- Tin tức văn nghệ
- Nguyễn Du nhìn từ Lịch sử Văn học
Nguyễn Du nhìn từ Lịch sử Văn học
Ngày 07/5/2022, tại Thư hiên dịch trường*, diễn giả Nhà văn Nguyễn Trường nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều từ góc nhìn hiện đại.
Trong số các thính giả, có tiến sỹ triết học Dương Ngọc Dũng giảng viên Trường đại học Hoa Sen, các nhà văn, nhà thơ cùng tham gia với các bạn đọc yêu văn chương của trường Đại học Hoa Sen. Buổi giao lưu được Thư hiên dịch trường livestream trực tiếp.
Diễn giả - Nhà văn Nguyễn Trường giao lưu với độc giả.
Bằng các tư liệu trong và ngoài nước, sử liệu Việt Nam kết hợp với tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương… Nhà văn Nguyễn Trường đưa ra một số lập luận mới:
Về quan điểm cho rằng Nguyễn Du bị ép làm quan
Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình khoa bảng và nhiều người làm quan: Cha từng là tể tướng; anh ruột vừa là tiến sỹ, vừa là tể tướng. Nhiều anh em làm quan cho các triều đại Lê - Trịnh, Tây Sơn, nhà Nguyễn. Sinh thời, Nguyễn Du đỗ đạt không cao (đỗ Tam trường, tức là Tú tài ), nhưng vẫn được vua Gia Long, Minh Mạng bổ nhiệm Tri huyện Phù Đức, Tri phủ Thường Tín, Đông các học sĩ, Bố chính Quảng Bình, Cần chính điện học sĩ, Chánh sứ sang Tàu, Lễ bộ tham tri (Tòng nhị phẩm). Không có tài liệu nào nói rằng ông không làm tốt bản chức. Do đó, không thể cho rằng ông bị ép làm quan.
Trong “10 năm gió bụi” Nguyễn Du ở những đâu?
Theo các tài liệu đã công bố trong nước, thì Nguyễn Du có 10 năm về Thái Bình, quê vợ lánh nạn.
Nhưng theo cứ liệu của TS Phạm Trọng Chánh, từ Pháp, Nguyễn Du có 3 năm lưu lạc ở Trung Quốc. Anh em Nguyễn Du tham gia khởi nghĩa ở Tư Nông bị bắt và được Vũ Văn Nhậm khí khái tha chết cho. Sau đó ông chu du 3 năm bên Trung Quốc, đi khoảng 5000 km, từ Liễu Châu đến Hàng Châu. Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh căn cứ vào những địa danh trong các bài thơ Nguyễn Du đã viết, mà những địa danh này khác với lộ trình các quan ta đi sứ sang Bắc Kinh. Rồi Nguyễn Du mua được cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài Nhân. Trở về Thăng Long, ông gặp Hồ Xuân Hương và yêu nữ sĩ 3 năm.
Nhà văn Nguyễn Trường cho rằng đây là điều còn bàn cãi, vì nếu Nguyễn Du ở Thái Bình cả 10 năm, thì là yên ổn rồi, sao còn gọi là “10 năm gió bụi”? Vã lại, làm sao ông có 3 năm yêu nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Trong tập thơ của Hồ Xuân Hương có bài “Cảm cựu kim trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu” nữ sĩ Hồ Xuân Hương có câu : “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn”
Kết hợp các tác phẩm cho thấy ông và nhà thơ Hồ Xuân Hương (lúc đó ở Kinh đô Thăng Long) yêu nhau 3 năm. Tuy nhiên cũng có một số học giả tranh luận lại Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh và cho rằng những cứ liệu ông đưa ra chưa đủ thuyết phục. Vậy giả thuyết trong khoảng thời gian “10 năm gió bụi” Nguyễn Du ở những đâu, vẫn còn là điểm mờ cần có nhiều nghiên cứu để làm rõ.
Truyện Kiều viết ở trong tù và nhân văn hơn văn bản gốc
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 trang 37 tác giả viết: do bị quan trấn thủ Nghệ An sai quân bắt Nguyễn Du tại Cửa Hội khi ông vượt biển vào Nam phò Nguyễn Ánh, rồi bị tống vào nhà tù. Ông nhớ lại thiên truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và sáng tác lại phần mở đầu của Đoạn trường tân thanh bằng thơ lục bát ở trong tù.
Nguyễn Trường so sánh các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân và các nhân vật tương đồng của truyện Kiều để thấy Nguyễn Du hư cấu nhiều chi tiết khiến tác phẩm nhân văn hơn văn bản gốc.
