ nghĩ đến việc đi tìm cha mình không? Nếu gặp lại ông ấy em có tha thứ cho ông ấy không?

- Trước đây em vô cùng căm phẫn ông ấy. Ông ấy đã làm hại đời mẹ em. Nhưng từ khi em yêu anh, em thấy mọi thứ trên đời đều đẹp hơn, em trở nên độ lượng hơn nên em nghĩ em có thể tha thứ cho ông ấy. Mà thực ra, mẹ em cũng không đau khổ vì điều đó, mẹ không đủ nhận thức để hiểu đó là nỗi nhục. Hơn thế, mẹ lại hạnh phúc vì có em bên cạnh. Có lẽ em phải biết ơn ông ấy vì nhờ có ông ấy mà em có mặt trên đời này, để được yêu anh.

Sơn quay sang quàng tay qua vai Thương và kéo cô vào ngực mình, anh biết cô sẽ bị chấn động bởi điều anh sắp nói.

- Em nghĩ gì nếu người cứu sống em chính là cha em?

Thương oà khóc nức nở.

- Không phải ông ấy đã cứu em, mà chính là anh đã cứu em. Anh đã làm tất cả vì em. Nếu không có anh thì giờ này em đã ở bên kia thế giới. Em biết ơn anh nhiều lắm.

***

Hai tháng sau, Thương trở thành cô dâu đẹp nhất và hạnh phúc nhất thế gian. Trong đám cưới ấy, người ta nhìn thấy một người đàn ông nắm tay mẹ cô và khóc.

"Giờ đây chỉ còn lại ba điều quan trọng: niềm tin, hy vọng và tình yêu-thương.

Song duy chỉ tình yêu-thương là quan trọng nhất.

Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ biết nhẫn nại

Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ biết tha thứ" **

***

Một năm sau đó, Thương sinh con gái đầu lòng, cô đặt tên con là Thương Hà, kết quả của một dòng sông tình yêu-thương không bao giờ cạn của Sơn đã dành cho cô.

HẾT.

Chú thích:

* Marsilio Ficino (1433-1499) Nhà triết học Ý, người đã dịch toàn bộ tác phẩm của Plato sang tiếng Latin.

** trích trong "Tụng ca tình yêu” là đoạn Kinh Thánh bức thư thứ nhất của sứ đồ Paul thành Tarsus gửi tín hữu Corinth .

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm