- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Về Di cảo của cha, truyện ngắn Nguyễn Trường
Về Di cảo của cha, truyện ngắn Nguyễn Trường
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
(Về truyện ngắn Di cảo của cha - Nguyễn Trường)
LÊ THANH HÒA
Mũi tên thời gian
Cho đến nay, chưa có công cụ nào hỗ trợ để loài người thoát ra được cách nhìn thời gian vận hành từ quá khứ đến hiện tại và sẽ xuôi về tương lai (gọi là mũi tên thời gian) với tốc độ hiện có của hệ quy chiếu trái đất. Chỉ có các nhà văn sử dụng thủ pháp xoay chiều mũi tên thời gian và vận tốc của nó trong các tác phẩm văn học.
Truyện ngắn “Di cảo của cha” (Báo Văn nghệ số 4+5+6 - Tết Nhâm Dần) nhà văn Nguyễn Trường tuân thủ nguyên tắc mũi tên thời gian, nhưng dùng thủ pháp lồng ghép tác phẩm trong tác phẩm với không gian: cuộc hành trình của người cha cách đây hơn 30 năm từ làng quê đến bản Giàng, mang con chữ về cho người Thái, người Mường ở các bản: Giàng, Mê, Trận.
Cuộc hành trình thứ hai, của người con (cũng là nhà văn) sau khi người cha mất và cũng cùng không gian đó với đích đến là bản Giàng để thẩm tra lại bút ký “Lên vùng cao” của người cha (nhà văn có phong cách viết mang đậm chất dân dã) với di nguyện xóa bỏ “…đốt đi”.
Bút ký “Lên vùng cao” được người cha viết vào cuối đời và mang đậm mầu sắc hồi ký, gần với tự truyện. Bút ký ghi lại hành trình của người cha, cùng đoàn đi bộ giữa núi đồi hùng vĩ và hoang sơ, mất 2 ngày, từ phòng giáo dục huyện biên thùy Lang Chánh mới lên đến xã Yên Khương.
Được đi xe khách, hành trình của người con chưa đầy ngày, nhờ bút ký nên cảm nhận được “con người chặt rừng, mở phố, đuổi rừng già vào tận những dãy núi cao xa xa kia”. Không còn thấy núi rừng hùng vĩ, hoang sơ, mưa nguồn, gió núi lung linh như trong bút ký của người cha …
Từ Yên Khương lên bản Giàng, thầy giáo chạy bộ một mình theo lối mòn quanh co, vượt núi đồi mông muội, để tránh ngủ đêm giữa rừng nguyên thủy, không bị hổ báo xé xác. Trong cơn sốt rét rừng, giữa đêm đen, thầy giáo phải bỏ lối mòn, chạy tuông qua các bụi gai để đến ánh lửa hồng tỏa ra trong một căn nhà đơn độc cheo leo trên sườn núi, tá túc qua đêm.
Đến bản Giàng, không biết tiếng Thái, thầy chật vật mở lớp dạy cái chữ đồng thời với việc tự học tiếng Thái, cùng làm rẩy, lên nương với dân bản và được dân bản cáp đôi với cô Tỵ “người đẹp rực rỡ nhất bản mới xứng với thầy giáo người Kinh”.
Đây chính là nút thắt buộc người con phải bám theo hành trình người cha để xác minh lại mối tình và nếu có, tìm lại anh em ruột thịt cùng cha khác mẹ, cũng là khẳng định lý do cha mình có di nguyện xóa bỏ bút ký lung linh được ông cụ viết bằng tất cả tâm huyết, trí tuệ vào lúc chạng vạng cuộc đời.
Người con và bạn mình đi mất một ngày bằng “xe máy phân khối lớn cài số nhỏ từ từ bò lên theo đường trôn ốc. Nhiều đoạn đường cao thăm thẳm, quanh co, gấp khúc, xe cứ gầm rú, tung bụi mù mịt bò từng thước một”.
Hai hành trình cách nhau hơn 30 năm đã đến cùng bản Giàng, không chỉ là địa điểm mà khung cảnh được kéo gần lại với nhau: cảnh vật, hạ tầng (đường sá, nhà cửa, sản xuất) lạc hậu, khó khăn, gần giống như đoạn đầu của bút ký, khi thầy giáo lên mở chữ, cứ như do tốc độ khác nhau, thời gian đã chập lại ở nơi đây…
Người con trút được gánh nặng do nhận ra cô Tỵ trở thành bà Tỵ, vẫn còn vương nét đẹp tuổi xuân thì nhưng không có chuyện yêu thầy giáo vùng xuôi như bản làng cáp đôi, so đũa.
Nhưng gặp phải một vấn đề lớn hơn sức tưởng tượng: Bản Giàng trong bút ký của người cha hiện tại đã phát triển huy hoàng có mức sống cao với rừng quế do anh May trồng để khai thác, “trang trại nuôi bò thịt của cô Tỵ” bản làng có điện lưới, đời sống, rất cao.
