- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
NGUYỄN XUÂN HƯƠNG
(Sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng).
Nguyên Hùng sinh ra ở cửa biển của dòng sông Lam – phường Nghi Hải thị xã Cửa Lò (trước đây thuộc huyện Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An. Anh là dân kỹ thuật, là Tiến sĩ Thủy công tu nghiệp ở Nga và đã gắn bó với nhiều công trình khắp đất nước. Nhưng ở trong anh luôn có một khoảng tâm hồn dành cho thơ ca mà dường như càng về cuối đời càng phát lộ.
Hẳn là anh đã tích lũy cả một khoảng thời gian dài rồi thổi bùng và rực sáng với những tập thơ, những bài thơ giàu nhạc tính mà các nhạc sĩ đã phổ nhạc thành những ca khúc hay. Anh cho biết, anh mới chú tâm làm thơ trong hai mươi năm gần đây. Thế mà trong khoảng thời gian ấy anh đã xuất bản được 8 tập thơ và có hơn 110 ca khúc phổ nhạc từ thơ anh. Nhiều nhạc sĩ đã “tín chấp” vào thơ anh để phổ nhạc thành những bài hát hay. Đó là cái duyên mà nhiều nhà thơ có muốn cũng không thể. Nhiều ca khúc được VTV, VTC, QPVN và các đài Truyền hình- phát thanh... chọn làm chương trình TGTP, tham gia các chương trình ca nhạc, truyền hình trực tiếp như “Sóng không từ biển”, “Bến Xưa”, Lời hẹn tình quê”, “Em và biển”, “Lời yêu xuân về”, “Ngày bình yên sẽ đến”. Thật đáng tự hào và trân trọng. Trân trọng và khâm phục đức tính cần cù chịu khó của anh khi đã lớn tuổi mà vẫn miệt mài cày bừa trên ruộng chữ để chắt lọc những vần thơ nhạc cho đời.
Vậy tại sao thơ anh có duyên đến vậy?
Triết lý Nhà Phật có nói về chữ “duyên”: Duyên vốn là từ gốc chữ Hán có nghĩa là nguyên nhân, duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc...
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Duyên: 1 d. Phần cho là trời định dành cho mỗi người...” 2 d. Sự hài hoà của một số nét tế nhị đáng yêu ở con người, tạo nên vẻ hấp dẫn tự nhiên...”
Trước hết, anh sinh ra ở làng quê một bên là biển rộng và một bên dòng sông Lam thơ mộng, nơi có làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nổi tiếng bao đời. Làn điệu dân ca này đã được Tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Ngay từ khi được đầu thai trong bụng mẹ và sinh ra, chắc anh đã được nghe các làn điệu dân ca dân gian ví giặm, nghe các ông bà đọc, ngâm thơ Truyện Kiều và ca dao truyền miệng... Khi lớn lên anh cảm nhận được Cửa Lò là một vùng biển đẹp, bãi biển cát trắng thoai thoải chạy dài từ Cửa Lò xuống Cửa Hội gần mười cây số. Xưa kia, người Pháp đã xây dựng khu nhà tầng gọi là Nhà Mát để nghỉ dưỡng. Cách bờ khoảng năm cây số có Hòn Ngư, Hòn Mắt sừng sững chắn bớt bão giông, là tiền tiêu chống giặc ngoại xâm.
Và quê hương anh là một xã có đội thuyền đánh cá nổi tiếng trong vùng. Là hình ảnh cha anh và bà con trên những con thuyền rẽ sóng ra khơi đánh bắt hải sản và lúc trở về bến với những khoang cá, tôm, mực, ốc biển. Là hình ảnh những con thuyền xuôi ngược Sông Lam, những con đò chở khách qua sông giữa hai bờ Trang - Hội, rồi những điệu hò ví giặm đối đáp giữa những đôi trai gái những đêm gió mát trăng thanh. Rồi những ngày biển động sóng dữ, thuyền neo tránh gió bão ở bến sông. Tất cả những hình ảnh này chắc chắn là những ký ức không phai mờ trong tâm trí của thi sĩ để tích tụ thành những vần thơ giàu nhạc tính.
Chính quê hương của nhà thơ và mảnh đất “Thầy đồ Xứ Nghệ” đã hun đúc tâm hồn chàng thi sĩ từ nhỏ mà đến tuổi xế chiều mới thể hiện tài năng của mình. Thơ anh có “Duyên” để thành ca từ của các bài hát thể hiện qua vài ví dụ theo ý kiến cá nhân:
1. Từ hai bài thơ Biển và em và Cửa Hội, nhạc sĩ Lê An Tuyên đã phổ thành bài hát hay nổi tiếng Sóng không từ biển.
Bài thơ “Biển và em” gồm hai khổ, mỗi khổ 4 câu thơ ngũ ngôn:
Anh lớn lên trên sóng/ Nên say hoài biển xanh/ Biển đưa ngàn cánh võng/ Ru bồng bềnh hồn anh/ Em chỉ là giọt nhỏ/ Giữa dòng đời lặng trôi/ Mà trước em, anh ngỡ/ Trước muôn trùng biển khơi.