Ví dụ trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều trả thù Thuc Sinh, Sở Khanh, Tú Bà... với những nhục hình kinh người. Ngay cả với Hoạn Thư cũng vô cùng tàn bạo, lột hết áo quần và đánh đến gần chết. Nguyễn Du viết lại: Hoạn thư khi bị xử có nhắc Thúy Kiều về việc cho Thúy Kiều đến lầu văn các để chép Kinh, nhằm tạo điều kiên cho cô trốn đi. Vốn có cha là thượng thư nên nhà Hoạn Thư có chuông vàng, khánh bạc. Hoạn Thư rất khéo, bảo vệ uy tín cho tình địch nên không khai ra chi tiết cô lờ đi để Thúy Kiều lấy chuông vàng khánh bạc làm lộ phí để xây dựng cuộc sống mới. Do đó Thúy Kiều đã tha chết cho Hoạn Thư. Ở đây không chỉ tính người rất cao mà có cả sự thông minh tinh tế ở Thúy Kiều và Hoạn Thư.
Nhà văn Nguyễn Trường còn chứng minh những thi pháp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn rất hiện đại như đưa nhiều hình ảnh vào tác phẩm, nhất là thủ pháp tả cảnh, tả tình, thủ pháp trữ tình ngoài đề, khả năng tu từ, dùng điệp từ, diệp ngữ, khả năng tài tình trong xây dựng nhân vật, đặc biệt là có cả thủ pháp không gian nhiều chiều, đồng hiện, hiện thực huyền ảo.
Trả lời về câu hỏi thính giả vì sao dù có cha anh làm quan lớn, bản thân Nguyễn Du cũng làm quan lớn triều đình, ông vẫn mạnh mẽ lên án nạn tham quan ô lại trong Truyện Kiều; Tiến sỹ Dương Ngọc Dũng lập luận:
Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, được chính Nguyễn Du cho là dân dã, để “mua vui một vài trống canh”. Các bài thơ hàn lâm lúc bấy giờ ông viết bằng chữ Hán và không đề cập đến quan điểm này. Do đó việc ông bê nguyên cốt truyện của Trung Hoa về ô lại tham quan vào tác phẩm của mình cũng là bình thường. Chúng ta không nên đặt quan điểm cá nhân mình vào tác giả cổ đại.
Truyện Kiều nổi tiếng trên thế giới
Đồng ý với ý kiến của Nhà văn Nguyễn Trường: Truyện Kiều dịch ra 23 thứ tiếng trong đó có những ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… với 70 bản dịch, đứng đầu trong các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch;Tiến sỹ Dương Ngọc Dũngbổ sung:
Truyện Kiều nổi tiếng trên thế giới do chủ đề tư tưởng. Thúy Kiều, một phụ nữ có học thức, xinh đẹp, thông minh, tài hoa, được Đạm Tiên báo mộng về số phận long đong của mình trong 15 năm. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Thúy Kiều không hề bi quan, tiêu cực và đã chiến đấu bằng tất cả nghị lực, tài trí, dùng cả sắc đẹp và mọi phương cách để chiến thắng số phận của mình. Đó là góc nhìn của độc giả thế giới góp phần giúp Nguyễn Du được UNESCO ngày 25/10/2013 vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Tại sao lớp trẻ bây giờ không muốn đọc Truyện Kiều, chỉ có các nhà nghiên cứu, học giả say mê và đánh giá cao?
TS Dương Ngọc Dũng trả lời: Có nhiều ý kiến, nhưng theo cá nhân tôi, Truyện Kiều có quá nhiều điển tích che mờ cốt truyện. Nguyễn Du viết lại Doạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng thế hệ nhà văn Việt Nam bây giờ noi gương ông viết lại Truyện Kiều theo ngôn ngữ hiện đại. Thay vì chúng ta khen ngợi thì chúng ta nên làm mới tác phẩm này như cách chúng ta dịch ra 23 thứ tiếng là chúng ta đã giúp Đại thi hào Nguyễn Du làm mới tác phẩm của ông.
_____
* Thư hiên dịch Trường là không gian dịch thuật kiêm thư viện mang tên Thư Hiên, ra mắt ngày 27/3/2021 tại tháp S6, The Sunavenue 28 Mai Chí Thọ, phường An Phú, thành phố Thủ Đức; có Hơn 6.000 đầu sách, tài liệu tiếng Việt và ngoại ngữ.
Thuật ngữ “Thư Hiên” là nơi để sách của những người làm việc cùng sách vở.Thuật ngữ "Dịch trường" là tên cơ sở dịch thuật của ngài Huyền Trang thiết lập sau khi từ Ấn Độ trở về Trung Quốc hồi thế kỷ VII, đóng góp rất lớn cho việc chuyển ngữ kinh điển cập nhật tri thức cho người Trung Quốc.
Bài và ảnh: LÊ THANH HUỆ
Bình luận