Là nhà văn, người con có thể đổi bút ký “Lên vùng cao” thành thể loại Truyện ngắn, sẽ thành tác phẩm ngợi ca thành quả do con chữ mang lại cho bản Giàng. Nhưng như vậy, lại rơi vào ngộ nhận “cái chữ” sẽ làm nên chuyện phi thường, không cần thời gian, mồ hôi, thất bại, gian khổ để đổi đời…
Thời gian thực
Con tàu du hành trong không thời gian (không gian và cả thời gian) sẽ đi qua những vùng có vận tốc thời gian nhanh hoặc chậm hơn thời gian của trái đất do đó cần tính toán, hiệu chỉnh thờ gian trên con tàu về thời gian của trái đất gọi là thời gian thực, để điều hành.
Nếu chọn thời gian hiện tại là điểm khởi hành, thời gian nơi đến là tương lai gọi là du hành không gian. Nếu điểm đi và đến trùng nhau trong quảng thời gian rất dài, ta sẽ du hành về quá khứ hoặc đến tương lai của cùng vị trí, gọi là du hành thời gian. Tác giả Nguyễn Trường kết hợp cả hai loại hành trình gọi là không thời gian (di chuyển trong cùng không gian và cả trong chiều thời gian).
Có vẻ do quỹ thời gian có hạn nên người cha chọn thời gian cho điểm đến là bản Giàng thời tương lai xa, lúc đã đuổi kịp mức độ phát triển của miền xuôi.
Người con không thể tính toán, hiệu chỉnh về thời gian thực nên mọi chuyện trở nên rắc rối.
“…Trên kệ có nhiều sách Anh văn ...và ngoài nước gáy dày cộp”. Giá sách là biểu trưng cho một phần nhỏ kiến thức, nhưng chưa đủ để tạo ra công thức hiệu chỉnh thời gian người cha về thời gian thực của người con. Và do thiếu kiến thức để hiệu chỉnh thời gian nên cả cha và con đều có những hành động khác nhau để cùng làm nên chủ đề của truyện ngắn:
Đoạn tuyệt với trang viết lãng mạn, lạc quan phi thực tế:
Việc nhà văn già di nguyện đốt bản thảo bút ký Lên vùng cao là thái độ dứt khoát đoạn tuyệt với cách viết này lúc lâm chung.
“Tác phẩm viết với chủ nghĩa lạc quan thời cha đã sống và cống hiến, rất hợp với thể chế, sẽ dễ được các báo in ấn chăng?”. Đó là câu hỏi, cũng là lý giải của người con để độc giả phần nào thấy được khó khăn của thế hệ cha ông cầm bút. Thực tế cách mạng lúc đó đòi hỏi những tác phẩm lạc quan, cách mạng để động viên quần chúng ra trận và nó thực sự có ích, nhưng kéo dài qua thời bình, xây dựng đất nước, sẽ phản tác dụng.
Rành mạch
“Tóm lại, “Trở lên vùng cao” của cha chỉ có nửa sự thật ở phần hồi ức, còn phần hiện tại trở lại cảnh cũ người xưa là sản phẩm tưởng tượng. Có lẽ thành ý của cha tôi mơ ước vùng cao đổi mới, người người tiến bộ, nhà nhà giàu có mà viết như trên”.
“Ngay cả phần không thực cũng đã hé lộ nhiều điều có thực, vì con đã thấy giá sách trên nhà bà Tỵ. Một thế hệ người dân tộc có học vấn đang lớn lên, phải chăng là nhân quả từ lớp thầy giáo đầu tiên đem cái chữ lên với người dân bản”.
Đánh giá của người con cho thấy sự thẩm định mang tính kế thừa. Khẳng định lại: thế hệ những nhà văn theo chủ nghĩa lạc quan là những người tâm huyết với non sông, đời sau vẫn tìm được phần giá trị để tận dụng và phát huy.
Thực hiện di huấn
Truyền thống người Việt: thực hiện di huấn hoặc không thực hiện nếu di huấn sai.
“Con sẽ biên tập lại và tìm cách in để mọi người hiểu tại sao, bằng cách gì con chữ lên được vùng cao, tạo ra sự thay đổi đến tận gốc rễ tư duy của bà con dân bản”.
Với nguyên tắc đúng: “phải tìm ra sự thật mới được vinh danh”.
Đó chính là chủ đề của truyện ngắn (mang sắc màu lung linh của miền biên thùy đang tàn tạ, phôi phai vì sự tăng trưởng đơn thuần mà không gắn liền với phát triển bền vững) mà tác giả gửi gắm đến độc giả:
Hãy tạm gác lại tình cảm với tiền nhân mà mình yêu thương kính trọng để dùng suy nghĩ rành mạch, xét lại, tìm ra sự thật, thấy rõ đúng sai; từ đó mới có cơ sở gạn đục, khơi trong trước lúc vinh danh; khiến cho sự tôn thờ trở nên đúng đắn và được đời sau chấp nhận.
Bình luận