Quê anh ở biển, cha anh đi thuyền đánh cá, những buổi đón thuyền cha về bến anh đã cảm nhận được nét đẹp của biển khơi làm say đắm lòng người bằng những câu thơ hay. Khi tình yêu đến, dù người yêu nhỏ bé như giọt nước, rất đời thường nhưng đã được anh nâng niu, yêu quý và nâng lên như là “trước muôn trùng biển khơi”.
Bài Cửa Hội chỉ gồm 4 câu thơ lục bát: Hòn Ngư, Hòn Mắt chung chiêng/ Sóng không từ biển từ miền em thôi/ Ngồi đây ai cũng có đôi/ Thương về bên ấy một trời một em.
Hòn Ngư và Hòn Mắt trên nền biển xanh và sóng vỗ tưởng như có dao động trước sóng biển. Sóng từ biển là quy luật muôn đời từ triệu năm nay. Thế nhưng “Sóng không từ biển - từ miền em thôi” là một câu thơ đắt, một phát hiện triết lý hay của Nguyên Hùng. Khi đôi lứa yêu nhau và cách xa bằng khoảng cách địa lý thì nỗi nhớ thương, hờn giận như tạo nên những cơn sóng cồn cào khó tả ở trong lòng. Thật là tình cảm lãng mạn nén chặt trong tứ thơ đầy nhạc tính trên.
2. Từ bài thơ “Gửi dòng sông câu Ví” đã có 5 ca khúc phổ nhạc, trong đó có 3 tác phẩm được chọn đưa vào tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên”: “Gửi dòng sông”, nhạc Hữu Xuân; “Gửi dòng sông câu ví”, nhạc Võ Xuân Hùng và “Bến xưa”, nhạc Lê An Tuyên.
Bài thơ Gửi dòng sông câu ví là một bài thơ thể tự do gồm có 5 khổ thơ, mỗi câu bảy chữ hoặc 8 chữ. Tôi đọc bài thơ này liền mạch từ đầu đến cuối và nhận thấy có nhạc tính rất cao.
“Ta sinh ra từ một dòng sông/ Sông dài rộng, con đò ngang thì bé/ Đạn rít bom gầm cày nát thời trai trẻ/ Khói lửa vừa tan mỗi đứa một phương trời”. Quê hương anh gắn bó với dòng Sông Lam tươi đẹp nhưng anh trải qua một thời bom đạn chiến tranh khốc liệt. Đến đầu năm 1973 khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết thì Miền Bắc không phải chịu cảnh bom đạn nữa. Lúc ấy lứa tuổi như anh đã trưởng thành và xa quê để học hành, công tác. Chính nỗi niềm xa quê tạo nên nhiều cảm xúc nhớ dòng sông, bến đò, con thuyền đánh cá và những xao xuyến thơ mộng bồi hồi:“Gặp lại nhau sông giờ khác xưa rồi/ Bến đò cũ chỉ còn là ký ức/ Ta bên nhau vẫn bồi hồi sóng nước/ Như thuở nào canh bến đợi thuyền cha”.
Bao nhiêu năm sống xa quê nhưng nỗi nhớ về dòng sông luôn in dấu trong anh kể cả từng giấc ngủ, cho dù anh sống tha phương nơi nào vẫn một lòng nhớ về dòng sông, thương cho những người cần mẫn vất vả làm nghề sông nước “Tháng năm dài sống trong cách xa/ Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ/ Dù trôi đâu vẫn không vơi nhung nhớ/ Thương những mái chèo sấp ngửa sớm khuya”.
Hai khổ thơ này có hai câu đối ứng nhau rất hay:
“Như thuở nào canh bến đợi thuyền cha”/ “Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ”. Hình ảnh “thuyền cha” và “dòng sông mẹ” là sự gắn bó keo sơn, như sự cân bằng âm dương trong vũ trụ.
Tám câu thơ của hai khổ cuối của bài thơ nổi bật lòng yêu dòng sông, yêu quê hương đất nước và đặc biệt hai câu thơ “Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm”...đã định vị đặc trưng cho bài thơ, bài hát hay.
“Dòng sông quê bao kỷ niệm ngày qua/ Là bến đậu cho ta chiều xế bóng/ Xin quỳ xuống nâng niu từng con sóng/ Giữ riêng mình- tìm lại tuổi thơ xưa”
“Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm/ Giá mỗi chiều được về quê ngụp tắm/ Giữa trong xanh da diết một cánh buồm”.
Ở bài viết này tôi không phân tích tất cả những bài thơ trong tập thơ này của anh mà chỉ cảm nhận một vài nét sơ lược về chữ Duyên. Xin chúc mừng anh Nguyên Hùng với tấm lòng chân thật và trân trọng.